Màu xanh Núi Thành
Tháng 12/1983, nhạc sĩ Thái Nghĩa sáng tác bài “Màu xanh Núi Thành”, với lời ca: “Chúng em hát từ Núi Thành, một miền quê trải rộng màu xanh, từ chiến công xưa đi đầu diệt Mỹ, từ hố Mây ơ hồ nước đầy, cùng đến đây chúng em cùng hát ca...”. Những ngày này, lời bài hát lại vang lên trong cái nắng tháng Năm chói chang, gợi nhắc về trận đầu thắng Mỹ hào hùng cách đây 60 năm (26/5/1965).

“Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”
Tháng 5, chúng tôi lội ngược con đường dốc dẫn lên đồi Yên Ngựa và nhận ra không khí như dễ chịu hơn bởi màu xanh ngút ngàn của những rừng cây. Tam Nghĩa - nơi có trận đầu thắng Mỹ cách đây tròn 60 năm - ngày nay đã ngập tràn màu xanh của sự sống…
Lịch sử ghi lại, ngày 8/3/1965, những lính Mỹ đầu tiên đổ bộ vào Đà Nẵng, mở đầu thời kỳ “chiến tranh cục bộ”. Sau đó hai tháng, ngày 7/5/1965, Lữ đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ đổ bộ vào vùng cửa biển An Hòa chiếm khu vực Chu Lai (thuộc xã Kỳ Liên, Kỳ Hà, huyện Nam Tam Kỳ; nay là các xã Tam Nghĩa, Tam Quang).
Mỹ chọn Chu Lai để xây dựng thành căn cứ quân sự vững chắc gồm vành đai bảo vệ, sân bay, đồn bót... vây kín không gian rộng lớn xung quanh; làm bàn đạp quan trọng trên chiến trường miền Trung.
Đêm 25 rạng sáng ngày 26/5/1965, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 chỉ đạo “Đánh tiêu diệt một đơn vị Mỹ để hạ uy thế quân Mỹ ngay từ đầu, tìm hiểu cách đánh của chúng, rút kinh nghiệm đánh Mỹ cho ta, cổ vũ khí thế đánh Mỹ trong toàn Khu”.
Đại đội 2, Tiểu đoàn 70 và 12 chiến sĩ đặc công thuộc đại đội V16 bộ đội địa phương tỉnh Quảng Nam đã tập kích tiêu diệt gọn một đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ tại cứ điểm Núi Thành, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Chiến thắng Núi Thành là hồi kèn xung trận của quân và dân ta trong cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ trên chiến trường miền Nam. Với chiến thắng này, tỉnh Quảng Nam được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên dương danh hiệu “Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”.
Phủ xanh đồi trọc
Hôm nay, trên những ngọn đồi quen thuộc như Yên Ngựa, Núi Thành, đồi 49, 50 dấu vết chiến tranh đã lùi xa, nhường chỗ cho những rừng cây xanh bạt ngàn.

Ông Nguyễn Tấn Cự - thôn An Thiện, xã Tam Nghĩa nhiều năm nay khai phá rừng tạp để trồng cây keo, góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, tạo “lá phổi xanh” cho vùng đất trận đầu thắng Mỹ.
Những ngọn núi đồi đầy dây kẽm gai, bom mìn nay trở thành rừng cây ngút ngàn xanh mát. Đây là thành quả của chủ trương phủ xanh đất trống đồi núi trọc của chính quyền xã Tam Nghĩa nhằm tạo điều kiện cho người dân trồng rừng.
Nhiều hộ trồng với diện tích lớn như ông Nguyễn Tấn Cự trồng hơn 23ha; hơn chục hộ khác cũng trồng trên 10ha rừng mỗi hộ. Tính đến thời điểm này, nhân dân xã Tam Nghĩa đã trồng được 400ha rừng bạch đàn theo dự án PAM 4304; 250ha bạch đàn, keo và thông dầu bởi dự án PAM 2780. Hai dự án này đem lại kết quả tốt, đưa độ che phủ rừng của Tam Nghĩa lên 60%.
Đã 60 năm trôi qua, xã Tam Nghĩa - dải đất dưới chân đồi Yên Ngựa từng ngày đổi thịt thay da. Là vùng đất bạc màu, hầu hết người dân ở đây sinh sống bằng nghề nông. Ngày quê hương mới giải phóng, năng suất cây lúa chỉ ở mức 20 đến 23 tạ/ha, lại bấp bênh vì thiếu nguồn nước. Ngày nay, năng suất cây lúa xã Tam Nghĩa đạt 55 đến 60 tạ/ha.
Nhiều công trình thủy lợi được xây dựng như đập Hố Mây, Đập Quang, Hóc Cỏ và hàng chục nghìn mét kênh mương được kiên cố hóa; nhiều đồng ruộng khô cằn trước đây giờ trở nên màu mỡ, xanh tươi. Xã còn phát triển các mô hình nuôi bò lai, cá nước ngọt, sản xuất lúa chất lượng cao, phát triển kinh tế vườn và nuôi trồng thủy sản.
Thành tựu nổi bật của Tam Nghĩa là chuyển dịch nền kinh tế thuần nông sang kinh tế công nghiệp - dịch vụ - thương mại. Hiện nay, trên địa bàn xã có sân bay Chu Lai cùng 30 công ty, xí nghiệp và hơn 100 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động. Đặc biệt, Cụm công nghiệp Nam Chu Lai trên địa bàn thu hút hơn 11 dự án đầu tư, với số vốn đăng ký hơn 150 tỷ đồng.
Riêng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư tại xã Tam Nghĩa, trong khoảng hơn 15 năm gần đây, địa phương đã giải phóng mặt bằng được 234ha đất để triển khai các công trình, dự án.
Nhiều năm qua, nền kinh tế ở Tam Nghĩa đạt tốc độ tăng trưởng cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên rõ rệt.
Ông Bùi Quốc Biểu - Chủ tịch UBND xã Tam Nghĩa cho biết, dù còn gặp một số khó khăn nhưng hiện tại, xã Tam Nghĩa đang tăng tốc xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao trong năm nay.
Tam Nghĩa - vùng đất có trận đầu thắng Mỹ ngày nay trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới và đang phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2025 này.