Hồ sơ - Tư liệu

Nhân 70 năm các lực lượng Khu 5 rời cảng Quy Nhơn tập kết ra Bắc: Chuẩn bị lực lượng lâu dài cho cách mạng

Lê Năng Đông 16/05/2025 09:10

Tròn 70 năm trước, vào ngày 16/5/1955, hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh các tỉnh Khu 5, trong đó có Quảng Nam đã lên chuyến tàu cuối cùng, hoàn thành việc tập kết ra miền Bắc tại cảng Quy Nhơn.

Nhân dân Quy Nhơn lưu luyến tiễn đưa cán bộ, bộ đội tập kết ra miền Bắc
Nhân dân Quy Nhơn lưu luyến tiễn đưa cán bộ, bộ đội tập kết ra miền Bắc. Ảnh tư liệu

Sự kiện chuyển quân tập kết đã thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng của Đảng và Bác Hồ trong việc chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cũng như xây dựng miền Nam sau ngày đất nước thống nhất.

Chuẩn bị chu đáo

Ngày 21/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Theo hiệp định, nước Việt Nam tạm thời chia làm 2 miền, lấy vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải, Quảng Trị) là ranh giới tạm thời. Quân đội nhân dân Việt Nam tập kết ở phía Bắc, quân đội Liên hiệp Pháp tập kết ở phía Nam. Thời hạn di chuyển hoàn toàn lực lượng hai bên không quá 300 ngày.

Trước bước ngoặt lịch sử, nhận định vấn đề chiến lược của cách mạng miền Nam trước khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, từ ngày 15 - 17/7/1954, tại Việt Bắc, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 6, khóa II, nhận định: “Đế quốc Mỹ là kẻ thù chính của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, và hiện đang trở thành kẻ thù chính trực tiếp của nhân dân Đông Dương”.

Thấu hiểu nỗi lòng của đồng bào miền Nam, sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, ngày 22/7/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước.

Người nhấn mạnh: “… Để giành lấy thắng lợi, toàn thể Nhân dân, quân đội và cán bộ từ Bắc đến Nam cần phải đoàn kết chặt chẽ, tư tưởng phải thống nhất, hành động phải nhất trí”. “Tranh lấy hòa bình không phải là một việc dễ, nó là cuộc đấu tranh trường kỳ gian khổ, phức tạp”.

Từ ngày 27 - 28/7/1954, Liên Khu ủy 5 tổ chức Hội nghị mở rộng nhằm nghiên cứu, quán triệt nội dung Nghị quyết Hội nghị Ban Trung ương lần thứ 6 và đề ra nhiệm vụ cấp bách: “Mở đợt tuyên truyền giáo dục chuyển hướng tư tưởng nhận thức về đường lối, phương châm đấu tranh, các điều khoản của Hiệp định Giơ-ne-vơ cho lực lượng vũ trang và Nhân dân trong tình hình mới”.

Đồng thời chỉ đạo đối với lực lượng chuẩn bị tập kết ra miền Bắc, theo quy định 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định có thời gian tập kết 300 ngày. Các tỉnh còn lại, trong đó có Quảng Nam chuyển quân tập kết bàn giao địa bàn cho đối phương trước ngày 31/8/1954.

Trước tình hình đó, đầu tháng 8/1954, Tỉnh ủy Quảng Nam triệu tập hội nghị mở rộng tại Chiên Đàn (nay thuộc xã Tam An, huyện Phú Ninh). Căn cứ vào đặc điểm tình hình của tỉnh, hội nghị quyết định mở đợt tuyên truyền đường lối của Đảng đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu rõ thắng lợi của Hiệp định Giơ-ne-vơ, và nhiệm vụ giai đoạn mới nhằm tạo ra khối đoàn kết để đối phó với các âm mưu thủ đoạn của địch; sắp xếp lại tổ chức, chuyển hướng hoạt động cho phù hợp với tình hình mới; thi hành Hiệp định chuyển quân tập kết đúng thời gian quy định.

