Chính quyền - đoàn thể

Hướng tới phổ cập kỹ năng số cho toàn dân

VINH ANH - THÀNH CÔNG - HOÀNG THỌ 18/05/2025 06:55

Khi khoảng cách công nghệ đang dần trở thành khoảng cách của phát triển, sáng kiến “Bình dân học vụ số” ra đời nhằm phổ cập kỹ năng số cho toàn dân. Phong trào đang được phát động, lan tỏa nhằm tăng năng lực số, khả năng sử dụng các thiết bị và ứng dụng số cho người dân. Đây cũng là nền tảng quan trọng để hình thành chính phủ số, xã hội số, kinh tế số, công dân số theo Nghị quyết số 57-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

b8c3552e164aa314fa5b.jpg

ĐỂ KHÔNG AI BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU

Ngày 18/4, Quảng Nam chính thức phát động phong trào “Bình dân học vụ số”. Tinh thần xung kích của thanh niên được phát huy, những nền tảng công nghệ bắt đầu được áp dụng, với mục tiêu đưa tri thức và kỹ năng số đến mọi người dân, không ai bị bỏ lại trong hành trình chuyển đổi số toàn diện...

Ai cũng có thể tiếp cận công nghệ

Xác định mọi người dân đều được trang bị kiến thức, kỹ năng số cần thiết để áp dụng trong cuộc sống hằng ngày nhằm nắm bắt, tận dụng, khai thác, thụ hưởng những thành quả của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (CĐS) mang lại, Quảng Nam đặt ra những mục tiêu cụ thể cho năm 2025.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thực hiện nghi thức phát động phong trào “Bình dân học vụ số”. Ảnh: VINH ANH

Theo đó, năm 2025 phải có 80% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong khu vực công có hiểu biết về CĐS, kiến thức và kỹ năng số, sử dụng được các nền tảng, dịch vụ số phục vụ công việc; 100% học sinh trung học và sinh viên được trang bị kiến thức, kỹ năng số để phục vụ học tập, nghiên cứu và sáng tạo, có kỹ năng an toàn trong học tập và tương tác xã hội trong môi trường số; 80% người dân trong độ tuổi trưởng thành có tri thức cơ bản về CĐS, có kỹ năng số, sử dụng được thiết bị thông minh để khai thác thông tin, sử dụng nền tảng, dịch vụ số thiết yếu, biết bảo vệ bản thân trên môi trường số...

Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết - Trưởng ban Chỉ đạo phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS tỉnh lưu ý và đề nghị phải “kéo” được 2 nhóm đối tượng tham gia tích cực, đó là học sinh, sinh viên, người lao động trong doanh nghiệp và Tổ công nghệ số cộng đồng.

Theo Bí thư Tỉnh ủy, khối trường học phải tham gia trực tiếp vào phong trào “Bình dân học vụ số”. Đồng thời phải tổ chức các đội hình, lực lượng triển khai phong trào đến tận thôn, khối phố qua mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng.

Tổ công nghệ số cộng đồng, với lực lượng thanh niên làm chủ lực sẽ được đào tạo bắt buộc để đảm bảo năng lực hướng dẫn người dân, nhất là trong việc thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến. Điều này góp phần đáp ứng mục tiêu của Chính phủ về 100% thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến, toàn trình và phi địa giới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.

“Cần tập trung triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” hiệu quả, thực chất để lan tỏa mạnh mẽ, tích cực về cách mạng CĐS. Trong triển khai, cần phát huy vai trò của hơn 1.200 Tổ công nghệ số cộng đồng trên toàn tỉnh tham gia và lực lượng thanh niên làm nòng cốt. Cần chú ý tập huấn, bồi dưỡng cho đội hình trước khi huy động lực lượng...” - Bí thư Tỉnh ủy lưu ý.

Với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”, phong trào “Bình dân học vụ số” đang mở ra cơ hội để mọi người dân, từ nông dân, công chức đến học sinh, đều có thể tiếp cận công nghệ, tri thức, góp phần đưa Quảng Nam vươn xa trên hành trình CĐS bền vững.

