An toàn lao động VÌ SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2025 (từ ngày 1- 31/5) có chủ đề “Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ; rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”; qua đó nâng cao nhận thức, hạn chế thấp nhất nguy cơ mất an toàn cho người lao động, thúc đẩy sản xuất, góp phần phát triển kinh tế, xã hội bền vững.

Một phút lơ là - hậu quả dai dẳng
Mỗi năm, hàng trăm vụ tai nạn lao động xảy ra trên địa bàn tỉnh để lại mất mát không gì bù đắp cho gia đình nạn nhân cũng như doanh nghiệp. An toàn lao động không chỉ là khẩu hiệu mà phải thật sự trở thành ý thức của người lao động, là trách nhiệm của doanh nghiệp để đảm bảo môi trường làm việc an toàn, văn minh và bền vững.
Nỗi đau người ở lại
Chúng tôi đến thăm gia đình chị Trần Thị Ngân (xã Phước Đức, Phước Sơn) vào một ngày đầu tháng 4/2025. Căn nhà đã từng là mái ấm hạnh phúc của hai vợ chồng trẻ chăm chỉ làm ăn và những đứa con ngoan ngoãn. Thế nhưng, cách đây hơn 8 tháng, biến cố đã xảy đến với gia đình chị khi người chồng bị tai nạn lao động không qua khỏi. Nén bao đau thương, người vợ phải trở thành chỗ dựa cho các con trên chặng đường phía trước.

Chị Ngân chia sẻ: “Giá như lúc đó anh ấy cẩn thận hơn thì 3 mẹ con giờ không phải thui thủi. Mỗi đêm, cho con ngủ xong, thắp nén nhang cho chồng mà buồn lắm! Nhưng vì con, mình phải cố gắng sống tiếp”.
Trong một ngày làm việc bình thường ở trường, chồng bà Phạm Thị Kim Ánh (xã Bình Lâm, Hiệp Đức) đã ra đi mãi mãi sau một cơn đột quỵ. Chồng mất đi, bà Ánh trở thành lao động chính lo cho cuộc sống của hai con nhỏ. Từ ngày chồng mất đến nay chưa tròn một năm, cuộc sống của mẹ con bà Ánh vẫn chưa thể ổn định như trước, nhiều dự định cho tương lai vẫn còn dang dở.
Bà Ánh nói mà nước mắt không ngừng rơi: “Từ ngày chồng đột ngột qua đời, tôi cố gắng ổn định tinh thần để lo cho con, nhưng các con nhớ ba mà cứ buồn mãi. Đột quỵ là nguy cơ xảy ra cho bất cứ ai, nhưng không dám nghĩ tới nó xảy ra với chồng mình. Giờ thì anh ấy cũng không còn, mẹ con nương tựa vào nhau để cùng cố gắng, lo cho các con học hành ra trường mới yên lòng được”.
Những con số cảnh tỉnh
Theo số liệu từ Sở Nội vụ, năm 2024 trên địa bàn tỉnh xảy ra 179 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 181 người bị nạn; trong đó có 7 người chết, 17 người bị thương nặng. Trong số 179 vụ TNLĐ, có 52 vụ do lỗi của người sử dụng lao động (chiếm 29%); 104 vụ do lỗi của người lao động (chiếm 58,1%); 23 vụ do nguyên nhân khách quan, khó tránh (chiếm 12,9%).