Tỉnh ủy giải thể bộ máy lãnh đạo trong kháng chiến và thành lập Tỉnh ủy mới gồm 5 đồng chí, đồng chí Trương Chí Cương làm Bí thư Tỉnh ủy.

Ở cấp thành phố, thị xã và các huyện mỗi cấp ủy được thành lập từ 5 đến 7 đồng chí. Mỗi huyện thành lập từ 6 đến 7 đoàn công tác phụ trách các khu vực. Cấp xã thành lập các chi bộ theo đơn vị làng cũ thời Pháp thuộc, mỗi chi bộ không quá 10 đồng chí, hầu hết là những cán bộ, đảng viên đã được thử thách, có quá trình hoạt động và am hiểu tình hình địa phương.

Các tổ chức quần chúng được sắp xếp lại, chuyển thành các tổ chức hợp pháp. Ở nông thôn thành lập các nhóm phòng gian, chống cướp, tổ đổi công, vòng công, hội tương tế... Ở thành phố, thị xã có tổ chức nghiệp đoàn, phụ nữ, thanh niên, học sinh và tổ trung kiên làm nòng cốt trong các phong trào.

Về công tác tư tưởng, Tỉnh ủy tổ chức cho cán bộ, nhân dân học nội dung Hiệp định Giơ-ne-vơ. Riêng đảng viên, cán bộ học tài liệu dũng khí cách mạng và gương các đồng chí Trần Phú, Hoàng Văn Thụ; phương thức hoạt động bí mật trong giai đoạn mới; hướng dẫn nhân dân dựa vào pháp lý về các điều khoản Hiệp định Giơ-ne-vơ đấu tranh với địch.

Điều 14C được in và phát cho dân, các điều khoản hiệp định được viết trên tấm bảng và dựng nơi công cộng. Các khẩu hiệu, băng cờ, cổng chào được dựng lên khắp các thôn, xóm. Nhiều cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại Tam Kỳ và các huyện tuyên truyền thắng lợi cuộc kháng chiến, chào mừng hòa bình. Tâm trạng của Nhân dân lúc này vừa mừng, vừa lo.

Mừng vì hòa bình được lập lại, nhưng lo là nay phải sống trở lại dưới chế độ của thực dân, đế quốc và chưa biết tình hình sẽ diễn biến ra sao. Tỉnh ủy thành lập Ban Căn cứ giao thông chăm lo việc xây dựng nơi đóng cơ quan Tỉnh ủy và giao thông liên lạc.

Đường dây giao liên bí mật từ tỉnh đến huyện, xã nhanh chóng được thành lập. Các trạm liên lạc được bố trí những địa thế thuận lợi, trên các đầu mối giao thông để giữ liên lạc giữa các vùng trong tỉnh.

Lên tàu tập kết ra Bắc

Thực hiện sự chỉ đạo của Liên Khu ủy 5 và Tỉnh ủy, cơ quan tỉnh đội, huyện đội và các đơn vị lực lượng vũ trang một số được biên chế thành các tiểu đoàn, làm lễ chiến thắng tại thị xã Tam Kỳ và hầu hết được điều về Trung đoàn 93, lên tàu tập kết ra Bắc.

Bia di tích địa điểm chuyển quân tập kết ra Bắc tại Quy Nhơn
Bia di tích địa điểm chuyển quân tập kết ra Bắc tại Quy Nhơn. Ảnh tư liệu

Số còn lại chuyển sang hoạt động bí mật, hợp pháp bằng cách cho quân nhân giải ngũ về lại địa phương sinh sống với gia đình, tạo vỏ bọc làm nòng cốt cho phong trào.

Số hoạt động bất hợp pháp được chuyển lên các huyện phía tây của tỉnh lập căn cứ, tổ chức chôn giấu một số vũ khí ở Quế Sơn, Tiên Phước phòng khi địch phá hoại hiệp định và làm nhiệm vụ bảo vệ Tỉnh ủy.

