Tam Thanh thiết kế không gian cộng đồng gắn với văn hóa bản địa
(QNO) - Thông qua dự án do Chương trình Định cư Con người Liên hợp quốc (UN-Habitat) triển khai từ nguồn vốn do Tổng Cục Kinh tế Liên bang Thuỵ Sĩ (SECO) hỗ trợ, người dân Tam Thanh (Tam Kỳ) đang cùng chung tay thiết kế các không gian cộng đồng gắn với văn hóa bản địa vùng ven biển.

Xây dựng không gian sáng tạo
Thông qua Bộ Xây dựng, UN-Habitat đã tài trợ thực hiện Dự án trình diễn kiến tạo không gian cộng đồng Tam Thanh. Dự án nằm trong tổng thể kế hoạch phát triển không gian công cộng TP.Tam Kỳ đến năm 2025, tập trung cụ thể hóa các mô hình cộng đồng thân thiện, bền vững và đậm đà bản sắc.
Tại xã Tam Thanh, dự án được triển khai từ tháng 4 đến cuối tháng 7/2025, với trọng tâm cải tạo trục không gian từ biển ra sông - tuyến giao thông sinh hoạt gắn bó mật thiết với cư dân địa phương – dưới tên gọi dự kiến “Dòng chảy Tam Thanh”. Mục tiêu không chỉ dừng lại ở chỉnh trang hạ tầng mà còn nhằm tái thiết lập mối liên kết giữa đời sống sinh hoạt và thiên nhiên, khơi gợi dòng chảy văn hóa xuyên suốt.

Bà Bùi Thu Hiền - Chuyên gia điều phối Dự án thí điểm TP.Tam Kỳ chia sẻ: “Không gian công cộng bền vững không thể xây dựng chỉ bằng những bản vẽ lý thuyết. Chúng tôi đã trực tiếp đo đếm lưu lượng người qua lại, trải nghiệm các lối đi, cảm nhận sự an toàn, thẩm mỹ và sự tiện lợi từ góc nhìn người dân. Đặc biệt, hơn 30 cư dân Tam Thanh đã cùng tham gia khảo sát, trao đổi sinh động về nhu cầu sinh hoạt và mong muốn những thay đổi thiết thực trong không gian sống tương lai”.
Kết quả khảo sát cho thấy, nhiều lối đi bộ còn hạn chế khả năng tiếp cận, thiếu tiện nghi cơ bản, cảnh quan manh mún, thiếu sự kết nối tổng thể. Một số tuyến đường đất hiện trạng lầy lội vào mùa mưa; đất công ven biển và ven sông chưa được khai thác hợp lý, đòi hỏi nghiên cứu kỹ để vừa phục vụ nhu cầu cộng đồng, vừa đảm bảo yếu tố sinh thái.

Bà Hutarte Andrade Maria Daniela - chuyên gia kỹ thuật dự án đến từ Guatemala cho biết: “Dòng chảy Tam Thanh không chỉ là trục giao thông vật lý mà còn là sợi dây kết nối cộng đồng, đưa văn hóa từ biển vào đất liền. Trong thiết kế, chúng tôi chú trọng cải tạo không gian đi bộ, tạo thêm điểm dừng chân, điểm sinh hoạt cộng đồng, tăng khả năng tương tác giữa cư dân và du khách. Đặc biệt, việc khai thác hợp lý các quỹ đất công sẽ mở ra cơ hội tổ chức sự kiện ngoài trời, kích hoạt sinh khí đô thị”.
Trên cơ sở khảo sát, nhóm thiết kế đề xuất hình thành chuỗi không gian sinh động dọc tuyến biển - sông: điểm check-in nghệ thuật từ vỏ sò, khu vực tổ chức trò chơi dân gian, đường nghệ thuật mô phỏng sinh vật biển, các lối đi bộ ven sông cải thiện hệ thống chiếu sáng và cảnh quan xanh mát.

Chúng tôi mong muốn Tam Thanh có một không gian công cộng mang hơi thở của cộng đồng. Mỗi viên đá lát, mỗi ghế nghỉ chân không chỉ phục vụ nhu cầu chức năng mà còn phải gợi lên những câu chuyện làng chài, truyền thống biển cả đậm đà nghĩa tình.
Bà Bùi Thu Hiền - Chuyên gia điều phối Dự án thí điểm TP.Tam Kỳ
Gắn với văn hóa riêng có vùng đất
Khác với các dự án chỉnh trang đô thị thông thường, Dự án trình diễn kiến tạo không gian cộng cộng Tam Thanh xác định mỗi chi tiết trong không gian mới phải phản ánh sâu sắc bản sắc văn hóa địa phương. Không chỉ đẹp về thẩm mỹ, mà còn phải gần gũi với nếp sinh hoạt thường nhật của người dân biển.

