Du lịch

Quà lưu niệm ký ức xứ sở

VĨNH LỘC - HÀ SẤU - XUÂN HIỀN - KIM THOA 25/05/2025 06:33

Quà lưu niệm được xem là khía cạnh quan trọng trong kinh tế du lịch, văn hóa bản địa và sáng tạo của địa phương. Mang về một món đồ từ mỗi vùng đất chính là đem về những trải nghiệm có thể cầm nắm được. Nhưng làm thế nào để ngành sản xuất, kinh doanh quà lưu niệm trở thành một phần của hệ sinh thái du lịch, vừa gia tăng giá trị kinh tế nhưng vẫn lan tỏa bản sắc địa phương?

sp1(1).jpg

Xây dựng chiến lược phát triển
sản phẩm lưu niệm Quảng Nam

Hướng đến chuyên nghiệp hóa các sản phẩm lưu niệm với sự tham gia của nhà nước, doanh nghiệp, nghệ nhân, cơ sở làng nghề… góp phần định vị rõ nét sản phẩm lưu niệm địa phương hướng đến sự phát triển bền vững.

Chưa như kỳ vọng

Cuối năm 2023, Điểm du lịch văn hóa Âu Lạc (xã Điện Phong, Điện Bàn) chính thức mở cửa đón khách. Sự khác biệt của điểm đến không chỉ ở không gian của một điểm du lịch làng quê.

Nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ Quảng Nam được chế tác tính xảo nhưng khó thể trở thành sản phẩm lưu niệm do chưa đáp ứng được những yêu cầu của du khách. Ảnh: VĨNH LỘC

Tại đây, bên cạnh việc bài trí những sản phẩm điêu khắc gỗ tinh xảo, độc đáo, du khách còn được trải nghiệm các hoạt động điêu khắc dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân cơ sở nghề. Mỗi du khách sẽ tự tay chạm trổ một sản phẩm cho riêng mình mang về làm kỷ niệm.

Từ nhiều năm trước, hoạt động này đã được tổ chức ở làng gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng (Hội An) với những vật phẩm xinh xắn như con tò he, bình gốm hay tác phẩm gỗ nhỏ.

Ông Trần Thu - Giám đốc Công ty TNHH Gỗ nghệ thuật Âu Lạc (đơn vị quản lý Điểm du lịch văn hóa Âu Lạc) chia sẻ, yếu tố tạo nên sức hút điểm đến, bên cạnh không gian văn hóa, những giá trị tinh hoa làng nghề được du khách cảm nhận thông qua hoạt động trải nghiệm của mình. Quà tặng lưu niệm chính là yếu tố quan trọng trong việc xác lập điểm đến cũng như quảng bá hình ảnh vùng đất hiệu quả.

Thời gian qua, Quảng Nam đã ban hành nhiều chính sách phát triển thủ công mỹ nghệ gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Từ hỗ trợ vốn vay lãi suất thấp để các làng nghề đầu tư mua sắm trang thiết bị nâng cao chất lượng sản phẩm cho đến xây dựng cơ sở, làng nghề trở thành điểm du lịch, tạo cơ hội để du khách tham gia các hoạt động sản xuất, tìm hiểu và mua sắm trực tiếp sản phẩm lưu niệm. Đặc biệt, khuyến khích các địa phương phát triển sản phẩm OCOP theo hướng du lịch, dịch vụ nhằm không chỉ đáp ứng nhu cầu mà còn tạo ra giá trị kinh tế cho cộng đồng.

Thực tế, từ năm 2010, chiến lược phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm quà tặng lưu niệm đã được ngành du lịch và một số địa phương như TP.Hội An tổ chức triển khai.

Khởi đầu bằng cuộc thi tìm kiếm mẫu quà tặng du lịch Quảng Nam, đến nay, có khoảng gần 10 cuộc thi đã diễn ra, thu hút đông đảo nghệ nhân, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, làng nghề trên địa bàn tỉnh tham gia.

