Theo gương Bác

Bắc Trà My chuyển hóa địa bàn trọng điểm về quản lý, bảo vệ rừng

HỒ QUÂN (hotranminhquanbc@gmail.com) 19/05/2025 10:45

Học và làm theo Bác, cán bộ, đảng viên thuộc lực lượng chuyên trách của Chi bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Trà My đã bám sát lâm phận, linh hoạt các giải pháp tuần tra, bảo vệ và tích cực thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào vùng cao. Qua đó, từng bước chuyển hóa địa bàn trọng điểm về công tác quản lý, bảo vệ rừng.

BV R 4
Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Trà My từng bước chuyển hóa địa bàn trọng điểm về quản lý, bảo vệ rừng. Ảnh: HỒ QUÂN

Trồng lúa nước để... giữ rừng

Vừa xong mùa gặt tại Đồng Xung, đồng bào Ca Dong ở điểm dân cư Nà Mít (thôn 3, xã Trà Giác, Bắc Trà My) đốt gốc rạ giúp đất màu mỡ và phòng trừ sâu bệnh cho vụ hè thu sắp tới.

“Kỹ thuật này bà con áp dụng từ năm ngoái, giúp vụ đông xuân 2025 thắng lợi. Cây lúa phát triển tốt, không sâu bệnh, năng suất từ 4-4,7 tạ/sào. Thấy hiệu quả, bà con truyền tai nhau cùng áp dụng, khác hẳn tập quán sản xuất “được chăng, hay chớ trước đây” - ông Nguyễn Thanh Thưởng, người có uy tín ở thôn 3 kể về thay đổi trong trong nếp nghĩ, cách làm của bà con.

Điều đáng nói, chỉ vài năm trước, những thửa ruộng ở thôn 3 này vẫn còn hoang hóa do không có thủy lợi. Để có cái ăn, bà con phải đốt rừng làm nương rẫy lấy đất gieo hạt, gây ra nhiều vụ cháy rừng nghiêm trọng.

BV R 1
Lực lượng chuyên trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Trà My giúp dân khai hoang phục hóa đồng ruộng. Ảnh: HỒ QUÂN

Địa bàn xã Trà Giác trở thành điểm nóng phá rừng, với số vụ việc luôn chiếm một nửa tổng số vụ vi phạm toàn huyện mỗi năm. Chỉ riêng năm 2020, Trà Giác xảy ra hơn 25 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp.

Ông Lê Văn Luân - Trưởng trạm Quản lý, bảo vệ rừng số 5 cho biết, chuyển hóa địa bàn trở thành nội dung cấp bách được đưa vào sinh hoạt chuyên đề của Chi bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Trà My. Từ ý kiến, đề xuất của đảng viên trong trạm, Chi bộ ban hành nghị quyết chuyên đề về “Vận động nhân dân thực hiện khai hoang, khôi phục, mở rộng diện tích canh tác lúa nước, không lấn chiếm đất rừng để sản xuất lúa rẫy”.

Mô hình này được triển khai tại thôn 3, xã Trà Giác. Mục tiêu là khai hoang phục hóa, phát triển thủy lợi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa nước năng suất cao, ổn định mùa vụ. Đồng thời tăng cường lực lượng bảo vệ rừng cùng ở, cùng làm, cầm tay chỉ việc cho người dân làm quen với mô hình sản xuất lúa nước. Qua đó, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, cùng tham gia quản lý, bảo vệ rừng.

BV R 2
Hơn 2,5ha đất hoang hóa được cải tạo, đưa vào trồng lúa nước giúp người dân không lo thiếu cái ăn, hạn chế tác động vào rừng. Ảnh: HỒ QUÂN

“Nhiều cán bộ, đảng viên của trạm không chỉ góp công sức mà còn trích từ tiền lương hằng tháng để mua ống dẫn nước, thuê xe múc khai hoang đồng ruộng. Điều này đã tác động mạnh mẽ đến ý thức, nỗ lực vươn lên của bà con.

Từ thắng lợi đầu tiên trên diện tích 1,7ha ở đồng Mít trong vụ đông xuân năm 2022, trạm khảo sát, mở rộng ra đồng Xung, đồng Doan, đồng Suối Nứa, đồng Sông Y, được bà con hưởng ứng, đồng thuận cao. Tổng diện tích sản xuất lúa nước ở thôn 3 hiện nay lên đến 2,5ha” - ông Luân nói.

Chuyển hóa địa bàn

Ông Phạm Xuân Bình - Trưởng thôn 3 cho biết, từ ngày có ruộng, hơn 50 hộ trong thôn chăm chỉ cày cấy, làm lúa nước 2 vụ/năm nên không lo thiếu ăn, giảm hẳn việc tác động vào rừng.

“Ý thức giữ rừng của bà con được nâng lên rõ rệt. Người dân không nghe kẻ xấu lợi dụng, xúi giục để phá rừng. Khi phát đốt rẫy trồng keo, người dân sẽ báo đến đường dây nóng của Trạm bảo vệ rừng số 5 để giám sát, hướng dẫn đảm bảo” - ông Bình cho biết.

“Trồng lúa để giữ rừng” là một trong số 9 nội dung sinh hoạt chuyên đề của Chi bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Bắc Trà My từ khi thành lập vào tháng 12/2019 đến nay.

BV R 3
Người dân thôn 3, xã Trà Giác giúp nhau cày cấy để trồng lúa nước. Ảnh: HỒ QUÂN

Ông Châu Minh Ninh - Trưởng ban kiêm Bí thư Chi bộ cho biết, xuất phát từ thực trạng phá rừng dai dẳng trên địa bàn, cùng với việc củng cố bộ máy, bố trí các chốt chặn đường mòn lối mở, đẩy mạnh tuần tra truy quét, Chi bộ đã triển khai 2 đợt sinh hoạt chuyên đề/năm gắn với mô hình dân vận khéo, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng.

“Các chuyên đề mang lại hiệu quả cao, được áp dụng nhân rộng, mang lại kết quả thiết thực trực tiếp trong sản xuất, phát triển kinh tế cho người dân. Nổi bật là mô hình “Vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng trên diện tích đất vườn đồi, vườn nhà và thay thế cây tạp bằng các loại cây trồng hiệu quả nhằm phát triển kinh tế” và mô hình “Khai hoang, mở rộng đất sản xuất, hướng dẫn người dân canh tác lúa nước 2 vụ/năm, sản xuất hoa màu theo mùa vụ thay thế hình thức canh tác nương rẫy”. Kết quả khả quan là từ 58 vụ vi phạm năm 2020 thì đến năm 2024, với lâm phận quản lý hơn 29.913ha đất rừng của chúng tôi đã không còn vụ việc vi phạm” - ông Ninh nói.

Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Trà My có 105 cán bộ, viên chức, người lao động, trong đó có 29 đảng viên. Trong hai năm liên tiếp 2023 và 2024, đơn vị được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Mô hình dân vận “Trồng lúa nước, bảo vệ rừng” được UBND tỉnh công nhận phạm vi ảnh hưởng, hiệu quả áp dụng sáng kiến, nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh vào tháng 3/2025.

HỒ QUÂN (hotranminhquanbc@gmail.com)