Chính trị

Báo cáo đề xuất phương án nhân sự lãnh đạo chủ chốt cấp xã sau khi thành lập mới trước ngày 31/5/2025

NGUYÊN ĐOAN 26/04/2025 22:24

(QNO) – Ngày 26/4/2025, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết ký ban hành Hướng dẫn số 07 xây dựng phương án nhân sự cấp ủy xã sau khi thành lập mới.

Tại Hướng dẫn số 07 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nêu rõ: Ban thường vụ cấp ủy cấp huyện báo cáo đề xuất phương án nhân sự lãnh đạo chủ chốt cấp xã và phương án nhân sự cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp ủy cấp xã sau khi thành lập mới về Ban Thường vụ Tỉnh ủy (qua Ban Tổ chức Tỉnh ủy) để xem xét, quyết định trước ngày 31/5/2025.

Có thể xem xét, bố trí nhân sự là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm Bí thư Đảng ủy cấp xã

Theo Hướng dẫn số 07, việc xây dựng phương án nhân sự cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp ủy; phân công cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp xã đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý sau hợp nhất, sáp nhập là công việc quan trọng, cần bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cơ quan chức năng theo quy định, trên cơ sở phát huy đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm của ban thường vụ cấp ủy cấp huyện. Đồng thời, gắn kết chặt chẽ với việc nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Phương án nhân sự cấp ủy cấp xã mới thành lập, bao gồm cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, ủy ban kiểm tra cấp ủy cấp huyện sau khi kết thúc hoạt động được điều động, phân công về cấp xã và cấp ủy viên của cấp xã đương nhiệm, cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.

Việc phân công, chỉ định, bố trí, giới thiệu nhân sự căn cứ vào cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện, ngành, lĩnh vực. Trong đó, đặc biệt coi trọng, để cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực lãnh đạo, uy tín, nhất là có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vị sự nghiệp chung và có kết quả, sản phẩm công tác cụ thể. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ khoa học, công nghệ nhưng không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Tuyệt đối tránh khuynh hướng, tư tưởng cục bộ địa phương, “lợi ích nhóm”, tiêu cực trong phân công, bố trí, giới thiệu cán bộ.

Hướng dẫn số 07 cũng nêu rõ: Không xem xét, phân công, bố trí, giới thiệu giữ chức vụ cao hơn, có vị trí quan trọng hơn đối với cán bộ đã bị thi hành kỷ luật trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 hoặc có vi phạm, khuyết điểm theo kết luận của cấp có thẩm quyền hoặc có thông tin về trách nhiệm cá nhân trong các vụ án, vụ việc, kết luận mà các cơ quan chức năng đang, sẽ điều tra, thanh tra, kiểm tra.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy có thể xem xét, bố trí nhân sự là Tỉnh ủy viên hoặc các đồng chí là giám đốc, phó giám đốc các sở, ban, ngành và tương đương được quy hoạch Tỉnh ủy viên làm Bí thư Đảng ủy.

Trường hợp đặc biệt, nếu đảng bộ có vị trí quan trọng, quy mô kinh tế, hạ tầng giao thông đô thị phát triển, số lượng đảng viên, dân số đông thì có thể xem xét, bố trí nhân sự là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm Bí thư Đảng ủy.

Ngoài ra, xét yêu cầu công tác và năng lực cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có thể xem xét, điều động, bố trí các đồng chí thường trực huyện, thị, thành ủy để chỉ định, phân công giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt các xã, phường mới sau khi thành lập (ngoài địa bàn huyện hiện nay đang công tác).

Phấn đấu thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp xã không là người địa phương

Về tiêu chuẩn, theo Hướng dẫn số 07, tiêu chuẩn cấp ủy viên, ủy ban kiểm tra cấp ủy, các chức danh lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị cấp xã cơ bản thực hiện theo Quy định số 1662, ngày 5/5/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiêu chuẩn chức danh cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Tiêu chuẩn cấp ủy viên nêu tại Chỉ thị số 58, ngày 17/4/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 và các quy định liên quan của cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ.

Trong đó, yêu cầu đảm bảo về tiêu chuẩn chính trị; trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, năng lực lãnh đạo; kết quả, sản phẩm cụ thể… của cán bộ và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị để làm căn cứ, cơ sở xem xét, bố trí theo thẩm quyền.

