Đàm phán thành công TPP: Cơ hội cho dệt may và nông nghiệp

THỤC ANH 12/10/2015 09:26

Những hào hứng khi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đàm phán thành công mới đây hiển hiện ở khắp mặt báo, phương tiện truyền thông. Theo dự báo, Quảng Nam chắc chắn sẽ hưởng lợi nhiều khi Việt Nam tham gia TPP bởi các mặt hàng được hưởng lợi nhiều nhất đã và đang là thế mạnh xuất khẩu của tỉnh...
Tin vui cho dệt may

Ba ngành được hưởng lợi nhiều nhất vốn là thế mạnh của xuất khẩu Quảng Nam lâu nay là dệt may da giày, chế biến gỗ và nông sản. Theo báo cáo của Sở Công Thương tại buổi làm việc với HĐND tỉnh đầu tháng 10 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2015 ước đạt 422,776 triệu USD, tăng 1,35% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng tăng đáng kể như sản phẩm mây tre cói thảm đạt 0,182 triệu USD, tăng gần 50%; hàng dệt may đạt 126,901 triệu USD, tăng 18,8%. Các con số trên đã cho thấy thực tế về “sức khỏe” của nhiều doanh nghiệp dệt may khiến nhiều người tin tưởng doanh nghiệp Quảng Nam có thể tham dự vào “sân chơi” mới với nhiều triển vọng.

Ông Trần Hữu Doãn - Chủ tịch HĐQT Công ty May Tuấn Đạt (Tam Kỳ) cho biết, công ty đã xây dựng được một “cái gốc” khá bền vững khi máy móc đổi mới liên tục để bắt kịp với xu hướng hiện đại của thế giới; an sinh xã hội cho người lao động ở mức cao so với mặt bằng của các doanh nghiệp dệt may. Điều đáng nói, công ty đang có hơn 50% nguồn hàng sản xuất theo phương thức FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm). Với tâm thế đã được chuẩn bị sẵn, Tuấn Đạt ít e ngại khi TPP được chính thức ký kết.

Tham gia “sân chơi”  TPP, ngành dệt may Quảng Nam sẽ hưởng lợi.Ảnh: T.ANH
Tham gia “sân chơi” TPP, ngành dệt may Quảng Nam sẽ hưởng lợi.Ảnh: T.ANH

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp dệt may khác không khỏi mừng thầm. Bởi, thực tế lâu nay nhiều doanh nghiệp dệt may đóng chân tại các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung sản xuất các sản phẩm may mặc cho các thương hiệu thời trang nổi tiếng trên thế giới, nhưng phải đóng nhãn “Made in China” dù được làm tại Việt Nam và do người Việt Nam sản xuất. “Nhiều khi mình trực tiếp sản xuất ra sản phẩm nhưng cũng tự tay mình dán nhãn Made in China, buồn lắm chứ. Mình nâng niu sản phẩm nhưng ghi tên người khác làm và mình lại được trả công thấp bèo, không đúng với thương hiệu mình đã góp công làm nên” - bà chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (công nhân may của một doanh nghiệp may đóng chân trên địa bàn huyện Núi Thành) chia sẻ.

Đón đầu cơ hội

Theo Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), trong kim ngạch xuất khẩu của Quảng Nam vài năm trở lại đây, ngành gỗ chiếm tỷ trọng xuất khẩu đứng thứ hai sau dệt may, da giày. Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế lại cho rằng, ngành gỗ và chế biến gỗ được xem là ngành hưởng lợi nhiều nhất khi tham gia TPP vì hầu hết đối tác chính cả xuất và nhập khẩu gỗ đều nằm trong nhóm 12 nước tham gia TPP. Khi tham gia TPP, ngành gỗ được cái lợi rất lớn về xuất xứ sản phẩm. Theo TPP, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong nội khối được ưu đãi thuế suất bằng 0% sẽ đảm bảo tính hợp pháp của nguyên liệu. Thị trường các nước TPP về gỗ khá mạnh, các doanh nghiệp về gỗ ở Quảng Nam sẽ tận dụng được công nghệ mới, vốn đầu tư, nhờ đó chất lượng cũng sẽ cao hơn nhiều so với trước đây.

Trong khi đó, vấn đề mà hầu hết doanh nghiệp dệt may đều lo lắng chính là nguyên liệu bởi chủ yếu nguyên liệu phải nhập từ nước ngoài khu vực TPP. Vướng mắc lớn nhất và khó tháo gỡ nhất chính là đây bởi để thay đổi ngành dệt, nhuộm trong vòng một vài năm là điều không tưởng. Thế nhưng, Quảng Nam cũng không quá lo khi được Tập đoàn Dệt may Việt Nam xác định là vùng trọng điểm để phát triển ngành dệt may. Gần đây, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã chính thức khởi công khu liên hợp sợi - dệt - nhuộm - may Hương An (huyện Quế Sơn). Tập đoàn cũng đã tiến hành điều tra, lập dự án đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu trồng bông trên địa bàn tỉnh. Theo đó, 3 địa phương Thăng Bình, Duy Xuyên, Đại Lộc có khả năng trồng bông với quy mô trang trại theo công nghệ có tưới. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cũng cho biết: “Trước mắt, Quảng Nam sẽ tập trung xây dựng chiến lược thu hút đầu tư công nghiệp hỗ trợ dệt may giai đoạn 2014 - 2020 và ban hành các chính sách ưu đãi nhằm thu hút, kêu gọi nhiều dự án để ngành dệt may thực sự trở thành mũi nhọn đột phá trong chiến lược phát triển công nghiệp của tỉnh”.

