Thế giới

Sức hấp dẫn từ sản phẩm lưu niệm

KIM OANH 24/05/2025 08:24

Sản phẩm lưu niệm đóng vai trò như lời nhắc về những trải nghiệm và vùng đất nơi mỗi người từng đặt chân. Khi thị trường đồ lưu niệm phát triển, sẽ hỗ trợ sinh kế người lao động cũng như nền kinh tế địa phương.

dsca- moodiedavittreport
Khách du lịch chọn mua đồ lưu niệm tại một cửa hàng ở Paris, Pháp. Ảnh: Moodiedavittreport

Cho dù là một tấm bưu thiếp, đồ trang sức hay vật trang trí thủ công tại điểm đến, mỗi sản phẩm lưu niệm đều có sức mạnh đưa chủ sở hữu trở lại một thời điểm và địa điểm cụ thể.

Thống kê của trang web Pew New Research, Pháp là quốc gia có món quà lưu niệm phổ biến nhất thế giới với móc chìa khóa kim loại màu vàng, bạc, đồng đỏ, đồng xanh với thiết kế hình tháp Eiffel nổi tiếng. Pháp đón lượng khách du lịch quốc tế hằng năm cao nhất thế giới, ở mức 117,1 triệu lượt.

Riêng doanh thu từ đồ lưu niệm ước tính vào khoảng 600 triệu USD. Sản phẩm lưu niệm đậm bản sắc đã góp phần gia tăng chi tiêu du khách, đồng thời bảo tồn, quảng bá văn hóa địa phương rất hiệu quả.

Đối với nhiều người, đồ lưu niệm cũng có thể mang giá trị tình cảm vì chúng đại diện cho những cột mốc trong cuộc đời, như tuần trăng mật, kỳ nghỉ gia đình hoặc hành trình tự khám phá bản thân với chuyến đi một mình. Khi đó, đồ lưu niệm trở thành “tài sản quý giá” để kể câu chuyện về chuyến du lịch và trải nghiệm.

Cô Maribel Keen - khách du lịch người Tây Ban Nha từng chọn điểm dừng chân tại châu Á nói: “Với những cặp đôi dạo chơi ven biển, chiếc lọ thủy tinh nhỏ hình trái tim đựng cát của bãi biển sẽ trở thành một trong những sản phẩm lưu niệm đáng giá trong chuyến đi hưởng tuần trăng mật ở vùng nhiệt đới. Nó như lời nhắc nhở tuyệt vời về khoảnh khắc lãng mạn nhất cặp đôi từng có, thêm vun đắp tình cảm lứa đôi trên đoạn đường đời về sau”.

lao.jpg
Mặt hàng thủ công Lào thu hút sự quan tâm của nhiều du khách. Ảnh: Tripjive

Đất nước Ba Lan nổi tiếng với đồ trang sức hổ phách, nhựa cây hóa thạch, hình thành từ nhựa cây cổ đại. Hổ phách là nguyên liệu quý giá dùng trong chế tác trang sức cao cấp, vốn được sử dụng trong nhiều thế kỷ ở vùng Baltic để làm phụ kiện cho người giàu có và quý tộc. Ba Lan đón khoảng 88,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế hằng năm nhưng có thu nhập ước tính hàng đầu khu vực châu Âu từ ​​việc bán đồ lưu niệm với hơn 1,6 tỷ USD.

Đồ lưu niệm cũng có thể đóng vai trò như một phương tiện giao tiếp, cho phép du khách chia sẻ trải nghiệm chuyến đi với người thân, bạn bè. Việc tặng đồ lưu niệm như cách thể hiện lòng biết ơn, tình yêu hoặc tình bạn, vì nó đại diện cho một phần hành trình của du khách mà họ muốn chia sẻ với người nhận. Theo cách này, quà lưu niệm giúp củng cố mối quan hệ xã hội và tạo ra kỷ niệm lâu dài vượt ra ngoài phạm vi cá nhân của du khách.

Điểm đến “hình chiếc ủng” Italy nổi tiếng với sản phẩm lưu niệm dây chuyền thủy tinh Murano trên đảo sản xuất thủy tinh Venetian. Italy chào đón 38,4 triệu khách du lịch quốc tế hằng năm nhưng cũng mang về gần 1,3 tỷ USD từ chi tiêu cho đồ lưu niệm của du khách.

Nhiều điểm đến Đông Nam Á hấp dẫn du khách với mặt hàng thủ công truyền thống. “Đất nước triệu voi” Lào tổ chức Ngày thủ công mỹ nghệ quốc gia tại thủ đô Viêng Chăn vào ngày 1/11 hằng năm nhằm tôn vinh di sản phong phú, đóng góp của các nghệ nhân Lào trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa, thu hút khách du lịch quốc tế và giá trị kinh tế của nghề thủ công truyền thống.

Trong đó, hàng dệt may Lào, đặc biệt là sản phẩm có họa tiết Naga mang tính biểu tượng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể vào tháng 12/2023. Bà Soutvimon - người bán hàng thủ công mỹ nghệ tại thủ đô Viêng Chăn lạc quan rằng ngành du lịch đang bùng nổ sẽ giúp tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn, thúc đẩy doanh nghiệp địa phương và mang lại lợi ích kinh tế lâu dài cho cộng đồng.

KIM OANH