Nông Sơn nỗ lực xóa nhà tạm
Với phương châm “Hộ gia đình tự làm, Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ”, huyện Nông Sơn phấn đấu trong năm 2023 hoàn thành xóa nhà tạm, xem đây là nhiệm vụ đột phá, ghi dấu ấn kỷ niệm 15 năm thành lập huyện.
>> "Quả ngọt" từ những nỗ lực không ngừng nghỉ
>> Dấu ấn Nông Sơn
Điểm tựa… an cư
Là lao động chính trong gia đình nhưng căn bệnh bướu cổ bất ngờ xuất hiện đã kéo sức khỏe ông Nguyễn Lục (68 tuổi, thôn Phú Gia 2, xã Ninh Phước) đi xuống và mất dần khả năng lao động. Bà Trần Thị Thọ, vợ ông Lục cho biết, do chồng bị một số bệnh nền nên việc phẫu thuật chưa thực hiện được khiến bướu ngày càng sưng to bao quanh cổ và xuất hiện cả trên đầu.
“Ngày trước ổng khỏe lắm, ai kêu việc gì cũng làm, vì thế cuộc sống dù không khá giả nhưng cũng chẳng đến nỗi nào. Từ khi có bệnh, sức khỏe ông giảm hẳn, đến chừ thì không còn làm được gì. Mọi việc lớn nhỏ trong nhà, ngoài ruộng, chỉ còn mình tôi lo liệu…” - bà Thọ chia sẻ.
Vợ chồng ông Lộc có 3 người con nhưng đều ở xa, cuộc sống cũng chật vật nên chưa đỡ đần được gì cho ba mẹ. Gia đình ông thuộc diện xóa nhà tạm của địa phương. Do hoàn cảnh khó khăn nên lâu nay vẫn phải sống trong ngôi nhà gỗ đã xuống cấp.
Được chính quyền, Mặt trận động viên, vợ chồng bà Thọ đã mạnh dạn nhận nguồn hỗ trợ (50 triệu đồng) từ Quỹ vì người nghèo huyện để xây dựng lại ngôi nhà kiên cố hơn. Đến nay, sau 1 tháng thi công đã xây xong phần tường bao bằng gạch và chuẩn bị lợp ngói.
“Với hoàn cảnh của gia đình tôi, để làm nhà phải vay mượn thêm, nên lần lữa mãi. Nếu không có nguồn hỗ trợ của Mặt trận làm động lực, chẳng biết đến khi nào tôi mới dám làm nhà. Tôi biết ơn vì sự quan tâm, giúp đỡ của huyện Nông Sơn để vợ chồng tôi sắp sửa có ngôi nhà mới; mưa gió bớt lo lắng, bất an!” - bà Thọ thổ lộ.
Sẽ không còn nhà tạm
Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ninh Phước cho biết, gia đình bà Trần Thị Thọ và ông Nguyễn Lục là một trong 8 hộ nằm trong diện xóa nhà tạm của xã năm 2023. Hoàn cảnh các gia đình thuộc diện xóa nhà tạm rất khó khăn nên ngoài nguồn hỗ trợ 50 triệu đồng/nhà từ Ban vận động Quỹ vì người nghèo huyện, xã đã vận động các ngành, đoàn thể cử lực lượng giúp đỡ ngày công tháo dỡ, vận chuyển vật liệu...
Trước đó, Mặt trận xã cũng đã làm các thủ tục liên quan cho các gia đình tạm ứng 50% kinh phí để mua sắm vật tư và các chi phí liên quan. Sau khi nhà hoàn thành, địa phương tổ chức nghiệm thu và bàn giao số tiền còn lại cho gia đình.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết, Huyện ủy Nông Sơn chỉ đạo cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và cả hệ thống chính trị đặt chủ trương xóa nhà tạm cho hộ nghèo, hộ gia đình khó khăn là nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Để thực hiện chủ trương này, Huyện ủy chỉ đạo thực hiện nhất quán phương châm “Hộ gia đình tự làm, Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ”. Phấn đấu đến cuối năm 2023 hoàn thành xóa nhà tạm, nhà không đạt chuẩn trên địa bàn huyện.
Để hoàn thành mục tiêu xóa hơn 40 nhà tạm trên địa bàn, ngay từ đầu năm 2023, lãnh đạo huyện đã triển khai nhiều giải pháp nhằm huy động nguồn lực xã hội cùng tham gia. Trong đó, tranh thủ các sự kiện, hoạt động, các kênh đối ngoại… để kêu gọi tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, nhất là những người con xa quê ủng hộ nguồn lực.
Đơn cử, tại cuộc gặp mặt doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư tại TP.Hồ Chí Minh vào cuối tháng 3 vừa qua, huyện đã kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng 31 ngôi nhà cho người dân khó khăn trên địa bàn huyện, với kinh phí hỗ trợ 50 triệu đồng/nhà.
Trong 15 năm qua, huyện đã huy động xã hội hóa hỗ trợ xây dựng, sửa chữa hơn 600 ngôi nhà, cải thiện chỗ ở cho người dân khó khăn...
Bà Thủy nói, trong điều kiện người dân còn nhiều khó khăn, để triển khai chương trình xóa nhà tạm hiệu quả, bên cạnh nguồn hỗ trợ của nhà hảo tâm, doanh nghiệp, huyện Nông Sơn kêu gọi cộng đồng, Mặt trận, đoàn thể địa phương cùng chung tay với người có hoàn cảnh khó khăn để xây dựng nhà ở đảm bảo nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng.
“Có những trường hợp, lãnh đạo huyện đến tận nơi để gặp gỡ và vận động doanh nghiệp để “xin nhà cho dân”. Tại những buổi gặp gỡ đó, hình ảnh, tâm tư, nguyện vọng của bà con có hoàn cảnh khó khăn được chúng tôi chia sẻ, từ đó họ đồng cảm và chung tay thực hiện chương trình nhân văn này” - bà Thủy chia sẻ.