Nhà nước và cử tri

Đại biểu Quốc hội đơn vị Quảng Nam góp ý vào các dự án luật

HỒNG CHÂU 07/05/2025 16:51

(QNO) - Chiều 7/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

4bec2b32-0924-4d49-a371-20c79407b05f.jpg
Quang cảnh thảo luận tại tổ về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Ảnh: HỒNG CHÂU

Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) gồm 8 chương, 47 điều, tập trung vào các nội dung chính như sau: Thay đổi định nghĩa về cán bộ và công chức; xác định rõ hơn về vị trí việc làm, tiêu chuẩn, điều kiện tuyển dụng và bổ nhiệm; bỏ quy định về ngạch công chức, thay vào đó là phân loại theo vị trí việc làm và năng lực; bổ sung và làm rõ các hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức vi phạm.

Tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho rằng: Về giải thích từ ngữ (Điều 6), đề nghị điều chỉnh điều luật giải thích từ ngữ từ Điều 6 sang Điều 3 cho đảm bảo bố cục của dự thảo luật. Bởi vì nhiều cụm từ được sử dụng như: “Công vụ”, “vị trí việc làm” được sử dụng từ Điều 3 đến Điều 5 cần được giải thích trước khi quy định trong dự án luật.

Tại khoản 4 Điều 9 quy định cán bộ, công chức là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có nghĩa vụ: “Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về dân chủ cơ sở trong cơ quan, tổ chức, đơn vị….”. Đại biểu Dương Văn Phước cho rằng nội dung này cần bổ sung vấn đề về xây dựng môi trường làm việc khoa học, thuận lợi.

Bởi vì xây dựng môi trường làm việc tốt là một trong những nội dung, nhiệm vụ hàng đầu mà người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải quan tâm thực hiện; có môi trường làm việc tốt mới tạo điều kiện để cán bộ, công chức phát huy khả năng, sở trường, đóng góp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của đơn vị.

95b6ded2-3b52-49fa-85a2-cc8f1004c40a.jpg
Đại biểu Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam phát biểu thảo luận. Ảnh: HỒNG CHÂU

Về quyền của cán bộ, công chức được bảo đảm các điều kiện thi hành công vụ (Điều 10), đại biểu Dương Văn Phước đề nghị xem xét điều chuyển quyền của cán bộ, công chức được hưởng chính sách ưu đãi về nhà ở quy định tại khoản 2 Điều 12 sang khoản 3 Điều 10 cho phù hợp, đảm bảo tính logic về các chính sách liên quan đến nhà ở cho cán bộ, công chức khi thi hành công vụ.

Đại biểu kiến nghị chỉnh sửa lại khoản 3 Điều 10 như sau: “Được bố trí, thuê nhà ở công vụ, hưởng chính sách ưu đãi về nhà ở theo quy định của pháp luật và của cấp có thẩm quyền”. Đồng thời, đề nghị quy định rõ cấp có thẩm quyền ở quy định này là cấp nào và nên giao Chính phủ quy định chi tiết khoản này.

Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ hoàn thiện khung pháp lý về công vụ, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị.

* Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) nhằm điều chỉnh mô hình tổ chức chính quyền địa phương từ ba cấp (tỉnh, huyện, xã) xuống còn hai cấp (tỉnh và xã), với mục tiêu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trong quản trị địa phương.

image001(1).png
Đại biểu Lê Văn Dũng - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam phát biểu thảo luận. Ảnh: HỒNG CHÂU

Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) có những điểm nổi bật như sau: Chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương từ ba cấp xuống hai cấp; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm giữa các cấp chính quyền; tăng cường phân cấp, ủy quyền; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số…

Chủ trì thảo luận tại tổ, đại biểu Lê Văn Dũng - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho rằng cần thiết phải có những quy định cụ thể để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn.

Cụ thể như: Cần có quy định cụ thể trong luật để HĐND không cần thiết phải họp làm thủ tục miễn nhiệm đối với trường hợp đại biểu HĐND nghỉ hưu, chuyển công tác ra khỏi địa bàn cư trú. Đối với việc HĐND phải họp để bầu thành viên UBND khi giám đốc các sở, ngành được bổ nhiệm, đại biểu cho rằng nên quy định cụ thể “giám đốc các sở, ngành là thành viên UBND” để tránh hình thức.

Đồng thời, cần có quy định để thuận lợi cho các địa phương trong trường hợp khi khuyết chức danh chủ tịch UBND. Vì thực tiễn hiện nay, khi khuyết chủ tịch UBND thì phó chủ tịch UBND được phân công phụ trách, điều hành UBND không được thực hiện một số quyền hạn của chủ tịch UBND; để thực hiện đầy đủ quyền hạn của chủ tịch UBND thì phó chủ tịch UBND đó phải được giao quyền chủ tịch UBND, điều này phát sinh vướng mắc ở địa phương.

HỒNG CHÂU