Đối với phương án nhân sự lãnh đạo chủ chốt cấp xã sau khi hợp nhất, sáp nhập (bí thư, phó bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND), theo Hướng dẫn số 07, căn cứ tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện bố trí, sắp xếp các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp xã (mới) của cấp có thẩm quyền, ban thường vụ cấp ủy cấp huyện xây dựng phương án nhân sự lãnh đạo chủ chốt cấp xã sau khi hợp nhất, sáp nhập.

Trong đó, cần xem xét, bố trí cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu công việc chung là chính; đồng thời, theo thứ tự định hướng như sau: (i) Các đồng chí là thường trực; ủy viên ban thường vụ, phó chủ tịch HĐND, UBND; cấp ủy viên cấp huyện hiện nay...; (ii) Đề xuất tăng cường một số cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở, ban, ngành cấp tỉnh (nếu cần), phấn đấu thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp xã không là người địa phương và khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác, báo cáo phương án về Ban Thường vụ Tỉnh ủy (qua Ban Tổ chức Tỉnh ủy).

Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thẩm định và báo cáo Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến chỉ đạo để hoàn thiện phương án nhân sự chủ chốt của các địa phương trước khi trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định; bảo đảm chặt chẽ, kịp thời, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động liên tục của các địa phương và không bị gián đoạn.

Không bầu cử các chức danh chủ tịch HĐND, UBND

Tại Hướng dẫn số 07, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Thường trực HĐND tỉnh, Đảng ủy UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh phối hợp, hướng dẫn triển khai thực hiện khi có văn bản chỉ đạo của Trung ương theo hướng:

Khi thực hiện thành lập mới đơn vị hành chính cấp xã thì không bầu cử các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND; trưởng các ban của HĐND theo quy định. Giao Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, thường trực HĐND cấp xã căn cứ thông báo của cấp ủy có thẩm quyền quản lý cán bộ, tiến hành thực hiện việc chỉ định, bổ nhiệm nhân sự đảm nhiệm các chức danh liên quan nêu trên đảm bảo quy định.

Trường hợp đặc biệt, cho phép chỉ định nhân sự không phải là đại biểu HĐND giữ các chức danh lãnh đạo HĐND cấp xã mới thành lập.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng giao ban thường vụ cấp ủy cấp huyện phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND tỉnh, Đảng ủy UBND tỉnh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và các cơ quan liên quan trong việc chuẩn bị phương án nhân sự cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp ủy và định hướng phân công cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp xã đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý.

Đồng thời, chỉ đạo thực hiện các thủ tục liên quan theo quyết định của cấp có thẩm quyền và xem xét, quyết định công tác nhân sự của địa phương theo phân cấp quản lý cán bộ và các quy định hiện hành.

Về hồ sơ nhân sự, theo Hướng dẫn số 07, nhân sự chỉ định tham gia ban chấp hành đảng bộ, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy viên ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp ủy cấp xã (mới) phải xây dựng hồ sơ nhân sự theo quy định tại Phần B, Phụ lục 4, Chỉ thị số 58-CT/TU, ngày 17/4/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Cùng ngày, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định số 1951 quy định tạm thời về tiêu chuẩn, điều kiện, tiêu chí bố trí, sắp xếp chức danh cán bộ, công chức xã, phường (mới).
Quy định số 1951 định hướng, cán bộ, công chức được xem xét, bổ nhiệm hoặc giới thiệu ứng cử chức vụ cao hơn phải có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương ít nhất 1 năm (12 tháng); trường hợp đặc biệt, chưa đảm bảo thời gian giữ chức vụ thì Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể trước khi quyết định.
Cán bộ lãnh đạo chủ chốt xã, phường (mới) phải kinh qua hoặc được quy hoạch các chức danh lãnh đạo từ cấp trường phòng hoặc tương đương trở lên tại các sở, ban, ngành tỉnh hoặc ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp huyện, phó chủ tịch HĐND, UBND cấp huyện (trước đây) trở lên.
Cán bộ giữ các chức danh ủy viên ban thường vụ đảng ủy (trừ Công an, Quân sự), phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND, phường (mới) phải kinh qua chức danh lãnh đạo từ cấp phó trưởng phòng tại các sở, ban, ngành tỉnh (hoặc tương đương) hoặc cấp trưởng phòng thuộc cấp huyện (trước đây) hoặc kinh qua các chức danh chủ chốt xã, phường, thị trấn (trước đây) trở lên.
Trường hợp đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét từng trường hợp cụ thể trước khi quyết định.

NGUYÊN ĐOAN