Học mọi lúc, mọi nơi

Ông Nguyễn Đức Bình - Giám đốc Sở KH-CN cho biết, thực hiện kế hoạch và chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, Sở đã phối hợp với Nền tảng số quốc gia tiềm năng One Touch triển khai các khóa học trực tuyến thiết thực trên nền tảng tại địa chỉ: https://quangnam.onetouch.edu.vn/.

binh dan
Giao diện website https://quangnam.onetouch.edu.vn

Các khóa học trực tuyến được thiết kế phù hợp cho ba nhóm đối tượng chính: cán bộ (lãnh đạo, công chức, viên chức); doanh nghiệp, hợp tác xã; cộng đồng (Tổ công nghệ số cộng đồng và người dân). Nội dung đào tạo bao quát nhiều lĩnh vực thiết yếu như kinh tế số, xã hội số, kỹ năng số trong cơ quan nhà nước, an toàn thông tin và chuyển đổi số giáo dục, giúp người học dễ dàng áp dụng vào thực tiễn.

“Nền tảng đào tạo là Sở KH-CN xây dựng nhưng đánh giá và giám sát là Sở Nội vụ. Từng cá nhân học bao nhiêu nội dung, làm bài như thế nào, điểm số ra sao, được Sở Nội vụ đánh giá, tổng kết gửi về cấp ủy, đơn vị quản lý. Với Tổ công nghệ số cộng đồng cũng sẽ đào tạo bắt buộc, bởi vì các bạn ấy khi đạt được yêu cầu “Bình dân học vụ số” thì mới đi hướng dẫn cho nhân dân được. Còn với người dân thì tùy nhu cầu, cần gì học đó, không bắt buộc…” - ông Bình thông tin.

Hiện nay, hệ thống đang mở đào tạo cho khối cán bộ. Theo báo cáo của Phòng CĐS và Viễn thông (Sở KH-CN), đến ngày 12/5 có 1.157/5.140 học viên của khối này tham gia học. Ưu điểm của nền tảng học trực tuyến là cán bộ công chức có thể chủ động học bất kỳ thời gian nào trong ngày với máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối mạng. Những nội dung học dành cho khối cán bộ gồm kinh tế số, xã hội số, kỹ năng số trong cơ quan nhà nước, an toàn thông tin, CĐS giáo dục…

Tinh thần thanh niên

CĐS có 3 trụ cột chính gồm chính quyền số, xã hội số và công dân số. Trong đó, chính quyền số là bước phải thực hiện đầu tiên nhằm dẫn dắt, thúc đẩy các trụ cột còn lại. Do đó, việc đào tạo cho khối cán bộ trong hệ thống chính trị cũng như các cơ quan chuyên môn Nhà nước am hiểu, tiếp cận và bắt kịp xu thế CĐS là yêu cầu đầu tiên.

Lực lượng đoàn viên nhanh chóng tiếp cận, trở thành cầu nối cho cộng đồng khai thác tri thức số. Ảnh: VINH ANH

Tiếp đó là đào tạo cho Tổ công nghệ số cộng đồng, doanh nghiệp, người dân. Trong đó, với Tổ công nghệ số cộng đồng sẽ có modem riêng để đào tạo cho các bạn trẻ, nhất là việc thực hiện các thủ tục hành chính công trên không gian số.

“Chính phủ đặt mục tiêu 100% thủ tục hành chính được trực tuyến, toàn trình và phi địa giới, nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính qua mạng của người dân ngày càng lớn. Điều này đặt ra yêu cầu đối với Tổ công nghệ số cộng đồng, trong đó có các bạn trẻ làm lực lượng nòng cốt. Các bạn phải am hiểu và nắm rõ quy trình từng thủ tục hành chính để giúp người dân thực hiện các thủ tục trên không gian mạng” - ông Nguyễn Đức Bình cho biết thêm.

Thanh niên là tầng lớp trẻ nhanh nhạy tiếp cận với công nghệ. Mới đây, nhân Tháng thanh niên năm 2025, Tỉnh đoàn Quảng Nam đã phát động phong trào “Bình dân học vụ số” với mục tiêu phổ cập tri thức công nghệ, nâng cao kỹ năng số cho cán bộ đoàn viên thanh thiếu nhi trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh đoàn đã kết nối Công ty CP Công nghệ chọn lọc thông tin trao tặng 500 suất học bổng “Luyện AI” trị giá 1 tỷ đồng dành cho cán bộ đoàn các cấp. Các suất học bổng này sẽ giúp cán bộ Đoàn có cơ hội học tập, thực hành các công cụ AI hiện đại, áp dụng vào thực tiễn công tác tuyên truyền, quản lý dữ liệu và đổi mới phương thức hoạt động Đoàn trong thời đại số.

