của ngành công nghiệp dược liệu xứ Quảng

Hội nghị triển khai Quyết định số 463/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực” tổ chức vào cuối tuần này. Bên cạnh công bố chính thức Đề án của Chính phủ, đây là dịp để Quảng Nam quảng bá tiềm năng, kêu gọi đầu tư, thiết lập liên kết ba bên: chính quyền - doanh nghiệp - nhà khoa học nhằm hình thành chuỗi giá trị khép kín cho ngành dược liệu. Đặc biệt, sâm Ngọc Linh - “quốc bảo dược liệu” của Việt Nam - giữ vai trò trung tâm, cả về sản xuất, chế biến sâu và định hướng xuất khẩu.
ĐÁNH THỨC TIỀM NĂNG DƯỢC LIỆU BẢN ĐỊA

Quảng Nam đang nuôi dưỡng khát vọng xây dựng trung tâm công nghiệp dược liệu cấp quốc gia, bằng cách bảo tồn - phát triển có trách nhiệm nguồn tài nguyên quý mà rừng ban tặng.
Lợi thế dược liệu bản địa
Vùng núi phía tây Quảng Nam sở hữu hệ sinh thái đặc hữu với độ che phủ rừng hơn 60%, phân bố ở các dãy núi cao như Ngọc Linh, Trường Sơn Đông.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, Quảng Nam hiện có 832 loài dược liệu, trong đó có 36 loài nằm trong sách đỏ. Những loài quý hiếm như sâm Ngọc Linh, đảng sâm, ba kích tím, sa nhân tím, chè dây, hà thủ ô… không chỉ có giá trị kinh tế mà còn hàm chứa tri thức dân gian quý báu của các tộc người Cơ Tu, Giẻ Triêng, Xê Đăng…
Trong đó, sâm Ngọc Linh được xem là “quốc bảo” của dược liệu Việt Nam, hiện có hơn 1.243ha trồng tập trung tại Nam Trà My, nơi có độ cao trên 1.200m và tầng đất dày, ẩm quanh năm. Theo ông Trịnh Minh Quý - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nam Trà My - địa phương đang siết chặt tiêu chuẩn vùng trồng theo hướng đạt GACP-WHO, đồng thời tổ chức chuỗi liên kết từ giống trồng thu hoạch đến bảo quản.

Ở Tây Giang, người Cơ Tu đã đưa ba kích tím vào trồng xen dưới rừng trồng quế, hình thành mô hình “rừng dược liệu cộng đồng” tại các xã Tr’Hy, A Xan, Ch’Ơm. Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn cũng đang nhân rộng trồng đảng sâm, chè dây, hà thủ ô, sa nhân… bằng cách hỗ trợ giống, kỹ thuật từ ngành nông nghiệp.
Ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, địa phương đã có quy hoạch phát triển khoảng 1.000ha dược liệu, trong đó có 590ha chuyển đổi từ keo sang cây gỗ lớn xen dược liệu tại xã Phước Công, Phước Chánh.
Ngoài ra, năm 2022, Phước Sơn thử nghiệm di thực giống sâm Ngọc Linh về trồng tại khu vực thôn 3, xã Phước Lộc. Trong đó, từ nguồn hỗ trợ của tỉnh được 1.000 cây giống, UBND huyện Phước Sơn giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Phước Sơn và các nhóm hộ trồng ở khu vực có độ cao 1.400m so với mực nước biển. Đến nay, tất cả đều sinh trưởng và phát triển tốt.
Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng
Ông Trần Út - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh cho rằng, dù có thế mạnh về điều kiện tự nhiên cũng như nhiều cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển lĩnh vực dược liệu được triển khai, tuy nhiên, kết quả vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có. Trong đó, quy trình canh tác của người dân về cây dược liệu vẫn chưa được hình thành, chủ yếu vào rừng thu hoạch nguyên liệu thô chứ chưa nhân rộng mô hình trồng quy mô lớn, trừ loài sâm Ngọc Linh - loại cây có giá trị kinh tế cao.

