Gian nan giữ nghề chổi đót ở Trường An
(QNO) - Chổi đót (chổi bông cỏ) - nghề thủ công truyền thống và cũng là “cần câu cơm” đã góp phần cải thiện cuộc sống của nhiều người dân thôn Trường An, xã Đại Quang (Đại Lộc). Thế nhưng, trong cơ chế thị trường, nghề chổi đót cũng đối mặt với nhiều thách thức.
Nỗ lực bám trụ với nghề
Chúng tôi ghé thăm cơ sở sản xuất chổi đót của gia đình bà Huỳnh Thị Nhung (54 tuổi, trú tổ 5, thôn Trường An). Vừa thoăn thoắt bó từng bó đót, bà Nhung cho biết, hai vợ chồng bà đã gắn bó với nghề làm chổi đót hơn 20 năm, vừa kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống, cũng là giữ nghề. Theo bà Nhung, nghề làm chổi đót rất vất vả, trải qua nhiều công đoạn, từ thu mua bông đót tươi, phơi khô, cất giữ, rồi đem ra tước, cột đều đặn, bắn vít, bện chổi cho tới hoàn thiện cái chổi, chở hàng đi giao tận nơi… nhưng lợi nhuận chẳng được nhiều.

Cơ sở bà Nhung ngày thường chỉ sản xuất cầm chừng, đủ bỏ mối ở địa phương, chỉ vụ Tết, khi hàng “chạy”, bà mới gọi thêm 2-3 nhân công là họ hàng trong nhà phụ giúp. "Để làm chổi đót không khó nhưng để có được một cây chổi đót vừa bền, chắc và đẹp thì cần phải khéo léo, đặc biệt là công đoạn vào cán và bện chổi. Bông đót để làm chổi cũng yêu cầu khi thu hái phải được nắng, có màu xanh xám, dài thì chổi mới bền" - bà Nhung nói.
Cơ sở của bà Nhung luôn đổi mới, cải tiến sản xuất để có sản phẩm đẹp, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng như chổi đót cán nhựa, chổi đót quấn dây cước, chổi hộp, chổi vít… Mỗi ngày, vợ chồng bà làm khoảng 80 cây chổi các loại; với giá bán từ 20.000 - 30.000 đồng/cây chổi, sau khi trừ đi chi phí, kiếm lãi hơn 200 nghìn đồng/ngày. Ngoài ra, cơ sở của bà còn nhập thêm các loại chổi tàu cau, chổi dừa, chổi rang… để bỏ mối cho khách trên địa bàn huyện Đại Lộc, mối sỉ ở các chợ Đà Nẵng...

"Công đoạn khó và cực nhọc nhất của nghề làm chổi đót chính là phơi đót, tùy thuộc vào thời tiết để xếp phơi lớp đót dày hay mỏng, thời gian phơi ít hay nhiều. Phơi 3-4 tấn đót tươi mới được 1 tấn đót khô" - ông Nguyễn Ngọc (thôn Trường An, xã Đại Quang).
Ông Nguyễn Văn Đức (61 tuổi) có hơn 30 năm gắn bó với nghề làm chổi đót ở Trường An cho hay, gia đình hiện chỉ còn mình ông còn bám trụ với nghề. “Những năm trước có vợ tôi làm cùng nhưng thu nhập bấp bênh quá, vợ tôi đã chuyển sang làm công nhân ngoài Đà Nẵng. Tranh thủ những lúc nông nhàn, tôi bện được khoảng 40-50 cây chổi là mang đi chào bán ở các chợ huyện lận cận" - ông Đức nói.

Gian nan giữ nghề
Tầm 10 năm trước, khi nghề chổi đót chưa có tính cạnh tranh khốc liệt về mẫu mã và giá cả, ở làng Trường An, hầu như nhà nào cũng làm chổi đót lúc nông nhàn. Thế nhưng ngày nay nhiều người “quay lưng” lại với nghề do thu nhập thấp, thị trường tiêu thụ chậm.
Bà Hồ Thị Hoa gắn bó suốt 30 năm trong nghề làm chổi chia sẻ: "Trước kia nhiều người lên rừng bứt mây, bứt đót về bện chổi, nhưng nay chẳng mấy ai bám trụ với nghề. Nghề thủ công này chủ yếu giải quyết công lao động nhàn rỗi, song thu nhập không cao, phải nhập thêm mẫu mã, chủng loại chổi đót các loại từ nơi khác mới cầm cự được".
Theo người làm chổi, chi phí nguồn nguyên liệu như bông đót, dây cước, dây mây, cán tre… tăng từng ngày; trong khi đó đầu ra sản phẩm ngày càng chậm, một phần do có chổi nhựa thay thế, có sự hiện diện của robot dọn nhà, máy hút bụi… Sức mua ảm đạm, lợi nhuận thấp... là thực trạng khiến người dân thôn Trường An không còn mặn mà bám trụ với nghề chổi đót.

Bà Hồ Thị Hoa - Tổ trưởng Tổ hợp tác chổi đót Trường An (thôn Trường An) nhìn nhận: "Tổ hợp tác do tôi thành lập gồm có 6 thành viên là những hộ tham gia sản xuất, buôn bán chổi đót kết hợp với một số loại chổi khác trên thị trường. Bản thân tôi cũng dạy nghề cho một số chị em, họ cũng mở cơ sở làm chổi, song nghề chổi đót cũng đứng trước nguy cơ mai một khi chúng tôi đã lớn tuổi, người trẻ lại không mặn mà với nghề".