Nông nghiệp

Liên kết sản xuất lúa theo chuỗi giá trị ở Điện Phương

LAM KHUÊ 19/05/2025 15:02

(QNO) - Các mô hình liên kết sản xuất lúa thương phẩm theo chuỗi giá trị trên địa bàn phường Điện Phương, thị xã Điện Bàn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

anh-8.jpg
Mô hình “Cánh đồng mẫu không dấu chân” canh tác trên diện tích 3,2ha tại phường Điện Phương, thị xã Điện Bàn. Ảnh: LAM KHUÊ

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ nông dân tỉnh vừa phối hợp Hội Nông dân thị xã Điện Bàn tổ chức hội nghị đánh giá hiệu quả các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị lúa thương phẩm trên địa bàn phường Điện Phương.

Theo ông Bùi Quốc Yên - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ nông dân tỉnh, vụ đông xuân 2024 - 2025 vừa qua, trung tâm phối hợp với Hội Nông dân thị xã Điện Bàn và các công ty, hợp tác xã nông nghiệp triển khai 2 mô hình thí điểm tại phường Điện Phương gồm: “Cánh đồng mẫu không dấu chân” sử dụng giống lúa Dibarice 13/2 và “Sản xuất lúa TBR1 canh tác theo hướng hữu cơ”.

Mô hình “Cánh đồng mẫu không dấu chân” sản xuất trên diện tích 3,2ha tại cánh đồng khu C, khối phố Triêm Trung 2 với 10 hộ hội viên nông dân tham gia.

Mô hình sử dụng giống lúa Dibarice 13/2 và thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ do Công ty CP Tập đoàn Điện Bàn cung ứng cho nông dân theo hình thức trả chậm. Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Quảng Nam triển khai sạ giống - bón phân - phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái giúp tiết giảm chi phí, nhân công lao động, đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khỏe cho người nông dân.

anh-2-2-.jpg
Mô hình “Cánh đồng mẫu không dấu chân” cho năng suất 70 - 75 tạ/ha. Ảnh: LAM KHUÊ

Sau thời gian sinh trưởng 100 - 105 ngày, mô hình cho năng suất 70 - 75 tạ/ha. Sau khi thu hoạch, Công ty CP Tập đoàn Điện Bàn thu mua toàn bộ lúa thương phẩm cho nông dân với mức giá 8.300 đồng/kg. Tổng sản lượng thu mua 17.980kg với giá trị gần 150 triệu đồng.

Đối với mô hình “Sản xuất lúa TBR1 canh tác theo hướng hữu cơ”, diện tích áp dụng là 1,7ha tại khối phố Thanh Chiêm 1.

Mô hình sử dụng phương pháp cấy mạ, số lượng giống gieo 5kg/sào. Công ty TNHH Thực phẩm Noom hỗ trợ phân bón hữu cơ trả chậm. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ nông dân tỉnh hướng dẫn nông dân quy trình kỹ thuật canh tác thân thiện với môi trường, ngâm ủ giống, bón phân đúng liều lượng cho từng thời kỳ sinh trưởng, phát triển lúa...

anh-4.jpg
Đoàn công tác Hội Nông dân tỉnh kiểm tra mô hình “Sản xuất lúa TBR1 canh tác theo hướng hữu cơ” vào tháng 2/2025. Ảnh: LAM KHUÊ

Sau thời gian sinh trưởng 105 - 115 ngày, mô hình cho năng suất trung bình 65 - 70 tạ/ha. Lúa thương phẩm được Công ty TNHH Thực phẩm Noom thu mua toàn bộ với giá 11.500 đồng/kg, sản lượng hơn 8 tấn với tổng giá trị 92 triệu đồng.

Nông dân Trần Hồng - một trong 10 hộ gia đình tham gia mô hình đánh giá: “Các giống lúa được trồng thí điểm sinh trưởng tốt, cứng cây, đẻ nhánh gọn tập trung, ít ngã đổ, chống chịu sâu bệnh khá, không bị sâu cuốn lá, rầy nâu, đạo ôn, khô vằn… Vụ đông xuân này tỷ lệ lép hạt dưới 10%”.

Theo ông Hồng, lúa thương phẩm sau thu hoạch mang lại hiệu quả kinh tế cao, chất lượng gạo ngon, dễ tiêu thụ, đặc biệt phù hợp dùng làm nguyên liệu chế biến bún, mỳ Quảng tại địa phương.

anh-6.jpg
Các giống lúa thí điểm được đánh giá chắc hạt, ít lép, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Ảnh: LAM KHUÊ

Theo bà Lê Thị Minh Tâm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp, góp phần đảm bảo các bên tham gia cùng có lợi.

Bên cạnh đó, việc sử dụng các loại phân bón hữu cơ, canh tác lúa hữu cơ, thân thiện với môi trường sẽ giúp tái tạo nguồn đất, tăng độ phì nhiêu, cải tạo và trả lại cho đất lượng hữu cơ đã mất. Đây được xem là giải pháp tối ưu nhất để phục hồi đất sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới như máy bay không người lái giúp tiết kiệm được chi phí, nhân công lao động, giảm giá thành sản xuất, tăng giá trị kinh tế, bảo vệ sức khỏe cho người nông dân; đồng thời tạo sự dịch chuyển từ phương thức sản xuất cũ sang phương thức sản xuất mới, thích ứng với biến đổi khí hậu.

LAM KHUÊ