Tại mỗi cuộc thi, tuy chất liệu, kiểu dáng khác nhau nhưng đa số sản phẩm đều thể hiện được nét văn hóa đặc trưng gắn với mảnh đất và con người xứ Quảng như biểu tượng Chùa Cầu, đèn lồng, gươl làng, túi xách, tượng danh nhân…

Không hiếm sản phẩm chế tác khá tinh xảo, gọn nhẹ bằng chất liệu gỗ, tre, gốm được du khách đánh giá cao. Dù vậy, sau mỗi cuộc thi những sản phẩm cũng dần trôi vào quên lãng. Việc phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng theo hướng hàng hóa, đáp ứng như cầu mua sắm của du khách vẫn chưa như kỳ vọng.

Kết hợp sản phẩm OCOP

Quảng Nam hiện có khoảng 50 làng nghề và làng nghề truyền thống, trong đó nhiều nghề gắn với thủ công mỹ nghệ như gốm, mộc, đúc đồng, dệt lụa, mây tre đan… Một số sản phẩm được chứng nhận OCOP 3-4 sao.

Cần có chiến lược lớn để phát triển sản phẩm lưu niệm Quảng Nam phục vụ du lịch. Ảnh: VĨNH LỘC

Trong chiến lược phát triển ngành thủ công mỹ nghệ, bên cạnh đẩy mạnh xuất khẩu, xây dựng thương hiệu quốc gia, Quảng Nam cũng xác định phát triển dòng sản phẩm này thành những sản phẩm đặc trưng phục vụ du lịch theo hướng quà lưu niệm, xuất khẩu tại chỗ.

Ông Nguyễn Trọng Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Hội An DMC nhìn nhận, dù được xem là yếu tố quan trọng nhưng cảm giác Quảng Nam vẫn chưa định hình được dòng sản phẩm lưu niệm riêng biệt, nếu có vẫn còn đơn điệu hoặc không phù hợp với tâm lý và nhu cầu khách.

“Ngoài chuyển tải giá trị văn hóa địa phương, sản phẩm lưu niệm cũng cần đảm bảo các yếu tố về giá cả, hình thức (nhỏ gọn dễ đóng gói, dễ vận chuyển), kể cả vật liệu thân thiện môi trường. Trong khi một số sản phẩm lưu niệm du lịch của Quảng Nam hiện chưa đáp ứng được yêu cầu này” - ông Tuấn phân tích.

Mỗi năm Quảng Nam đón hàng triệu lượt khách du lịch nhưng dường như các sản phẩm lưu niệm thủ công mỹ nghệ không có nhiều thay đổi về mẫu mã, chủng loại, chất liệu, kể cả thiếu dấu ấn văn hóa bản địa. Chưa kể, hàng lưu niệm ngoại nhập, hàng từ các tỉnh thành khác xâm chiếm thị trường, làm lu mờ sản phẩm thủ công mỹ nghệ lưu niệm địa phương, gây hiểu nhầm cho du khách…

Một số ý kiến cho rằng, để xác lập thương hiệu sản phẩm lưu niệm Quảng Nam cần tăng cường trách nhiệm các bên liên quan. Chú trọng liên kết giữa nghệ nhân cơ sở làng nghề với doanh nghiệp và nhà thiết kế. Đồng thời tăng cường đầu tư nghiên cứu thị trường cho ngành hàng lưu niệm.

Bên cạnh ban hành chính sách khuyến khích phát triển hàng lưu niệm, hỗ trợ sáng tạo mẫu mã mới..., các đơn vị sản xuất hàng lưu niệm hiện nay cho rằng, Quảng Nam cần xây dựng bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm lưu niệm “made in Quảng Nam” gắn với xây dựng chuỗi cửa hàng lưu niệm mang tính đặc trưng.