Qua điều tra của cơ quan chức năng cho thấy, các vụ TNLĐ xảy ra đa số trong các ngành nghề có nguy cơ cao về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, như khai khoáng (15,6%), công nghiệp chế biến chế tạo (34,6%), xây dựng (14,5%), các ngành nghề khác (35,3%).
Theo nguyên nhân gây ra TNLĐ có 12 vụ do không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động (6,7%); 5 vụ do người lao động chưa được tập huấn an toàn lao động (2,8%); 8 vụ do tổ chức lao động chưa hợp lý (4,5%); 6 vụ không có thiết bị an toàn hoặc thiết bị không đảm bảo an toàn (3,4%); 12 vụ không có quy trình an toàn hoặc biện pháp làm việc an toàn (6,7%); 9 vụ điều kiện làm việc không tốt (5%); 59 vụ do người lao động vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn và biện pháp làm việc an toàn (33%); 45 vụ do người lao động không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân (25%); 23 vụ do nguyên nhân khác (12,9%).
Ngoài khu vực doanh nghiệp, tại các địa phương năm 2024 TNLĐ trong khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động làm 3 người chết, 39 người bị thương nặng.
Ngành y tế khám phát hiện 13 người bị mắc bệnh nghề nghiệp suy giảm sức khỏe từ 31% trở lên, đa số mắc bệnh bụi phổi silic và bệnh phổi than nghề nghiệp, phần lớn số người mắc bệnh nghề nghiệp làm trong các ngành nghề như khai thác đá, sản xuất vật liệu xây dựng…
Từ những số liệu trên mới thấy TNLĐ không chừa bất cứ ai, chỉ một lần quên đội mũ bảo hộ, không mang dây an toàn, hay một phút bất cẩn - những hành động tưởng như đơn giản ấy... lại có thể trở thành nguyên nhân dẫn đến những TNLĐ thương tâm. Cẩn trọng đối với mọi nguy cơ không bao giờ thừa để phòng ngừa TNLĐ chính là việc cần làm mỗi ngày của chính bản thân người lao động cũng như người sử dụng lao động.

An toàn từ ý thức tự thân
Từ ý thức tự thân của mỗi người lao động và chủ sử dụng lao động, việc ngăn ngừa và giảm thiểu nguy cơ mất an toàn lao động ngày càng hiệu quả thiết thực.
Ý thức chủ động từ người lao động
Tại Công ty Điện lực Quảng Nam, an toàn lao động không chỉ là quy định mà là mệnh lệnh phải thực thi vì tính mạng con người, vì sự ổn định và liên tục của hệ thống điện. Với phương châm “An toàn để sản xuất - Sản xuất phải an toàn”, người lao động trong công ty đều xác định chính ý thức của bản thân sẽ giúp họ được an toàn trong điều kiện làm việc nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ông Lê Tự Lộc, nhân viên Đội quản lý lưới (Điện lực Duy Xuyên) luôn tự nhắc nhở bản thân trước khi bắt tay vào thực hiện công việc leo lên trụ điện, phải kiểm tra toàn bộ trang, thiết bị bảo hộ cá nhân đảm bảo, kiểm tra điện có rò rỉ hay không dù điện đã được ngắt trong khu vực làm việc. Trước khi tiến hành công việc, thành viên trong đội luôn triển khai, phân công rõ ràng nhiệm vụ cho từng người, theo đúng quy trình an toàn để thực hiện.

