Một chớm bình minh
Má nhìn hoài về phía biển. Gió chiều phủ dày những gợn sóng trắng xóa vừa vỡ ra tan tác khi chạm bờ. Bên cái cổng sắt cũ, giàn sử quân tử ba trồng ngày xưa đã vào mùa nở rộ.

Hiếu đi khẽ ra sân, run run ôm má từ phía sau. Hiếu hỏi nhỏ “má ơi, má giận con hả má”. Má im lặng, chỉ lắc đầu.
Má vòng tay ra sau, kéo Hiếu về phía trước. Má ôm lấy Hiếu. Má siết cái ôm của mình thật chặt rồi hít hà mái tóc của Hiếu, như chưa từng có bất kỳ một sự buồn giận nào.
Hiếu biết, má thương chú Thắng. Dù tình cảm đó không giống với những gì má dành cho ba, nhưng từ ngày chú ấy ở bên, má đã dần tìm lại được nụ cười. Hiếu còn nhớ, cách đây mấy năm, lúc mọi người đến nhà báo tin ba đã hy sinh khi làm nhiệm vụ ngoài đảo, má như chết lặng.
Đôi mắt má sững sờ, sũng nước. Rồi, đột ngột ráo hoảnh. Mặc kệ bà nội gào khóc, van nài ơn trên hãy cứu lấy ba. Cô Út đứng trước bàn thờ ông nội, khóc lóc cầu xin một sự nhầm lẫn nào đó khiến người ta nhận nhầm và ba sẽ trở về. Má chỉ lặng thinh.
Má vịn tường, lần từng bước vào phòng. Hiếu rón rén theo sau. Khi tấm rèm phủ kín sau lưng, má bắt đầu khuỵu xuống.
Ngồi co ro trên nền đất lạnh căm, má tháo chiếc nhẫn cưới rồi nắm chặt trong lòng bàn tay. Bữa đó, Hiếu thấy má khóc, nên nức nở khóc theo. Nó vẫn chưa hiểu hy sinh nghĩa là gì.
Cho đến khi người ta nói ba đi rồi, không về nữa đâu. Cái quan tài trang trọng, lấp lánh ánh đèn và những bông hoa trắng muốt đột ngột xuất hiện trong cuộc đời hai má con Hiếu.
Di ảnh của ba mặc bộ quân phục màu trắng đang lập lòe sau ngọn đèn dầu, vẫn nụ cười trước khi ba lên đường ra đảo. Hiếu gọi mãi, không thấy lời ba đáp lại. Lúc ấy, nó mới ngờ ngợ biết rằng hy sinh nghĩa là không thể trở về được nữa.
Má ôm Hiếu phủ phục bên cạnh quan tài, lạy tạ người này người kia đến viếng. Chốc chốc, má thầm thì bên tai Hiếu “má sẽ nuôi con khôn lớn”, “má sẽ thay ba ở bên con”. Từng lời má nói ra, Hiếu ghi nhớ trong lòng chừng ấy năm. Vậy mà bây giờ, nó lại vô tình thấy má gục đầu trên vai chú Thắng giữa bình minh. Trên bờ cát, bóng của má và chú trải dài, thăm thẳm. Bà nội kéo tay Hiếu vào nhà, thì thầm “kệ má đi con, thương má nghe con”.
Hiếu thương má lắm, nhưng biết làm sao khi nỗi nhớ ba cứ thăm thẳm. Nếu biết được má thay lòng đổi dạ rồi, ba có còn theo gió ghé ngang cổng nhà, mân mê những cành sử quân tử trong đêm vằng vặc trăng sáng như Hiếu đã từng tưởng thấy.
*
* *
Hôm qua, chú Thắng lại đến. Chú dường như bỏ quên những lời Hiếu từng nói. Vừa bước qua cánh cổng, chú đã lên tiếng khi thấy Hiếu ngồi bệt trên hiên nhà chơi ô làng một mình: “Ngày ni không đi chơi với bạn hả con?”. Hiếu nhìn chằm chằm vào chú bằng ánh mắt không mấy thiện cảm. Nó trả lời đầy sự bực dọc “dạ không!”.
Nói rồi, con nhỏ đưa tay quơ hết mấy viên sỏi trên nền, bỏ vào cái hộp do ba làm cho. Nó đứng phắt dậy, quay lưng vào nhà. Chú Thắng nhìn nó, cười ngượng. Rồi chú mặc kệ Hiếu có khựng lại để nhìn lén như mọi lần hay không. Chú đi dần về phía má.