Theo ông Nguyễn Văn Tiếp - Chủ tịch Hiệp hội Thủ công Mỹ nghệ Quảng Nam, mọi chính sách phát triển sản phẩm lưu niệm thủ công mỹ nghệ đều phải quan tâm đến vai trò của nghệ nhân.

Ngoài việc là lớp người nắm giữ tri thức về nghề truyền thống, tạo ra các vật phẩm lưu niệm mang đậm bản sắc văn hóa thì hiện tại, các nghệ nhân còn sáng tạo, cải tiến thành mẫu mã mới, từ đó chuyển hóa sản phẩm làng nghề thành những vật phẩm lưu niệm độc đáo.

Ông Trần Quý Tấn - Trưởng phòng Quản lý Nghiệp vụ du lịch (Sở VH-TT&DL Quảng Nam) thừa nhận, dù đóng vai trò quan trọng trong chi tiêu mua sắm của khách nhưng việc sản xuất sản phẩm lưu niệm rất kén, dẫn đến ít nghệ nhân và cơ sở, làng nghề tham gia.

Do vậy, cùng với sự bùng của các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông thôn, việc phát triển sản phẩm lưu niệm du lịch hiện nay không chỉ tập trung vào hàng thủ công mỹ nghệ mà cần mở rộng đa dạng hơn với các chiến lược lớn cùng sự tham gia của nhiều chủ thể OCOP nhằm phát triển sản phẩm OCOP theo mẫu mã phù hợp làm quà tặng du lịch.

“Thời gian qua một số trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP cũng đã được mở bán tại Hội An. Đồng thời trong các sự kiện, hội nghị, hội thảo đểu có trưng bày các gian hàng OCOP, đây chính là cách ngành du lịch tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm lưu niệm địa phương đến người xem, doanh nghiệp và du khách” - ông Tấn nói.

Tìm món quà bản địa

Một món quà lưu niệm giá trị là sản phẩm không chỉ gây ấn tượng nhất thời mà còn giúp du khách lưu lại câu chuyện đẹp đẽ về chuyến đi theo thời gian...

“Hồn quê” làm say lòng khách

Gần trưa, tiếng lộc cộc vẫn đều tắp trong căn chòi tre bên sông Thu Bồn. Mấy du khách châu Âu đang trải nghiệm cùng tre. Mấy cô gái trẻ lúi húi chẻ tre, một cặp vợ chồng khác cặm cụi ngồi gọt giũa lại chiếc đèn từ tre. Khi chiếc đèn đã ra hình dáng, Tamboo Taaboo Workshop (xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) sẽ hoàn thiện thêm một số công đoạn và lắp đèn rồi trao tặng cho du khách.

Chiếc đèn được du khách làm từ tre tại Tamboo Taboo Workshop là một món quà lưu niệm ấn tượng cho du khách khi về nước. Ảnh: HÀ SẤU

Ông Võ Tấn Tân - người sáng lập Tamboo Taboo Workshop chia sẻ, các du khách rất hào hứng với món quà lưu niệm này khi không những nó làm từ tre - một nguyên liệu bản địa mà món quà còn do chính họ tham gia làm ra. Từ món quà nhỏ ấy, nhiều du khách càng có cảm tình hơn và chọn thêm những mặt hàng lưu niệm từ tre khác của cơ sở để mang về nước.

Ngược nguồn về phía núi, đại diện làng du lịch cộng đồng Đhờ Rôồng (huyện Đông Giang) cho hay: “Một trong những điều du khách thích thú khi rời khỏi làng là những chiếc khăn hay áo thổ cẩm họ mua làm quà lưu niệm có những chi tiết khác nhau. Bởi các sản phẩm này được các người thợ trong làng dệt thủ công hoàn toàn và không theo một khuôn mẫu”. Những sản phẩm kiểu này phần nào gợi cho người ta liên tưởng đến kiểu sản phẩm “limited” - một thuật ngữ định danh các sản phẩm chỉ sản xuất số lượng giới hạn, không đại trà.

