Nông thôn mới

Đông Bình xây dựng làng quê kiểu mẫu

HOÀNG LIÊN 26/05/2025 09:26

Làng quê Đông Bình (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) hơn 50 năm trước nối liền với chợ Bàn Thạch song do hợp tan, lở bồi bởi dòng sông Ly Ly, làng bị tách đôi, trở thành ốc đảo chơ vơ giữa bốn bề sông nước. Làng quê thuần hậu đã nỗ lực vượt khó từng ngày, phấn đấu trở thành “thôn nông thôn mới kiểu mẫu” vào 7/2025.

dong binh 2
Thôn Đông Bình hướng tới trở thành làng quê sinh thái. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Quê nghèo khởi sắc

Về Đông Bình hôm nay, nhận thấy bao đổi thay, khởi sắc trên đất này. Đường bê tông rộng rãi, khang trang, kết nối, lan tỏa khắp thôn. Các trục đường nhỏ, đường xương cá cũng được nâng cấp, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại.

Làng quê “thay áo mới” với nhiều ngôi nhà, cổng ngõ, tường rào, vườn tược được cải tạo, chỉnh trang, nhiều vệt hoa, cây xanh phủ khắp thôn. Môi trường sống khu dân cư được cải thiện, thôn không có rác thải nhựa, công tác phân loại rác thải tại nguồn được chú trọng.

Ông Võ Ngọc Thái - Trưởng thôn Đông Bình cho biết, công trình Nhà văn hóa thôn đã được hỗ trợ xây mới từ nguồn ngân sách của huyện Duy Xuyên với tổng đầu tư hơn 1,7 tỷ đồng được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2024.

Nhà văn hóa được thiết kế khang trang, hiện đại, là nơi hội họp, tổ chức các sự kiện trọng đại tại địa phương, cũng là điểm tránh trú bão lũ an toàn cho người dân địa phương, gắn kết cộng đồng.

dong binh 3
Nhà văn hóa thôn Đông Bình được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Bên cạnh công trình hỗ trợ của Nhà nước, thôn còn vận động nhân dân góp sức nâng cấp sân nền nhà văn hóa với hàng trăm khối đất. Hệ thống tường rào, cổng ngõ sẽ được tu sửa, quét vôi mới. Cả thôn còn 500m đường bê tông giao thông nông thôn cần mở rộng, đầu tư để khớp nối với các đoạn, tuyến còn lại.

Cũng theo ông Thái, “ốc đảo” Đông Bình đã biến khó khăn trở thành động lực để vươn mình. Không chỉ đường giao thông, nhà văn hóa được đầu tư, năm 2024, điểm Trường Tiểu học Đông Bình, hệ thống điện chiếu sáng cũng đã được đầu tư nâng cấp. Trong thôn có 800 lao động có việc làm thường xuyên.

Người dân phát triển kinh tế với đa ngành nghề, lĩnh vực như nông nghiệp, dệt chiếu, nuôi trồng thủy sản, thương mại - dịch vụ, lao động may mặc tại các công ty...

Thu nhập bình quân đầu người toàn thôn Đông Bình đến cuối năm 2024 đạt 61 triệu đồng/người/năm. Phấn đấu đến cuối năm 2025, mức thu nhập bình quân đầu người của thôn sẽ nâng lên 71 triệu đồng/người...

Nỗ lực thành làng quê kiểu mẫu

Ông Võ Đức Tình - Bí thư Chi bộ thôn Đông Bình chia sẻ, năm 2024 Chi ủy Chi bộ, Ban dân chính thôn Đông Bình đã đăng ký bổ sung, đưa thôn Đông Bình vào danh sách xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2022 - 2025, được huyện Duy Xuyên và tỉnh Quảng Nam thống nhất. Toàn đảng, toàn dân phấn đấu đưa Đông Bình trở thành “thôn kiểu mẫu” vào 7/2025.

dong binh 4
Đông Bình phân loại rác thải tại nguồn. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Hiện, Đông Bình đã đạt 4/10 tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, gồm: Điện; phát triển sản xuất, kinh doanh và lao động qua đào tạo; thu nhập và hộ nghèo; Chi bộ đảng, Ban phát triển thôn và các đoàn thể chính trị.

Còn 6 tiêu chí cũng đã đạt 50-70% khối lượng công việc, gồm: Giao thông; vườn và nhà ở hộ gia đình; văn hóa - giáo dục - y tế; môi trường; quốc phòng - an ninh; sự hài lòng của người dân khi xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Sáu tiêu chí này đang được gấp rút thực hiện, hoàn thiện để sớm đưa Đông Bình về đích “thôn kiểu mẫu”.

“Trên thực tế, nhân dân Đông Bình đã phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, chủ động, tự nguyện đóng góp, hiến đất, vật kiến trúc, góp công góp sức làm đường giao thông nông thôn, chỉnh trang nhà cửa, vườn tược, cải tạo vườn tạp, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả…

Phát huy truyền thống quê hương, địa phương xác định mục tiêu xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu song không có điểm kết thúc, tất cả cùng chung ý chí, đồng lòng vượt khó, quyết tâm giữ chuẩn, nâng cao các tiêu chí đã đạt chuẩn ngày càng bền vững hơn” - ông Tình nói.

Theo ông Võ Ngọc Thái, một số điểm đến trên địa bàn thôn Đông Bình đã thu hút được du khách đến tham quan, trải nghiệm, người dân từng bước được hưởng lợi, song chưa nhiều.

Có thể kể đến hộ ông Võ Đức Đâu với nghề nấu rượu truyền thống; hộ bà Võ Thị Trang, ông Đỗ Hải... với nghề dệt chiếu kết hợp điểm tham quan trải nghiệm cho du khách. Cả thôn còn 75 khung dệt chiếu, tuy thu nhập từ nghề truyền thống không đáng kể, song cũng giúp giải quyết việc làm cho lao động mất việc làm, lao động nông nhàn và người già không thể làm các việc nặng nhọc.

“Theo định hướng, Đông Bình đang hướng tới phát triển kinh tế gắn với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, phát triển nghề dệt chiếu truyền thống, tạo sản phẩm du lịch thu hút du khách tham quan. Các loại hình dịch vụ sẽ được củng cố, khai thác, tạo động lực phát triển quê hương...” - ông Thái nói.

HOÀNG LIÊN