Hành trình nghi lễ và sân khấu
(VHQN) - Quảng Nam - vùng đất giàu truyền thống hát bội. Điều đặc biệt, nghệ thuật hóa trang và mặt nạ tuồng không chỉ tồn tại trên sân khấu, ở các đình làng, mà len vào đời sống tâm linh, đặc biệt trong nghi lễ tang ma.

Mỗi đường kẻ trên gương mặt tương ứng với mỗi lớp màu, là mỗi ý nghĩa khác nhau. Mỗi gương mặt trong tuồng là một lớp truyện, một tầng ký ức dân gian.

Trong văn hóa tang lễ miền Trung, “ông tổng” là nhân vật trung tâm, vừa đóng vai người dẫn hồn, vừa là biểu tượng kết nối cõi âm - dương bằng chính năng lượng biểu diễn truyền thống.

Khi ông tổng bước ra, với khuôn mặt hóa trang nghiêm cẩn, bộ áo bào phất phới và tiếng trống vang vang - đó không chỉ là hình ảnh của nghệ thuật, mà là hiện thân của tín ngưỡng.

Trong nghệ thuật tuồng, cái thần của gương mặt là điều đầu tiên quyết định vai diễn thành công hay thất bại. Cái thần đó đến từ lớp điểm trang theo nghệ thuật vẽ mặt nạ tuồng, cộng với đôi mắt được kẻ tương ứng với từng nhân vật.

Từ cây bút vẽ mặt của nghệ nhân, đến đôi mắt tập trung khi hóa trang, hay khoảnh khắc ông tổng đứng lặng trong ánh sáng nghi lễ - mọi khung hình đều cho thấy: Tuồng không chết. Tuồng chỉ đang sống âm thầm trong từng nghi thức, từng miền đất - nơi người ta còn coi nghệ thuật là cách giữ lại tổ tiên.

Đây là câu chuyện về mặt nạ, nhưng cũng là câu chuyện về mặt người. Là nghệ thuật, nhưng cũng là một kiểu gìn giữ bản sắc. Và ở Quảng Nam, những lớp mặt ấy - hóa ra lại là chân dung chân thực nhất của một vùng văn hóa không bao giờ lặng tiếng.