Hiếu leo thật nhanh lên tấm phản đặt ở góc nhà, thò đầu qua cửa sổ. Nó nhìn theo chú. Vẫn là cái dáng hình quen thuộc và vững chãi đó. Ngày xưa, chú là đồng đội của ba. Nhà chú và nhà Hiếu chỉ cách nhau một đoạn kiệt nhỏ. Ba mẹ chú đã mất từ lâu. Chú cứ ở vậy, lo chuyện nhang khói mà không nghĩ gì đến việc lập gia đình.
Đã biết bao lần, chú cùng ba say khướt mỗi dịp lễ bên những món ngon do má tự tay chế biến. Sau cuộc nhậu, chú đều ở lại. Ba với chú thường khiêng cái giường tre ra đặt ngoài sân. Dưới ánh trăng và rì rào sóng biển lẫn trong tiếng gió, hai người đàn ông ôm đàn ghi-ta gảy lên những khúc nhạc quê hương. Có lúc, Hiếu thấy ba ôm vai chú. Lúc khác, chú lại vỗ vỗ lên lưng ba. Mãi cho đến khi họ ngủ quên giữa đêm đầy sương. Nụ cười của họ từng là niềm ao ước của Hiếu về một người bạn thân chí cốt khi mai sau trưởng thành.
Ngày ba bỏ má con Hiếu để nằm lại với sóng, chính chú Thắng là người trở về báo tin. Ánh mắt chú lúc ấy cũng sũng nước y hệt như má với bà nội và cô Út. Chú còn nói với nội “con sẽ thay thằng Hải chăm lo cho gia đình mình”.
Những năm tháng sau đó, chú thường qua nhà phụ giúp việc này việc kia. Chú giúp nội sắp đặt lại từng chậu hoa trong vườn. Chú lợp lại mái tôn đã bắt đầu gỉ sét. Chú lót gạch cho toàn bộ hiên nhà. Ai không biết còn nghĩ chú chính là con trai của nội. Chẳng có việc gì mà chú không làm. Những năm tháng đó, Hiếu từng được ngồi phía trước xe của chú, băng qua những cung đường quen lạ khắp thành phố. Chú tập cho Hiếu đi xe đạp. Chú dạy Hiếu tập bơi. Những lời hứa ba trót bỏ lại đều được chú thay ba thực hiện.
Có mấy lần, Hiếu thủ thỉ với nội “nội ơi, hay là nội cho chú Thắng ở chung với nhà mình nghe nội”. Nhưng, Hiếu chỉ muốn chú trở thành con trai của nội. Hiếu muốn có người bảo vệ Hiếu khi có đứa nhóc nào đó trêu chọc. Chỉ vậy thôi. Hiếu chưa từng nghĩ mình sẽ gọi chú bằng ba khi mà những khóm sử quân tử trước nhà vẫn còn vảng vất nụ cười của ba, đôi tay của ba. Ngay cả những giọt sương sáng sớm đọng lại trên từng chiếc lá, thi thoảng vẫn có dáng hình ba trên ấy.
Bởi vậy, khi Hiếu thấy má nhìn chú Thắng đang tưới nước cho cây, hay tỉ mẩn tỉa từng chiếc lá, Hiếu lại thấy khó chịu trong lòng. Đã mấy lần, Hiếu xẵng giọng: “Con cũng biết tưới cây, chú để đó con tự làm”. “Con tỉa lá được, ngày xưa ba chỉ cho con rồi”. Thậm chí, có lúc Hiếu còn nói “chú đừng làm hư cây của ba”. Mỗi lần như vậy, chú đều cười hiền.
Không biết từ bao giờ, Hiếu bắt đầu ghét nụ cười ấy. Hiếu ghét cả cái cách má lên tiếng bênh vực cho chú. Hiếu ghét cái động tác nâng những cánh hoa khẽ khàng của chú. Nhìn chú, Hiếu lại nhớ ba. Nỗi nhớ âm ỉ thi thoảng tìm về trong những giấc ngủ chập chờn của Hiếu luôn phảng phất màu hồng rạng ngời của những khóm sử quân tử đang bung mình trong nắng.
*
* *
Chiều tắt dần phía biển. Má vẫn còn ôm Hiếu trong vòng tay. Hai má con cùng nhìn về phía giàn sử quân tử đang mùa rực rỡ. Má có đang như Hiếu, nghĩ về những kỷ niệm cùng ba, cùng chú Thắng? Hiếu cũng không biết.