Anh Nguyễn Văn Thuận - Bí thư Đoàn xã Duy Vinh (Duy Xuyên) cho rằng, phong trào “Bình dân học vụ số” ra đời trong bối cảnh hiện nay sẽ tạo nên làn sóng phổ cập kiến thức và kỹ năng số đến mọi tầng lớp.

“Xã Duy Vinh hiện nay có 5 thôn với 5 Tổ công nghệ số cộng đồng. Trong các tổ, phần lớn là lực lượng thanh niên làm nòng cốt. Các bạn trẻ đang giữ vai trò quan trọng trong việc phổ cập, thúc đẩy CĐS ở địa phương. Với sự năng động, sáng tạo, nhiệt huyết cùng khả năng thích nghi nhanh với công nghệ mới, họ chính là lực lượng nòng cốt, tiên phong hỗ trợ hướng dẫn người dân tiếp cận với CĐS” - Thuận cho biết.

KIẾN TẠO LỘ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ THỰC CHẤT

Cùng sự lan tỏa trong cộng đồng, phong trào “Bình dân học vụ số” cũng gặp không ít thách thức để đạt được mục tiêu như kỳ vọng. Liệu mô hình phổ cập kỹ năng số đến từng người dân, từng thôn xóm có thực sự khả thi? Báo Quảng Nam ghi nhận ý kiến từ nhà quản lý, chuyên gia công nghệ, cán bộ viên chức... để có những góc nhìn nhiều chiều, góp phần kiến tạo lộ trình chuyển đổi số thực chất, bền vững cho Quảng Nam.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng:
ĐƯA “BÌNH DÂN HỌC VỤ SỐ” TRỞ THÀNH PHONG TRÀO THƯỜNG XUYÊN, LIÊN TỤC...

Trong bối cảnh kỷ nguyên số, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, đặc biệt là các công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (bigdata),… chúng ta lại tiếp tục một sứ mệnh mới: nâng cao kỹ năng số, phổ cập tri thức công nghệ, giúp mọi người dân tiếp cận với các công cụ hiện đại để học tập, làm việc và phát triển.

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam tham quan Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh. Ảnh: H.T

Ngày 18/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo, phát động phong trào “Bình dân học vụ số”, đây chính là cầu nối giúp mọi tầng lớp nhân dân, từ học sinh, sinh viên, công nhân, nông dân đến cán bộ, công chức có thể tiếp cận công nghệ số, ứng dụng kỹ năng số trong cuộc sống và công việc; là nhiệm vụ, trách nhiệm của toàn xã hội, của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng.

“Bình dân học vụ số” - một phong trào mang ý nghĩa sâu sắc trong công cuộc xây dựng xã hội học tập và phát triển nền tảng tri thức số của tỉnh nhà nói riêng và đất nước nói chung. Để phong trào “Bình dân học vụ số” đạt được hiệu quả thực chất, tôi cho rằng, thời gian tới cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng trong toàn tỉnh để cán bộ và nhân dân nhận thức rõ vai trò quan trọng của chuyển đổi số, sẵn sàng tham gia học tập và ứng dụng công nghệ trong đời sống.

Thứ hai, triển khai các lớp học, khóa học trực tuyến, phổ cập kiến thức số trên nền tảng phù hợp, dễ tiếp cận với mọi đối tượng kết hợp với các lớp học trực tiếp tại các địa phương, giúp mọi người dân đều có thể dễ dàng tiếp cận tri thức số, dễ hiểu, dễ tiếp thu nhất.

Thứ ba, đẩy mạnh các chương trình đào tạo kỹ năng số cho người dân, đặc biệt là đối tượng yếu thế, người lớn tuổi, người lao động tự do để họ có thể ứng dụng công nghệ vào công việc, cuộc sống.

Thứ tư, phát huy vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng trong việc xây dựng các mô hình gia đình số, nông thôn số, thành thị số, giới thiệu các nền tảng số, lan tỏa kỹ năng số rộng khắp.

Với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và quyết tâm cao, tôi tin tưởng rằng phong trào “Bình dân học vụ số” sẽ lan tỏa mạnh mẽ, góp phần xây dựng một xã hội học tập hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển của thời đại số.

Các cấp chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp và người dân Quảng Nam cần hưởng ứng mạnh mẽ phong trào để giúp mọi người dân không ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình chuyển đổi số. Đưa “Bình dân học vụ số” trở thành phong trào thường xuyên, liên tục và phát triển sâu rộng, đều khắp toàn tỉnh, trở thành bước đột phá trong nâng cao nhận thức và kỹ năng số.