Trước khi tham gia tập kết, các đơn vị lực lượng vũ trang của tỉnh tổ chức cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương và chủ trương của Liên Khu ủy 5; tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ chiến sĩ tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành nghiêm lệnh ngừng bắn, lệnh rút quân, giữ vững tổ chức, bảo toàn lực lượng; tuyệt đối ngăn cản việc khiêu khích manh động, chống tư tưởng tự do chủ nghĩa, đề cao cảnh giác, đề phòng âm mưu phá hoại của địch, đề cao trách nhiệm chính trị, chấp hành nghiêm sự phân công, sắp xếp của tổ chức, chỉnh đốn đội ngũ, ổn định tinh thần, giải quyết nhanh các nhiệm vụ cấp thiết, cũng như tình cảm gia đình, hậu phương, sẵn sàng thích nghi với điều kiện mới.

Các cơ quan huyện đội các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc, thị xã Hội An cùng các đại đội lần lượt hành quân vào vùng tự do Thăng Bình, Tam Kỳ, sắp xếp biên chế, củng cố tổ chức, chuẩn bị tập kết. Ở những nơi đóng quân, cán bộ chỉ huy các đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức mít tinh, đốt lửa trại vui chơi, ca hát, qua đó tuyên truyền kêu gọi đồng bào ở lại vững tin vào đường lối, chủ trương của Đảng trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà.

Sau khi lực lượng vũ trang tỉnh được ổn định về tư tưởng và tổ chức, vào ngày 30/8/1954, Tỉnh ủy tổ chức lễ chiến thắng tại thị xã Tam Kỳ. Cuộc mít tinh lớn diễn ra tại sân vận động Tam Kỳ với hàng vạn người từ thành thị đến nông thôn, miền xuôi, miền ngược, lần lượt kéo về, rợp cờ, biểu ngữ để mừng ngày hội chiến thắng. Sau phần lễ, lực lượng vũ trang tổ chức cuộc diễu binh khắp thị xã để biểu dương lực lượng.

Sau buổi lễ mít tinh, các đơn vị bộ đội và số cán bộ, học sinh đã tập kết về An Tân, huyện Tam Kỳ (nay thuộc huyện Núi Thành) để vào sông Vệ, Quảng Ngãi đi tập kết. Lực lượng vũ trang Quảng Nam - Đà Nẵng được biên chế trong Trung đoàn 93 rời tỉnh nhà vào dừng lại ở huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) học tập quân sự, chính trị và làm nhiệm vụ biên phòng, bàn giao khu vực, triển khai từng tổ xuống địa phương giúp dân, làm công tác dân vận, tuyên truyền thắng lợi của ta, chủ trương, đường lối của Đảng, động viên Nhân dân ở lại tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, kiên quyết đấu tranh với địch. Sau đó, tháng 3/1955, Trung đoàn 93 được phân công làm dân vận trên địa bàn huyện Hoài Ân (Bình Định).

Ngày 16/5/1955, những đơn vị vũ trang cuối cùng của Liên Khu 5, trong đó có Trung đoàn 93 Quảng Nam - Đà Nẵng lên tàu rời cảng Quy Nhơn tập kết ra miền Bắc.

Thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ, Đảng bộ đã lãnh đạo sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng căn cứ đứng chân của Tỉnh ủy và các cơ quan ban ngành. Cùng với việc lựa chọn cán bộ, đảng viên đã được thử thách, có quá trình hoạt động và am hiểu tình hình địa phương ở lại hoạt động; Đảng bộ đã lãnh đạo lựa chọn, bố trí cán bộ, lực lượng vũ trang và con em, học sinh tập kết ra miền Bắc. Đây là sự chuẩn bị lực lượng lâu dài cho cuộc kháng chiến giành thắng lợi sau này.

Lê Năng Đông