Ngôi miếu thờ Chí sĩ Cần Vương Trần Trung Tri
Ở tuyến đường Huyền Trân Công Chúa (Hội An) có một ngôi miếu do cư dân ấp Trung Giang Thượng xưa gầy dựng. Đây là nơi thờ tự một chí sĩ yêu nước tham gia Nghĩa hội Quảng Nam - tổ chức của những người yêu nước chống Pháp xâm lược theo chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi (1884 - 1885): chí sĩ Trần Trung Tri.

Nghĩa hội Quảng Nam tại Hội An
Cuối thế kỷ 19, thực dân Pháp từng bước tiến hành xâm chiếm nước ta. Trước tình cảnh đó, vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương kêu gọi văn thân, sĩ phu trên cả nước cùng hợp lực đánh đuổi giặc ngoại xâm.
Trong phong trào Cần Vương, Quảng Nam là nơi ứng nghĩa sớm với tổ chức Nghĩa hội do Trần Văn Dư, về sau là Nguyễn Duy Hiệu lãnh đạo. Nghĩa hội tại Quảng Nam đã thu hút đông đảo sự tham gia của các sĩ phu yêu nước cũng như các tầng lớp nhân dân, được tổ chức quy củ và giữ vai trò quan trọng trong phong trào Nghĩa hội các tỉnh Nam Trung Kỳ.
Năm 1885, dưới sự lãnh đạo của Trần Văn Dư và sau đó là Nguyễn Duy Hiệu, lực lượng nghĩa quân ngày một phát triển trên khắp tỉnh, trong đó có Hội An.
Tại Hội An, có sự tham gia của các sĩ phu như: Trần Trung Tri, Lương Như Bích ở làng Cẩm Phô; Nguyễn Bính ở làng Sơn Phô; ông Tuy, ông Nhạc ở làng Phước Trạch; Châu Thượng Văn ở làng Minh Hương. Các vị này giữ vai trò khá quan trọng trong phong trào Nghĩa hội.
Theo gia phả đang được lưu giữ ở nhà thờ phái nhì tộc Trần Trung cho biết, ông Trần Trung Tri thuộc đời thứ 4 phái nhì tộc Trần Trung, tên trong gia phả là Trần Trung Truy, sinh ngày 16/10/1835 tại làng Cẩm Phô, mất ngày 29/02/1887.
Khi Nghĩa hội Quảng Nam bùng phát, ông Trần Trung Tri lúc bấy giờ đang đảm nhận chức Chánh tổng Phú Triêm. Nhưng với tinh thần yêu nước, ông từ chức và tham gia Nghĩa hội Quảng Nam, góp sức vào công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, trở thành nhân vật quan trọng của Nghĩa hội trong phạm vi hoạt động trên địa bàn Hội An.
Năm 1887, ông được giao nhiệm vụ chỉ huy một cánh quân của Nghĩa quân để tiếp ứng cho một cánh quân khác của Nghĩa hội đang tấn công vào đồn địch ở Hội An.
Nhưng do sự chênh lệch về vũ khí cũng như lực lượng hùng hậu của quân địch, sau đó ông đã bị bắt giữ và xử chém tại ấp Trung Giang Thượng (ngày nay thuộc địa phận phường Sơn Phong) vào ngày 23/3/1887.
Tri ân người yêu nước
Theo tài liệu điều tra về làng xã Quảng Nam giai đoạn 1941-1943 của Viện Viễn Đông Bác Cổ, mục tài liệu lưu trữ về làng Cẩm Phô cho biết, gia tộc Trần Trung còn lưu giữ văn bản thời vua Hàm Nghi về chí sĩ Trần Trung Tri với nội dung như sau: “Cấp cho tiền cho ông Trần Trung Tri vì lòng trung mà chết”; “Trác thông sức cho ông Trần Trung Tri 30 quan tiền cấp táng trả cái lòng trung để làm gương. Đời Hàm Nghi 3, tháng 3 ngày 5”.

Theo thông tin truyền khẩu trong dân gian, sau khi Chí sĩ Trần Trung Tri bị thực dân Pháp hành quyết tại ấp Trung Giang Thượng, ông thường hiển linh báo mộng giúp đỡ nhân dân.
Cảm kích trước sự xả thân, hy sinh vì đất nước và sự hiển linh phù trợ nhân dân địa phương của ông, bất chấp nguy hiểm, nhân dân ấp Trung Giang Thượng đã cùng nhau xây dựng một ngôi miếu để thờ phụng, bày tỏ lòng kính ngưỡng đến vị chí sĩ yêu nước.
Để che mắt chính quyền thực dân, nhân dân trong ấp xây dựng ngôi miếu với tính chất là nơi thờ Thần bảo hộ, Tiền hiền, Hậu hiền của ấp Trung Giang Thượng, nhưng thực chất bên trong miếu có đặt bài vị thờ Chí sĩ Trần Trung Tri.
Thời kỳ trước năm 1945, Trung Giang Thượng là một ấp thuộc xứ Tam Châu, làng Cẩm Phô. Hiện nay, vị trí ngôi miếu thuộc địa phận khối Phong Thọ, phường Sơn Phong, TP.Hội An.
Ngôi miếu được xây dựng theo kết cấu kiểu 3 gian, có hệ cột, cửa, kèo, trính, rui, đòn tay bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương, có bình phong án ngữ trước miếu, bên cạnh ngôi miếu lúc đó còn có một cây đa rất lớn. Trải qua nhiều biến động lẫn thời cuộc khiến ngôi miếu bị sụp hoàn toàn vào năm 1981. Đến năm 2014, sau những nỗ lực của nhân dân địa phương, ngôi miếu được phục dựng tại vị trí hiện nay.
Mặt bằng tổng thể ngôi miếu gồm có chánh điện và một đỉnh hương án ngữ trước miếu. Chánh điện có kết cấu kiến trúc kiểu 1 gian, có hiên, tiền đường và hậu tẩm. Mái được đúc bằng bê tông, bên trên lợp ngói ống. Bờ chảy giật cấp mềm mại, trên đầu bờ chảy trang trí đồ án dây lá cách điệu mềm mại.
Hai bên tường bờ chảy đắp nổi đồ án dơi. Bờ nóc trang trí đồ án “Lưỡng long chầu nhật” được khảm bằng các mảnh sành sứ. Hậu tẩm kiểu cổ lâu hai tầng bốn mái. Khu vực hiên có 2 trụ tròn bằng xi măng, quét vôi màu nâu, bề mặt ngoài trụ đắp nổi cặp liễn đối, chữ quét vôi màu vàng: 中 江 上 聖 恩 高 照 / 安 夀 铺 神 德 永 光 (Trung Giang Thượng thánh ân cao chiếu/ An Thọ phố thần đức vĩnh quang).
Cạnh đó, ngoài ngôi miếu thờ, mộ ông được gia tộc quy tập về nghĩa trang nhân dân trong khuôn viên nghĩa địa của chi phái. Tên ông cũng được chính quyền Hội An đặt tên cho một con đường ở phường Cẩm Nam nhằm tưởng nhớ, tri ân công lao của một người con vì sự nghiệp đấu tranh bảo vệ quê hương.
Sự hiện diện của ngôi miếu là chứng tích ghi dấu giai đoạn biến động của lịch sử; là nơi thờ các vị thần bảo hộ thôn xóm, bách tính quá vãng của ấp Trung Giang Thượng và đặc biệt là nơi thờ tự một người chí sĩ yêu nước trong phong trào Cần Vương tại vùng đất Hội An, Quảng Nam trong lịch sử.