Chị Võ Thị Oanh - Công chức Văn phòng – Thống kê xã Trà Tân huyện Bắc Trà My:
TRANG BỊ NĂNG LỰC SỐ LÀ PHỤC VỤ CHÍNH MÌNH

Khi đến với khóa học của phong trào Bình dân học vụ số, tôi thấy dễ tiếp cận. Về mặt nội dung, những bài giảng không quá khó; chia nhỏ các bài giảng thành các module, từng module đi vào một vấn đề cụ thể, thời gian chỉ 10 - 15 phút để học hàng ngày, học ở bất kỳ đâu.

Theo tôi, mỗi người dân, mỗi cán bộ viên chức phải nhận thức được rằng việc trang bị năng lực số là phục vụ chính mình, từ đó dẫn đến hành động trang bị kỹ năng số. Sau đó, mới tính đến việc cần gì để triển khai.

Chị Võ Thị Oanh.
Chị Võ Thị Oanh.

Mọi người dân cần mạng internet, cần máy tính, cần thiết bị thông minh. Khi đã có thiết bị, có sóng internet nhưng người dân không biết dùng thì cũng không có giá trị.

Do đó, chúng ta phải có giải pháp để làm sao người dân bình thường nhất cũng phải biết dùng. Và tôi cảm thấy khóa học từ phong trào bình dân học vụ số giúp tôi hiểu biết về chuyển đổi số, kiến thức và kỹ năng số... để phục vụ công việc. Khi được tập huấn, mình sử dụng thành thạo thiết bị thông minh để khai thác thông tin, biết bảo vệ bản thân trên môi trường số...

Đơn vị xã Trà Tân đã triển khai Tổ chuyển đổi số cộng đồng, dựa vào lực lượng đoàn thanh niên, học sinh, sinh viên… đi hướng dẫn cho cộng đồng dân cư; trong từng gia đình thì con cái hướng dẫn cho cha mẹ, ông bà. Đây cũng là một sáng kiến rất hay, bởi thanh niên thường tiếp cận công nghệ số nhanh hơn.

Bản thân tôi cũng rất mong muốn ban tổ chức bổ sung thêm dạng câu hỏi “Bài kiểm tra trắc nghiệm” sau mỗi bài học để người học có thể hiểu sâu hơn về nội dung đã được học, nhất là các tình huống về vấn đề an toàn thông tin trong chuyển đổi số.

Bà Nguyễn Thị Minh Nam – Chủ tịch UBND xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc:
NÂNG CAO NHẬN THỨC VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ

Phong trào “Bình dân học vụ số” được triển khai sẽ góp phần xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy chuyển đổi số một cách toàn diện ở địa phương.

Đối với cán bộ công chức xã Đại Thạnh, chúng tôi yêu cầu cần tiếp tục tìm tòi học hỏi để trang bị kiến thức về chuyển đổi số, phục vụ yêu cầu công việc. Đối với doanh nghiệp, HTX thì nâng cao năng lực quản lý và tăng năng suất lao động. Đối với cộng đồng dân cư thì họ được trang bị kỹ năng số và an toàn internet để tiếp cận được các dịch vụ công và tránh bị lừa đảo qua mạng xã hội.

nguyen-thi-minh-nam.jpg
Bà Nguyễn Thị Minh Nam.

Phong trào bình dân học vụ số đã giúp nâng cao kiến thức và kỹ năng số cho mọi tầng lớp nhân dân, giúp nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Từ đó việc triển khai các nội dung liên quan đến công tác chuyển đổi số ở địa phương được thuận lợi hơn, bởi người dân đã nhận thức tốt hơn.

Người dân xã Đại Thạnh giờ đây đã biết chọn trang thông tin chính thống để xem các nội dung thiết thực liên quan đến đời sống, sản xuất nông nghiệp. Từ đây, giúp họ có thêm kiến thức phục vụ cho sản xuất phát triển kinh tế gia đình, đồng thời họ có thể sử dụng các phương tiện online để trao đổi mua bán các nông sản và sản phẩm khác.

Trước đây người dân trên địa bàn xã có nhiều trường hợp bị lừa đảo, bị mất tiền dưới hình thức nhận quà và nộp tiền vào tài khoản của người khác, có trường hợp bị xử phạt hành chính do đăng tin về dịch COVID-19 không đúng sự thật, có nhiều trường hợp bị hack nick Facebook... do chưa có kiến thức về an toàn thông tin mạng. Từ đó làm người dân ngại tiếp cận các dịch vụ công vì sợ bị lấy cắp thông tin và lừa đảo.