Bên cạnh đó, vùng dược liệu hầu hết đều nằm ở khu vực đồi núi cao có rừng tự nhiên, nơi mà quy định pháp luật về bảo vệ rừng được thực hiện nghiêm ngặt; chính sách giao khoán, cho thuê môi trường rừng để khoanh nuôi, canh tác vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.
“Ngoài sâm Ngọc Linh, quế Trà My, các loài dược liệu khác vẫn chưa hình thành vùng nguyên liệu đặc trưng, đủ để tạo nguồn cung cho việc chế biến sâu các sản phẩm từ dược liệu. Đặc biệt, cho đến nay, Quảng Nam vẫn chưa có công trình nghiên cứu chuyên sâu nào về kỹ thuật, quy trình, giá trị dược chất của dược liệu để khẳng định yếu tố khoa học, mà đây là yếu tố tiên quyết để thu hút đầu tư ở lĩnh vực này” - ông Út nói.
Ở góc nhìn khác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, so với thời điểm bắt đầu quan tâm đến lĩnh vực dược liệu trong vài năm trở lại đây thì tốc độ phát triển như hiện nay là tương đối nhanh. Tuy vậy, để gặt hái được những thành quả ấn tượng phải cần thời gian.
“Chúng ta có tiềm năng lớn về vùng dược liệu và các địa phương vẫn đang dần cụ thể hóa quy hoạch của tỉnh liên quan đến lĩnh vực này. Nhưng để tạo cú hích phát triển rõ nét như lĩnh vực công nghiệp ô tô - điều mà hơn 20 năm trước Quảng Nam chưa từng dám nghĩ đến, lại là một câu chuyện khác. Phát triển lĩnh vực dược liệu ngoài tiềm năng bản địa cần phải có yếu tố thị trường, doanh nghiệp và cơ chế chính sách từ nhà nước” - ông Bửu khẳng định.
Trung tâm dược liệu phải được xây dựng từ gốc rễ
Ở góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Lực - Chủ tịch Hội Sâm Ngọc Linh Quảng Nam cho rằng, điều Quảng Nam thiếu hiện nay trong phát triển lĩnh vực dược liệu là một cơ chế vận hành mang tính hệ thống, nơi nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và cộng đồng cùng chia sẻ trách nhiệm.

“Cần một hệ sinh thái dược liệu khép kín từ giống, kỹ thuật trồng, sơ chế, chế biến, thương mại, kiểm định, truy xuất. Bên cạnh đó, phải có một đầu mối điều phối tổng thể, mang tầm chiến lược và hành động cụ thể chứ không dừng ở tầm kế hoạch hay dự án” - ông Lực nói.
Trong khi đó, ông Lương Trọng Khoa - Giám đốc Công ty CP Sâm Việt Nam Vinapanax (TP.Hồ Chí Minh) lại quan tâm đến độ tin cậy đối với sản phẩm từ dược liệu, đặc biệt là định hướng sản xuất các sản phẩm chế biến sâu của người tiêu dùng.
Sâm Ngọc Linh, hay các dược liệu từ Quảng Nam nói chung, muốn tiếp cận thị trường đại chúng và quốc tế phải có mã số vùng trồng, hồ sơ kỹ thuật rõ ràng, kiểm định hàm lượng hoạt chất cụ thể và đặc biệt là giá thành hợp lý.

Ông Khoa đề xuất: “Nếu mỗi doanh nghiệp phải tự tìm vùng trồng, tự lo giống, tự truy xuất, thì chẳng ai đủ nguồn lực cả. Quảng Nam cần hình thành các trung tâm giống, trung tâm kiểm định độc lập, để doanh nghiệp bước vào là có nền tảng sản xuất hàng hóa chứ không phải bắt đầu từ số 0”.
Về mặt quản lý nhà nước, ông Trần Út cho rằng, để thúc đẩy việc hình thành trung tâm dược liệu, Quảng Nam cần hoàn thiện điều kiện sản xuất, trong đó, có mã số vùng trồng, mã cơ sở gây trồng, chỉ dẫn địa lý, giống và bảo tồn gen, quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế, tổ chức hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật đảm bảo đúng các yêu cầu, quy định liên quan về việc lưu hành sản phẩm từ dược liệu trên thị trường thế giới.
Đặc biệt, trong hệ sinh thái phát triển lĩnh vực dược liệu, người dân phải tăng cường tính chủ động, tập trung học hỏi, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật để đầu tư vào mô hình sản xuất của mình. Đồng thời các chủ thể cũng nên tham gia sâu vào các tổ chức ngành như tổ hợp tác, hợp tác xã, hội, hiệp hội... để phát huy vai trò và thể hiện trách nhiệm của cộng đồng được hưởng lợi.
SÂM NGỌC LINH VÀ CHIẾN LƯỢC CHINH PHỤC THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI

