Biên giới - Hải đảo

Thổ Chu nhớ hoài ký ức cũ

Ghi chép của LÊ VĂN CHƯƠNG 24/05/2025 15:14

Từ đảo Thổ Chu (xã đảo Thổ Châu, TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) dễ hình dung ra Trường Sa, vì nơi đây có đặc điểm của hòn đảo xa bờ, nhiều ngôi nhà nằm thấp thoáng dưới bóng cây phong ba.

Cột cờ Tổ quốc Thổ Chu do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam phát động xây dựng. Ảnh Văn Chương
Hai người lính thượng cờ Tổ quốc trên đỉnh núi. Ảnh: VĂN CHƯƠNG

Xanh rêu Polepaniang

Đảo Thổ Chu cách đất liền 200km. Hoàng hôn buông xuống. Bầu trời ở khu vực Thổ Chu chợt bừng lên sắc màu đỏ rực với những đường vân như rẽ quạt.

Chừng 400 năm trước, hòn đảo này như cột mốc để tàu định hướng, được nhà hàng hải người Hà Lan là Willem Bontekoe ghi là Polepaniang. Di tích xưa cũ chỉ còn tấm bia của chính quyền Sài Gòn ghi “Thổ Châu 1956”, dưới tên tiếng Việt có kèm chữ Poulo Panjang.

“Năm 1992, khi ra đảo thì có còn tìm được dấu vết gì của 513 bà con đã bị quân Khmer Đỏ bắt đưa đi giết hại? Thậm chí có bao giờ thấy ai đó về trong giấc chiêm bao?”. Tôi hỏi ông Nguyễn Thái Học một câu hỏi bằng cảm nhận mang tính tâm linh tại đền Thổ Châu. Ông Học lặng im giữa không gian đầy mùi khói hương tưởng nhớ người đã khuất.

Ông Học là thế hệ cán bộ đầu tiên ra thành lập xã đảo Thổ Châu năm 1992 và giữ cương vị Chủ tịch UBND xã Thổ Châu 1993-1999. Gặp được ông Học là một cơ duyên để viết lại câu chuyện xưa cũ, vì ông đã lui về sống ở đảo Phú Quốc.

Năm 2019, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức phát động xây dựng cột cờ Tổ quốc tại đảo Thổ Chu. Hiện nay, hàng ngàn tàu vận tải hành trình ở Vịnh Thái Lan đều có thể nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam, vì cột cờ được xây dựng ở vị trí cao 140 mét so với mực nước biển.

Ông Học ngước mắt nhìn lên cây bàng vuông với gốc rễ chằng chịt, trả lời: “về mặt tâm linh thì cũng không thấy ai loáng thoáng trở về trong giấc mộng mị; người dân thì có lúc vẫn mơ tưởng bà con mình đi xa trở về”.

Năm 1975, quần đảo Thổ Chu là vùng đất được giải phóng cuối cùng ở Việt Nam. Trước đó, ngày 10/5/1975, quân Khmer Đỏ bất ngờ tràn lên chiếm Thổ Chu bắt dân đưa đi, đến ngày 25/5, quân giải phóng đổ bộ giải phóng Thổ Chu.

Nhắc chuyện đau lòng của gần 50 năm về trước, tôi và ông Học bước đi thật chậm dưới bóng cây của đền Thổ Châu. Trong đền đặt 3 bàn thờ, bàn giữa thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên phải đặt linh vị 513 người dân bị Khmer Đỏ sát hại và bên trái là linh vị tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.

Tôi dõi theo cái nhìn của ông Học vào bóng những cây bàng vuông, dù chưa già cỗi nhưng gốc rễ đã chằng chịt. Quần đảo Thổ Chu có thảm thực vật hơi tương đồng với quần đảo Trường Sa, rất nhiều cây bàng vuông cổ thụ, cây bàng lá lớn trăm năm tuổi, cây da, cầy xanh, cầy đỏ... Những cây bàng vuông ở trong sân đền Thổ Châu không lên thẳng như ở đảo Trường Sa mà quắt queo, buông rễ như đã trải qua những năm tháng thống khổ.

