Sôi nổi góp ý sửa đổi Hiến pháp qua kênh Mặt trận tỉnh Quảng Nam
Việc góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đang được Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Quảng Nam tổ chức với nhiều hình thức, tạo nên đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt quan trọng của nhân dân.

Ngày 21/5, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị góp ý đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Trước đó, Mặt trận tỉnh đã mở chuyên mục “Tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri” trên Trang tin điện tử của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tại địa chỉ: “https://ubmttqvn.quangnam.gov.vn” và trên Fanpage của MTTQ tỉnh từ ngày 7/5/2025.
Sôi nổi góp ý
Theo báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến ngày 20/5, Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên đã tổ chức 6.558 hội nghị lấy ý kiến với 717.712 ý kiến tham gia đóng góp, trong đó có 715.617 ý kiến tán thành với dự thảo nghị quyết, chiếm 99,7%, còn 0,3% tán thành nhưng có góp ý để hoàn thiện hơn.
Tại Quảng Nam, qua triển khai tiếp nhận góp ý trực tuyến, nhận góp ý bằng văn bản và tổ chức hội nghị trực tiếp, Mặt trận tỉnh đã tiếp nhận hàng chục lượt ý kiến góp ý tập trung, đi thẳng vào các nội dung, điều khoản được sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp.
Đa số ý kiến bày tỏ thống nhất cao về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và mong muốn những điểm mới trong dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 sẽ phục vụ đắc lực cho tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam cũng như chủ trương xây dựng chính quyền địa phương hai cấp.
Hội nghị góp ý do Mặt trận tỉnh tổ chức cũng ghi nhận nhiều ý kiến góp ý sôi nổi về nội dung, câu chữ được nêu tại các Điều 9, Điều 10, Điều 110, Điều 115… Đáng chú ý như không đồng ý bỏ quyền chất vấn của đại biểu HĐND với Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân; đề nghị giữ quy định “phải lấy ý kiến Nhân dân địa phương” như khoản 3 Điều 110 Hiến pháp hiện hành; không nên sử dụng cụm từ “dưới tỉnh” trong Điều 110; đề nghị sửa cụm từ “tạo điều kiện” thành “phối hợp, bảo đảm điều kiện” trong điểm 3 Điều 9... Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết tiếp nhận ý kiến góp và tổng hợp gửi Mặt trận trung ương trước ngày 5/6/2025.
Phát biểu tại hội nghị góp ý dự thảo Nghị quyết do Mặt trận tỉnh tổ chức, ông Lê Văn Lai - nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và nhiều đại biểu bày tỏ sự thống nhất, đồng thuận cao với chủ trương của Đảng và Nhà nước về thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, trong đó có việc nhập các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH), các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ vào MTTQ Việt Nam.
“Cuộc cách mạng lần này được thực hiện quyết liệt nhằm hướng tới bộ máy nhà nước hiệu quả, hiệu lực hơn, gần với nhân dân hơn” - ông Lai nói.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định, Hiến pháp năm 2013 đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống chính trị và hành chính nhà nước, song sau hơn 11 năm triển khai, thực tiễn phát triển đất nước và yêu cầu sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và hệ thống chính trị đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều.
Việc tổ chức hội nghị góp ý nhằm phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong tham gia xây dựng pháp luật, phản ánh ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân.
Làm rõ cụm từ “trực thuộc Mặt trận”
Được biết, phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này ngắn gọn, chỉ tập trung vào 8/120 điều của Hiến pháp năm 2013 nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về sắp xếp cơ quan của MTTQ Việt Nam, các tổ chức CT-XH, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ; hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo hướng gần dân, phục vụ nhân dân tốt hơn.

Thời gian qua, trên nhiều diễn đàn ghi nhận các ý kiến góp ý sôi nổi xung quanh những nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp. Đáng chú ý nhất là cụm từ “trực thuộc” tại điểm 2 Điều 9 quy định các tổ chức CT-XH trực thuộc MTTQ Việt Nam.
Tại hội nghị do Mặt trận tỉnh tổ chức cũng đã ghi nhận những ý kiến khác nhau về cụm từ này. Một số ý kiến cho rằng bổ sung cụm từ “trực thuộc” thì yếu tố độc lập của các tổ chức CT-XH không còn. Có đại biểu kiến nghị sửa từ “trực thuộc” thành “nòng cốt”…
Tuy nhiên, trên nhiều diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng, việc sử dụng cụm từ “trực thuộc” là hoàn toàn phù hợp với tình hình hiện nay, không làm ảnh hưởng đến hoạt động có tính độc lập tương đối của các tổ chức CT-XH.
