Nhà nước và cử tri

Góp ý các quy định về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND

HỒNG CHÂU 21/05/2025 11:28

(QNO) - Sáng 21/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

pb.jpg
Đại biểu Dương Văn Phước thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 21/5. Ảnh: HỒNG CHÂU

Tham gia thảo luận, đại biểu Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam góp ý cụ thể các nội dung trong dự thảo luật.

Theo đại biểu, tại khoản 3 Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 9, để khắc phục tình trạng bị động, thay đổi trong phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và địa phương, đề nghị bổ sung cụm từ: “kể cả số dôi tối thiểu theo quy định của pháp luật” và “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” vào khoản 1 Điều 9 và viết lại như sau: “1. Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người (kể cả số dôi tối thiểu theo quy định của pháp luật) của tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở cấp mình và các đơn vị hành chính cấp dưới, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn được giới thiệu để ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh…”.

Tại khoản 10 Điều 1 sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 25, theo đại biểu tại khoản 1 Điều 25 dự thảo quy định: “…Tổ bầu cử có từ mười một đến hai mươi mốt thành viên gồm Tổ trưởng, Thư ký và các Ủy viên là đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đại diện cử tri ở địa phương”. Đại biểu đề nghị cần bổ sung đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc đại diện Ban Công tác Mặt trận tại địa phương là thành viên của Tổ bầu cử.

Bởi, theo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân hiện hành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có chức năng giám sát bầu cử. Do vậy, nếu không có đại diện MTTQ Việt Nam ở địa phương trong tổ bầu cử, việc nắm bắt tình hình, phát hiện, kiến nghị, xử lý sai sót, tiêu cực ở các tổ bầu cử - tổ gần dân nhất sẽ bị hạn chế; đồng thời làm giảm hiệu quả tiếp cận, tuyên truyền tại điểm bỏ phiếu.

Đồng thời, đề nghị bổ sung Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là chủ thể có thẩm quyền hướng dẫn chi tiết việc tổ chức hội nghị cử tri tại khoản 6 Điều 54 của luật hiện hành.

Thực tiễn các kỳ bầu cử trước đây cho thấy Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều ban hành các văn bản hướng dẫn về hội nghị cử tri, tuy nhiên luật hiện hành chưa quy định rõ thẩm quyền này, dẫn đến thiếu cơ sở pháp lý cụ thể cho việc triển khai. Do đó, đề nghị viết lại khoản 6 Điều 54 như sau: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết việc tổ chức hội nghị cử tri quy định tại Điều này”.

Tại khoản 34 Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 66, tại khoản 4 Điều 66 quy định: “…Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp lập báo cáo tình hình tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri của người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở địa phương mình gửi đến Ủy ban bầu cử cùng cấp và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh”. Đề nghị thay Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ở quy định trên thành Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã (vì đã bỏ Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện).

Về một số vấn đề khác, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị thống nhất việc dùng chung tên gọi chính quyền địa phương “cấp tỉnh” gồm “tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương” và “cấp xã” gồm “xã, phường (trong đất liền) và đặc khu (ở hải đảo)” trong toàn bộ dự thảo luật theo đúng Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; dùng chung tên gọi “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” thay cho cụm từ “các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội” trong toàn bộ dự thảo luật theo đúng chủ trương, quy định về việc sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể cấp tỉnh, cấp xã.

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân hiện hành được ban hành năm 2015, quy định về nguyên tắc bầu cử, tiêu chuẩn ứng cử, quyền và nghĩa vụ của cử tri, cũng như trình tự, thủ tục tổ chức bầu cử. Việc sửa đổi luật nhằm cập nhật và điều chỉnh các quy định cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển của đất nước.

HỒNG CHÂU