Sự sáng tạo của người trẻ cũng đang góp phần tạo ra sức sống mới cho hàng lưu niệm địa phương. Đơn cử như với nghề làm chiếu cói ở Cẩm Kim (Hội An), hiếm du khách nào muốn mang về một chiếc chiếu sau chuyến đi dù có cảm tình và muốn mua để ủng hộ cơ sở sau khi trải nghiệm. Từ sợi cói quê nhà, cơ sở dệt của chị Phạm Thị Công đã phát triển đa dạng hơn các sản phẩm như túi xách, thảm ngồi… Những mặt hàng như vậy sẽ gọn và dễ dàng thuyết phục du khách hơn rất nhiều.

Một mặt hàng lưu niệm từ tre ấn tượng được trưng bày trong Phố cổ Hội An. Ảnh: HÀ SẤU

Đi cùng với xu hướng phát triển xanh, từ sau đại dịch COVID-19, những mặt hàng lưu niệm Quảng Nam từ nguyên liệu địa phương, theo hướng thân thiện với môi trường đã chiếm được cảm tình với khách hàng. Đó là chiếc túi xách làm từ mo cau ở vùng trung du xứ Tiên hay bộ linh vật 12 con giáp nặn thành từ gốm Thanh Hà bên sông Thu Bồn…

Ở miền núi, có những sản phẩm bình dị, gắn với nếp sinh hoạt văn hóa của người dân có thể trở thành những món quà lưu niệm đặc sắc. Như ở gần làng du lịch Cao Sơn (Bắc Trà My), những lúc nông nhàn, phụ nữ Ca Dong ở đây lại cặm cụi xâu những chuỗi hạt cườm rất đẹp để đeo như một món trang sức của người đồng bào. Những món quà lưu niệm như vậy sẽ khiến du khách từng ghé đến nhớ mãi về phía đại ngàn đã từng đi qua.

Dựng thương hiệu “Made in Quảng Nam”?

Trong một buổi làm việc với chính quyền địa phương cách đây vài năm, đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA Việt Nam) đã chia sẻ rằng, qua khảo sát ước tính phải đến 80% các mặt hàng, sản phẩm trưng bày tại các quầy hàng lưu niệm trong khu vực phố cổ Hội An không phải là sản phẩm bản địa. Điều này khiến dấu ấn của thương hiệu hàng lưu niệm Quảng Nam với du khách rất nhạt nhòa.

Phụ nữ Ca Dong (Bắc Trà My) thường xâu chuỗi hạt cườm khi nông nhàn, đây có thể là một món quà lưu niệm giá trị với du khách. Ảnh: HÀ SẤU

Thực tế này đang dần được cải thiện theo thời gian đi cùng với sự sáng tạo, đổi mới của lớp người trẻ. Năm ngoái, Trung tâm OCOP TP.Hội An chính thức vận hành trong khu phố cổ với hàng trăm sản phẩm lưu niệm đậm chất địa phương. Trung tâm nhanh chóng gây ấn tượng với du khách và là một điểm dừng chân tin cậy để du khách tìm mua hàng lưu niệm Quảng Nam.

Tuy vậy, dù được đánh giá là một “mỏ vàng” để phát triển quà lưu niệm đặc trưng địa phương nhưng theo nhận định chung từ doanh nghiệp du lịch, hầu hết mặt hàng lưu niệm từ sản phẩm OCOP (gần 500 sản phẩm) của Quảng Nam chưa tạo ra sự khác biệt để trở thành hàng lưu niệm đẳng cấp cao. Đại diện một cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ tại Điện Bàn cho biết, nhiều mặt hàng lưu niệm thường vay mượn, sao chép ý tưởng từ các nền văn hóa. Trong khi đó, nền văn minh sông Thu Bồn - núi Ngọc Linh của Quảng Nam hàm chứa rất nhiều giá trị thú vị, đắt giá, câu chuyện hay để chế tác những sản phẩm lưu niệm ấn tượng cuốn hút du khách.

