Văn hóa

Hát giữa miền rừng

THÀNH CÔNG (thanhcongbck31@gmail.com) 04/05/2025 07:39

(VHQN) - Plênh với lấy cây đàn, rồi nửa quỳ, nửa ngồi, anh cất giọng hát. Lời hát, lúc rầm rì, lúc vút cao, cây đàn buông lấy nhạc điệu chậm rãi, rồi dồn dập, có lúc như muốn vỡ tung, vượt thoát khỏi gian bếp nhỏ. Một cuộc độc thoại bằng âm nhạc, cứ thế như lửa, âm ỉ, rồi bùng cháy...

Không gian âm thanh diễn tấu nhạc cụ truyền thống của người Cơ tu chính là rừng núi, buôn làng. Ảnh tư liệu
Người Cơ Tu vui hội làng. Ảnh: PHƯƠNG GIANG

Đi về núi. Ở đó, tôi như lạc vào một nền văn minh khác, một thế giới khác luôn có quá nhiều điều mới lạ, luôn có những bất ngờ. Ở đó, người đối diện, đôi phút trước thôi còn im lặng uống rượu và cười, bỗng chốc hóa thân thành nghệ sĩ. Một người hát rong. Một người kể chuyện...

Bên bếp lửa

Nhà Plênh lọt thỏm giữa làng Pơrning. Bên nhà chính, Plênh dựng một nhà sàn nhỏ, đặt bếp. Đó là chốn hò hẹn của chúng tôi, mỗi lần trở lại thăm anh, nơi đại ngàn Tây Giang.

Những chuyến công tác khắp các bản làng, anh lặng lẽ ghi chép, chắp nối và sưu tầm mọi thứ về văn hóa của người Cơ Tu mình. Thi thoảng, anh mang về một món quà, là cây tù và bằng sừng trâu đã lên bóng. Là một cây đàn abel. Là một cái trống con bằng da trâu thuộc, hay những chiếc áo vỏ cây, vô cùng hiếm thấy trong đời sống hiện đại.

Plênh biết một chút về nhạc lý. Mỗi thứ nhạc cụ mang về, anh cũng tự học lấy. Anh học bằng đôi tai, đôi mắt của mình, bằng những lần ngồi nghe già làng hát. Anh cũng tự học lấy cách chế tác nhạc cụ. “Để sau này còn chỉ lại cho con mình. Để những thứ này không mất đi” - Plênh nói, giữa tiếng tí tách của những thanh nứa khô vừa đun thêm vào bếp.

Chúng tôi uống rượu giữa se sắt lạnh của miền biên viễn. Nhiều người gọi vui, Plênh như một nghệ sĩ của rừng. Plênh chỉ cười, xua tay không nhận lấy cái danh đó. “Mình yêu núi, yêu rừng, yêu những gì thuộc về vùng đất này. Âm nhạc, là một phần không thể tách rời, trong kho tàng văn hóa của Tây Giang nơi mình đang sống” - Plênh lý giải.

Anh kể về những già làng của Tây Giang, những nghệ sĩ thực thụ của quê hương mình. Là ông Bríu Pố, là già Clâu Blao, hay cụ Alăng Avel, những vị già làng khả kính, kho tàng sống về văn hóa của người Cơ Tu quê anh. Là bất kỳ một người nào đó dự phần trong cuộc vui, bỗng cao hứng cất giọng.

Với họ, âm nhạc không phải để trình diễn, mà để sẻ chia, để kể chuyện. Một bài hát cất lên không phải để ai đó vỗ tay, chỉ là để thỏa lòng mình. Để rừng biết, tôi vẫn ở đây. Plênh xòe hai bàn tay, lý giải.

Đó là khởi nguồn của những loại nhạc cụ, được làm bằng nguyên liệu giản đơn quanh họ: một đoạn gỗ, một vỏ lon sữa bò và một sợi thép tách từ dây cáp để làm nhạc cụ giống kiểu “đàn bầu”, khèn, sáo bằng ống nứa, hoặc thậm chí những hòn đá để gõ thành nhịp điệu. Mỗi nhạc cụ là một câu chuyện, mang hơi thở của núi rừng, của tổ tiên, của những ngày tháng lớn lên giữa rừng.

“Nhạc cụ không chỉ là vật, nó có linh hồn” - Plênh nói. Và đúng như thế. Khi anh gõ trống hay với lấy cây đàn, tôi như thấy cả cánh rừng sống dậy, thấy những cô gái, chàng trai Cơ Tu hân hoan trong điệu tâng tung da dá dâng trời, thấy những đêm đốt lửa hát mừng lúa mới...

Nghệ sĩ của làng

Người miền núi, họ hát như cất tiếng tự sự từ sâu thẳm tâm hồn mình. Những giai điệu vang vọng khắp núi rừng, không cần sân khấu, không cần khán giả. Bởi, họ hát cho chính họ, cho niềm yêu âm nhạc khởi nguồn từ tâm thức nguyên sơ, hát cho niềm vui và hạnh phúc của cuộc đời.

Họ luôn là những nghệ sĩ đặc biệt của làng. Không trình diễn để kiếm tìm danh tiếng, chỉ đơn giản là hát như nhu cầu tự thân. Âm nhạc của họ như hơi thở, như dòng nước suối trong veo chảy qua khe núi, trong trẻo và đầy cảm xúc. Tiếng hát của họ cất lên giữa thiên nhiên, hòa vào tiếng gió, tiếng chim, tiếng lá xào xạc. Nó như một sự giao thoa kỳ diệu giữa con người và thiên nhiên, giữa quá khứ và hiện tại.

Năm nọ, tôi dừng chân giữa núi rừng Trà Cang (Nam Trà My), tìm ông Hồ Văn Thập. Ông Thập là người hiếm hoi biết cách chế tác và trình diễn bộ đàn đá độc đáo của người Xê-đăng trong vùng. Người làng kể, ông Thập tự làm và chơi được rất nhiều nhạc cụ do mình chế tác. Ông hát trong những buổi hội làng, bên bếp lửa, trong những cuộc vui say đắm men rượu cần.

Tiếng hát, tiếng đàn của ông vang lên như nghi lễ thiêng liêng cho chính mình. Không một khuôn mẫu. Không có sự chuẩn bị. Không theo một mô-tip nào. Ông hát, cho niềm vui thuần khiết, cho sự cô đơn đến bất tận của đời sống một người nghệ sĩ của làng.

Đó chính là tâm hồn nghệ sĩ tự nhiên và nguyên sơ của người miền núi. Họ hát bằng tất cả tấm lòng. Họ hát như một cách để thể hiện mình, để chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn và cả những giấc mơ.

Qua âm nhạc, người miền núi tìm được sự đồng cảm, tìm thấy niềm an ủi. Cuộc sống vẫn đầy cơ cực. Nhưng ở đó, họ được chìm đắm trong một không gian khác, không thuộc về mặt đất. Tiếng hát bay qua làng, qua núi, theo những cơn gió lang thang đâu đó miền rừng.

Người miền núi hát và sống với tâm hồn nghệ sĩ đầy kiêu hãnh, giản dị nhưng vô cùng sâu sắc. Một thứ “văn minh” rất đặc biệt, không bao giờ hòa lẫn, không thứ gì có thể rào giữ hay xâm phạm.

THÀNH CÔNG (thanhcongbck31@gmail.com)