Đà Nẵng cần thêm đòn bẩy để thúc đẩy lĩnh vực trí tuệ nhân tạo
(QO) - Chiều 9/5, Trung tâm vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) tổ chức hội thảo chuyên đề về Hạ tầng trí tuệ nhân tạo trong khuôn khổ hội thảo cấp thành phố với chủ đề “Trí tuệ nhân tạo - Động lực mới phát triển Đà Nẵng”.
.jpg)
Hội thảo chuyên đề này nhằm đánh giá hiện trạng và định hướng phát triển hạ tầng công nghệ, dữ liệu AI tại Đà Nẵng, dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế và kinh nghiệm toàn cầu, cung cấp thông tin về những công nghệ đang trở thành tiêu chuẩn mới trong triển khai AI hiệu suất cao.
Theo lãnh đạo Trung tâm vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng, hiện nay vấn đề thành phố thông minh được xây dựng dựa trên 6 trụ cột gồm: Kinh tế thông minh - quản trị thông minh - môi trường thông minh - giao thông thông minh - đời sống thông minh - công dân thông minh và 16 lĩnh vực ưu tiên.
Hiện Đà Nẵng đang có hạ tầng phù hợp thúc đẩy phát triển lĩnh vực AI như Khu công nghệ cao, Công viên phần mềm 1 và 2, Công viên công nghệ thông tin, không gian sáng tạo...
Đà Nẵng cũng có nhiều thuận lợi trong phát triển lĩnh vực AI trong thời gian tới như làn sóng đầu tư AI toàn cầu đổ về Đông Nam Á, luồng dữ liệu mới từ chuyển đổi số, thành phố thông minh. Cùng với đó, Đà Nẵng cũng có thể tiên phong xây dựng mô hình dữ liệu công mở toàn khu vực miền Trung,...
.jpg)
Tuy nhiên so với quốc tế, Đà Nẵng vẫn chưa có trung tâm tính toán hiệu năng cao, cơ sở dữ liệu AI địa phương vẫn chưa hoàn chỉnh... Hiện nay mới có kế hoạch ưu tiên dữ liệu hành chính, giao thông, môi trường, giáo dục, y tế.
Ý kiến tham dự hội thảo cho rằng, Đà Nẵng cần sớm triển khai Trung tâm tính toán AI hiệu năng cao (AI Data Center) theo kiến trúc BasePOD hoặc SuperPod, ưu tiên dùng GPU NVIDIA (H200/B200); tập trung vào việc xây dựng các mô hình dữ liệu lớn, ứng dụng các tiện ích của AI cho các dịch vụ công.
Cạnh đó, cần nâng cao thương hiệu của Đà Nẵng như một trung tâm nghiên cứu AI tiên tiến và các kết quả tích cực về nghiên cứu của địa phương.
.jpg)
Ngoài ra, cần phát triển cơ sở hạ tầng tính toán toàn diện thúc đẩy sự hợp tác giữa các phòng ban để tích hợp AI hiệu quả, tăng cường đào tạo AI và xây dựng cộng đồng thông qua việc tạo điều kiện tiếp cận các nguồn lực và kiến thức, nâng cao kỹ năng trên khắp các trường đại học, viện, công ty khởi nghiệp. Cuối cùng là cho phép giảng viên, nhà nghiên cứu và nhân viên có chuyên môn về AI được sử dụng dữ liệu trong nghiên cứu, khóa học hoặc trong công việc.
Để tạo điều kiện phát triển công nghệ AI, Đà Nẵng cần có sự ưu tiên đầu tư của địa phương, hỗ trợ chính sách với các doanh nghiệp công nghệ, các startup... Cũng như cần có động thái khuyến khích thử nghiệm các giải pháp công nghệ dựa trên AI vào hoạt động vận hành của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức...