Quốc hội thảo luận về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và bình đẳng giới
(QNO) - Chiều 21/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về các nội dung theo chương kỳ họp đề ra. Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) tham gia thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và kết quả mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2024.

Quan tâm thực hiện bình đẳng giới
Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh cho rằng, bình đẳng giới không chỉ là chỉ tiêu pháp lý hay đạo đức xã hội, mà còn là chỉ dấu của phát triển bền vững và quản trị hiệu quả. Nơi nào phụ nữ có đóng góp tiếng nói, nơi đó công tác quản lý sẽ hài hòa hơn, trẻ em được chăm sóc tốt hơn.
Theo đại biểu, thời gian qua, bên cạnh Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, Chính phủ đã ban hành và triển khai đồng bộ nhiều chương trình, đề án quan trọng. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa và xã hội của Quốc hội cũng đã phân tích rất cụ thể về các chương trình, đề án.
Trong đó có Chương trình truyền thông quốc gia về bình đẳng giới đến năm 2030, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến xã hội về vai trò của phụ nữ và nam giới; Chương trình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2025, đặt mục tiêu xây dựng hệ thống hỗ trợ nạn nhân chuyên nghiệp.
Chương trình tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong vị trí lãnh đạo, quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021 - 2030, nhằm tạo nguồn cán bộ nữ chất lượng; Đề án hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025, tập trung tháo gỡ các rào cản giới kép về văn hóa, giáo dục, kinh tế và tiếng nói.

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh cho rằng đây là nỗ lực lớn, đáng ghi nhận. Tuy nhiên, qua theo dõi thực tiễn, đại biểu nêu một số điểm còn tồn tại. Đó là: Độ phủ của chính sách hiện nay là có, nhưng câu hỏi đặt ra liệu chiều sâu và tác động của các chính sách đã phát huy hết nội lực hay chưa? Chúng ta phải thừa nhận đâu đó vẫn còn những hạn chế nhất định.
Các chương trình truyền thông về bình đẳng giới được triển khai khắp các tỉnh, nhưng nội dung còn dàn trải, thiếu trọng tâm, chưa “phá vỡ” được những định kiến xã hội đã mang gốc rễ ăn sâu vào tiềm thức người Việt. Vấn đề nhận thức bạo lực giới, tảo hôn, hôn nhân cận huyết... nhiều nơi, nhất là vùng núi cao vẫn còn nằm trong “vùng trũng” của chính sách.
Do đó, trong bối cảnh ứng dụng số, Chính phủ cần cấp thiết chỉ đạo đổi mới phương thức, đầu tư nội dung truyền thông sao cho ấn tượng hướng đến thay đổi hành vi, gắn với văn hóa địa phương, phát huy vai trò và đầu tư trang bị công cụ, tư liệu cho người có uy tín, chức sắc, già làng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số.
Cũng theo đại biểu, chương trình phòng chống bạo lực giới hiện nay triển khai chưa đồng bộ, thiếu nguồn lực về cả chuyên môn và chuyên trách. Nhiều địa phương chưa thành lập hoặc có thành lập nhưng chưa vận hành thực chất được mô hình “ngôi nhà tạm lánh”, cán bộ tư vấn còn kiêm nhiệm, thiếu nghiệp vụ.
Trong khi đó, tình trạng bạo lực giới, đặc biệt là bạo lực tinh thần và bạo lực mạng đang gia tăng nhưng ít được nhận diện đúng mức. Để đáp ứng thực tiễn, đề nghị Chính phủ cần có cơ chế bắt buộc bố trí ngân sách ổn định, kiểm soát hiệu quả các địa chỉ hỗ trợ nạn nhân.
Về đề án hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số, báo cáo thẩm tra đã chỉ ra 3 nội dung còn tồn tại, đại biểu cho rằng với những nội dung trên thể hiện đề án đã chưa đạt kỳ vọng đã đặt ra.
Thực tế, dù triển khai từ 2018, nhưng đến nay nhiều xã vùng sâu vẫn chưa có hoạt động thiết thực. Việc hỗ trợ sinh kế, giáo dục, nâng cao tiếng nói phụ nữ còn chậm. Các mô hình tốt chưa được nhân rộng, trong khi tảo hôn, hôn nhân cận huyết, định kiến giới vẫn tồn tại nghiêm trọng.
Do đó, đề nghị đề án cần tích hợp mạnh mẽ vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đồng thời kéo dài sang giai đoạn sau 2025 để bảo đảm tính bền vững.
Đầu tư ứng dụng số trong quản lý tài sản công
Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tiết kiệm ngân sách, tinh giản tổ chức, cắt giảm thủ tục hành chính, góp phần kiểm soát bội chi và nợ công.
Qua nghiên cứu và thực tiễn hiên nay, trong thời đại chuyển đổi số, nếu tài sản công vẫn được quản lý bằng sổ sách, bằng báo cáo giấy, thì rất khó kiểm soát hết, khó khăn trong việc hiện công khai, minh bạch, và gần như không thể chống lãng phí hiệu quả.
Đại biểu cho rằng, đầu tư chuyển đổi số trong lĩnh vực này sẽ mang đến những lợi ích lâu dài là rất lớn, không chỉ tiết kiệm ngân sách mà còn thiết lập kỷ cương trong quản trị công, tăng niềm tin của nhân dân.
Hiện số lượng tài sản công rất lớn: đất đai, trụ sở, xe công, trang thiết bị, công trình công cộng… Tuy nhiên, việc quản lý vẫn còn thủ công, phân tán theo từng bộ, ngành, địa phương, thiếu kết nối, thiếu minh bạch. Đây là “kẽ hở” khiến việc sử dụng tài sản công không hiệu quả, thậm chí bị thất thoát, bị sử dụng sai mục đích mà không truy vết được trách nhiệm.
Từ đó, đại biểu đề xuất đầu tư ứng dụng số trong quản lý tài sản công, theo hướng: Xây dựng một cơ sở dữ liệu tài sản công thống nhất toàn quốc, được cập nhật theo thời gian thực, liên thông giữa các cấp, ngành; tích hợp bản đồ số, mã định danh tài sản, tình trạng sử dụng, đơn vị quản lý, thời gian đầu tư - sử dụng, để bất kỳ tài sản nào cũng có thể truy xuất nhanh chóng trên hệ thống; công khai dữ liệu tài sản công, nhất là trụ sở, đất công, xe công - để người dân, cơ quan giám sát và báo chí có thể tham gia giám sát. Điều này không chỉ phòng ngừa tiêu cực mà còn tạo động lực sử dụng hiệu quả.