Trên các triền núi, hoặc gần tuyến đường đi quanh đảo, vô số cây đại thụ được bao phủ bởi tầm gởi, khá giống tầm gởi tổ rồng. Nhớ đến phong tục của đồng bào trên dãy Trường Sơn, tôi nhìn lên và hình dung, cây tổ rồng giống như cặp mắt của bao người đã khuất, họ hóa thân thành cây, trở về reo vui với nắng gió đảo xanh.

Cột mốc khắc vết Koh Tang

Dọc con đường từ bãi Ngự xuống bãi Dong là hình ảnh các loại cây phong ba, cây bàng lá lớn, cây bàng vuông, cây bồ đề với những tư thế có lúc đổ nghiêng soi bóng xuống mặt biển, có khi chao hẳn về phía núi.

Một người lính Biên phòng đến thăm cột mốc trên đảo Thổ Châu, quần đảo Thổ Chu. Ảnh Văn Chương
Hai cột mốc chủ quyền. Cột mốc được chính quyền Sài Gòn cắm vào năm 1956 và cột mốc được chính quyền cách mạng cắm vào năm 1976. Ảnh: VĂN CHƯƠNG

Dấu tích cột mốc của thời nhà Nguyễn cắm ở Thổ Chu có lẽ đã bị cây bao phủ. Trên đảo hiện chỉ còn 2 cột mốc được xây dựng sát nhau vào năm 1956 và 1976. Đầu cột mốc 1956 có những dấu vết giống như bị đạn bắn, gợi nhắc vết thương Koh Tang.

Cố Đại tá nhà báo Bùi Văn Bồng từng kể lại câu chuyện buồn về Koh Tang. Sau ngày giải phóng, quân đội cách mạng Campuchia nhờ quân Giải phóng Việt Nam hỗ trợ, vì vậy nhà báo Bùi Văn Bồng có cơ hội đặt chân lên đảo Koh Tang.

Anh đã tìm được dấu tích 513 người dân ở Thổ Chu đã bị bọn Khmer Đỏ đưa về đây và biến thành nô lệ khổ sai, sau đó tàn sát làm phân bón gốc dừa.

Trên nền cát vẫn rơi vãi 1 tờ căn cước ghi tên Nguyễn Thị Tua, 29 tuổi, quê ở đảo Thổ Chu, chính quyền Sài Gòn cấp ngày 20/2/1968. Tổng cộng hơn 1.000 người dân Campuchia và Việt Nam đã bị giết hại ở Koh Tang.

Bà Phạm Thị Thủy sống trong ngôi nhà tôn cũ nát nhắc lại câu chuyện khi ra đảo sinh sống, cứ chiều chiều bà con lại đu vắt vẻo trên cây bún, nhìn về đất liền trông ngóng chuyến tàu (1 chuyến/tháng), rồi có người chợt hỏi cái độp:

- Coi chừng bọn Miên (Khmer Đỏ) nó trở lại!

- Thôi, có chết thì chết chung, chết hết, vậy thôi, mà có bộ đội Quân khu 9 ở đây rồi, sợ gì!

Mọi người cứ tự hỏi rồi ồ lên, tự giải đáp và cứ thế 32 năm đã trôi qua!

Thời mới đưa dân trở lại đảo, cứ thấy mặt ông giáo Đào Hữu Quốc trên ghe, học sinh lại ào xuống khiêng quà đất liền chuyển về trường. Thầy Quốc kể, những năm tháng đó, khi vô bờ thì xin đủ thứ cho học sinh, gặp gì xin nấy, phải lo cho học sinh như con thì tụi nhỏ mới đến trường, vì có em đã học giẫm chân 3 năm 1 lớp.

