Soi vào hình bóng thời gian

BẢO ANH 26/09/2020 12:34

Trong bối cảnh đời sống phê bình văn học ở Quảng Nam khá im vắng, việc nhà văn Lê Trâm cho xuất bản tập tiểu luận “Với hình bóng thời gian” (NXB Hội Nhà văn, tháng 6.2020) đã gợi lên ít nhiều suy nghĩ về sự đọc, góp thêm góc nhìn đằng sau những trang sách.

 
 “Với hình bóng thời gian” có bố cục lạ: một nửa cuốn sách là những bài viết (phê bình, cảm nhận, phỏng vấn) của Lê Trâm - trong tư cách/khi đang là một người sáng tác văn xuôi, về văn của người khác; nửa còn lại là tập hợp những bài viết của người khác về văn của anh. Với giọng mạch từ tốn, chừng mực và hiền lành - vốn là “đặc trưng” của văn Lê Trâm, có cảm giác như những bài viết của anh về văn người khác trong tập sách là những tâm tình, thủ thỉ với tác phẩm, tác giả và kể cả với chính anh. Có những tác phẩm được anh tháo tung ra, nhưng không phải để tìm kiếm những dấu hiệu đặc trưng thể loại mà nhằm phân loại, liệt kê, qua đó chỉ ra chủ đề, nội dung bao quát hay rộng hơn, xa hơn là về một nguyên lý nào đó của cuộc sống, như trong các bài viết “Đi về phía sáng”, “Người nghèo không có tội”... Có trường hợp, bằng cách đặt sinh thể văn chương vào thời cuộc, Lê Trâm gián tiếp nhận diện số phận và dáng vóc của mỗi tác phẩm văn học tương ứng với từng thời đoạn cụ thể, như trong các bài viết về truyện dài “Hà Hương phong nguyệt” của Lê Hoằng Mưu hay tiểu thuyết “Thuốc mê” của Thâm Tâm... Còn trong các bài viết về Nguyễn Trí, Nguyễn Ngọc Tư, Phong Điệp, Đỗ Bích Thúy... thoạt trông cứ tưởng Lê Trâm phân tích, chỉ ra các thủ pháp nghệ thuật của họ nhưng cuối cùng lại là xác định “tạng” văn của mỗi người... Với Lê Trâm, phê bình là một cách “trả nợ” sự đọc, là sự sẻ chia, đồng cảm về tác phẩm trong tư cách một người đọc.

Phần thứ hai của tập sách gồm những bài viết của người khác về văn Lê Trâm, một lần nữa anh lại tỏ ra chừng mực và tỉnh táo. Sau hơn 30 năm cầm bút, Lê Trâm đã có 11 tập sách gồm truyện ngắn, truyện vừa, bút ký, tiểu thuyết được xuất bản. Cũng trong chừng ấy thời gian, có không dưới 100 bài viết của các nhà phê bình, của bạn văn và bạn đọc về văn của anh. Tuy nhiên, anh chỉ chọn in 35 bài, trong đó có 11 bài bình ngắn về một số truyện ngắn riêng lẻ. Hầu hết bài viết đều... khen, chỉ ra cái hay, cái đẹp, cái riêng của Lê Trâm; nhưng xen lẫn trong đó vẫn có những luận bàn, những cái chép miệng tiếc nuối. Tuyệt nhiên không thấy những bài tán tụng suông, khen lấy được.

Với một nửa do Lê Trâm viết và một nửa do người khác viết về Lê Trâm, thế nhưng “Với hình bóng thời gian” vẫn đích thị là một tập sách của... Lê Trâm. Ở đó, anh trải lòng mình ra với văn chương, với bạn văn và đón nhận những sẻ chia, nghĩ suy của văn giới và bạn đọc về mình. Ở đó, anh có thêm “điểm tựa” để soi vào, nhìn ngắm, tham chiếu, đối sánh và còn để tự xác lập xem mình đang ở đâu. Có lẽ nhờ vậy mà tập sách không bị chỏi, không bị phân cực mà ngược lại, tạo ra được những góc nhìn đầy đủ, chân xác và thú vị hơn về những không gian văn chương nói chung và về một Lê Trâm - nhà văn nói riêng.

BẢO ANH