Trong khi thế giới đang gia tăng nhu cầu đối với dược liệu có nguồn gốc tự nhiên, rõ ràng về hồ sơ kỹ thuật, có giá trị bản địa và thân thiện với môi trường, thì phần lớn sản phẩm dược liệu Quảng Nam vẫn dừng lại ở dạng thô, chưa có chứng nhận quốc tế. Để chinh phục thị trường toàn cầu, cần có những chiến lược rõ ràng hơn.
Rào cản trong chế biến và xuất khẩu
Tính đến đầu năm 2025, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 28 sản phẩm từ dược liệu được công nhận OCOP, trong đó chủ yếu đạt mức 3 sao. Chỉ một số ít doanh nghiệp xây dựng được hồ sơ kỹ thuật tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế. Hầu hết sản phẩm chưa có hồ sơ định lượng hoạt chất, chưa có chứng chỉ truy xuất nguồn gốc vùng trồng, hoặc nếu có cũng chỉ áp dụng nội bộ, chưa được cơ quan có thẩm quyền quốc tế công nhận.
Tại Lễ hội Sâm và Dược liệu quốc tế TP.Hồ Chí Minh đầu năm 2024, Quảng Nam mang đến gần 100 sản phẩm, nhưng phần lớn là sản phẩm thô, dưới hình thức trưng bày và quảng bá. Những sản phẩm này được chuyên gia đánh giá có tiềm năng lớn, nhưng tính sẵn sàng để đàm phán thương mại vẫn còn thấp do thiếu các chứng nhận quốc tế. Mặc dù có doanh nghiệp từng xuất khẩu sâm Ngọc Linh sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức… nhưng mới dừng lại ở quy mô nhỏ, theo dạng giới thiệu hoặc liên kết đặt hàng thử nghiệm.

Chị Hồ Thị Mười ở xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trồng và kinh doanh sâm Ngọc Linh cùng các loại dược liệu bản địa. Chị Mười đã thành lập Hợp tác xã Cộng đồng Ngọc Linh, thu hút 15 hộ dân tại xã Trà Linh tham gia thành viên, cùng 19 nhóm hộ liên kết cung ứng sản phẩm sâm Ngọc Linh và dược liệu theo hợp đồng. HTX đã tập trung phát triển vùng nguyên liệu với 10ha sâm Ngọc Linh đã được trồng. Tuy nhiên, việc đầu tư vào chế biến sâu vẫn là một thách thức lớn.
“Để sản xuất một lô hàng chế biến sâu đòi hỏi vốn lớn, quy trình kiểm nghiệm phức tạp, tem nhãn phải chuẩn và đầu ra ổn định chưa chắc có. Nếu bán không kịp thì lỗ nặng, nhỏ lẻ như mình không kham nổi” -chị Mười nói.