Còn ông Lê Quốc Việt - Chủ nhiệm câu lạc bộ “Điểm đến Quảng Nam - gìn giữ giá trị bản địa” (Hiệp hội Du lịch Quảng Nam) đề xuất, cơ quan chức năng cần nghiên cứu ban hành chương trình “Made in Quảng Nam” cho tất cả sản phẩm OCOP, quà tặng lưu niệm đặc trưng địa phương. Điều này sẽ vừa giúp quảng bá thương hiệu cho tỉnh vừa giúp các mặt hàng này có chỗ đứng tốt hơn trên thị trường. Nếu làm được điều này thì tạo ra nhận diện rất tốt cho hàng lưu niệm địa phương với du khách trong nước lẫn quốc tế.

Nghệ thuật hóa hàng thủ công

Cũng chất liệu từ làng nghề, thậm chí phát triển trên cái nền vốn có của địa phương, những sản phẩm lưu niệm bắt đầu một đời sống riêng khi có bàn tay của nghệ sĩ hoặc được tiếp sức bởi những nhóm thiết kế chuyên nghiệp.

Không còn loanh quanh với những vật phẩm tò he hay các tượng gốm nung cũ kỹ; cũng không còn dựa dẫm vào các hoa văn cổ truyền của nghề mộc trăm năm, thế hệ trẻ ở các làng nghề truyền thống xứ Quảng đang làm nên những quãng đời sống động của vật phẩm lưu niệm.

Sản phẩm lưu niệm từ gốm men của Nguyễn Viết Lâm. Ảnh: X.H

Người trẻ về làng

Bộ sản phẩm gốm độc bản, lấy cảm hứng từ hoa mai với các màu men hình thành ngẫu nhiên, được giới yêu gốm men đánh giá cao. Khá bất ngờ, trong cuộc triển lãm Festival Làng nghề Quảng Nam năm 2024, tác giả của bộ sản phẩm là một chàng trai trẻ sinh năm 1998 ở làng gốm Thanh Hà - Nguyễn Viết Lâm.

Gốm men gần như là dòng sản phẩm bị lãng quên nhiều năm trước ở làng nghề trăm năm này. Nhưng sự tìm tòi của chàng trai trẻ, bằng cách tham gia các khóa đào tạo từ Nhật lẫn các làng nghề gốm trong nước, dòng gốm men Thanh Hà gần như được hồi sinh.

Ở xưởng gốm nằm bên bờ sông Thu của vợ chồng Lâm, không khó để nhận ra cách họ quay về với gốm bằng con đường của sáng tạo chuyên nghiệp. Cũng trên nền nguyên liệu đất, nước, lửa, gió, riêng với dòng gốm men, còn có thêm kỹ thuật tạo men sống, theo phương pháp cổ điển. Do vậy, mỗi sản phẩm là một độc bản, từ hình thù cho đến màu men.

Không dừng ở các vật phẩm dành cho khách hàng thượng lưu, gốm men của Nguyễn Viết Lâm còn có các sản phẩm lưu niệm nhỏ xinh, phù hợp lứa du khách trẻ. Những con vật độc đáo, tươi mới, sóng sánh trong các màu men rực rỡ, là cách để thu hút khách ở lâu với xưởng của Lâm. Nguyễn Viết Lâm nói, anh muốn tạo thêm một ấn tượng mới mẻ với du khách khi đến làng gốm Thanh Hà, rằng ở đây, sản phẩm lưu niệm không chỉ có mỗi tò he, tượng gốm đỏ.