Ông Lộc nói: “Làm việc trong môi trường tiềm ẩn nhiều rủi ro thì chúng tôi luôn ý thức về đảm bảo an toàn. Nếu bất cẩn thì đánh đổi bằng cả tính mạng, nên mỗi người luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn của công ty yêu cầu. Ngành nghề và điều kiện làm việc đặc thù, nên chúng tôi cũng được trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị bảo hộ cần thiết. Hơn hết là mỗi người tự ý thức để bảo vệ bản thân và đồng nghiệp tốt hơn”.
Làm việc tại Công ty may Hòa Thọ Quế Sơn, chị Huỳnh Thị Hùng Vân đã gắn bó 5 năm qua. Hiện nay chị Vân đang mang thai 6 tháng, được công ty bố trí công việc nhẹ hơn nhằm đảm bảo sức khỏe cho mẹ và thai nhi. Khẩu trang, mũ bảo hộ, chế độ bồi dưỡng dành cho lao động nữ mang thai đều được hỗ trợ đầy đủ.
Chị Vân cho hay: “Tôi là lao động đang mang thai nên công việc được ưu tiên hơn so với lao động khác, giờ làm việc ít hơn 1 tiếng nhưng hưởng đủ lương. Làm việc trong xưởng may nên mọi người sẽ lo ngại bụi vải, nhưng tôi luôn đeo khẩu trang khi làm việc. Nhà máy cũng trang bị hệ thống quạt gió, quạt hút bụi nên môi trường làm việc khá thông thoáng”.
Nhiều giải pháp phòng ngừa
Ông Trần Ngọc Anh- Trưởng phòng An toàn, Công ty Điện lực Quảng Nam cho biết, công ty có 886 lao động thì chỉ có 85 nữ, đều làm việc ở vị trí nhân viên văn phòng. Lao động nam ở ngoài hiện trường nhiều hơn vì điều kiện làm việc đặc thù.
Tại Công ty Điện lực Quảng Nam bố trí 19 cán bộ làm công tác an toàn lao động chuyên trách, bán chuyên trách, trong đó Phòng An toàn của công ty là 5 người, tại 14 đơn vị trực thuộc 14 người. Công ty thường xuyên đánh giá nguy cơ, rủi ro về an toàn vệ sinh lao động, tuyên truyền trong cán bộ, nhân viên liên tục. Công ty đã lập kế hoạch quản trị rủi ro an toàn lao động và triển khai trong toàn công ty, hàng tháng tổ chức đánh giá kết quả thực hiện.
“Chúng tôi tập trung kiểm soát 5 nguy cơ có khả năng xảy ra tai nạn lao động cao, đánh giá kết quả triển khai thực hiện từng nhiệm vụ cấp bách nhằm ngăn ngừa tai nạn lao động, kiểm soát tốt các công việc thường xuyên để đảm bảo an toàn lao động trong sản xuất.
Nhằm tạo môi trường lao động đảm bảo an toàn cho người lao động các đơn vị tập trung xử lý 733/733 vị trí nguy hiểm dạng 1 đạt 100%; xử lý 1.554/1.554 vị trí nguy hiểm dạng 2. Các đơn vị đã xử lý 1.970 vị trí có nguy cơ rò điện để ngăn ngừa nguy cơ gây tai nạn điện trong nhân dân” - ông Anh chia sẻ.

Ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở Nội vụ nói, không chỉ trong tháng hành động, mà xuyên suốt hoạt động sản xuất kinh doanh, các biện pháp tuyên truyền sẽ tập trung nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động trong các loại hình doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người lao động làm việc trong khu vực không có quan hệ lao động về công tác an toàn vệ sinh lao động. Qua đó nhằm hạn chế các nguy cơ mất an toàn và giảm thiểu tai nạn lao động”.
Các hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, của doanh nghiệp sẽ tập trung nâng cao ý thức cho người lao động và người sử dụng lao động, giảm tần suất tai nạn lao động chết người, tăng tỷ lệ người lao động được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, tăng số lượng doanh nghiệp thực hiện quan trắc môi trường lao động. Trong các doanh nghiệp bắt buộc phải bố trí người làm công tác quản lý, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động. Các đợt huấn luyện an toàn vệ sinh lao động để tăng số người lao động được huấn luyện về vấn đề này...

Nỗ lực bảo vệ người lao động
Để phòng ngừa nguy cơ mất an toàn lao động, mỗi người lao động, người sử dụng lao động nâng cao ý thức chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh lao động tại mỗi doanh nghiệp, nhà xưởng, công trường, vì sự phát triển bền vững.
Doanh nghiệp cẩn trọng trước các nguy cơ
Tọa lạc tại Khu công nghiệp Hậu cần Cảng Tam Hiệp (huyện Núi Thành), Công ty TNHH Karcher Việt Nam - doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài chuyên sản xuất thiết bị làm sạch công nghiệp - là một trong những đơn vị luôn chú trọng yếu tố con người trong chiến lược phát triển. Ngay từ những ngày đầu đi vào hoạt động, công ty đã xác định: An toàn lao động là ưu tiên hàng đầu.
Làm việc tại bộ phận sản xuất của Công ty Karcher Việt Nam, bà Võ Thị Tự nói: “Chúng tôi làm việc ở đây được trang bị đầy đủ trang phục bảo hộ, chế độ, nhất là đối với phụ nữ thai sản, có con nhỏ đều được bố trí công việc phù hợp. Đặc biệt việc đảm bảo an toàn lao động luôn được nhắc nhở thường xuyên, mỗi bộ phận sản xuất đều có quy trình đảm bảo an toàn mà người lao động bắt buộc phải tuân thủ”.