Những khó khăn này không chỉ riêng chị Mười mà là thực trạng chung của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Quảng Nam. Dù đã nghiên cứu bài bản, có vùng nguyên liệu rõ ràng, nhưng khi bắt tay vào sản xuất các dòng sản phẩm cao cấp từ tinh chất, nhiều đơn vị vẫn lựa chọn đi từng bước ngắn, làm từng lô nhỏ để thăm dò thị trường. Việc thiếu hỗ trợ từ hệ thống kiểm nghiệm, công bố chất lượng đến xúc tiến thương mại khiến cho các sản phẩm chế biến sâu khó tiếp cận được thị trường rộng lớn hơn.
Chuẩn hóa để mở đường ra thế giới
Ông Nguyễn Đức Lực - Chủ tịch Hội Sâm Ngọc Linh Quảng Nam cho biết, tại nhiều thị trường quốc tế như châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản hay Hàn Quốc, yêu cầu đối với sản phẩm dược liệu không chỉ là nguồn gốc tự nhiên, không hóa chất, mà còn đòi hỏi bộ hồ sơ kỹ thuật chi tiết gồm: thông tin về vùng trồng, giống cây, quy trình canh tác, chỉ tiêu hoạt chất, hồ sơ kiểm nghiệm độc lập, truy xuất số hóa từng lô hàng và chứng nhận đạt tiêu chuẩn như GACP-WHO, HACCP, ISO 22000, thậm chí là USDA Organic hoặc EU Organic.

Tuy nhiên, hiện nay đa số doanh nghiệp dược liệu tại Quảng Nam, kể cả các đơn vị có quy mô lớn, vẫn chưa xây dựng được đầy đủ bộ chứng chỉ kỹ thuật theo thông lệ quốc tế. Một phần vì chi phí kiểm định, đánh giá, duy trì chứng nhận rất cao; phần khác vì thiếu đơn vị tư vấn đồng hành và trung tâm kiểm nghiệm đủ năng lực ngay trong tỉnh.
Trước thực trạng này, các chuyên gia Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh cho rằng, yếu tố khoa học kỹ thuật, đầu tư nghiên cứu, ứng dụng vào dược liệu là vô cùng quan trọng để hình thành biện pháp canh tác nâng cao chất lượng và hướng tới phát triển bền vững, đạt các tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, sản xuất phải đi đôi với chế biến sản phẩm và hình thành chuỗi liên kết giữa nhà khoa học - nhà quản lý - người dân - doanh nghiệp - người tiêu dùng.
Yếu tố công nghệ phải được ứng dụng, hình thành một nền tảng truy xuất dược liệu toàn tỉnh, nơi tất cả vùng trồng, cơ sở sơ chế, doanh nghiệp cùng tham gia và đưa dữ liệu lên đó. Đồng thời từng bước chuẩn hóa quy trình, kết nối với sàn thương mại điện tử, thị trường quốc tế và các tổ chức cấp mã vùng trồng, mã sản phẩm quốc tế.

“Để thực hiện được những yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế, bên cạnh vai trò định hướng và hỗ trợ từ Nhà nước, sự chủ động thay đổi tư duy sản xuất của người dân, thì không thể thiếu lực đẩy từ các nhà đầu tư có năng lực thực sự cả về tài chính lẫn am hiểu thị trường dược liệu. Phải có những doanh nghiệp đủ lớn, có chiến lược dài hơi để đóng vai trò đầu tàu, từ xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, đầu tư công nghệ chế biến sâu, cho đến kiểm nghiệm, truy xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm mang tầm quốc tế. Hiện nay, Quảng Nam đang chủ động mời gọi doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị dược liệu, coi đây là một trong những hướng đi then chốt để thúc đẩy lĩnh vực này bứt phá mạnh mẽ trong giai đoạn tới” - đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường nhấn mạnh.
BÀI THUỐC CỦA NGƯỜI XƯA