Cũng là truyền nhân của một thế hệ làm nghề mộc lâu năm, dòng sản phẩm mặt nạ gỗ của Nguyễn Văn Ân (cơ sở mộc mỹ nghệ Nguyễn Văn Tiếp - Điện Phương, Điện Bàn) khiến nhiều người thích thú. Được học tập bài bản về mỹ thuật ứng dụng, Nguyễn Văn Ân biết cách để sản phẩm truyền thống đứng được. Thay vì những sản phẩm chạm trổ công phu, các vật phẩm lưu niệm từ gỗ đề cao tính sáng tạo cá nhân nhiều hơn. Thậm chí, những chiếc mặt nạ gỗ chỉ được chạm vài nét cơ bản, cách phối màu hay kẻ mặt, du khách đều có thể quyết định được nếu chọn dừng chân tham quan tại xưởng.

Những dấn thân

Nhiều năm trở lại đây, làn sóng sáng tạo mới lan tỏa mạnh mẽ trong giới nghệ sĩ Việt: chuyển hướng từ các hình thức nghệ thuật truyền thống sang thiết kế và sản xuất quà lưu niệm mang đậm dấu ấn văn hóa địa phương. Sự kết hợp giữa nghệ thuật hiện đại và bản sắc văn hóa dân tộc không chỉ tạo ra những sản phẩm độc đáo mà còn góp phần quảng bá bản sắc Việt.

Sản phẩm lưu niệm từ gỗ của Nguyễn Văn Ân. Ảnh: X.H

Câu chuyện của nhà điêu khắc Nguyễn Văn Huy với những sản phẩm lưu niệm được làm nên từ làng nghề đúc đồng Phước Kiều là một ví dụ. Gần 4 năm, Nguyễn Văn Huy chuyên chú vào các thiết kế tinh xảo để chạm trổ nên đồng mỹ nghệ. Tái sinh ngành quà lưu niệm theo hướng thiết kế nghệ thuật và khai thác câu chuyện văn hóa bản địa là điều anh đeo đuổi.

Nguyễn Văn Huy nói, hiện nay dòng sản phẩm lưu niệm từ đồng nguyên chất nhưng lại có kích cỡ, trọng lượng và kiểu dáng nhỏ nhẹ, dễ dàng bỏ túi được du khách ưa chuộng. So với giá thành các sản phẩm cùng loại từ những chất liệu khác và đang được sản xuất hàng loạt ở thị trường, thì sản phẩm từ cơ sở Phước Kiều Huy Anh của Nguyễn Văn Huy có giá thành cao hơn nhiều. Tuy nhiên, thị trường vẫn có những nhóm khách hàng chuộng dòng sản phẩm độc bản và chuyên nghiệp như của anh.

Hiện tại, Nguyễn Văn Huy đã kết nối với các đơn vị như Ban quản lý di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, Hội An, các cửa hàng bán sản phẩm lưu niệm ở Duy Xuyên và Hội An, Điện Bàn, để trưng bày và kinh doanh dòng sản phẩm này.

Huy nói, hiện anh làm phần việc của một nhà “thiết kế”. Từ những mẫu mã do Huy phác thảo, có thể bằng đất sét hay nhựa composit, phường thợ đúc Phước Kiều sẽ chuyển tải lại bằng chất liệu đồng.

Hiện đại, duy mỹ, có câu chuyện và mang dấu ấn cá nhân hóa. Ngày càng nhiều nghệ sĩ trẻ từ nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau, chọn con đường “tái sinh” sản phẩm địa phương theo hướng phát triển quà lưu niệm có tính nghệ thuật và khai thác câu chuyện văn hóa bản địa.

Một dự án mới mẻ từ sự kết hợp của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Trọng Khang, Trần Thị Yến (làng lụa Mã Châu) và Nguyễn Viết Lâm (làng gốm Thanh Hà) sắp ra mắt thị trường. Lê Trọng Khang chia sẻ, anh đang tiến hành những phần việc cuối cùng để sắp tới ra mắt thị trường bộ sản phẩm quà tặng lưu niệm bao gồm khăn lụa Mã Châu và gốm Thanh Hà. Điều độc đáo ở bộ quà tặng này là các hình ảnh về phong cảnh, bản sắc văn hóa của xứ Quảng sẽ được vẽ tay, thêu đối với tranh lụa hoặc tạo men sống đối với sản phẩm gốm.