Ông Rainer DietMar LeoHard Kern - Giám đốc tài chính Vùng công ty TNHH Karcher Việt Nam khẳng định, Karcher áp dụng cùng một tiêu chuẩn cho tất cả các nhà máy trên toàn thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Công ty cung cấp và triển khai tất cả cấu trúc, quy trình và hệ thống để bảo vệ nhân viên của mình. Tóm lại, nhân viên là yếu tố thiết yếu của công ty, vì vậy điều đầu tiên doanh nghiệp quan tâm đó là sức khỏe và phúc lợi của họ khi làm việc tại Karcher.
“Không chỉ chú trọng trang thiết bị và quy trình, Karcher Việt Nam còn đặc biệt quan tâm đến yếu tố con người - nhất là các lao động nữ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ. Các chính sách linh hoạt, không gian nghỉ ngơi được bố trí hợp lý, cùng với môi trường làm việc cởi mở, tôn trọng sự đóng góp của mỗi cá nhân... Tất cả đã góp phần tạo nên một tập thể gắn bó, vui vẻ và đầy nhiệt huyết” - Ông Rainer DietMar LeoHard Kern nói.
Phòng ngừa từ xa
Trong năm 2024, Sở LĐ-TB&XH (nay là Sở Nội Vụ Quảng Nam) đã tổ chức nhiều lớp tập huấn không chỉ dành cho cán bộ theo dõi công tác an toàn vệ sinh lao động, người sử dụng lao động mà còn hướng đến những đối tượng lao động làm việc trong nhiều lĩnh vực, kể cả lao động tự do. Qua đó giúp họ nhận diện nguy cơ và có những biện pháp phòng ngừa hiệu quả trong quá trình làm việc, vận hành máy móc thiết bị.
Ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết: “Qua công tác tập huấn, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động giúp phòng ngừa từ xa các nguy cơ mất an toàn, góp phần nâng cao nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động về quyền lợi và trách nhiệm trong công tác an toàn, vệ sinh lao động. Từ đó tạo nền tảng vững chắc để giảm thiểu rủi ro tai nạn lao động, đảm bảo môi trường làm việc an toàn, lành mạnh, góp phần vào sự phát triển bền vững của cộng đồng và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh”.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam đã tích cực vào cuộc nhằm tăng cường công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tiến hành quan trắc môi trường lao động cho 169 doanh nghiệp, khám sức khỏe định kỳ và bệnh nghề nghiệp cho hàng nghìn lao động, tổ chức huấn luyện sơ cấp cứu cho hơn 7.500 người.
Thanh tra Sở Xây dựng kiểm tra an toàn lao động tại 51 công trình, xử phạt 10 đơn vị vi phạm với tổng số tiền 230 triệu đồng. Công an tỉnh thường xuyên tổ chức kiểm tra phòng cháy chữa cháy, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ 2.523 lượt với 309.827 người tham gia, thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm...
Ngoài ra, Sở Nội vụ đã phối hợp với các cơ quan liên quan thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành thực hiện pháp luật về lao động, an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, an toàn hóa chất, chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động mua bán, bảo quản, vận chuyển, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, khai thác và chế biến khoáng sản, an toàn lao động và môi trường công nghiệp tại 37 doanh nghiệp.
Qua quá trình thanh tra, kiểm tra, các đoàn công tác đã phát hiện nhiều hạn chế và yêu cầu các doanh nghiệp khẩn trương khắc phục. Đồng thời ghi nhận nhiều ý kiến, kiến nghị từ phía doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thời gian tới.
Nội dung: DIỄM LỆ (diemle288@gmail.com)
Trình bày: MINH TẠO