Nhà nước và cử tri

Quảng Nam thông qua phương án sáp nhập đơn vị hành chính

HÀN GIANG 28/04/2025 08:00

HĐND tỉnh (khóa X) vừa thông qua các nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã của tỉnh tại Kỳ họp thứ 31.

anh ky hop thu 31 pnagdmf
Đại biểu HĐND tỉnh (khóa X) biểu quyết thông qua các nghị quyết tại Kỳ họp thứ 31 diễn ra ngày 26/4/2025. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN

Lắng nghe ý kiến cử tri

Thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh, hai địa phương Quảng Nam – Đà Nẵng thành lập Ban Chỉ đạo sắp xếp, sáp nhập ĐVHC tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng để chỉ đạo xây dựng “Đề án sắp xếp, sáp nhập ĐVHC tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng, gắn với thành lập các cơ quan hành chính và hệ thống tổ chức đảng, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội” theo các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Căn cứ chủ trương tại Nghị quyết số 60 ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII), quy định tại Nghị quyết số 76 ngày 14/4/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo hai địa phương, UBND TP.Đà Nẵng đã chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổng hợp, xây dựng dự thảo Đề án sắp xếp tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng; báo cáo Ban Chỉ đạo.

Sau khi Ban Chỉ đạo thống nhất chủ trương, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành kế hoạch và hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tổ chức lấy ý kiến nhân dân liên quan đến Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh (hợp nhất tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng thành lập TP.Đà Nẵng mới).

UBND tỉnh cho biết, toàn tỉnh có 424.060 cử tri tham gia lấy ý kiến đối với đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh (đạt 99,02%) và tỷ lệ cử tri tán thành đạt 98,52%. Đối với Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh, có 422.388 cử tri tham gia lấy ý kiến (đạt 98,63%) và tỷ lệ cử tri tán thành đạt 96%.

Đáng chú ý, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân về phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã, cấp tỉnh ở lần đầu lấy ý kiến cử tri, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị thảo luận và thống nhất không đặt tên các xã, phường mới theo cách gọi huyện cũ cộng với số thứ tự 1, 2, 3… hoặc theo phương hướng đông, tây, nam, bắc.

Thay vào đó, sử dụng tên gọi gắn liền với các di tích lịch sử, trầm tích văn hóa có tính đại diện của mỗi vùng đất. Qua lần lấy ý kiến cử tri thứ hai, Tỉnh ủy tiếp tục họp, thảo luận điều chỉnh lại tên gọi một số ĐVHC cấp xã mới sau sắp xếp cho phù hợp với nguyện vọng của cử tri, như tại Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên…

Theo đề án được UBND tỉnh xây dựng và được HĐND tỉnh thông qua tại Kỳ họp thứ 31, sau sắp xếp toàn tỉnh có 78 ĐVHC cấp xã (gồm 11 phường, 67 xã), giảm 155 ĐVHC cấp xã (tỷ lệ giảm 66,52%).

Đầu tư phát triển xứng tầm

Theo lộ trình đề ra, ĐVHC cấp huyện sẽ kết thúc hoạt động và ĐVHC cấp xã mới sẽ hình thành, họat động kể từ ngày 1/7/2025. Còn ĐVHC cấp tỉnh mới bắt đầu hoạt động kể từ ngày 1/9/2025.

Tổ công tác thôn Phú Nam (xã Tam Xuân II) tổ chức lấy ý kiến cử tri về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, hợp nhất cấp tỉnh ngày 1942025. Ảnh TAM XUÂN II
Tổ công tác thôn Phú Nam (xã Tam Xuân II) tổ chức lấy ý kiến cử tri về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, hợp nhất cấp tỉnh ngày 19/4/2025. Ảnh: TAM XUÂN II

Ông Hà Đức Tiến – Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh cho rằng, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp thì cấp xã sẽ đảm nhận nhiều chức năng, nhiệm vụ trong quản lý nhà nước trên địa bàn.

Mặt khác, trong điều kiện cùng lúc thực hiện nhiều chủ trương, quy định mang tính tổng thể về tổ chức bộ máy sẽ có tác động nhất định đến khả năng thực hiện chức năng quản lý nhà nước, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức và người dân, doanh nghiệp.

Để các ĐVHC mới hoạt động ổn định, hiệu quả, tạo thuận lợi cho cán bộ, công chức, người dân sau sắp xếp, trong báo cáo thẩm tra, ông Tiến đề nghị UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo kiện toàn tổ chức bộ máy đảm bảo thời gian quy định; bố trí cán bộ bảo đảm yêu cầu tinh giản gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ phù hợp với thực tiễn địa phương.

Rà soát, phân loại ĐVHC mới; nghiên cứu phân bổ kinh phí hoạt động ĐVHC mới phù hợp. Đồng thời, xây dựng, thực hiện phương án sử dụng hợp lý các tài sản công, tránh lãng phí.

Trao đổi làm rõ thêm các vấn đề liên quan đến việc sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng mong muốn toàn tỉnh tiếp tục tập trung làm tốt công tác tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận cao nhất trong cán bộ, đảng viên, nhân dân của tỉnh đối với việc thực hiện chủ trương sắp xếp này.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng, bộ máy lãnh đạo TP.Đà Nẵng mới sau này cần hết sức quan tâm đến quy hoạch đầu tư phát triển cho đồng đều giữa các địa bàn. Đặc biệt, nghiên cứu tiếp tục quy hoạch đầu tư phát triển các đô thị vùng đông Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành xứng tầm của một thành phố lớn sau này. Nếu “lùi một bước” thì diện mạo đô thị các địa phương này sẽ bị “teo lại”.

“Tôi đang lo nếu không quan tâm kịp thời thì TP.Tam Kỳ sẽ quay lại thời kỳ năm 1997 – khi mới tái lập tỉnh. Ở miền núi cũng tiếp tục đầu tư sắp xếp lại dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vốn là khát vọng lớn của tỉnh nhưng chưa đủ thời gian để hoàn thành. Ở giai đoạn đầu, ĐVHC cấp tỉnh mới nên tổ chức làm việc ở hai nơi để tận dụng cơ sở vật chất hiện nay, giảm bớt các khó khăn cho cán bộ và người dân, doanh nghiệp” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng góp ý.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đức Dũng, với việc thông qua các nghị quyết về tán thành chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh và cấp xã, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam đã sẵn sàng tâm thế cho hành trình mới, tất cả vì sự phát triển chung, vì sự phồn vinh của đất nước. Đây không chỉ là sự sắp xếp, thay đổi đơn thuần về cấp hành chính, ĐVHC mà còn là bước đi mang tính lịch sử, tái cấu trúc không gian quản lý, tạo những động năng mới, tiềm năng mới, đưa chính quyền địa phương sát dân, gần dân hơn, đáp ứng cao hơn yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

HÀN GIANG