Chuyện đầu tuần

Chặng đường vì người nghèo

HÀ QUANG (thanhminhbqn@gmail.com) 19/05/2025 07:40

Trong dòng chảy phát triển kinh tế - xã hội đang hối hả, nhiều hoạt động vì người nghèo vẫn đang lặng thầm thực hiện ở các địa phương. Nhìn lại chặng đường “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025 tại Quảng Nam, có thể nhận thấy những hành động thiết thực được triển khai, đã đem lại những kết quả thuyết phục, có sức lan tỏa.

Một lần đến Hội An để tìm hiểu mô hình “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”, chúng tôi thật sự ngạc nhiên về tinh thần vì cộng đồng của các thành viên câu lạc bộ dưỡng sinh tại đây.

Ngày nào cũng vậy, sau giờ tập, các thành viên lại quây quần bên nhau, mỗi người góp 1.000 đồng, “tích tiểu thành đại” để trao gửi cho các nạn nhân da cam.

Điều đáng trân trọng là có nhiều thành viên hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, thậm chí phải mưu sinh bằng nghề ve chai, nhưng ngày ngày vẫn nhiệt tình đóng góp. Với họ, được san sẻ với người nghèo khó cũng là nguồn động viên cho chính mình, để mỗi người có thể tìm thấy niềm vui sống mỗi ngày...

Giúp đỡ người khác để tạo động lực cho chính mình là nhu cầu mang ý nghĩa sâu sắc và nhân văn. Đó là hành động có thể được khởi đi từ lòng trắc ẩn của mỗi người, và có thể cũng đến từ nhu cầu của mỗi tổ chức, cá nhân khi được khơi gợi đúng lúc.

Ở khắp nơi trên địa bàn tỉnh, dù có thể “ồn ào” hay thầm lặng, những hoạt động vì cộng đồng vẫn được triển khai, duy trì và đang mang lại nguồn năng lượng đáng kể để người khó khăn có thể vượt lên trong cuộc sống. Thông điệp “Không để ai bị bỏ lại phía sau” là một cách thôi thúc, để trước hết mỗi cá nhân nhận thấy trách nhiệm với cộng đồng.

Theo đánh giá của UBND tỉnh trong báo cáo tổng kết phong trào thi đua “Quảng Nam chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025, thời gian qua, phong trào này đã có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Kết quả, giai đoạn 2021 - 2024, Quảng Nam liên tục vượt chỉ tiêu giảm nghèo được giao. Cụ thể, năm 2021 giảm 3.156 hộ nghèo, vượt 105% kế hoạch; năm 2022 giảm 3.981 hộ, vượt 132,7%; năm 2023 giảm 4.477 hộ, vượt 149,23%; năm 2024 tiếp tục giảm 4.397 hộ, vượt 151,62% so với mục tiêu.

Tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã xuống còn 4,56% - một nỗ lực vượt bậc trong bối cảnh Quảng Nam có nhiều huyện miền núi, địa bàn khó khăn và dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao. Đây không chỉ là sự thành công về mặt chỉ tiêu, mà còn thể hiện sự linh hoạt trong chính sách và đặc biệt là sự đồng lòng từ người dân.

Điểm đáng ghi nhận nhất trong phong trào là cách các cơ quan, đơn vị, địa phương cụ thể hóa mục tiêu chung bằng những chương trình, mô hình sát thực, phù hợp với đặc thù từng lĩnh vực, từng nhóm đối tượng. Từ đó đã tạo ra mạng lưới hỗ trợ đa tầng, sâu sát, đủ sức lan tỏa. Tuy nhiên, phía sau những con số đáng tự hào là một thực tế còn nhiều trăn trở.

Theo phản ánh của các địa phương, khi một số xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều chính sách hỗ trợ tự động hết hiệu lực, trong khi đời sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn bấp bênh.

Việc “thoát nghèo kỹ thuật” dễ dẫn tới nguy cơ mất chính sách nhưng chưa thực sự đổi đời, từ đó nảy sinh tâm lý “không muốn thoát nghèo” để giữ quyền lợi. Hay như cách tổ chức các mô hình vì người nghèo, theo nhận định, một số nơi vẫn còn tình trạng làm cho có, thiếu tính thiết thực…

Phong trào vì người nghèo tại Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 đã gặt hái được những kết quả đáng khích lệ nhưng cũng đang đứng trước thách thức lớn: Duy trì kết quả giảm nghèo một cách bền vững và không tạo ra “khoảng trắng” chính sách cho những người yếu thế sau khi họ đã thoát nghèo.

Đó là bài toán không dễ, đòi hỏi chính quyền các cấp tiếp tục kiên trì với mô hình sinh kế dài hạn, nâng cao năng lực tự chủ cho người dân; và quan trọng hơn là thay đổi nhận thức từ nhận trợ giúp sang chủ động vươn lên.

HÀ QUANG (thanhminhbqn@gmail.com)