Nông nghiệp

Động lực mới trên vùng chè An Bằng

TRIÊU NHAN - THÙY LIÊN 05/05/2025 08:00

Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh Quảng Nam về phát triển kinh tế vườn - kinh tế trang trại tạo động lực để người trồng chè xanh An Bằng (xã Đại Thạnh, Đại Lộc) bám vườn, phát triển cây chè tươi, cải thiện thu nhập.

Một số hộ trồng chè đã được hỗ trợ kinh phí đóng giếng, đầu tư hệ thống tưới cho cây chè từ cơ chế 135 của HĐND tỉnh. Ảnh: THÙY LIÊN
Một số hộ trồng chè đã được hỗ trợ kinh phí đóng giếng, đầu tư hệ thống tưới cho cây chè từ cơ chế 135 của HĐND tỉnh. Ảnh: THÙY LIÊN

Động lực từ Nghị quyết 35

Người dân vùng gò đồi xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc tự hào khi vùng đất khô cằn này lại có một đặc sản được ưa chuộng khắp xứ Quảng: chè xanh An Bằng. Đây là một loại chè đặc biệt với vị chát hậu ngọt.

Trải qua hàng trăm năm, cây chè xanh An Bằng đã hồi sinh nhờ những nỗ lực khôi phục và phát triển vùng chè của người dân và chính quyền địa phương. Đặc biệt, từ cơ chế, chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế vườn - kinh tế trang trại, người trồng chè An Bằng có thêm động lực cải tạo, phát triển các vườn chè.

Tại An Bằng, gia đình bà Bùi Thị Hương (SN 1968) là một trong những hộ sở hữu diện tích đất trồng chè lớn nhất thôn với 3.500m2. Vườn chè của bà Hương có nhiều gốc chè 40 - 50 năm tuổi.

Từ cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh, gia đình bà Hương được hỗ trợ chi phí cải tạo lại vườn chè, loại bỏ các cây tạp, đầu tư giếng tưới, có thêm điều kiện trang bị hệ thống tưới tự động... nên vườn chè phát triển xanh tốt.

Vườn trồng chè An Bằng tại xã Đại Thạnh. Ảnh: THÙY LIÊN
Vườn trồng chè An Bằng tại xã Đại Thạnh. Ảnh: TRIÊU NHAN

“Vùng này là đất đồi gò, khó đóng giếng, mùa khô thường xuyên thiếu nước tưới. Nếu trước, gia đình tôi thu hoạch mỗi năm 2 lứa chè tươi do khó khăn về nguồn tưới thì nay việc thu hoạch chè kéo dài quanh năm nhờ có hệ thống tưới bài bản.

Từ sự hỗ trợ của nhà nước với hơn 30 triệu đồng đầu tư chi phí đóng giếng và hệ thống tưới, hỗ trợ phân bón, cải tạo vườn (2 triệu đồng/ha), từ năm 2022 tới nay, vườn chè của gia đình tôi được cải tạo xanh hơn, đẹp hơn và mỗi năm tôi thu nhập hơn 100 triệu đồng từ tiền bán chè tươi” - bà Hương cho hay.

Người dân được hưởng lợi

Không chỉ gia đình bà Hương, một số hộ trồng chè An Bằng nói riêng, Đại Thạnh nói chung cũng được hưởng lợi từ Nghị quyết 135.

Cụ thể, ông Phạm Bảy sở hữu vườn chè rộng hàng nghìn mét vuông. Khi được hỗ trợ tiền đóng giếng, xây dựng hệ thống tưới, vật tư, chi phí cải tạo vườn, cùng với nguồn đối ứng của gia đình, ông Bảy đã bắt tay cải tạo vườn chè, loại bỏ các cây tạp, đầu tư giếng nên bất cứ thời điểm nắng nóng kéo dài, chỉ cần bật công tấc, hệ thống tưới tự động đã giúp ông tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí, nhân công tưới so với trước kia.

Ông Huỳnh Văn Dũng (thôn Tây Lễ) sở hữu vườn chè trên 1.000m2 kết hợp trồng cây ăn quả. Từ khi tưới đầy đủ nước, vườn chè lâu năm xanh tốt hẳn, cây đẻ nhánh nhiều hơn, cho thu hoạch tốt.

Sản phẩm chè khô An Bằng của HTX Nông nghiệp dịch vụ Đại Thạnh Phát. Ảnh: TRIÊU NHAN
Sản phẩm chè khô An Bằng của HTX Nông nghiệp dịch vụ Đại Thạnh Phát. Ảnh: TRIÊU NHAN

Thời gian qua, một số hộ vẫn đang tiến hành làm hồ sơ để trình xét duyệt như hộ ông Đoàn Ngọc Hà (SN 1964). Được biết, vườn chè của gia đình ông Hà có diện tích khoảng 2.500m2, được trồng cách đây 20 năm. Vườn chè của gia đình ông Hà rất sạch sẽ và xanh tươi, nhờ được phát dọn cỏ thường xuyên.

Ông Hà cho biết, cây chè An Bằng ít tốn công chăm sóc, trồng một lần có thể cho thu hoạch cả chục năm. Mỗi năm, ông Hà có thu nhập vài chục triệu đồng từ việc bán chè tươi. Khi có cơ chế, chính sách từ Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh, ông Hà cũng được xã hướng dẫn để được xét hưởng lợi từ cơ chế.

Theo bà Lê Thị Xuân Nương - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Thạnh, toàn thôn An Bằng hiện còn 30 hộ trồng chè xanh với diện tích khoảng 15ha. Từ khi địa phương tuyên truyền, phổ biến cơ chế, chính sách từ Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh, trên địa bàn xã, một số hộ đã tiếp cận được cơ chế hỗ trợ này.

Cùng với việc cải tạo, chỉnh trang phát triển vùng trồng chè, các hộ đã đầu tư được giếng tưới, một số hộ đầu tư hệ thống tưới. Cả xã có 8 hộ trồng chè An Bằng đã và đang được hỗ trợ theo Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh.

Ngoài ra, còn có rất nhiều hộ trồng chè với diện tích lớn nhưng lại trồng trên đất nương rẫy, gò đồi không gắn với vườn nhà nên khó tiếp cận được chính sách Nghị quyết 135.

“Trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục tham gia phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại. Đồng thời, khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng chè, đầu tư chăm bón, thu hút cơ sở chế biến… với mong muốn xây dựng và phát triển mạnh thương hiệu cho chè An Bằng.

Điều này không chỉ giúp ổn định thu nhập của nông dân và giữ hương chè mà còn là cách để đưa thương hiệu chè xanh An Bằng vươn xa” - bà Nương cho biết.

TRIÊU NHAN - THÙY LIÊN