Tuy nhiên qua phong trào bình dân học vụ số, người dân đã được trang bị kiến thức, nâng cao nhận thức và kỹ năng nên sẽ hạn chế được những tình trạng trên. Đồng thời tạo thói quen ứng xử có văn minh và có trách nhiệm trên mạng xã hội hơn.

Theo các chuyên gia công nghệ, để hướng tới một xã hội thông minh trong kỷ nguyên số, bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, mỗi người dân cũng cần chủ động học hỏi, tìm tòi và thích nghi để không bị bỏ lại phía sau. Kiến thức về công nghệ, dữ liệu, trí tuệ nhân tạo; kỹ năng sử dụng công cụ số như điện thoại, phần mềm, nền tảng số và khả năng bảo vệ thông tin cá nhân trên không gian mạng đã trở nên thiết yếu như việc biết đọc, biết viết vậy. Hơn thế nữa, phong trào “Bình dân học vụ số” phải là quá trình liên tục, phải chuyển từ phong trào ban đầu thành văn hóa học tập, xã hội học tập. Văn hóa học tập suốt đời phải ngấm vào từng người dân. Đây cũng chính là một yêu cầu quan trọng để phong trào “Bình dân học vụ số” tiếp tục lan tỏa, góp phần đưa đất nước ta vững bước vào kỷ nguyên phát triển mới.

TẠO CƠ HỘI TIẾP CẬN KỸ NĂNG SỐ HỮU ÍCH

Chương trình đào tạo kiến thức, kỹ năng số cho tỉnh do Quảng Nam phối hợp thực hiện cùng nền tảng học trực tuyến mở đại trà One Touch (có tên miền là onetouch.mic.gov.vn - 1 trong 3 nền tảng số tiên phong thúc đẩy phong trào Bình dân học vụ số) - do Công ty Cổ phần Công nghệ và Truyền thông VTC NetViet, trực thuộc Tổng Công ty VTC, Bộ KHCN, phát triển, vận hành. Bà Nguyễn Thị Bích Hạnh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ và Truyền thông VTC NetViet có cuộc trò chuyện cụ thể về chương trình.

Bà Nguyễn Thị Bích Hạnh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ và Truyền thông VTC NetViet.

* Thưa bà, việc soạn thảo các nội dung cho chương trình Bình dân học vụ số của Quảng Nam dựa trên những tiêu chí nào để đem lại hiệu quả cho quá trình đào tạo?

Việc soạn thảo các nội dung đào tạo Bình dân học vụ số cho Quảng Nam dựa trên sự kết hợp tổng hòa nhiều tiêu chí.

Đầu tiên là dựa theo định hướng của Trung ương và địa phương. Nghị quyết 57 ra đời như một ngọn đuốc soi đường, trong đó chú trọng đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Phong trào bình dân học vụ số là hành động thiết thực hiện thực hóa tinh thần đó của Nghị quyết 57. Chương trình lần này hướng đến mục tiêu xóa “mù số” trong cộng đồng, giúp người dân thích nghi với thời đại công nghệ 4.0.

Tại Quảng Nam, chương trình đào tạo Bình dân học vụ số được triển khai như cam kết mạnh mẽ của tỉnh trong việc xây dựng một xã hội số học tập toàn diện.

Thứ hai, chương trình được xây dựng dựa trên tính thiết thực và phù hợp với đặc điểm địa phương.

Về nhu cầu thực tế của người dân Quảng Nam: Chúng tôi ưu tiên nghiên cứu, khảo sát và tìm hiểu kỹ lưỡng về trình độ kiến thức số hiện tại, thói quen sử dụng công nghệ, những khó khăn mà người dân đang gặp phải trong quá trình tiếp cận và ứng dụng công nghệ số vào cuộc sống hàng ngày. Nội dung đào tạo phải giải quyết được những vấn đề này một cách trực tiếp và thiết thực nhất.

Về bối cảnh kinh tế - xã hội của tỉnh: Chương trình xem xét đến đặc thù về kinh tế, văn hóa và cơ cấu dân cư của Quảng Nam để xây dựng nội dung phù hợp, có tính ứng dụng cao trong cơ quan nhà nước, trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.