Những bài thuốc dựa vào động vật hoang dã để chữa trị cho con người đã lạc hậu. Việc chuyển sang các sản phẩm thay thế từ thảo dược được xem là xu hướng tất yếu của y học cổ truyền trong tương lai.
Thuốc chữa hay nguồn cơn gây bệnh?
Hiện nay, nhiều người vẫn còn lầm tưởng về tác dụng bị thổi phồng của các vị thuốc cổ truyền từ động vật hoang dã (ĐVHD). Họ tìm mua các sản phẩm như mật gấu, cao hổ, sừng tê giác, vảy tê tê... mà không biết chúng đều là các sản phẩm bất hợp pháp.
Tổ chức Thú y thế giới (WOAH) cho biết trong vòng 60 năm qua đã có 144 bệnh lây truyền từ động vật hoang dã sang con người. Còn theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 75% bệnh truyền nhiễm mới ở người trong ba thập niên qua có nguồn gốc từ động vật.
Trong các bệnh lây từ ĐVHD sang người theo WHO, có bệnh AIDS xuất hiện ở Mỹ từ 1981 đến nay. Nguồn gốc theo nghiên cứu của giáo sư Jacques Pepin từ Đại học Sherbrooke (Canada) cho rằng, HIV lây từ tinh tinh sang người vào năm 1916. Bệnh SARS, với nguồn gốc được xác định một chủng của virus corona từ cầy hương. Bệnh EBOLA, nguồn gốc xác định từ loài dơi ăn quả được coi là vật chủ tự nhiên của virus này
TS-BS. Đoàn Văn Minh, Trưởng Khoa Y học cổ truyền (YHCT), Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế khuyến nghị, trong vấn đề sử dụng thuốc, cần có sự chỉ định rõ ràng từ bác sĩ, các sản phẩm có nguồn gốc. Người dân nên phòng bệnh, có những lối sống tốt cho sức khỏe, khi có bệnh nên đến các cơ sở uy tín để khám chữa bệnh. Trong chương trình dạy, các y văn có nói về thuốc từ động vật hoang dã đều được nhà trường đưa ra khỏi chương trình giảng dạy.
Việc dùng các bài thuốc từ động vật bất kể là loài ngoài tự nhiên hay được nuôi nhốt đều tiềm tàng những rủi ro, nguy cơ lây bệnh.
Trên trang Animalsasia.org đăng ý kiến của Tiến sĩ Wang Shengxian, kết luận rằng 100% các mẫu vật được phát hiện có tình trạng viêm hệ thống gan và đường mật. Điều này cho thấy mật được chiết xuất từ gấu sống có thể chứa ung thư gan và các tế bào viêm và cytokine gây hại cho sức khỏe con người.
Dược liệu thay thế
TS-BS Đoàn Văn Minh khẳng định việc chuyển sang các sản phẩm thay thế từ thảo dược là xu hướng tất yếu của YHCT trong tương lai. Cần tăng cường các nghiên cứu và đầu tư đồng bộ để tìm kiếm giải pháp thay thế phù hợp, khoa học và bền vững.

Theo YHCT, mật gấu có thể dùng hạ sốt, giải độc, giảm viêm, sưng và đau. Ngoài ra còn điều trị nhọt nhiệt độc, các bệnh mủ trên da, bệnh trĩ, tình trạng dư thừa hỏa ở gan, co giật do dư nhiệt, động kinh. Nhưng các thảo dược vẫn có thể thay thế mật gấu trong điều trị.
Tại triển lãm Dược liệu nhằm giảm sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD trái pháp luật trong YHCT, do WWF Việt Nam tổ chức vào năm 2023, bà Trần Thị Nam Hà, Phó Giám đốc Ban quản lý Trung ương, Dự án Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp, MBFP cho biết, dược liệu bền vững luôn mang lại nhiều lợi ích về bảo tồn và duy trì phát triển nguồn tài nguyên đa dạng sinh học, cả trực tiếp và gián tiếp. Cây thuốc khi được thầy thuốc kê đơn thì mang lại giá trị lợi ích cho người bệnh, đồng thời cũng mang lại nguồn thu nhập cho người trồng.
Theo Hội Đông y Việt Nam, các thầy thuốc YHCT ở Việt Nam đã xác định được ít nhất 32 loại thảo dược thay thế mật gấu, bao gồm quế, cỏ mật gấu, nghệ, huyết giác, ngải cứu,... có khả năng điều trị các bệnh như sưng viêm và đau khớp, bảo vệ gan và chống viêm.
Trong giáo trình Dược học cổ truyền, Đại học Y Dược Huế cho biết, một số loài dược liệu có thể thay thế cao hổ cốt. Giáo trình này chỉ ra, cây ba kích dùng rễ đã phơi hay sấy khô. Loài này có tính vị hơi ấm, vị ngọt, cay. Công năng dùng ôn bổ thận, kiện cân cốt, bình can tiềm dương, khư phong thấp, trị liệt dương, di tinh, tảo tiết, đau mỏi thắt lưng - gối, tăng huyết áp, đau thần kinh cơ xương khớp...
Các chuyên gia khẳng định việc sử dụng dược liệu thay thế cho các bài thuốc đến từ ĐVHD sẽ có tính khả thi hơn vì dễ sản xuất, thu hoạch, bào chế, dễ kiểm soát chất lượng, số lượng và không gây hại cho hệ sinh thái.
Trong năm 2024, Quảng Nam chủ trương dùng các nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu mới thay thế các nguồn tài nguyên truyền thống. Chính quyền tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án khoanh nuôi, trồng bảo tồn chủ động để bảo tồn gen và cung cấp vật liệu nhân giống các cây dược liệu như đảng sâm, sa nhân tím, đương quy, giảo cổ lam, cây dược liệu bảy lá tại huyện Nam Trà My.
Với Đề án Trung tâm công nghiệp dược liệu, lấy cây sâm Ngọc Linh làm chủ lực sẽ là cú hích để hình thành các nghiên cứu, bào chế nên những bài thuốc từ giá trị của cây dược liệu bản địa.
KỲ VỌNG HỆ SINH THÁI TỪ DƯỢC LIỆU

