Văn hóa

Âm điệu Tây Nguyên và những nốt trầm

TRẦN TRIỀU 06/05/2025 12:53

(VHQN) - Buôn Ma Thuột, tháng 4/2025, trong căn nhà dài mang đậm kiến trúc Ê Đê tại buôn cổ Akô Dhông, một người đàn ông tóc buộc đuôi ngựa ngồi lặng lẽ bên cây đàn guitar nguội lạnh.

z6526732911049_9f098a25605b0e860ec27a9832e873cb.jpg
Y Jack Arul.

Đó là Y Jack Arul, người từng được mệnh danh là “chàng cao bồi âm nhạc” của Tây Nguyên”. Giờ đây, người ta không còn thấy Y Jack sôi nổi với giọng ca hào hùng như xưa. Anh thừa nhận mình đang “bị buồn” với âm nhạc và có phần bất lực khi “chỉ biết ngồi nhìn” âm nhạc Tây Nguyên nguội dần ngay trước mắt.

Rực rỡ thời quá vãng

Y Jack vẫn được gọi vui là “hoàng tử Ê Đê”. Anh là con của già làng huyền thoại Ama H’rin, người sáng lập buôn Akô Dhông và được biết đến là người Ê Đê đầu tiên trồng cà phê ở Tây Nguyên.

Y Jack lớn lên giữa những đêm kể khan, tiếng chiêng ngân vang và những câu chuyện sử thi. Anh theo nghệ sĩ Y Moan đi hát khắp các buôn làng, gia nhập Đoàn Ca múa nhạc Đắk Lắk năm 1994, và sau đó học tại Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh.

Trước đó, để theo đuổi nghiệp ca hát, Y Jack đã trải qua nhiều công việc cực nhọc. Năm 1996-1997, nhạc sĩ Từ Huy mời anh vào Sài Gòn hát. Mỗi show anh được 40.000 đồng nhưng đầy thăng hoa với sự háo hức tuyệt vời từ khán giả.

Anh hát cùng Y Moan, Siu Black tạo nên bộ ba đại diện cho âm nhạc Tây Nguyên suốt cả thập kỷ. Các ca khúc như “Chiếc vòng cầu hôn”, “Giấc mơ Chapi”, “Đi tìm lời ru mặt trời” gắn liền với Y Jack, giúp anh trở thành giọng ca đại ngàn được biết đến trên toàn quốc.

Giai đoạn đó, âm nhạc Tây Nguyên trở thành đặc sản âm nhạc được công chúng đón nhận nhiệt thành. Các nghệ sĩ Y Moan, Siu Black, Y Jack đã tạo nên một “thế hệ vàng” trong lòng khán giả.

Khán giả dưới 50 tuổi người Ê Đê bây giờ hầu như không nghe nữa, các con cháu tôi cũng theo nghệ thuật nhưng không ai biết hát nhạc Ê Đê, đó là một nỗi đau - Y Jack Arul nói.

Với Y Jack, quãng đời âm nhạc tươi đẹp nhất không phải là hát trên sân khấu lớn ở thành phố hiện đại, mà chính là những chuyến đi hát phục vụ bà con ở các huyện tại Tây Nguyên.

Anh kể, những năm 90, bộ ba Y Moan, Y Jack, Siu Black cùng Đoàn Ca múa nhạc Đắk Lắk với gần 40 người, tìm về buôn làng xa xôi để biểu diễn.

Se sắt nhìn “âm hưởng Tây Nguyên” nguội dần

Giờ đây, Y Jack sống lặng lẽ tại ngôi nhà dài già làng Ama H’Rin. Các con, cháu ông - như Y J’ang hay Y Phi - cũng theo đuổi con đường nghệ thuật, học Nhạc viện, hát guitar. Nhưng điều khiến ông buồn là thế hệ trẻ không còn hát bằng tiếng Ê Đê, không ai mặn mà nhiều với các bài hát mang âm hưởng Tây Nguyên nữa.