Rõ ràng, dù trực tiếp hay gián tiếp, bằng cách này hay cách khác, khi TPP chính thức có hiệu lực sẽ tác động trực tiếp đến ngành nông nghiệp Quảng Nam, chứ không riêng ngành công nghiệp. Vùng nuôi trồng nguyên liệu bông sợi, vùng nguyên liệu chế biến gỗ, vùng chăn nuôi thủy hải sản... sẽ phải được xác định và quy hoạch rõ để tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp. “TPP sẽ là cơ hội để ngành nông nghiệp Quảng Nam thúc đẩy tái cấu trúc lại ngành, trọng tâm là đưa công nghệ, cách quản lý mới vào nông nghiệp, tạo ra một đòn bẩy để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, công nghiệp trong những năm tới” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói.

Vào TPP, lao động được gì, mất gì?

Cơ hội việc làm, tiền lương sẽ tăng nhưng trình độ tay nghề, kỷ luật lao động, sự am hiểu về TPP của lao động Việt Nam lại đáng lo ngại. Khi tham gia TPP, người lao động Việt Nam được gì, mất gì và làm như thế nào để đáp ứng các yêu cầu mới khi tham gia sân chơi chung?
Liên quan đến nội dung này, ông Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nhân (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, về việc làm, TPP tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm, đặc biệt là các ngành, lĩnh vực như may mặc, giày da, thủy sản, lắp ráp thiết bị điện tử… Về tiền lương, TPP vừa là đòi hỏi bắt buộc, vừa là động lực để thay đổi cơ cấu đầu tư, chuyển dịch nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng suất lao động. Trong chiều hướng phát triển hiện nay, gia nhập TPP và hội nhập kinh tế nói chung, với tầm nhìn lâu dài và tổng thể, tiền lương và thu nhập của người lao động có xu hướng được cải thiện tốt hơn. Tuy nhiên, có thể thấy các thế mạnh của Việt Nam trong các lĩnh vực dệt may, thủy sản, da giày… là những ngành sử dụng nhiều lao động giản đơn, giá trị sức lao động thấp, điều kiện lao động kém, việc làm và thu nhập khá bấp bênh. Bên cạnh đó, cũng có không ít ngành, lĩnh vực nội địa chịu sức ép cạnh tranh, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, nguy cơ giảm việc làm như dịch vụ, thương mại, sản xuất hàng hóa công nghệ cao…
Về cơ bản, TPP đặt ra yêu cầu phải thực thi các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc theo tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) là: Quyền tự do hiệp hội và thương lượng tập thể; Quyền tự do không bị cưỡng bức hay bắt buộc lao động; Quyền được đối xử bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc làm; Xóa bỏ một cách có hiệu quả lao động trẻ em. Tuy nhiên, các quy định này không phải là vấn đề mới, đã và đang được ILO thực thi và ghi nhận trong các văn kiện của mình, mà Việt Nam là một thành viên. Theo ông Vũ Quang Thọ, vấn đề đáng lo là tay nghề và kỷ luật lao động. Hàng hóa của ta rộng cửa vào được nhiều nước. Khi đó việc làm sẽ tăng lên. Thế nhưng lao động các nước khác cũng vào Việt Nam làm việc, cạnh tranh với chính nguồn lao động trong nước. Chúng ta hội nhập thì vấn đề tiền lương cũng sẽ giảm bớt áp lực. Nhưng cũng có thách thức gay cấn nhất đó là trình độ tay nghề của chúng ta không theo kịp thế giới. Qua các nghiên cứu đã chỉ ra rằng người lao động Việt Nam kém xa so với người lao động của Thái Lan, Malaysia và đặc biệt so với Indonesia. Năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với những nước trung bình khá trên thế giới. Ông Thọ nói: “Vào TPP, vấn đề lao động, Việt Nam đối mặt với khoảng cách về chuyên môn, trình độ, kỹ năng, tay nghề và sự thông hiểu của người Việt Nam về những luật lệ quốc tế. Người Việt Nam vẫn quen thói “phép vua thua lệ làng”. Nhiều thách thức với lao động Việt Nam, lớn nhất trong thị trường lao động là chuyên môn, kỷ luật lao động và sự hiểu biết của người lao động về TPP, yêu cầu của TPP. Chỉ có người lao động Việt Nam mới có khái niệm “nhảy việc”.M.Đ (theo VOV)

THỤC ANH

THỤC ANH