Chuyện đầu tuần

Chung nguồn, nhưng khác giá

HỨA XUYÊN HUỲNH 26/05/2025 07:45

Phần lớn nguồn nước thô ở 2 tỉnh, thành giáp ranh Quảng Nam - Đà Nẵng có chung dòng chảy từ thượng nguồn Vu Gia - Thu Bồn, nhưng tổng thể tài nguyên nước thô thì không giống nhau, kể cả chi phí đầu vào, chi phí vận hành nên đơn giá cũng… rất khác.

Truy vấn về đơn giá nước sạch ở Quảng Nam (tăng gần gấp đôi so với địa bàn giáp ranh Đà Nẵng) có thể sẽ có lời giải sau ít ngày nữa, khi UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu kiểm tra, rà soát, nêu rõ nguyên nhân chênh lệch và báo cáo trước ngày 30/5.

Với những người vặn romine lấy nước sạch nấu nướng giặt giũ mỗi ngày và cuối tháng lại lo thanh toán hóa đơn, không phải ai cũng tường tận “lộ trình” tăng giá nước. Chỉ cần đơn giá có chỗ chưa thỏa đáng, nhất là khi so sánh với địa bàn lân cận, họ sẽ nghi ngờ về quyền lợi.

Thực ra, diễn tiến được tăng giá nước kể từ tháng 5/2025 của Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam được cho là chậm so với phương án cách đây 4 năm. Chậm, bởi doanh nghiệp được phép tăng giá nước (như đề xuất), nhưng phải chia thành 3 giai đoạn để giá không tăng đột biến.

Năm thứ nhất, tăng kể từ kỳ thu tháng 10/2022; năm thứ hai, từ kỳ thu tháng 10/2023; năm thứ ba, từ kỳ thu tháng 10/2024. Có điều, lần tăng năm thứ ba phải chờ mãi đến tháng 5/2025 mới được phép thực hiện, vì doanh nghiệp vướng vào hệ lụy khác: Chưa hoàn trả vốn đối với các dự án do công ty tiếp nhận, khai thác kinh doanh.

Các khoản nợ của doanh nghiệp đã nới rộng cả trăm tỷ đồng, từ vốn vay ODA, nợ quá hạn, nợ ngân sách Nhà nước. Mà không hoàn trả nợ như cam kết, chính quyền địa phương không cho tăng giá. Không được tăng giá, thu không đủ bù chi, thì lại không có tiền trả nợ… Đến khi được phép tăng giá (từ tháng 5/2025), lại vướng chuyện đơn giá.

Có nhiều lý do để người dân ở Quảng Nam nhìn sang địa bàn giáp ranh như Đà Nẵng. Đà Nẵng luôn gặp khó về nguồn nước thô (so với Quảng Nam), cứ vào mùa nắng nóng lại lo xâm nhập mặn ở nhà máy nước Cầu Đỏ, lại cần đến nguồn nước “chia sẻ” từ thượng nguồn Vu Gia - Thu Bồn… Nếu chỉ xét về tài nguyên, rõ ràng đơn giá nước sạch lẽ ra phải đảo chiều giữa 2 tỉnh, thành.

Phía Quảng Nam tăng cao hơn, vì chi phí đầu vào đang được tính đúng tính đủ để cho ra đơn giá sản phẩm. Nhưng liệu mọi phép tính đã “đúng” và “đủ”? Đây là câu hỏi lớn, nên quyền lợi của khách hàng cần được soi chiếu, trách nhiệm quản lý và cung cấp dịch vụ phải được rà soát kỹ.

Trên thực tế, Đà Nẵng cũng vừa tăng giá nước sạch hồi cuối năm 2024, nhưng chỉ điều chỉnh tăng nhẹ giá bán lẻ sau 10 năm (kể từ năm 2014) để bù đắp chi phí vận hành, duy trì hoạt động cấp nước khi chỉ số giá tiêu dùng CPI đã tăng đến 34,68%.

Trong khi đó, giá nước sạch ở Quảng Nam cứ rục rịch tăng và được đề cập nhiều lần, với nhiều khía cạnh. Đơn cử, xã đảo Tam Hải (Núi Thành), cử tri phàn nàn họ dùng nước để “sinh hoạt hộ dân cư” nhưng lại phải trả tiền theo giá nước của “cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp”.

Chính quyền tỉnh Quảng Nam đã vào cuộc, điều chỉnh giá nước “để người dân được hưởng lợi” như nguyện vọng của cử tri. Chuyện áp dụng đơn giá nước sạch chung cho toàn tỉnh cũng được nêu ra, và những nội dung này đã đề cập cụ thể tại Báo cáo số 124, ngày 23/5/2025 của UBND tỉnh Quảng Nam.

Điểm nghẽn của cái vòng luẩn quẩn hụt thu - bù chi, được phản ánh bước đầu qua đơn giá nước, cần được mổ xẻ rốt ráo và xử lý sớm để thỏa mãn quan hệ cung cầu. Quyền lợi (của khách hàng), trách nhiệm báo cáo (của doanh nghiệp), trách nhiệm giải trình (của địa phương, khi ban hành mức giá) cần được “kích hoạt” song song để tạo sự đồng thuận trong xã hội. Giá cho mỗi khối nước sạch mà người dân phải trả, chuyện tưởng là nhỏ, lại rất cần sự minh bạch và đồng thuận.

HỨA XUYÊN HUỲNH