Theo Kiến trúc sư Tạ Thị Thu Hương - chuyên gia thiết kế không gian cộng đồng của UN-Habitat, nhóm dự án lựa chọn cách tiếp cận dựa trên những hình ảnh quen thuộc của cư dân Tam Thanh. Dự án không bê nguyên những mô hình cứng nhắc từ nơi khác về. Mỗi đường nét thiết kế phải bắt nguồn từ đời sống người dân. Vì vậy, các hình ảnh như trái tim kết từ vỏ sò, con đường nghệ thuật mô phỏng sinh vật biển, hay những trò chơi dân gian như nhảy lò cò… được đưa vào ý tưởng nhằm gợi lên vẻ đẹp giản dị, thân thương của làng chài ven biển.
Bên cạnh đó, hình ảnh chiếc thuyền thúng gắn liền với nghề biển truyền thống cũng được đưa vào không gian thiết kế như một biểu tượng. Thuyền thúng không chỉ được tái hiện làm cảnh quan mà còn trở thành nơi tổ chức trò chơi dân gian “ô ăn quan” với kích thước lớn, tăng tính tương tác giữa các thế hệ trong cộng đồng”
Kiến trúc sư Tạ Thu Hương - chuyên gia thiết kế không gian cộng đồng của UN-Habitat

Ông Trương Thanh Khôi - Chủ tịch UBND xã Tam Thanh cho rằng, là một vùng đất in đậm dấu ấn của biển cả, Tam Thanh mong muốn mọi công trình được kiến tạo đều phải gợi lên được cái hồn của làng chài. Dù là bảng chỉ đường, băng ghế nghỉ hay điểm nhấn nghệ thuật, tất cả cần giữ được sự mộc mạc, gần gũi với đời sống thực tế. Ngoài ra, vật liệu sử dụng cũng phải tính đến độ bền với khí hậu biển khắc nghiệt, hạn chế tối đa các vật liệu dễ bị ăn mòn, phai màu.
Chính quyền địa phương cũng cam kết hỗ trợ tối đa công tác giải phóng mặt bằng, vệ sinh môi trường và vận động người dân đồng hành. Đồng thời, đề nghị dự án chú trọng mở rộng các không gian sinh hoạt văn hóa, tổ chức chợ phiên, sự kiện lễ hội nhỏ nhằm duy trì sinh khí lâu dài cho khu vực.

Từ góc độ quy hoạch tổng thể, ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ nói: “Cần nhìn nhận dự án không chỉ trong khuôn khổ thí điểm mà còn phải tính đến khả năng mở rộng về lâu dài. Không gian công cộng phải gắn với sinh hoạt cộng đồng, với sinh kế người dân, góp phần phát triển du lịch bền vững. Quan trọng hơn, tinh thần nghệ thuật cộng đồng, văn hóa bản địa phải luôn là nền tảng xuyên suốt”.
Ngoài ra, lãnh đạo thành phố quan tâm chú trọng thiết kế các không gian vui chơi cho thanh thiếu niên, trẻ em, người cao tuổi; bố trí tiểu cảnh bằng thuyền thúng, chum lu, hoa cỏ bản địa để tăng sức hấp dẫn. Các điểm nhấn nghệ thuật cần được bố trí hợp lý, đảm bảo dòng chảy sinh hoạt sôi động cả vào buổi chiều tối.
[VIDEO] - Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ chia sẻ về Dự án trình diễn kiến tạo không gian công cộng cùng cộng đồng Tam Thanh:
Thay vì "Dòng chảy Tam Thanh" khá rộng, chúng ta nên chọn tên gợi hình, giàu cảm xúc hơn, chẳng hạn như "Bản hòa ca Tam Thanh giữa sông và biển", vừa gợi sự giao thoa tự nhiên, vừa khắc họa bản sắc văn hóa địa phương.
Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ
"Địa phương sẽ bố trí kinh phí đối ứng, chủ động phối hợp với các bên liên quan, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để dự án triển khai đúng tiến độ, góp phần đưa Tam Thanh trở thành hình mẫu tiêu biểu về phát triển không gian công cộng gắn với bản sắc văn hóa biển Việt Nam” - ông Nam đề xuất.