Theo bước chân người Quảng

Công chúa Ngọc Hoa - đại sứ của tình hữu nghị Việt - Nhật

LÊ THÍ 11/05/2025 08:55

Những ngày cuối tháng Tư vừa rồi, đoàn đại biểu cấp cao của Nhật Bản do Thủ tướng Ishiba Shigeru và phu nhân dẫn đầu đã đến thăm nước ta, thể hiện mối quan hệ sâu sắc giữa hai nước. Sự kiện này gợi nhớ công chúa Ngọc Hoa, người đặt dấu gạch nối đầu tiên trong mối quan hệ hữu nghị Việt - Nhật cách đây hơn 500 năm. Năm 2025 cũng là thời điểm tròn 480 năm ngày mất của bà.

Các nghệ sĩ Nhật Bản tái hiện sinh hoạt truyền thống cùng Châu Ấn thuyền. Ảnh; Minh Hải
Các nghệ sĩ Nhật Bản tái hiện sinh hoạt truyền thống cùng Châu Ấn thuyền. Ảnh: MINH HẢI

Chiến lược về ngoại giao

Các chúa Nguyễn đã chủ trương mở rộng giao thương với nước ngoài. Cùng với chủ trương này là việc mở rộng thương cảng Hội An và việc “hữu hảo” với các thương nhân nước ngoài, đặc biệt là với người Nhật.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Ngọc cho rằng: “Chúa Nguyễn Phúc Nguyên trong thực tế phải được coi là người Việt Nam đầu tiên thực sự thành công trong chiến lược mở rộng quan hệ giao thương với nước ngoài và thúc đẩy kinh tế hàng hóa và đô thị trong nước phát triển lên một trình độ mới”.

Biểu hiện rõ nhất là “việc tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thương nhân đến sinh sống, buôn bán ở Hội An, mà còn cho con gái yêu quý của mình sang làm dâu một gia đình thương nhân Nhật Bản ở Nagasaki để thắt chặt hơn nữa quan hệ với giới đại thương Nhật”.

Công chúa Ngọc Hoa (?-1645) là con gái lớn của Hy tông Hoàng đế (chúa Sãi) Nguyễn Phúc Nguyên. Có tài liệu cho bà là con nuôi của Chúa. Điều này khả tín vì trong sách “Liệt truyện tiền biên” có nói đến bốn người con gái của Chúa nhưng không thấy nhắc đến tên bà. Không có tài liệu nào cho biết năm sinh của bà nên nhiều người suy đoán có lẽ bà sinh trong khoảng năm 1600 thời điểm Nguyễn Phúc Nguyên đang giữ chức Tổng trấn Quảng Nam.

Năm 1619 bà kết hôn với ông Araki Sotaro - một thương nhân nổi tiếng của người Nhật thường hay đến buôn bán ở Đàng Trong, nhất là tại Hội An với tên Việt là Nguyễn Thái Lang.

Đây là người “được chúa Nguyễn Phúc Nguyên tin dùng và giao nhiều trọng trách ở Hội An” và sau này vào năm 1920 được tập san của Hội Đô thành hiếu cổ giới thiệu: “Trong số chủ tàu buôn Nhật Bản giao thương với Đông Dương vào thế kỷ 17, đặc biệt ghi nhận hai người trong số họ đã buôn bán với An Nam là Araki Sotaro và Shichirôbei Eikechi”.

Đây được cho là cuộc hôn nhân “hiếm hoi” (có khi là đầu tiên) của thương nhân Nhật với người nước ngoài vào thời điểm đó.

Năm 1620, ông Satora đưa vợ về Trường Kỳ (Nagasaky) Nhật Bản để ra mắt họ hàng. Theo Phan Khoang trong “Việt sử xứ Đàng Trong” (Nxb Khai Trí, 1971): “Sau người vợ theo chồng về Trường Kỳ rồi gặp lúc Nhật cấm tàu thuyền Nhật xuất dương nên phải ở luôn tại Trường Kỳ” (trang 526). Khi sống tại Nagasaky bà được gọi là Wataku (Vương Gia Cưu) hoặc Wakapucome (Vương Gia Cưu hộ mai). Tại mộ của ông bà ở Nagasaki còn một tấm bia trên đó có đoạn viết: “Vương Gia Cửu, một người con gái có bà con bên ngoại của quốc vương An Nam”.