Tháng 4/2025, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai Quyết định 463 của Thủ tướng chính phủ về phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại Quảng Nam. Đây là kế hoạch nhằm xác định rõ các giai đoạn, mục tiêu và giải pháp cho chiến lược phát triển ngành công nghiệp dược liệu của tỉnh.
Mục tiêu tổng quát được xác định là phát triển Quảng Nam thành trung tâm công nghiệp dược liệu quốc gia, lấy sâm Ngọc Linh làm cây chủ lực; xây dựng chuỗi giá trị đồng bộ từ nuôi trồng, chế biến, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Kỳ vọng từ tầm nhìn chiến lược quốc gia
Tại cuộc làm việc giữa đại diện Bộ Y tế và UBND tỉnh Quảng Nam hồi năm 2024, các chuyên gia Bộ Y tế cho rằng, với dược liệu và chính sách y học cổ truyền, việc hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu cấp quốc gia đặt tại Quảng Nam là một quyết định “chuẩn xác về địa sinh học và có tính biểu tượng”.
Theo đó, chỉ riêng Sâm Ngọc Linh đã là tài sản chiến lược của không chỉ Quảng Nam. Nhưng nếu chỉ dừng ở khai thác thô, hoặc để thị trường tự điều tiết như trước đây, thì sẽ không bao giờ phát huy được tiềm năng của vùng nguyên liệu quý giá này.
Do vậy, phát triển công nghiệp dược liệu không chỉ là mở rộng trồng trọt mà cần một mô hình với ba trụ cột được xác định là chế biến sâu gắn với công nghệ sinh học; liên kết tiêu chuẩn cao; và sở hữu trí tuệ - thương hiệu quốc tế. Mọi chính sách cần tập trung vào việc nâng cấp giá trị từ tài nguyên dược liệu có được.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2025-2035, đề án đặt mục tiêu hoàn thiện vùng nguyên liệu tại các huyện Nam Trà My, Phước Sơn, Đông Giang; thiết lập hạ tầng logistics tại Chu Lai; hình thành hệ sinh thái chế biến sâu và chuỗi giá trị khép kín từ giống - trồng - chế biến - thương mại hóa theo chuẩn GACP-WHO.
Đến 2045, Quảng Nam kỳ vọng sẽ có thể xuất khẩu dược liệu chế biến đến 10 thị trường quốc tế, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Hoa Kỳ... Đồng thời sẽ có một hệ sinh thái công nghiệp dược liệu hoàn chỉnh, hiện đại, đa sản phẩm, đa thị trường xuất khẩu.
Hướng đi bền vững
Sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu quý như ba kích, sa nhân, đảng sâm… không thể trồng theo kiểu đại trà trên đồng bằng mà phụ thuộc hoàn toàn vào tay nghề, thổ nhưỡng và tri thức bản địa ở miền núi. Tuy nhiên, hiện nay, người dân mới chỉ được hưởng chưa tới 20% giá trị chuỗi sản phẩm.