Buổi sáng ở đảo, lắng nghe tiếng chim nhạn chao lượn trên cây, tôi lại nhớ chuyện của cán bộ, chiến sĩ Hải đoàn 28 Bộ đội Biên phòng. Các anh kể rằng, nhiều đồng đội cũng từng ngắm chim nhạn, sau đó nằm lại với biển đảo Thổ Chu. Tên của họ thường được nhắc với khách thi thoảng mới có người ra thăm đảo.

Bao thế hệ giữ đảo

Trong các hòn đảo mà chúa Nguyễn Ánh từng chạy lánh nạn như Phú Quý ở tỉnh Bình Thuận, đảo Côn Đảo ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thổ Chu là cái tên thường được nhắc tới. Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi vào năm 1802, lấy niên hiệu là Gia Long, ông đã cắt đặt Thổ Chu thuộc Phú Quốc như bây giờ.

3 Cây trên đảo Thổ Chu_5
Một góc quần đảo Thổ Chu xanh màu ngọc bích. Ảnh: Văn Chương

Sách “Đại Nam thực lục” ghi chép lời chỉ dụ của vua Gia Long về Thổ Chu: “Các thuyền quân đi tuần tiễu, xin theo dụ trước, cứ tháng 4 thì phái đi, tháng 10 rút về, không phải làm đồn bảo làm gì”.

Có bao nhiêu người lính tuần tiễu ra Thổ Chu bằng thuyền buồm và đã bỏ mạng? Điều đó khó tránh khỏi vì từ đất liền ra Thổ Chu cũng gần bằng ½ đoạn đường từ đất liền ra tới quần đảo Hoàng Sa.

Sử sách thời đó không ghi lại sự vụ những người lính đi tuần tiễu ra Thổ Chu, gặp gió lớn nên bỏ mạng giống như những người lính trong Đội Hùng binh Hoàng Sa ở đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, chỉ ghi lại chuyện Nguyễn Ánh liên tục bôn tẩu ra Thổ Chu lánh nạn.

Còn thời hiện đại, danh tính của những người lính hy sinh được ghi chép đầy đủ. Năm 1975, gần một tháng sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, một trận đánh nổ ra ở Thổ Chu và có người lính đã ngã xuống trước khi quần đảo này được giải phóng hoàn toàn. Nhưng rồi trong vòng hơn 20 năm tiếp theo, vùng biển này ngày đêm “nổi sóng”.

Thời đó, từng đoàn tàu đánh cá của nước ngoài có trang bị vũ khí tiến vào quần đảo Thổ Chu đánh bắt trộm hải sản và luôn có sự yểm hộ của tàu chiến, máy bay để dò la, uy hiếp các lực lượng.

Riêng trong năm 1996 đã có 3 liệt sĩ của Hải đoàn 28 Bộ đội Biên phòng hy sinh, đó là Chuẩn úy Nguyễn Văn Ngọc, quê ở thành phố Hải Phòng (hy sinh năm 24 tuổi); Thượng úy Đặng Đức Thanh, quê ở tỉnh Bắc Giang (hy sinh năm 27 tuổi) và Chuẩn úy Trần Công Thắng, quê ở tỉnh Thái Bình (hy sinh năm 22 tuổi).

Bây giờ, quần đảo Thổ Chu bình yên và xanh ngát màu ngọc bích. Tôi chợt hiểu vì sao người dân và chính quyền luôn ước mơ nơi đây trở thành điểm du lịch. Nguồn lợi hải sản dần cạn kiệt, đời sống của dân đảo mỗi ngày một khó khăn hơn.

Hình ảnh giàu có sản vật trong quá khứ vừa được ông Lý Ngọc Định, Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang xuất bản, đọc nghe thấy thèm: “Người Quảng Ngãi, Bình Định, Cà Mau, Hà Tiên mỗi phiên đi Thổ Chu về là có hàng tạ yến, 3.000 - 5.000 bộ vảy đồi mồi, cá mập nhiều như bánh canh…”.

Ghi chép của LÊ VĂN CHƯƠNG