Chúng ta đi mang theo giai điệu quê hương
(VHQN) - Như lệ bất thành văn, cuộc gặp gỡ, hội họp của những người con xứ Quảng xa quê, dù dưới hình thức nào, đều luôn có âm nhạc.

Không phải là địa danh sở hữu quá nhiều bài hát, nhưng xứ Quảng cũng có đủ những bài ca hay, thậm chí rất nổi tiếng, đủ để đáp ứng cho các cuộc gặp gỡ của đồng hương xứ Quảng.
Ai mỳ Quảng không?
Quãng hơn 5 năm trở lại đây, một trong những bài hát được xem là mới và hay về xứ Quảng, nhanh chóng được biết đến nhiều nhất là Ai mỳ Quảng không? của cố nhạc sĩ Trần Phú Thiên.
Người trình bày đầu tiên, làm MV cho bài hát này, và chăm chỉ lan tỏa ca khúc này nhiều nhất là cô ca sĩ người Đà Nẵng Tố My. Đây cũng là một trong những bài hát mà Tố My được đồng hương yêu cầu biểu diễn nhiều nhất.
Trong các buổi gặp gỡ đồng hương lớn nhỏ, trên sân khấu với ban nhạc chỉn chu, hay chỉ trong các cuộc gặp gỡ thân tình giữa những người con xứ Quảng, hát với cây đàn guitar, organ hoặc hát chay, Tố My đều luôn nhiệt tình thể hiện ca khúc này.
Thậm chí lúc đến “thánh địa” của các ca khúc mang âm hưởng dân ca, đờn ca tài tử miền Tây như Cần Thơ, cô vẫn đem “Ai mỳ Quảng không” theo mà hát, chịu khó “tiếp thị” cho công chúng sinh viên cả một trường đại học, khi được gặp có một số đồng hương của mình đang công tác, học tập ở trường.
Dù tác giả bài hát có cuộc đời ngắn ngủi nhưng “Ai mỳ Quảng không” đã và đang có một đời sống dài theo những bước chân tha phương. “Ai mỳ Quảng không” là thí dụ mới nhất của những bài hát được bổ sung vào “nhạc mục được ưa chuộng trong các cuộc gặp đồng hương” xứ Quảng.
Người xa quê gặp nhau nghe những gì?
Trước hết, là bài chòi, nếu là những cuộc gặp gỡ có tính quy mô, chính thức, như họp mặt truyền thống Lễ hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng tại TP. Hồ Chí Minh.

Không theo một quy luật chung, khác với các thể loại top hit thịnh hành của thị trường âm nhạc hiện tại, những ca khúc được ưa thích nghe và hát nhất trong các cuộc gặp gỡ người Quảng xa xứ chủ yếu là những bài hát về quê hương, nhắc nhớ đến kỷ niệm và cả tiếng nói quê nhà.
Không khó để có thể kể ra một danh sách những bài hát được ưa chuộng trong các cuộc gặp đồng hương. Có thể tạm kể như Quảng Nam yêu thương (Phan Huỳnh Điểu), Thương em chín đợi mười chờ (Minh Đức), Tình quê, Yêu cái mặn mà (Trần Quế Sơn), Quê hương tuổi thơ tôi (Từ Huy), Tình em xứ Quảng (Trần Ngọc - Lâm Hoàng)…
Đó là những bài hát nổi tiếng về xứ Quảng, mức độ lan tỏa của nó đã ra khỏi phạm vi một ca khúc viết về một địa phương. Mỗi khi những ca khúc này vang lên đủ làm sống dậy ký ức quê nhà.
Ấy là chưa kể phần văn nghệ trong những cuộc gặp gỡ đồng hương như thế này, nhạc mục thường được linh động bổ sung những bài “địa phương ca” khác ở “quy mô cấp huyện” như Đại Lộc tôi yêu; Bâng khuâng chiều Hà Lam; Thăng Bình quê hương tôi… mỗi khi có các cuộc gặp đồng hương của những người từng cùng huyện, cùng làng.
Mà thường thì khi ấy, người ta không còn bận tâm phân biệt cụ thể từng địa phương nào trong xứ Quảng nữa. Nhạc sĩ Từ Huy, người con của xứ Điện Bàn, khi viết “Quê hương tuổi thơ tôi” chỉ nhắc duy nhất địa danh đất Quảng trong bài hát là “sông Thu êm đềm”, nhưng dân xứ Quảng Nam - Đà Nẵng ở đâu cũng đều tự hào bài hát này là viết cho họ.
Người ta hay nghe nhạc xứ Quảng khi gặp nhau ở nơi ngoài xứ Quảng vì nhiều lý do, trong đó có sự gắn bó sâu sắc với ký ức. Người Quảng xa xứ thường nghe nhạc về quê hương như một cách xoa dịu nỗi nhớ, vỗ về kỷ niệm cũng như coi trọng việc giữ gìn bản sắc riêng, từ món ăn đến âm nhạc, và cả giọng nói. Nghe và hát bằng giọng quê hương, cũng là cách để họ đỡ thèm nghe tiếng Quảng, và một góc độ nào đó, đừng quên mình là ai.
Vi Thảo, ca sĩ quê Duy Xuyên đang sống ở TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong các cuộc vui văn nghệ đồng hương cô thường được yêu cầu những bài hát nổi tiếng bằng giọng Quảng. Đây là dịp các đồng hương cùng nhau thích thú nghe nhiều bài ca nổi tiếng trong một “phiên bản đặc biệt” mà hiếm khi nghe được ở đâu khác. Chẳng hạn bài “Duyên quê” của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, “Duyên kiếp” của nhạc sĩ Lam Phương, bạn có bao giờ nghe bằng giọng Quảng chưa?
Có một lần, tôi đi công tác miền Tây, tình cờ gặp mấy người quen đồng hương đang làm ăn nơi đây, thế là trong cuộc trà- rượu buổi đêm bên dòng kênh ở Tân Hiệp, Kiên Giang, khi biết tôi cùng quê với nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, anh bạn mới quen vỗ vai: hát chung với anh bài “Thu hát cho người” đi mi.
Dù đang mùa hè, “Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt, mùa thu nào cho người về thăm bến xưa” vang trong tiếng guitar réo rắt giữa những người xa quê, nghe như thể đang ở đâu đó trong không gian miền quê Thăng Bình vậy.
Tôi hỏi, anh cũng có mối tình bên đồi sim như nhạc sĩ ư? Anh uống thêm ngụm trà, lắc đầu: “Không, ta nhớ quê!”