Khi trung tâm công nghiệp dược liệu hình thành, điều cốt lõi là phải “đưa người dân vào chuỗi với vai trò người sở hữu tri thức và là đối tác chứ không chỉ là người làm thuê”. Do đó, yêu cầu đẩy mạnh các hoạt động bảo hộ chỉ dẫn địa lý, quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu được đặt ra.
Trong Kế hoạch thực hiện Đề án 463, UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh sẽ thực hiện quảng bá sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm từ dược liệu gắn kết với quảng bá, xúc tiến du lịch; phát triển và khai thác các sản phẩm dịch vụ về văn hóa và du lịch gắn với tham quan vùng trồng dược liệu, khu công nghiệp dược liệu và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa từ dược liệu, hướng đến kiến tạo một ngành kinh tế kết hợp dựa trên nền tảng văn hóa - cảnh quan - thảo dược phù hợp.
Cạnh đó, vai trò chủ lực của doanh nghiệp - từ khâu đầu tư nhà máy chiết xuất, chế biến, đến phát triển thương hiệu, xuất khẩu được khuyến khích.
Quyết định số 463 phê duyệt Đề án “Phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực”, là cơ sở khẳng định vị thế chiến lược trên bản đồ dược liệu quốc gia của Quảng Nam, theo ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
“Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 463 không chỉ thể hiện tầm nhìn chiến lược trong phát triển kinh tế miền núi, mà còn khẳng định cam kết đầu tư bài bản cho lĩnh vực dược liệu với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực, từ đó tạo ra nền tảng pháp lý quan trọng để điều phối liên ngành, huy động nguồn lực đầu tư công - tư và xây dựng các chính sách hỗ trợ cần thiết. Đồng thời đây cũng là cú hích lớn giúp gia tăng niềm tin cho doanh nghiệp, mở ra cơ hội đầu tư vào chuỗi giá trị chế biến sâu, kiểm định chất lượng và phát triển sản phẩm đạt chuẩn quốc tế, góp phần đưa dược liệu Quảng Nam vươn ra thị trường toàn cầu” - ông Bửu nói.
Cụ thể, Nhà nước đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, kỹ thuật khu vực quy hoạch trung tâm công nghiệp dược liệu theo quy định; Khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi về đất đai, mặt bằng, tín dụng, thuế, khoa học công nghệ, thủ tục hành chính,… nhằm xúc tiến đầu tư nuôi trồng, hạ tầng, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, sản xuất, chế biến, kinh doanh dược liệu và các lĩnh vực khác có liên quan; tập trung xúc tiến, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia, các nước có ngành công nghiệp dược liệu phát triển.
Theo giới chuyên gia, doanh nghiệp chỉ thực sự mạnh khi có “luật chơi rõ ràng” và “sân chơi minh bạch”. Ở cấp độ vĩ mô, TS. Vũ Thành Tự Anh - chuyên gia chính sách công, đánh giá, nếu được triển khai đúng, trung tâm công nghiệp dược liệu Quảng Nam sẽ là mô hình phát triển xanh điển hình: vừa dựa vào tự nhiên, vừa tạo sinh kế miền núi, vừa có thể hội nhập quốc tế mà không xâm hại môi trường. Ông đặc biệt nhấn mạnh vai trò giám sát xã hội và minh bạch hóa chuỗi giá trị để tránh những bất cập trong khai thác rừng hay đầu cơ đất dược liệu.
Việc hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu được kỳ vọng sẽ mở ra mô hình kinh tế xanh cho miền núi, đồng thời định vị lại vai trò của dược liệu Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Nội dung: PHAN PHƯỚC - NGUYỄN ĐẮC THÀNH - LÊ QUÂN
Trình bày: MINH TẠO