Mở rộng phạm vi miễn, hỗ trợ học phí khối trường tư là cần thiết
(QNO) - Chiều 22/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV tổ chức thảo luận ở tổ về các dự thảo nghị quyết của Quốc hội liên quan công tác giáo dục.
.jpg)
Tại Tổ 5 (gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Quảng Nam, Yên Bái và Bình Dương), các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận dự thảo Nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân; dự thảo Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.
Tham gia thảo luận, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) cho rằng, chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh tư thục nếu được triển khai chặt chẽ, minh bạch và đúng đối tượng sẽ góp phần nâng cao cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi trẻ em, giảm gánh nặng cho các gia đình, đặc biệt là lao động nhập cư và người nghèo đô thị. Đây là một bước đi tích cực, phù hợp với xu thế xã hội hóa giáo dục và bảo đảm quyền học tập của mọi công dân theo tinh thần Hiến pháp và Luật Giáo dục.
Theo đại biểu, trước đây, chính sách miễn, hỗ trợ học phí chủ yếu tập trung ở khối trường công lập; trong khi học sinh tại các trường tư thục, đặc biệt là ở đô thị, khu công nghiệp ít được thụ hưởng, mặc dù có không ít trường hợp thuộc diện hoàn cảnh khó khăn. Việc mở rộng phạm vi thụ hưởng đến người học ở cơ sở tư thục là cần thiết và đúng hướng, nhằm bảo đảm tính công bằng trong tiếp cận giáo dục.
Về cách dùng từ "trẻ em mầm non", đại biểu đề nghị chỉnh sửa cụm từ này thành "trẻ học mầm non" để bảo đảm tính chính xác về pháp lý và phù hợp với Luật Trẻ em, trong đó quy định "trẻ em" là người dưới 16 tuổi. Việc sử dụng từ ngữ chính xác sẽ tránh gây hiểu nhầm, đồng thời đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Về Điều 2, hỗ trợ học phí do địa phương quyết định, đại biểu cơ bản thống nhất với định hướng phân cấp cho địa phương quyết định mức hỗ trợ học phí.
Tuy nhiên, cần lưu ý một số vấn đề sau: Tại nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là các địa phương có khu công nghiệp, dân số cơ học tăng cao khiến hệ thống trường công lập không đủ đáp ứng. Học sinh phải theo học tại các cơ sở tư thục nhưng không được hỗ trợ học phí, gây thiệt thòi, nhất là đối với con em người lao động tự do, công nhân nhập cư có thu nhập thấp.
Việc giao cho địa phương tự cân đối ngân sách và xác định mức hỗ trợ là phù hợp với nguyên tắc phân cấp. Tuy nhiên, đối với những địa phương còn khó khăn về ngân sách, việc thực hiện chính sách sẽ gặp nhiều trở ngại, dẫn đến độ bao phủ chính sách không đồng đều, ảnh hưởng đến hiệu quả và công bằng xã hội.
Do đó, đề nghị cần có quy định khung về mức hỗ trợ tối thiểu hoặc nguyên tắc xác định mức hỗ trợ học phí, ví dụ: "Mức hỗ trợ học phí cho người học tại cơ sở tư thục không thấp hơn 50% học phí bình quân của trường công lập cùng cấp học trong cùng địa bàn".
Theo đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh, quy định như vậy sẽ tạo tính tương đồng giữa các địa phương, bảo đảm mục tiêu công bằng trong chính sách giáo dục, đồng thời vẫn tôn trọng quyền chủ động của chính quyền địa phương trong điều kiện ngân sách của mình.