Mới sáng nay, trời vừa hửng sáng, má đã vội vàng chạy sang nhà chú ấy. Biển chỉ vừa kịp lấp loáng những tia nắng đầu ngày. Hiếu loáng thoáng nghe thấy tiếng dì Năm văng vẳng trong cuộc gọi với má “thằng Thắng đi rồi”, “ba lô to lắm”, “đi từ hồi khuya”. Chỉ thế thôi, má nhét vội điện thoại vào túi áo rồi đi thật nhanh về phía cổng.
Không hiểu sao, Hiếu nửa thấy vui, nửa lại lo lắng. Nó nhìn lên bàn thờ của ba. Bộ quân phục màu trắng lấp lánh sáng. Ánh đèn lập lòe chao qua chao lại khiến Hiếu không nhìn rõ, ba có đang cười như mọi ngày hay không. Nếu không, là vì ba cũng như má, lo sợ chú Thắng bỏ lại xứ này mà đi. Hay ba cũng giống Hiếu, bất ngờ với sự vội vàng của má lúc hay tin chú đã mang theo hành trang và lẳng lặng ra đi mà chẳng một lời từ biệt?
Biển từ phía đối diện chợt gào lên những âm vang dữ dội. Biển cũng biết lòng má đang dậy sóng. Huống gì Hiếu. Nội từ dưới bếp đi lên, khều nhẹ tay Hiếu “con lại đây với nội, nội kể con nghe”.
Những thước phim quay chậm từ khi ba của chú Thắng thay ông nội đỡ lấy một viên đạn lúc bị giặc pháo kích. Mẹ của chú vì trầm uất cũng theo ông ra đi từ sớm. Chỉ còn mình chú ở lại đối diện với tất cả mất mát. Cũng chính chú Thắng đã cố gắng cứu ba Hiếu bằng mọi giá khi xảy ra sự cố trong lúc làm nhiệm vụ. Giữa biển nước bao la, chú là người đã đưa ba về với nội, với má và với Hiếu. Nội nói “dù chú Thắng không cứu sống được ba con, nhưng chú đã đưa được ba con về cho gia đình mình”.
Hiếu nghe đến đó, nước mắt chợt trào ra. Mặn chát. Hiếu quay sang nhìn nội “nhưng mà, con không muốn má quên ba đâu nội”. Nội nắm chặt tay Hiếu “con khờ quá, ba là ba, chú Thắng là chú Thắng, má con sẽ không quên ba đâu, nhưng con phải để cho má được hạnh phúc”.
Nội còn nói, chú Thắng đã chào tạm biệt nội, nhưng không cho má biết. Chú chọn ra đảo sống và làm nhiệm vụ, đó là quyết định không hề dễ dàng. Chú không muốn má phải khó xử khi đứng giữa những lằn ranh cảm xúc đầy nhạy cảm của Hiếu. Chú thương hai má con Hiếu lắm mới làm như vậy.
Từng lời nội nói vẫn còn văng vẳng trong tâm trí Hiếu từ sáng đến giờ. Dù vẫn có những điều mà Hiếu không thể trọn vẹn hiểu hết, nhưng nó biết, má cần một bờ vai để tựa vào. Giống như buổi chớm bình minh trên biển hôm đó.
Tiếng chuông điện thoại vang lên, cắt ngang dòng suy nghĩ của Hiếu. Là chú Thắng. Má trầm ngâm nhìn màn hình điện thoại. Má đưa ngón tay ra, rồi lại rụt vào. Hiếu không biết vì sao má còn lưỡng lự chưa bắt máy. Chẳng phải má đã cố gọi chú suốt một ngày?
Nghĩ lại những lời nội kể lúc sáng, Hiếu lay lay tay má “má nghe máy đi má”. Má nhìn Hiếu, như không tin vào tai mình. Nó lại giục “má bắt máy đi”. Nói rồi, Hiếu đứng dậy, đi dần vào hiên.
Phía sau lưng, tiếng chú Thắng vọng ra từ điện thoại “nghĩ đến năm tháng sau này, anh quyết định trở lại, vì em và bé Hiếu mà nỗ lực thêm chút nữa”. Hiếu nghe tiếng má nấc lên, vỡ dần ra.
Chợt, má đứng bật dậy. Hiếu quay lại nhìn. Phía trước cổng, giàn sử quân tử vừa tỏa những chùm hoa thắm hồng. Hoa đậu trên vai người đàn ông có làn da rám nắng, vừa thả rơi chiếc ba lô trên tay. Một nụ cười vừa nở dưới đôi mắt long lanh nước.