Hồ sơ - Tư liệu

Người lính già và ký ức không ngủ yên

NGUYỄN BÌNH 29/04/2025 07:45

Chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ, nhưng trong ký ức của người thương binh Mai Quang Minh (nguyên Đại đội trưởng thuộc lực lượng vũ trang Điện Bàn) một thời bom đạn, hy sinh và quả cảm vẫn in sâu trong từng vết sẹo trên cơ thể. Nay ở tuổi 82, ông vẫn sống trọn với những ký ức của đời lính oanh liệt.

1. Ds Minh và dong doi Anh ky niem o chien truong
Tấm ảnh chụp trong chiến tranh của ông Minh với người đồng đội Nguyễn Quang Ảnh (cầm súng), trợ lý Quân báo Huyện đội Điện Bàn. Ảnh: Ông Minh cung cấp

Mưu trí giữa vòng vây

Ông Mai Quang Minh sinh năm 1943 tại làng Đức Ký (nay thuộc thôn Đông Đức, phường Điện Thọ, thị xã Điện Bàn). Trong kháng chiến chống Mỹ, ông là bộ đội địa phương, tham gia hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, nhiều phen vào sinh ra tử.

Một trong những trận đáng nhớ với ông diễn ra vào mùa khô năm 1965. Ông được giao dẫn đường cho một cán bộ chỉ huy (người mang bí danh Nam) từ căn cứ Gò Nổi (Điện Quang) vượt sông Thu Bồn sang Điện Thọ. Không may, cả hai lọt vào vòng vây tiểu đoàn địch, giữa cánh đồng mía bị phóng hỏa.

Trước tình thế ngặt nghèo, ông Minh nhanh trí bóc bỏ toàn bộ lá mía khô quanh khu vực nhỏ, giấu mình vào giữa để tránh lửa bén vào. Kỳ diệu thay, địch không phát hiện. Chờ lửa tàn, cả hai thoát khỏi vòng vây, trở về căn cứ an toàn.

“Không có cậu, thì anh coi như đã chết chắc”, người thủ trưởng nghẹn ngào nói với ông. Sau này, chính vị cán bộ ấy đã nhiều lần ký tặng ông danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ quyết thắng”.

1. DS Minh voi bo suu tap danh hieu...
Ông Minh và bộ sưu tập hàng chục giấy xác nhận “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ quyết thắng”. Ảnh: N.BÌNH

Tên tuổi của ông Minh cũng gắn liền với trận đánh nổi tiếng vào đồn Ngũ Giáp ở xã Điện Thắng giữa tháng 7/1966. Đây là trận đánh táo bạo với lực lượng chủ lực chỉ gồm 18 cán bộ, chiến sĩ, du kích và đảng viên, cải trang thành dân thường chở ba xe bò “bón phân”.

Trong mỗi xe, 3 bộ đội ẩn mình dưới lớp phân chuồng bốc mùi để địch không kiểm tra. Khi xe đến sát đồn, đồng loạt bộ đội bật dậy, ném lựu đạn và xả súng tấn công. Kết quả, ta tiêu diệt và bắt sống 30 tên địch, giành thắng lợi vang dội.

Ông Minh là một trong những người trực tiếp tham chiến. Dù chiến thắng, ông và đồng đội không khỏi xót xa khi hai cán bộ xã là Trần Kỳ (xã đội trưởng) và Nguyễn Thị Tranh (xã đội phó) anh dũng hy sinh ngay tại trận địa.

Trải qua hàng trăm trận đánh, ông Minh nhiều lần bị thương nặng, song chưa từng nản chí. Có thời gian ra Bắc an dưỡng, nhưng hễ vết thương vừa lành, ông lại xin trở lại chiến trường.

Suốt 15 năm binh nghiệp, ông nhận 11 danh hiệu dũng sĩ, 7 huân chương chiến công, kháng chiến và 5 huân chương giải phóng. Với đồng đội, ông là người gan góc, mưu lược; với địch, là cái tên luôn nằm trong “sổ đen” cần loại trừ.

Di chứng chiến tranh và khát vọng hòa bình

Rời quân ngũ năm 1981, ông Minh đưa gia đình lên vùng núi Trà My (nay là thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My) làm kinh tế mới.

Thoát khỏi khói lửa chiến tranh, ông đối mặt với những di chứng nặng nề. Là thương binh hạng 2 và nạn nhân chất độc da cam, ông mang trong mình hai mảnh đạn (một nằm ở vùng thần kinh hông, một găm trước đốt sống số 8) gây đau nhức dữ dội mỗi khi trái gió, trở trời.

1. Chung nhan Dung s DM 1967
Một trong số hàng chục chứng nhận "Dũng sĩ diệt Mỹ" của ông Minh do thủ trưởng (bí danh tên Nam) ký xác nhận năm 1967. Ảnh: N.Bình

Có lần, một mảnh đạn trong vết thương mũi bất ngờ trồi ra, rơi xuống miệng, khiến cả nhà hốt hoảng. Hiện ông còn bị tiểu đường nặng, một mắt hỏng hoàn toàn, mắt còn lại suy giảm hơn 50% thị lực. Vết thương cũ chi chít khắp người, nhiều đêm hành hạ ông trong những cơn đau quằn quại.

Thế nhưng, điều khiến ông trăn trở không phải là những cơn đau, mà là những mất mát trong chiến tranh. Hồi tưởng một thời trận mạc, ông chỉ mong đất nước mãi hòa bình.

“Tôi từng chứng kiến quá nhiều sinh mạng hy sinh. Không có gì đau đớn bằng chiến tranh. Mọi bất đồng nên giải quyết bằng đối thoại. Đừng để người dân vô tội phải gánh chịu” - ông nói, mắt rưng rưng.

2. Ds Minh va dong doi Xe 2023
Ông Phạm Ngọc Xê (phải) lên Trà My thăm, chụp ảnh lưu niệm với ông Minh hồi năm 2023. Ảnh: N.Bình

Ông Phạm Ngọc Xê - nguyên chiến sĩ Đại đội 1 (Huyện đội Điện Bàn) cho biết: “Anh Minh là người gan lỳ, không sợ hiểm nguy, rất quyết đoán trong chiến đấu. Đồng đội bị hại, anh thường có cách đáp trả buộc địch thiệt hại gấp nhiều lần”.

Người dân Trà My nay quen với hình ảnh người cựu binh có vóc dáng gầy gò nhưng tinh thần vững chãi, miệng thường nở nụ cười hiền hậu. Trong căn nhà đơn sơ ở tổ Đồng Trường, ông cất giữ cẩn thận nhiều tấm giấy chứng nhận, huân chương như một phần ký ức thiêng liêng. Đó không chỉ là minh chứng cho một đời chiến đấu oanh liệt, mà còn là ký ức hào hùng của cả một thế hệ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

NGUYỄN BÌNH