Anh buồn bảo khi nhắc đến những điệu hát truyền thống như hát khan, hát ru, hát nghi lễ, hát đối đáp, hát giao duyên… rất hiếm khi diễn ra trong đời sống buôn làng.

Thế hệ của anh trở về trước, những già làng, nghệ nhân lớn tuổi trịnh trọng bên bếp lửa bập bùng, cùng cồng chiêng, ngất ngây rượu cần, cất lên những giai điệu vô cùng hào hùng về những Đam San, Đam K’teh, Xinh Nhã...

Cũng chính anh lớn lên từ lời hát ru (mthưm) dịu dàng, thủ thỉ theo nhịp 2/4 hoặc 6/8, ngân nga ngọt lành như suối nguồn. Không chỉ lời ru đơn thuần mà đó còn là truyền đạo lý, truyền thống gia đình, giữ gìn đất đai, yêu thương gia đình.

Đặc biệt, dịp nghi lễ, hát là phần cực kỳ quan trọng. Ở đó, các nghệ nhân hát cúng bến nước, lễ mừng lúa mới, lễ bỏ mả, lễ gọi hồn với giai điệu trang nghiêm, tiết tấu chậm rãi, sâu sắc, thể hiện tinh thần giao tiếp với thần tiên. Nhưng các giai điệu của người Ê Đê không vì vậy mà hoàn toàn trầm buồn.

“Chúng tôi có hát đối đáp, giao lưu nam - nữ trong dịp lễ hội với màu sắc hài hước, duyên dáng, thể hiện sự thông minh và tài ăn nói. Mỗi câu hát là một thông điệp thường có vần, đối ý tinh tế. Rồi chúng tôi còn có hát giao duyên trong dịp cưới hỏi, đón khách, tiễn người đi xa. Giai điệu thì luôn vui tươi, rộn ràng, thiết tha. Những câu hát đó thật sự rất sâu sắc và có tinh thần rất riêng, chỉ tiếng Ê Đê mới lột tả hết được, không thể nào dịch qua tiếng Việt. Những điệu hát tự sự kể và hát theo văn hóa truyền khẩu, tưởng chừng không bao giờ mất. Vậy mà bây giờ, gần như không ai còn thuộc, cũng không nhiều người mặn mà hát nữa” - anh nghẹn ngào.

Các thế hệ trẻ bây giờ, giọng ca vẫn nội lực, vẫn rất tài năng, nhưng không còn mặn mà với dân ca Ê Đê. Thậm chí, họ cũng không còn quá hào hứng với những giai điệu đại ngàn Tây Nguyên.

Y Jack thở dài: “Không thể chống lại xu thế. Bọn trẻ bây giờ thích hát nhạc Tây, nhạc trẻ. Khách du lịch đến buôn, tổ chức những buổi chơi nhạc để thưởng thức âm điệu Tây Nguyên nhưng nếu không dặn hoặc bắt buộc, sểnh ra là bọn trẻ hát ngay nhạc nước ngoài hoặc mấy bài nhạc trẻ thịnh hành bây giờ. Nhưng phải làm sao? Chính trẻ con Ê Đê bây giờ cũng ít học, ít chịu nói tiếng Ê Đê, chúng nói tiếng Kinh cho... tiện thì làm sao giữ được tiếng hát của cha ông?”.

Theo Y Jack, Y Phôn Ksor gần như là nhạc sĩ người Ê Đê duy nhất được biết đến trên toàn quốc với những ca khúc rất hay như “Đôi chân trần”, “Chim phí bay về cội nguồn”, “Đi tìm lời ru mặt trời”… nhưng gần đây có dấu hiệu chững lại. “Cánh chim đầu đàn Y Phôn Ksor” quá lẻ loi trong công cuộc duy trì, bồi đắp sức sống cho âm nhạc mang âm hưởng đại ngàn Tây Nguyên”.

Những đốm lửa rồi cũng dần ít đi, lẻ loi sau hành trình rực cháy bền bỉ.

TRẦN TRIỀU