Những thể nghiệm độc đáo, luôn cần sự dấn thân. Và nghệ thuật khởi đi từ đó!

Biểu tượng văn hóa

Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan đang “nâng tầm” quà lưu niệm, biến những món hàng du lịch thông thường thành một ngành công nghiệp văn hóa - sáng tạo, góp phần bảo tồn di sản và thúc đẩy kinh tế địa phương.

Bản sắc địa phương lên ngôi

Khi nữ du khách Pháp cầm trên tay chiếc hộp bento thu nhỏ (mô hình thu nhỏ của hộp đựng cơm truyền thống Nhật Bản) mua từ Bảo tàng Hoàng gia Tokyo, cô không chỉ mang về một món đồ lưu niệm.

Không gian trưng bày các sản phẩm văn hóa truyền thống của Nhật Bản tại Hội An thu hút du khách. Ảnh: X.H

Cô đang sở hữu một tác phẩm nghệ thuật được sáng tạo nên bởi đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân làng nghề truyền thống và ý tưởng từ các nhà thiết kế đương đại hàng đầu Nhật Bản. Không chỉ ở Nhật, điều đó cũng đang diễn ra tại Hàn Quốc và Thái Lan, nơi quà lưu niệm được nâng tầm thành ngành công nghiệp văn hóa trị giá hàng tỷ đô.

Tại Nhật, quà lưu niệm không chỉ là vật phẩm du lịch mà còn là biểu tượng của niềm tự hào văn hóa. “Omiyage” - từ trong tiếng Nhật chỉ quà lưu niệm - vượt xa khái niệm món đồ kỷ niệm đơn thuần, mà còn là hình thức thể hiện sự tôn trọng và chu đáo trong văn hóa tặng quà của xứ sở Phù Tang, là “biểu tượng của niềm tự hào văn hóa và sự xuất sắc nghệ thuật”.

Những món đồ như quạt xếp Sensu, trang phục Yukata hay búp bê Kokeshi không chỉ đáp ứng nhu cầu mua sắm mà còn kể câu chuyện về lịch sử và thẩm mỹ Nhật Bản. Đây là những món quà lưu niệm phổ biến thể hiện rõ nét tinh hoa văn hóa Nhật Bản.

Trong khi đó, Thái Lan lại đang cách mạng hóa ngành quà lưu niệm bằng việc kết nối chúng với các lễ hội truyền thống. Mỗi lễ hội đều mang đến cơ hội mua sắm độc đáo với những món quà lưu niệm gắn liền với văn hóa địa phương. Điều này được thể hiện rõ trong những sự kiện như Songkran (Tết Thái) với các vòng hoa truyền thống, hay lễ hội đèn trời Yi Peng - nơi du khách có thể tìm thấy những chiếc đèn lồng tinh xảo mang đầy ý nghĩa biểu tượng.

Xu hướng đề cao tính xác thực của quà tặng ngày càng được người tiêu dùng coi trọng. Để đảm bảo tính xác thực này, nhiều quốc gia đã xây dựng hệ thống chứng nhận riêng. Chẳng hạn tại Phần Lan, nhãn hiệu Sámi Duodji được sử dụng để “cho người mua biết rằng nhà sản xuất hàng hóa là người Sámi và để bảo vệ chất lượng nghề thủ công Sámi”.

Những nỗ lực này không chỉ dừng lại ở việc đề cao văn hóa mà còn tạo ra động lực kinh tế mạnh mẽ. Theo trang Zahariprints.com, việc mua quà lưu niệm “được coi là hoạt động kỳ nghỉ phổ biến”, và “nhiều du khách cảm thấy chuyến đi chưa hoàn thiện nếu chưa mua sắm quà lưu niệm”.