Dấu ấn Công nữ Ngọc Hoa

Không trở lại Hội An được, hai ông bà định cư ở Nagasaki, sinh được một cô con gái và xây dựng trung tâm thương mại ở Motoshikhui - Machi.

Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản là sự kiện thường niên, thu hút đông đảo du khách Nhật đến với Hội An. Ảnh: TTVh. Hội An
Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản là sự kiện thường niên, thu hút đông đảo du khách Nhật đến với Hội An. Ảnh: TTVH Hội An

Hàng ngày bà quán xuyến việc sổ sách và tham gia quản lý trung tâm thương mại cùng chồng. Năm 1635 chồng qua đời, bà tiếp tục quản lý trung tâm và tham gia các hoạt động xã hội. Bà quy y ở Đại Âm tự với pháp danh Diệu Tâm. Bà qua đời năm 1645 sau 26 năm sống trên đất Nhật. Hai ông bà được chôn ở hậu viên Đại Âm tự của thành phố Nagasaki.

Ở Việt Nam có một con đường mang tên bà tại Hội An. Còn tại Nhật, ngoài mộ phần còn một chiếc gương của bà được cho là mang theo từ Việt Nam tại Bảo tàng Lịch sử Văn hóa Nagasaki.

Khi sinh sống tại Nagasaki ngoài công việc sổ sách tại cửa hàng của chồng, bà có nhiều hoạt động xã hội sôi nổi. Với đội thương thuyền của Nhật, Công nương Ngọc Hoa để lại nhiều dấu ấn đẹp đẽ, thể hiện mối quan hệ Việt Nhật sâu đậm.

Thứ nhất, ngày trước người dân Nagasaki rất ấn tượng với cách gọi chồng của công chúa Ngọc Hoa: Anh, anh ơi. Từ chữ “anh ơi” tiếng Việt đã trở thành Aino tiếng Nhật. Tên bà vì thế còn được người Nhật gọi là Aino. Và từ đó con gái của vùng Nagasaki ngày nay thường được gọi bằng một chữ đặc biệt và trang trọng: Anio-hime.

Thứ hai, lễ hội Okumchi-Nagasaki là lễ hội lớn và đặc sắc của người dân Nagasaki. Lễ hội được tổ chức trong 3 ngày 7, 8, 9 tháng 10 hàng năm. Trong lễ hội này có một điệu múa tái hiện cảnh thương nhân Sotoro Araky đưa công chúa Ngọc Hoa về quê hương.

Tại lễ hội, người ta tạo hình một chiếc thuyền buôn giống Châu Ấn thuyền hồi thế kỷ 17 của Nhật. Trong đó có một bé trai đóng vai Araki Sotoro mặc đồ truyền thống Yukata và bé gái đóng vai công chúa Ngọc Hoa mặc áo dài truyền thống Đại Việt, với ý nghĩa con tàu vượt trùng khơi mang về một đôi uyên ương Việt - Nhật.

Ngày nay ẩm thực vùng Nagasaki cũng mang màu sắc ẩm thực Việt và được cho là từ ảnh hưởng của công chúa Ngọc Hoa. Đó là việc người Nhật ngồi ăn quanh một chiếc mâm hình tròn trải khăn đỏ thay vì một chiếc bàn hình chữ nhật có màu đen hoặc màu gỗ thô như phần lớn các vùng khác. Người ta ngồi ăn trong một mâm chung với những đĩa thức ăn lớn cho cả bàn, trong đó mỗi người tự chọn thức ăn cho riêng mình như cách người Việt đang thực hiện. Thật là một điều lý thú!

Với những dấu ấn văn hóa tuyệt vời như vậy, Ngọc Hoa công chúa xứng đáng là “đại sứ văn hóa”, “đại sứ của tình hữu nghị” Việt - Nhật.

LÊ THÍ