Để "bát cơm" đầy thêm!
Kinh tế tư nhân đang góp nửa “bát cơm” cho nền kinh tế, bởi thống kê đến ngày 31/12/2024, khu vực kinh tế tư nhân có hơn 940 nghìn doanh nghiệp, khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh cá thể, đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm (chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế). Vì vậy, Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân vừa ban hành ngày 4/5/2025, lập tức tạo ra luồng sinh khí phấn chấn để thúc đẩy làm đầy thêm “bát cơm” này.
Trong ký ức lịch sử, kinh tế tư nhân trải qua những khúc quanh thăng trầm. Quá khứ từng có phong trào ào ạt vào kinh tế tập thể, cải tạo công thương nghiệp, ít nhiều có tác động tiêu cực là kìm hãm, thậm chí “hạn chế phát triển” kinh tế tư nhân.
Từ khi công cuộc Đổi mới được khởi xướng, qua 40 năm, kinh tế tư nhân dần được chú trọng, nhưng mức độ quan tâm thì chưa tương xứng, từ việc xem là một trong các thành phần kinh tế, đến thành phần kinh tế “khuyến khích phát triển”, nay thì mới thực sự lột xác về nhận thức khi khẳng định là “động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân”.
Trên tầm nhìn vĩ mô là vậy, còn xã hội bình dân bị di chứng định kiến sai lầm khi có phần kỳ thị những người giàu do làm ăn tư nhân, như tiểu thương kinh doanh bị coi là “con phe”, lại thêm “cơ chế xin - cho” và “quản không được thì cấm”, khiến kinh tế tư nhân không thể lớn. Giờ đây, cần quyết liệt vượt qua rào cản tư duy, cái nhìn thiển cận ấy để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, khơi dậy sức mạnh toàn dân là tăng thêm sức mạnh quốc gia bước vào kỷ nguyên mới.
Nghị quyết 68 nêu trên, đề ra chủ trương, mục tiêu, giải pháp tổng quát là chính, nhưng có điểm mới so các nghị quyết trước đây là có thể lẩy ra nhiều con số cụ thể để phấn đấu hành động hiện thực hóa khát vọng.
Chẳng hạn, đặt mục tiêu nâng số lượng doanh nghiệp lên 2 triệu vào năm 2030 (hơn gấp đôi hiện nay) cùng với việc phấn đấu để khu vực tư nhân đóng góp tới 58% GDP, chiếm 40% thu ngân sách nhà nước và tạo việc làm cho 85% lực lượng lao động; có ít nhất 20 doanh nghiệp tư nhân lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu vào năm 2030, và phát triển lên 3 triệu doanh nghiệp vào năm 2045.
Đứng trước vận hội cho kinh tế tư nhân cả nước, thử xem Quảng Nam đang đứng ở đâu và cần làm gì?
Không khác mấy tình hình chung cả nước, kinh tế tư nhân đóng góp lớn cho Quảng Nam phát triển gần 30 năm qua. Đặc biệt khi xuất hiện Thaco Chu Lai - Trường Hải, cùng Khu kinh tế mở Chu Lai, hơn 20 năm qua chứng kiến những bước phát triển vượt bậc của vùng đất. Nhờ đóng góp của Thaco, chiếm khoảng 60% nguồn thu nội địa của tỉnh, Quảng Nam sớm bước vào câu lạc bộ tỉnh thành có điều tiết ngân sách về Trung ương.
Ngoài Thaco, Quảng Nam có khoảng 8,2 ngàn doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, là lực lượng lớn nhất đóng góp ngân sách và vốn đầu tư. Chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số khoảng 8,5 ngàn doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh, đồng thời kinh tế tư nhân còn giải quyết việc làm cho hơn 300 ngàn lao động.
Bên cạnh đó, Quảng Nam có 245 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với hơn 200 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 6,2 tỷ USD, giải quyết việc làm cho hơn 60 ngàn lao động.
Để làm cho “bát cơm” kinh tế tư nhân đầy thêm sẽ còn hàng loạt vấn đề phải giải quyết, từ tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, chính sách, đến hành động hỗ trợ thực sự hiệu quả với tinh thần “nhà nước kiến tạo”, nhà nước phục vụ. Vậy nên, từ cảm hứng lan truyền một chủ trương, nghị quyết đưa ra, cần nhanh chóng thu hẹp “độ trễ” để đưa vào thực thi.
Quảng Nam cũng hành động đúng thời cơ khi vừa ban hành Quyết định 1181/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư với dự án Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai Trường Hải mở rộng; quy mô dự án gần 115ha, tổng vốn đầu tư là 1.433,5 tỷ đồng. Dự án này thành công sẽ chắp thêm cánh cho Thaco - “sếu đầu đàn” kinh tế tư nhân ở Quảng Nam bay lên cao.
Khát vọng nào cũng cần bệ phóng cơ sở hiện thực. Có thực mới vực được đạo, khi bát cơm đầy lên thêm thì thương hiệu vùng đất càng thêm sức mạnh, lan tỏa xa hơn.