Về khả năng tiếp cận công nghệ: Chúng tôi cân nhắc đến điều kiện hạ tầng công nghệ và khả năng tiếp cận thiết bị (điện thoại thông minh, máy tính…) của người dân ở các vùng miền khác nhau trong tỉnh để lựa chọn nội dung và phương pháp đào tạo phù hợp.

Thứ ba là dựa trên tính dễ hiểu, dễ tiếp thu và ứng dụng: Nội dung các khóa học được trình bày bằng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu, đảm bảo mọi đối tượng người học đều có thể tiếp thu được; ưu tiên sử dụng phương pháp sư phạm trực quan, sinh động, có tính tương tác cao (hình ảnh, video, ví dụ minh họa cụ thể, các tình huống thực tế…) để giúp người học dễ dàng hình dung và ghi nhớ kiến thức.

Thứ tư là chương trình hướng đến tính toàn diện và hệ thống: Theo đó sẽ trang bị cho người học những kiến thức cơ bản về công nghệ số, các ứng dụng phổ biến và các khái niệm quan trọng liên quan đến chuyển đổi số… Chương trình cũng tập trung phát triển các kỹ năng số thiết yếu, nâng cao nhận thức về an toàn thông tin, khuyến khích tư duy số…

Thứ năm là chú trọng tính bền vững và khả năng nhân rộng: Toàn bộ nội dung đào tạo được biên soạn thành tài liệu dễ dàng tiếp cận và sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhân rộng chương trình trên địa bàn toàn tỉnh.

Nền tảng học trực tuyến mở đại trà One Touch.

* Bà có thể chia sẻ thêm các thông tin hữu ích về nội dung đào tạo Bình dân học vụ số đang thực hiện tại Quảng Nam?

Tỉnh Quảng Nam và One Touch đã xây dựng lộ trình bài bản với tầm nhìn chiến lược thông qua việc triển khai các khóa học trực tuyến. Đây sẽ là cơ hội để mọi người dân trên địa bàn tỉnh được tiếp cận với kiến thức, kỹ năng số hữu ích.

Dự kiến Chương trình triển khai với 15 khóa học trực tuyến dành cho 5.700 người thuộc khối cán bộ, 2.000 người thuộc khối doanh nghiệp và 7.000 người thuộc khối cộng đồng.

Các khóa học thiết kế cho khối cán bộ (lãnh đạo, quản lý của tỉnh; cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ tham mưu, cán bộ chuyên trách CNTT, chuyển đổi số) với các chủ đề liên quan đến cập nhật, bám sát các định hướng, chương trình hành động theo tiến trình Chương trình chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt khai mở về tư duy tiếp cận theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị; nâng cao kỹ năng số, chú trọng bồi dưỡng, ứng dụng công nghệ số, đặt biệt về trí tuệ nhân tạo (AI) trong thực thi công vụ. Bồi dưỡng chuyên sâu dành cho cán bộ chuyên trách CNTT, tham mưu về chuyển đổi số, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đối với khối doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số toàn diện, nâng cao năng lực cạnh tranh, bứt phá và phát triển vững chắc trong thời đại 4.0, chương trình thiết kế theo các chủ đề: Chuyển đổi số trong doanh nghiệp Việt Nam; Bí mật kinh doanh online thành công.

Chương trình còn đặc biệt quan tâm xây dựng các khóa học cho khối cộng đồng (tổ công nghệ số cộng đồng và người dân). Nội dung xoay quanh một số chủ đề như: Nâng cao năng lực tiếp cận thông tin về chuyển đổi số, sử dụng các nền tảng số, dịch vụ trực tuyến, bảo vệ an toàn thông tin trên mạng… Với các khóa học này, khối cộng đồng sẽ được phổ cập kỹ năng số, tiếp cận thông tin, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chương trình đào tạo hữu ích này hứa hẹn một khởi đầu thuận lợi cho hành trình bền bỉ thúc đẩy sự phát triển thịnh vượng của vùng đất Quảng Nam giàu truyền thống trong kỷ nguyên số, góp phần hỗ trợ địa phương thực hiện hiệu quả phong trào Bình dân học vụ số, tạo động lực tạo tiền đề cho một Quảng Nam phát triển toàn diện trong thời đại mới, sớm thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra.

Cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

Nội dung: VINH ANH - THÀNH CÔNG - HOÀNG THỌ

Trình bày: MINH TẠO

VINH ANH - THÀNH CÔNG - HOÀNG THỌ