Thế giới

Tiếng gọi từ rừng

QUỐC HƯNG (kimoanh125@gmail.com)

(QNO) - Những đợt nắng nóng dai dẳng và hạn hán nghiêm trọng khiến các vụ cháy rừng tàn khốc có khả năng xảy ra nhiều hơn. Song, những cách tiếp cận mới có thể giúp cộng đồng địa phương cứu những gì còn sót lại.

rung1.jpg
Cháy rừng là một trong những nguyên nhân khiến thế giới mất khoảng 30 triệu héc ta rừng vào năm 2024. Ảnh: AP

Brazil - quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất

Bà Mariana Oliveira - chuyên gia về rừng tại Viện Tài nguyên thế giới ở Brazil cho biết: "Năm ngoái, Brazil trải qua đợt hạn hán dữ dội và lan rộng nhất trong 7 thập kỷ. Kết hợp với nhiệt độ cao khiến các đám cháy lan rộng trên quy mô chưa từng có trên khắp Brazil".

Brazil - nơi đang chuẩn bị đăng cai hội nghị Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP30) vào tháng 11 tới, từng chứng kiến ​​năm tồi tệ nhất về rừng kể từ năm 2016. Đó là khoảng 2,8 triệu héc ta rừng nguyên sinh bị xóa sổ vào năm ngoái.

Thống kê, 2/3 trong vụ mất rừng đó là do cháy rừng mà chủ yếu do hoạt động của con người gây ra. Đáng nói, rừng Amazon, đặc biệt phần lớn nằm trên lãnh thổ Brazil, được mệnh danh là "lá phổi xanh của trái đất" vì vai trò quan trọng trong việc sản xuất ô xy và hấp thụ khí các bon.

Cạnh đó, tại khu vực Nam Mỹ, đặc biệt ở Bolivia và Colombia, việc khai hoang đất rừng cho sản xuất nông nghiệp, nhất là trang trại trồng đậu nành và gia súc cùng với các hoạt động khai thác gỗ bất hợp pháp cũng góp phần vào việc gây mất rừng.

Mất rừng nguyên sinh cũng tăng vọt ở lưu vực Congo ở châu Phi - một trong những bể chứa các bon lớn cuối cùng trên thế giới.

Sarah Carter - cộng sự nghiên cứu tại Global Forest Watch cho biết, việc mất rừng không chỉ tập trung ở vùng nhiệt đới mà cũng diễn ra ở các khu rừng phương bắc như Canada và Nga.

Thống kê, các vụ cháy rừng toàn cầu thải ra từ 1,7 đến 4,1 tỷ tấn các bon vào bầu khí quyển cùng với các khí khác như khí mê tan, có thể đóng góp vào sự nóng lên toàn cầu và tạo thành một vòng lặp tiêu cực.

Các quốc gia giảm tình trạng mất rừng

Indonesia chứng kiến ​​mức giảm 11% về tình trạng mất rừng vào năm 2024, một phần là nhờ vào các nỗ lực phòng ngừa, ứng phó cháy rừng.

in.jpg
Tuần tra bảo vệ rừng tại Indonesia. Ảnh: Antaranews

Trong đó phải kể đến vai trò quan trọng từ khu vực tư nhân và cộng đồng địa phương khi cùng nhau hợp tác, sử dụng ứng dụng chia sẻ dữ liệu để nhanh chóng và dễ dàng theo dõi các nguy cơ, xáo trộn trong rừng, hệ sinh thái trên các khu vực rộng lớn để tìm cách giữ rừng.

Tình trạng phá rừng nguyên sinh cũng giảm 13% ở quốc gia láng giềng Malaysia nhờ luật chống phá rừng nghiêm ngặt hơn và cam kết tăng cường từ các tập đoàn trong việc phát triển kinh tế đi đôi với nhiệm vụ bảo vệ rừng.

QUỐC HƯNG (kimoanh125@gmail.com)