Làng nghề thời số hóa

Sự phát triển của ngành quà lưu niệm tại các quốc gia châu Á không thể tách rời sự hồi sinh của các làng nghề truyền thống. Mối quan hệ hợp tác giữa nghệ nhân địa phương và ngành du lịch đang tạo ra một mô hình phát triển bền vững, vừa bảo tồn di sản văn hóa vừa thúc đẩy kinh tế.

Búp bê Nhật - sản phẩm lưu niệm mang bản sắc truyền thống của Nhật Bản. Ảnh: X.H

Tại Thái Lan, theo nghiên cứu của nhóm tác giả Narin Sungrugsa và đồng nghiệp từ Đại học Silpakorn trong báo cáo “Sản phẩm cộng đồng dựa trên bản sắc vốn văn hóa để trở thành quà tặng và đồ lưu niệm”, chính phủ đã xây dựng thương hiệu quốc gia “Thailand Riviera - Thiên đường của những người yêu biển” để thúc đẩy phát triển sản phẩm quà lưu niệm địa phương. Nhóm nghiên cứu nhận định: “Việc sử dụng vốn văn hóa để tăng giá trị cho sản phẩm và làm cho bao bì sản phẩm có những đặc tính nổi bật sẽ xây dựng thị trường mới cho sản phẩm cộng đồng”.

Mô hình OTOP (One Tambon One Product) của Thái Lan, lấy cảm hứng từ mô hình “One Village One Product” (Mỗi làng một sản phẩm) của Nhật Bản, đã giúp các sản phẩm làng nghề được quảng bá rộng rãi trên thị trường quốc tế. Tác giả nghiên cứu Sungrugsa chỉ ra: “Việc phát triển sản phẩm ở nhiều quốc gia, đặc biệt là ở Nhật Bản, tập trung vào bản sắc của từng khu vực”.

Nghệ thuật kể chuyện (storytelling) cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng tầm giá trị sản phẩm thủ công. Nghiên cứu của Vu Ha Vy tại Đài Loan cho biết, “kể chuyện đóng vai trò quan trọng trong việc xác định tính xác thực của đồ thủ công địa phương và truyền thống”. Những câu chuyện về nguồn gốc, quá trình sản xuất và ý nghĩa văn hóa của sản phẩm không chỉ tăng giá trị của món quà lưu niệm mà còn tạo cơ hội giáo dục du khách về lịch sử và văn hóa địa phương.

Quá trình chuyển đổi số cũng mang đến cơ hội mới cho các nghệ nhân làng nghề. Từ những buổi hội thảo trực tuyến đến các nền tảng thương mại điện tử, công nghệ đã giúp các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiếp cận được với khách hàng toàn cầu. Chính các hoạt động đào tạo trực tuyến cho doanh nhân làng nghề về chiến lược tiếp thị nội dung và quản lý kinh doanh đã mang lại kết quả tích cực, với mức độ hài lòng của người tham gia ở mức cao.

Tuy nhiên, sự cân bằng giữa sản xuất thương mại và bảo tồn kỹ thuật truyền thống vẫn là một thách thức. Dù vậy, tầm nhìn về ngành quà lưu niệm như một phần không thể thiếu trong hệ sinh thái du lịch bền vững đang dần được hiện thực hóa. Sự kết hợp giữa di sản văn hóa, kỹ năng thủ công và nhu cầu của thị trường hiện đại đang tạo ra một mô hình phát triển mới, trong đó quà lưu niệm không chỉ là vật phẩm mà còn là cầu nối văn hóa giữa du khách và điểm đến.

Nội dung: VĨNH LỘC - HÀ SẤU - XUÂN HIỀN - KIM THOA

Trình bày: MINH TẠO

VĨNH LỘC - HÀ SẤU - XUÂN HIỀN - KIM THOA