Theo bước chân người Quảng

Giếng làng

TIỂU VŨ 25/05/2025 08:00

Mỗi người, khi rời quê hương, đều mang theo trong ký ức mình một hình ảnh để thương, để nhớ. Có người nhớ mái đình rêu phong, lũy tre đầu ngõ, người nhớ cánh đồng chiều gió lộng. Còn với tôi, đó là hình ảnh giếng làng.

c52b921d-433d-48dc-ab0e-f5d18d5a5d13 (1)
Giếng làng Ái Nghĩa. ảnh: T.V

Với tôi, giếng làng như một cái neo âm thầm giữ hồn quê, nuôi lớn cả tuổi thơ lẫn tâm hồn người đi xa.

Tuổi thơ tôi gắn liền với hình ảnh mẹ tảo tần gánh nước mỗi sớm mỗi chiều. Đòn gánh trĩu vai, đôi thùng tôn kẽo kẹt theo bước chân mẹ đi từ giếng làng về nhà, bàn chân mẹ in lên con đường bùn đất những dấu ướt lấp lánh.

Có những ngày mẹ vắng nhà, anh em tôi thay nhau khiêng thùng, xách gàu, nghiêng nghiêng đổ từng gàu nước bằng mo cau vào thùng mang về uống.

Cả làng tôi lớn lên bằng những giọt nước từ lòng đất quê hương, từ đáy sâu của bao mùa rễ cây chắt chiu gom góp.

Và tôi không bao giờ quên được âm thanh của tiếng gàu vọng trong lòng giếng quê. Một tiếng “rào” khẽ vang lên, rồi tiếng nước va vào thành đá ong vọng lại như tiếng thì thầm từ rất xa.

Có khi chỉ là âm thanh nhỏ nhoi, nhưng đủ sức đánh thức bao kỷ niệm lắng sâu trong lòng đất. Giếng giờ không còn nhưng âm thanh ấy, không hiểu sao, tôi vẫn nghe được trong giấc ngủ chập chờn. Rơi một lần mà vọng mãi.

Tôi vẫn nhớ cái giếng làng của quê mình, nằm ở làng Ái Nghĩa, Đại Lộc. Giếng được xây theo kiểu Chăm, bằng đá ong xếp tay, có từ rất lâu đời, đến thế kỷ 18 thì người Việt mới nạo vét, sửa chữa và mở rộng thành giếng lớn. Dân làng gọi quen là giếng Chùa làng, vì giếng nằm ngay bên hông ngôi cổ tự Phổ Khánh. Còn trong văn bản chữ Hán xưa, giếng có tên trang trọng là Phổ Khánh Tự Tĩnh, nghĩa là “giếng của chùa Phổ Khánh”.

Những năm chiến tranh, giếng bị hư hỏng nhiều lần, rồi được dân làng gom góp tu sửa. Thành và nền giếng được tráng xi măng để giữ kết cấu. Bước sang thế kỷ 21, giếng có lúc bị bỏ phế, cỏ mọc rậm rạp, nước tù đục. Nhưng rồi chính dân làng, những người tưởng như đã lãng quên, lại tự tay trùng tu, khơi dòng nước cũ, như một cách để giữ lại một phần gốc rễ quê hương. Không phải để gánh nước nữa, mà để biết làng vẫn còn đó cái gì không thay thế được.

Giếng không còn dùng nhiều, nhưng vẫn là nơi để người ta đứng lại trong im lặng, để soi mình, để nhớ. Không phải ai cũng gọi tên được điều đó, nhưng ai từng có tuổi thơ bên giếng làng thì đều hiểu. Có những thứ nếu mất đi thì lòng quê sẽ hụt hẫng mãi.

Giếng làng không chỉ chứa nước. Giếng còn giữ hình, giữ tiếng, giữ hồn. Đó là biểu tượng văn hóa của một vùng đất, nơi tình làng nghĩa xóm từng bắt đầu từ một gàu nước trao tay. Sự biến mất của nó là một mất mát lớn lao, không phải vì thiếu nước uống, mà vì thiếu đi một chốn để soi lại chính mình trong một mặt nước yên. Giếng từng dạy người ta biết im lặng, biết đợi nhau, biết sẻ chia, biết rửa mặt bằng nước mát lòng mà không cần nói thành lời.

Chúng ta đang sống giữa những khối bê tông, uống nước tinh khiết đóng chai bằng ly pha lê trong suốt, đi qua đời nhau bằng tin nhắn và những lời vội. Nhưng ai trong chúng ta, nếu từng một lần cúi xuống mặt giếng làng để soi mình, sẽ hiểu cảm giác yên bình khi thấy chính mình hiện lên trong làn nước lặng.

Và sẽ mãi không quên, đã từng có một thời như thế, có một nơi như thế, giữa lòng quê hương.

TIỂU VŨ