Trao đổi tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Trí Thanh nhìn nhận, việc Trung ương dùng chữ “trực thuộc” nhằm thể hiện, khẳng định phải sắp xếp các tổ chức CT-XH vào trong Mặt trận và phải chịu sự lãnh đạo chủ trì của Mặt trận.
“Các tổ chức CT-XH vẫn có con dấu, tài khoản, điều lệ riêng, nhưng phải đưa về trong Mặt trận để chủ trì và thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thống nhất. Từ kinh phí, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ triển khai công việc cần phải thống nhất. Điều này nhằm khẳng định tính lãnh đạo tập trung hơn” - ông Thanh nói.
Phát biểu tại hội nghị đánh giá sơ bộ kết quả lấy ý kiến vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 vừa qua, ông Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, cụm từ “trực thuộc” đã thể hiện rõ nội hàm sự vận động của MTTQ, các tổ chức CT-XH với sự phát triển của đất nước và điều này được thể hiện rõ nét tại Đề án về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của cơ quan MTTQ Việt Nam ở cấp Trung ương đã được Bộ Chính trị thông qua. Ông Chiến nhấn mạnh, việc sắp xếp, tinh gọn hợp nhất cơ quan MTTQ Việt Nam, các tổ chức CT-XH vẫn giữ vững tính độc lập của mỗi tổ chức.
Hoạt động Hội thẩm nhân dân đạt nhiều kết quả
Ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng đoàn Hội thẩm nhân dân tỉnh cho biết, tính từ 1/10/2024 đến 31/3/2025, Đoàn Hội thẩm TAND tỉnh tích cực triển khai kế hoạch hoạt động, tham gia 248 lượt hội thẩm xét xử 98 vụ án sơ thẩm do TAND tỉnh thụ lý, góp phần quan trọng vào kết quả chung của TAND tỉnh với kết quả thụ lý, giải quyết đạt tỷ lệ 45,2%.
Nhiều vị hội thẩm phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực nghiên cứu hồ sơ, sắp xếp thời gian, công việc tham gia xét xử được nhiều lượt vụ án. Trong quá trình nghị án, các vị hội thẩm mạnh dạn, thẳng thắn nêu quan điểm để bảo vệ tính đúng đắn, khách quan của vụ án, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.(VINH ANH)
Nhân rộng mô hình “Phân loại rác thải tại hộ gia đình”
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Núi Thành vừa tổ chức lễ phát động triển khai mô hình “Phân loại rác thải tại hộ gia đình” tại thôn Hòa An (xã Tam Giang) và thôn Thọ Khương (xã Tam Hiệp).
Tại lễ phát động, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã trao tặng thùng rác cho tất cả hộ gia đình tham dự nhằm hỗ trợ việc phân loại rác tại nhà; các hộ dân trên địa bàn 2 thôn đã thống nhất ký cam kết thực hiện phân loại rác thải tại hộ gia đình. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường; tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Đến nay, mô hình “Phân loại rác thải tại hộ gia đình” đã được triển khai điểm tại 8 xã trên địa bàn huyện Núi Thành.(TÂM ĐAN)
Người dân Điện Tiến hài lòng về kết quả xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Điện Bàn vừa hoàn thành việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại xã Điện Tiến. Theo đó, Mặt trận đã phát phiếu lấy ý kiến đến 1.798/2.236 hộ trên địa bàn xã (tỷ lệ 80,41%). Kết quả, có 97,5% hộ dân cho ý kiến hài lòng về kết quả xây dựng xã NTM kiểu mẫu của xã. Bên cạnh đó một số người dân cho biết chưa hài lòng về hạ tầng giao thông, thu nhập, tình hình dịch bệnh… Được biết, năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của xã Điện Tiến đạt 66,27 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn 0,76%.
Đến ngày 15/5/2025, toàn tỉnh có 10 xã NTM kiểu mẫu gồm Đại Hiệp (Đại Lộc); Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong, Điện Phước (Điện Bàn), Cẩm Thanh (Hội An); Quế Phú (Quế Sơn); Duy Phước (Duy Xuyên); Tam Thanh, Tam Ngọc (Tam Kỳ).(TÂM ĐAN)