Văn hóa - Văn nghệ

Quảng Nam - sắc hương ngày mới

TÂY BÌNH (thuydung929@gmail.com) 18/05/2025 08:21

Theo kế hoạch, Triển lãm mỹ thuật và nhiếp ảnh chủ đề “Quảng Nam - 50 năm sắc hương ngày mới” sẽ khai mạc vào ngày 22/5 tới; qua đó góp thêm cái nhìn về đất và người xứ Quảng trong giai đoạn phát triển với nhiều thành tựu kinh tế, xã hội cũng như giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng.

tranh thượng hỷ
Tác phẩm "Hồn rừng" của họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ.

Những góc máy “biết nói”

Triển lãm mỹ thuật và nhiếp ảnh chủ đề “Quảng Nam - 50 năm sắc hương ngày mới” sẽ chọn 35 tác phẩm mỹ thuật và 40 tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật để trưng bày, giới thiệu đến công chúng.

Tác phẩm trưng bày bao gồm các sáng tác thuộc lĩnh vực mỹ thuật và nhiếp ảnh trong khoảng thời gian từ tháng 1/1997 đến tháng 4/2025.

Tác phẩm tập trung khắc họa những giá trị lịch sử, văn hóa, đời sống, phong cảnh, con người Quảng Nam; đồng thời phản ánh sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của tỉnh trong 50 năm qua.

Riêng trong lĩnh vực nhiếp ảnh, theo Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Đặng Kế Đông - Chi hội trưởng Chi hội NSNA Việt Nam tỉnh Quảng Nam, các tác phẩm chọn triển lãm lần này không hẳn chất lượng tốt nhất, nhưng thể hiện được góc nhìn mới về Quảng Nam hôm nay.

Có tổng số 40 tác phẩm của 24 tác giả tham gia triển lãm “Quảng Nam - 50 năm sắc hương ngày mới”. Trong đó, có 2 bộ ảnh bao gồm: “Tiềm năng du lịch vùng Đông Thăng Bình” của NSNA Phan Vũ Trọng và “Lớp học vùng cao” của Phạm Toàn.

“Nếu trước đây, chủ đề mà các tác giả khai thác chủ yếu ở các địa phương với những di sản nổi tiếng như Khu phố cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn. Thế nhưng tại triển lãm lần này đã có sự tìm tòi, mở rộng không gian sáng tạo đến vùng sâu vùng xa, hải đảo, biên giới. Nhiều chủ đề trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương được các tác giả chú trọng khai thác.

Như Phan Vũ Trọng với tác phẩm “Dưới ánh đèn” về ngành y tế với góc chụp, xử lý ánh sáng, màu sắc sáng tạo. Tay máy gạo cội Lê Vấn với tác phẩm về vùng biên, bộ đội biên phòng. Đặc biệt hội viên Nguyễn Thanh Thiệp dù đã 83 tuổi vẫn miệt mài sáng tác với tác phẩm “Khéo tay” về quá trình làm tượng mỹ nghệ tại Phú Ninh” - NSNA Đặng Kế Đông cho hay.

Phạm Toàn là hội viên mới của Chi hội Nhiếp ảnh tỉnh, được kết nạp vào năm 2024 tham gia triển lãm với bộ ảnh “Lớp học vùng cao”.

“Khi chọn chủ đề giáo dục vùng cao, điều tôi muốn gửi gắm trong tác phẩm đó là quê hương Quảng Nam đang phát triển từng ngày. Đặc biệt, giáo dục ở những vùng núi xa xôi luôn được quan tâm chăm sóc, đời sống của thầy cô giáo ngày được nâng cao, có nước sạch, điện năng lượng mặt trời đến các điểm trường. Qua đó góp phần động viên thầy cô gắn bó với học sinh, giúp các em theo đuổi ước mơ con chữ để cuộc sống sau này tốt đẹp hơn” - Phạm Toàn chia sẻ.

Để thêm yêu xứ Quảng

Tham gia triển lãm “Quảng Nam - 50 năm sắc hương ngày mới”, lĩnh vực mỹ thuật có 35 tác phẩm với đề tài phong phú, chất liệu đa dạng như sơn dầu, lụa, acrylic, khắc gỗ, khắc da, phù điêu…

Tác phẩm
Tác phẩm "Sức sống mới về trên Phú Ninh" của Ngô Quang Tuấn.

Họa sĩ Nguyễn Dũng - Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Quảng Nam cho hay, trong số 35 tác phẩm tại triển lãm, nhiều tác phẩm có điểm nhấn đặc biệt - kết tinh chiều sâu nghệ thuật và tâm huyết của người nghệ sĩ.

Điển hình như: “Dấu trầm sa thạch” - lụa của Đoàn Minh Thuần; tượng tròn “Âm vang Trà My” của Kiều Nhật San; “Phố gần đồng xa” đến “Đất lành” của Trần Văn Binh và Lê Nguyên Chính, “Hồn Di sản” hay “Hồn rừng” của Nguyễn Danh và Nguyễn Thượng Hỷ.

Mỗi tác phẩm đều gợi lên miền ký ức, tầng văn hóa xứ Quảng. Đó không chỉ là cái đẹp của hình thức, mà là chiều sâu của cảm xúc, bản sắc và tinh thần quê hương trong dòng chảy nghệ thuật suốt 50 năm.

Dịp này, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ tham gia với tác phẩm “Hồn rừng”, màu nước trên lụa. Ẩn hiện trong tranh của anh là độc đáo lễ hội của đồng bào Cơ Tu, tài nguyên thiên nhiên quý giá với rừng pơmu, đỗ quyên, sâm ngọc Linh, loài sao la…

Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ chia sẻ: “Tôi vẽ về núi rừng Quảng Nam với nhiều tài nguyên quý giá để chúng ta thêm yêu quê xứ. Đồng thời qua đó cũng nhắc nhớ về trách nhiệm giữ rừng, bảo tồn giá trị văn hóa bản địa trong xu thế ngày càng phát triển hiện nay”.

“Triển lãm “Quảng Nam - 50 năm sắc hương ngày mới” không đơn thuần là một cuộc trưng bày nghệ thuật, đây còn là lời tri ân với đất và người xứ sở. Mỗi bức tranh, mỗi khung hình là một lát cắt ký ức, một tiếng nói yêu thương dành cho con người bình dị: người mẹ gánh rau, người thợ hồ dưới nắng, cánh buồm giữa trùng khơi, mái chùa sau lũ, con phố cũ vào thu... Đồng hiện, đa sắc, giàu xúc cảm - triển lãm là không gian gặp gỡ giữa nghệ sĩ và công chúng, giữa nghệ thuật và đời sống, giữa hiện tại và lịch sử” - họa sĩ Nguyễn Dũng chia sẻ.


TÂY BÌNH (thuydung929@gmail.com)