Lâm nghiệp

Những rừng quế ngát hương

TÚ VÂN - LÊ DIỄM 16/05/2025 15:30

Tháng Năm về, những lộc quế mơn mởn trên các nương rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Bắc Trà My. Thời gian qua, cây quế đã góp phần đem lại cuộc sống no ấm cho đồng bào nơi đây.

que.jpg
Các sản phẩm từ quế đã được các hợp tác xã chế biến sâu tạo giá trị lớn hơn cho quế Trà My. Ảnh: TÚ VÂN

Để bảo tồn cây quế Trà My, Sở KH-CN đã thực hiện dự án “Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Trà My cho sản phẩm quế của tỉnh Quảng Nam” và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế Trà My tỉnh Quảng Nam năm 2011 và sản phẩm vỏ quế năm 2015 với logo riêng; giúp nhận biết được nguồn gốc, xuất xứ, giá trị sản phẩm. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển cây Quế Trà My và HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 40 về cơ chế hỗ trợ bảo tồn và phát triển cây quế Trà My trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018 - 2025.

UBND huyện Bắc Trà My chủ động xây dựng và trình HĐND huyện ban hành Nghị quyết số 20 ngày 20/7/2021 về bảo tồn và phát triển cây Quế Trà My, giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Hướng đến năm 2025, toàn huyện duy trì và trồng mới được 3.000ha quế, năm 2030 duy trì và trồng mới được 7.000ha quế.

z6471750869867_1abd81f01f9b7f71abc7ff571c1765c1.jpg
Một cây quế cổ thụ ở Bắc Trà My. Ảnh: LÊ DIỄM

Trà Giác là một trong những xã nằm trong vùng lõi phát triển cây quế Trà My. Ông Đinh Văn Linh - Chủ tịch UBND xã Trà Giác cho biết: “Tại xã xã Trà Giác hiện có khoảng 50ha quế bản địa, trong đó có 12ha quế được trồng theo đề án khôi phục cây quế Trà My của huyện. Hiện nay, cùng với các mô hình phát triển kinh tế chăn nuôi, trồng trọt, đồng bào tại địa phương đã ý thức hơn trong việc khôi phục cây quế bản địa. Các thương lái tìm đến tận nơi thu mua với giá cao cũng chính là động lực để họ nỗ lực chăm sóc, phát triển cây quế”.

Là người dân trồng quế bản địa, ông Đoàn Duy Giáo (thôn 3, xã Trà Giáp) cho hay: “Trong những năm gần đây, giá quế tăng cao, bình quân từ 75 - 80 nghìn đồng/kg, nên người dân khai thác với sản lượng lớn hơn. Tuy nhiên, sau khai thác, các sản phẩm phụ như cành, nhánh và lá vẫn chưa được tận dụng để tăng thu nhập”.

Hiện nay, Bắc Trà My đã triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình, chuỗi liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với hộ gia đình, hợp tác xã, tổ hợp tác trồng quế. Qua đó hình thành vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn, từng bước khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ hiện nay và hướng đến thực hiện việc cấp mã số vùng trồng để tham gia thị trường xuất khẩu.

Tính đến thời điểm hiện nay, huyện Bắc Trà My có khoảng 2.000ha quế (không tính các diện tích trồng nhỏ lẻ, xen canh). Sản lượng bình quân hàng năm khoảng từ 100 - 200 tấn quế vỏ, có năm đạt hơn 400. Huyện có 4 hợp tác xã, gần 10 cơ sở kinh doanh chuyên sản xuất hơn 50 sản phẩm từ quế thuộc 5/6 nhóm sản phẩm theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025...

TÚ VÂN - LÊ DIỄM