Chiến thắng Núi Thành: Cả nước vui mừng, quân thù khiếp sợ
Chiến thắng Núi Thành có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng, là trận đầu tiêu diệt gọn một đơn vị lính Mỹ trên chiến trường miền Nam, giải quyết các vấn đề về tư tưởng, cách đánh Mỹ và thắng Mỹ. Với ý nghĩa đó, chiến thắng Núi Thành được dư luận và báo chí trong và ngoài nước quan tâm.

Đêm 25 rạng sáng 26/5/1965, theo chỉ đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Tỉnh ủy Quảng Nam, Đại đội 2 thuộc Tiểu đoàn 70 và một phân đội thuộc Đại đội đặc công V16 của Tỉnh đội Quảng Nam đã tấn công chốt điểm của quân Mỹ đóng tại đồi Núi Thành. Sau gần 30 phút chiến đấu anh dũng, quân ta lập nên chiến công vang dội, tiêu diệt gọn Đại đội 2 thuộc Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 9, Sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ.
Tin nào nhanh bằng tin thắng trận!
Nhà báo Võ Thế Ái - phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam cho biết, ông là người tham gia cùng Đại đội 2, Tiểu đoàn 70 tiến công cứ điểm Núi Thành. Nhà báo Võ Thế Ái chia sẻ: “Ngày đó tin chiến thắng của Thông tấn xã Việt Nam được Trung ương Cục miền Nam biết đến đầu tiên, trước cả tin báo thắng lợi của đơn vị đánh trận Núi Thành lên Quân khu 5”.
Sự kiện này được đồng chí Hoàng Minh Thắng ghi trong cuốn hồi ký “Nơi ấy tôi đã sống”: “…Sau trận đánh, tôi điện về Khu báo cáo tình hình. Vừa đến cơ quan Quân khu đóng ở Nước Trắng, Trà My, anh Hai Mạnh (đồng chí Chu Huy Mân) hồi đó là Tư lệnh Quân khu 5 cho gọi chúng tôi gặp ngay. Anh Hai ân cần mời chúng tôi uống trà rồi nói: Các ông giỏi lắm. Chúc mừng các ông. Nhưng mình lại nhận được điện khen của anh Thanh (Đại tướng Nguyễn Chí Thanh) trước khi nhận được báo cáo của các ông điện về Quân khu. Chúng tôi chuyện trò sôi nổi về trận đánh, về cái sự kỳ lạ Trung ương Cục lại nhanh chóng nhận được tin trận đánh Núi Thành trước cả Quân khu. Sau này mới biết, vì có một đồng chí phóng viên Thông tấn xã đi theo trận đánh đã điện vào Trung ương Cục bài tường thuật trận đánh. Anh em kể lại, lúc đó đồng chí Nguyễn Chí Thanh đang ngồi trên võng mắc trong rừng cao su Lộc Ninh, khi đọc xong bài tường thuật vừa nhận, đã nhảy xuống khỏi võng, thảo điện khen Quân khu 5. Trong lúc đó, báo cáo của chúng tôi về Quân khu bằng đài 15W thì chưa dịch xong mật mã”.

Nức lòng quân dân cả nước
Nhận được tin chiến thắng Núi Thành, Xã luận báo Nhân dân, số ra ngày 10/6/1965, có đoạn: “…Chiến thắng Núi Thành chứng tỏ rằng: Quân giải phóng hoàn toàn có thể tiêu diệt bọn lính Mỹ, bất chấp ưu thế về hỏa lực và trang bị của chúng”.
Ở tỉnh Thanh Hóa kết nghĩa, Chiến thắng Núi Thành đã làm nức lòng quân dân Thanh Hóa, góp phần chia lửa và củng cố vững chắc niềm tin đánh Mỹ, thắng Mỹ của quân và dân Thanh Hóa. Chiến thắng Núi Thành ở Quảng Nam và chiến thắng Hàm Rồng (3/4/1965) ở Thanh Hóa diễn ra cách đó hơn một tháng trở thành biểu tượng chiến công của hai tỉnh.
Trong số báo ngày 18/6/1965, báo Thanh Hóa đưa tin: “Với khí thế “Quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược”, đêm 27 rạng ngày 28/5/1965 (dẫn theo nguồn tin của Thông tấn xã Việt Nam; thực ra Chiến thắng Núi Thành diễn ra đêm 25 rạng sáng ngày 26/5/1965), một đại đội Quân giải phóng đã tiến công một đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ đóng ở An Tân, huyện Tam Kỳ (Quảng Nam). Căm thù địch sâu sắc, với một lực lượng ngang với quân địch và bất chấp địch có ưu thế về hỏa lực và vị trí phòng vệ, các mũi xung kích của đại đội Quân giải phóng đã nhanh chóng băng qua hàng rào thép gai, lao thẳng vào trại địch, chia cắt chúng ra thành nhiều mảng, đánh giáp lá cà với bọn Mỹ. Noi gương dũng sĩ Hoàng Văn Nô, các chiến sĩ Quân giải phóng đã dùng lưỡi lê, báng súng, dao găm, lựu đạn quần nhau với địch, tiêu diệt hết bọn này đến bọn khác, hết toán địch này đến toán địch khác, không để sót một tên. Quân giải phóng đã tiêu diệt toàn bộ đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ...”.
Nhận định từ thực tế
Đánh giá về ý nghĩa của Chiến thắng Núi Thành, đồng chí Võ Chí Công - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Bí thư Khu ủy 5 đã nhận xét như sau: “Trận đánh Mỹ tại cứ điểm Núi Thành có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là trận mở đầu, khẳng định khả năng, thực tiễn đánh Mỹ của bộ đội địa phương, giải quyết vấn đề có tính chiến lược về tư tưởng cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân lúc bấy giờ. Đó là: Lấy ít đánh nhiều như thế nào? Ta đánh được Mỹ và thắng Mỹ như thế nào? Đặc biệt đã xua tan tư tưởng sợ Mỹ, băn khoăn về đánh Mỹ trong một số người, đã củng cố lòng tin và cổ vũ mạnh mẽ khí thế đánh Mỹ, thắng Mỹ của quân và dân ta trên toàn chiến trường. Chiến thắng trận đầu đánh Mỹ làm rạng rỡ cái tên Núi Thành, cả nước vui mừng, quân thù khiếp sợ”.
Ngay sau khi trận đánh vừa kết thúc, tin tức về thảm bại của quân Mỹ ở Núi Thành lập tức xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng Hoa Kỳ. Tờ Thời báo New York, số ra ngày 27/5/1965, đưa tin: “Quân đội Mỹ mới đổ bộ lên Chu Lai chưa đầy 20 ngày đã bị Việt cộng tiêu diệt một đại đội... Việt cộng là kẻ địch mà người ta phải kính sợ và kính phục”.
Một số tờ báo khác thì bình luận rằng: “Việt cộng là đội quân tài tình nhất trong lịch sử nhân loại; rằng Việt cộng là một đối thủ mà người ta phải dè chừng…”. Còn báo Ngôi Sao Washington số ra ngày 1/7/1965 viết: “Cuộc chiến tranh của Mỹ ở miền Nam Việt Nam đang tiến tới chỗ thất bại hoàn toàn”.