Tài chính - Thị trường

Tín dụng xanh mở lối khu công nghiệp xanh

QUỐC TUẤN (quoctuanqna93@gmail.com) 13/05/2025 08:15

Dư nợ tín dụng xanh của doanh nghiệp Quảng Nam hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các tỉnh, thành Khu vực 9 phản ánh định hướng của chính quyền và quyết tâm chuyển đổi của doanh nghiệp địa phương về phát triển xanh.

tín dụng xanh
Diễn đàn “Kết nối tín dụng xanh - Khu công nghiệp xanh” diễn ra tại TP.Đà Nẵng cuối tuần qua. Ảnh: QUỐC TUẤN

Chuyển động về dư nợ tín dụng xanh

Cuối tuần qua, tại TP.Đà Nẵng diễn ra diễn đàn “Kết nối tín dụng xanh - Khu công nghiệp xanh”. Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 9 (Quảng Trị, TP.Huế, TP.Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi), tổng quy mô nền kinh tế trên địa bàn khu vực năm 2024 khoảng 546.468 tỷ đồng.

Đến cuối tháng 3/2025, đã có 30 chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn Khu vực 9 phát sinh dư nợ tín dụng xanh với tổng dư nợ đạt khoảng 10.482 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 2% trong tổng dư nợ, trong đó tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm tỷ trọng 35,51%).

Ông Lê Anh Xuân - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 9 thông tin, điều đặc biệt là dư nợ tín dụng xanh của Quảng Nam chiếm đến 60% dư nợ tín dụng xanh toàn Khu vực 9.

Quảng Nam đang hướng tới mô hình KCN xanh, tuần hoàn, phù hợp với quy hoạch tỉnh. Ảnh: QUỐC TUẤN
Quảng Nam rất quan tâm đến việc chuyển đổi các khu công nghiệp hiện có, đầu tư phát triển khu công nghiệp xanh, gắn với áp dụng công nghệ thân thiện môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên. Trong ảnh: Đường vượt quốc lộ 1 tại Chu Lai. Ảnh: QUỐC TUẤN

Tại Việt Nam, hành lang pháp lý cho tín dụng xanh đang dần được hình thành và phát triển nhằm hỗ trợ các dự án và hoạt động bền vững. Lãi suất cho vay các lĩnh vực xanh ngắn hạn bình quân phổ biến từ 4 - 7%/năm, trung và dài hạn bình quân từ 9 - 11%/năm. Trong đó, một số lĩnh vực ưu tiên, gói tín dụng ưu đãi được các ngân hàng áp dụng mức lãi suất dưới 4%/năm.

Ông Lê Anh Xuân đưa ra một số điển hình ở Khu vực 9 như BIDV đang triển khai gói tín dụng lãi suất ưu đãi trung, dài hạn dự án công trình xanh; gói tín dụng xanh cho vay khách hàng cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống từ sản phẩm xanh, sản xuất kinh doanh xanh, sản xuất kinh doanh các ngành đáp ứng điều kiện về trồng trọt, chăn nuôi VietGap… với mức lãi suất ưu đãi thấp hơn 0,5%/năm so với các gói lãi suất hiện hành.

Agribank đang triển khai chương trình cho vay với lãi suất thấp hơn 1,0%/năm lãi suất thông thường đối với khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất kinh doanh sản phẩm, dịch vụ thuộc lĩnh vực xanh.

Trong khi đó, Vietcombank triển khai chương trình lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh ưu đãi khách hàng SME và cá nhân theo tiêu chuẩn xanh với quy mô 10.000 tỷ đồng; ACB với chương trình “Đẩy tín dụng xanh - Bật nhanh tăng trưởng” nhằm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư dự án xanh, nhằm đạt mục tiêu bền vững...

Nguồn lực “xanh hóa” khu công nghiệp

Tỉnh Quảng Nam hiện đã quy hoạch, đầu tư hình thành 14 khu công nghiệp (KCN) trong và ngoài khu kinh tế với tổng diện tích 3.669ha.

kcn.jpeg
Tín dụng xanh là động lực tài chính giúp các khu công nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất truyền thống sang mô hình xanh. Trong ảnh: Cảng Chu Lai - Trường Hải: Ảnh: QUỐC TUẤN

Tổng vốn đăng ký đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN là 9.487 tỷ đồng, tổng vốn thực hiện hơn 3.775 tỷ đồng (đạt 39,5% tổng vốn đăng ký); tỷ lệ trung bình lấp đầy của 10/14 KCN đã đi vào hoạt động đạt gần 60%. Đến cuối năm 2024, đã có 331 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 104.000 tỷ đồng, trong đó có 98 dự án FDI với tổng vốn đầu tư khoảng 1,6 tỷ USD.

Theo ông Lê Quang Triều - Phó Trưởng ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh, Quảng Nam rất quan tâm đến việc chuyển đổi các KCN hiện có, đầu tư phát triển KCN xanh, gắn với áp dụng công nghệ thân thiện môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên; giảm phát thải và có không gian xanh, hài hòa với môi trường.

Trong đồ án quy hoạch phân khu xây dựng các KCN mới, Quảng Nam chú trọng khuyến khích các nhà máy hiện đại, sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch theo hướng sinh thái.

Ông Lê Quang Triều cho rằng, kết nối tín dụng xanh với KCN xanh là mối liên kết có tính chiến lược và hai chiều, tín dụng xanh là động lực tài chính giúp các KCN chuyển đổi mô hình sản xuất truyền thống sang mô hình xanh. KCN xanh là đối tượng ưu tiên được hưởng các chính sách hỗ trợ tín dụng xanh nhằm giảm chi phí năng lượng và vận hành cho doanh nghiệp, nâng cao uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp, góp phần đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

“Một số hình thức kết nối cụ thể như doanh nghiệp trong KCN được hỗ trợ lập hồ sơ vay vốn tín dụng xanh. Các ngân hàng, tổ chức tài chính hợp tác với Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp Quảng Nam để tìm kiếm, đánh giá dự án đủ điều kiện. Cần tích hợp tiêu chí môi trường vào quá trình xét duyệt tín dụng. Ngoài ra, cần phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước - tổ chức tài chính - doanh nghiệp” - ông Triều gợi mở.

Ông Lê Anh Xuân cho hay, để dòng vốn tín dụng thực sự trở thành động lực cho chuyển đổi xanh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 9 sẽ tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tích cực triển khai thực hiện Đề án phát triển ngân hàng xanh, có các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn xanh. Qua đó tăng tỷ trọng tín dụng xanh trong tổng dư nợ, đặc biệt là các đối tượng thuộc danh mục phân loại xanh.

Đồng thời, tiếp tục triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, đặc biệt là đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực xanh, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất thân thiện với môi trường.

QUỐC TUẤN (quoctuanqna93@gmail.com)