Hôm nay đi trên con đường lớn, ngước nhìn những tòa nhà cao tầng, người người qua lại tấp nập, đứng giữa thị trấn Trung Phước, mà nghe lòng rộn ràng, thấu được mùi hương của sự đổi thay rõ nét so với ngày cũ.
>> Nông Sơn nỗ lực xóa nhà tạm
>> Dấu ấn Nông Sơn
1. Những ngày đầu thành lập huyện Nông Sơn đối diện với vô vàn khó khăn, thách thức. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thiếu hụt; trang thiết bị, hệ thống giao thông, công trình công cộng còn lạc hậu.
Hơn nữa, là huyện thuần nông nên công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ còn nhỏ lẻ và chưa phát triển, nguồn thu ngân sách thấp không đáp ứng yêu cầu chi tiêu; đời sống người dân còn nhiều khó khăn…
Hôm rồi, đi công tác ngang qua cầu Nông Sơn, có cụ ông nhìn lên đỉnh núi rồi nhìn qua chúng tôi với ánh mắt sáng rực, đầy tự hào. “Bao lâu nay, những cái tên gắn liền với nhau là Nông Sơn, là Đại Bình, là Trung Phước, là Cà Tang, Núi Chúa, là Hòn Kẽm - Đá Dừng…
Hồi đó, dân mình đánh giặc cũng vì những cái tên, phấn đấu làm ăn, phát triển quê hương cũng vì những cái tên. Rứa đó, quê hương nó không nằm đâu xa, cố gắng, phấn đấu, đổi thay như hôm nay, để tiến lên phát triển hơn nữa, và tất nhiên, cũng vì những cái tên nghen, mấy anh em!” - cụ nhắn nhủ, chúng tôi nghe rồi chỉ biết “Dạ!”, mà có gì đó gợn lên trong lòng...
Tuy vậy, toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nông Sơn luôn đặt niềm tin tích cực vào những cơ hội tươi sáng phía trước; tiên phong trong sáng tạo, biết tận dụng tiềm năng của địa phương để thay đổi.
Minh chứng là sau kỳ Đại hội Đảng bộ huyện lần đầu, các chủ trương, nghị quyết đều tập trung mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, bởi đây là tiền đề, là đòn bẩy để Nông Sơn có thể phát triển “thay da, đổi thịt”.
Trong đó, nổi bật có các công trình giao thông huyết mạch như quốc lộ 14H, đường Đông Trường Sơn, cầu Nông Sơn, đường bao Đại Bình, đường dẫn Trung Phước, đường trục chính, đường nội thị và đường tránh lũ khu trung tâm huyện.
Ngoài ra, nhiều công trình trụ sở của các cơ quan, trường học, trạm y tế, khu dân cư được hình thành góp phần phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng của huyện, xã…
Song song với phát triển nông nghiệp từ thế mạnh địa phương, lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ ở Nông Sơn có những chuyển biến rõ nét. Các nhà máy lớn như Thủy điện Khe Diên, Thủy điện Tầm Phục, Công ty CP Than điện Nông Sơn, Nông trường Cao su, Nhà máy Sản xuất dăm Nhất Hưng Nông Sơn hoạt động ổn định.
Ngoài ra, từ việc chú trọng kêu gọi, xúc tiến đầu tư và xây dựng cụm công nghiệp, đến nay đã có các công ty với ngành nghề mới như may mặc, xuất nhập khẩu; nhiều nghề truyền thống được duy trì, phát triển và cơ giới hóa như làm bún, bánh tráng, tiện inox,... Đặc biệt, nghề dó trầm hương vẫn là đặc trưng của địa phương, mang lại thu nhập khá và giải quyết việc làm cho nhiều lao động…
Nhìn lại bức tranh kinh tế từ nội lực, Nông Sơn luôn giữ vững tốc độ tăng trưởng khá, giá trị sản xuất đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra hằng năm. Cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực, ngành nông nghiệp giảm dần từ năm 2008 chiếm 26% nay còn 16,3%; ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ năm 2008 chiếm 54% nay tăng lên 83,7%. Thu ngân sách nhà nước hằng năm bình quân tăng 16,8%; từ con số 9,8 tỷ đồng năm 2008 đến nay đã đạt 86,4 tỷ đồng.
2. Những chuyển biến kinh tế đã góp phần rất lớn cho những thay đổi trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội. Phát huy giá trị truyền thống, các hoạt động văn hóa đặc sắc của Nông Sơn đã thu hút được du khách khắp nơi tìm về tham dự như: Lễ hội truyền thống Bà Thu Bồn; Ngày hội văn hóa - du lịch Đại Bình.
Nhiều công trình văn hóa được đầu tư, tôn tạo phát triển, được tỉnh công nhận di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh như Dinh Bà Thu Bồn; Khu căn cứ Tân Tỉnh - Trung lộc; Di tích lịch sử địa điểm tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 31, sư đoàn 2 Quân khu 5 (Khu Hóc Thượng); Bia chiến thắng Nông Sơn - Trung Phước; Hang Hố Lù; Mộ cụ Nguyễn Đình Hiến...
Đáng quý, đã có những lớp trẻ trưởng thành, có người rời quê thành đạt, có người đi xa rồi trở về cùng góp tay dựng xây quê hương. Đó là kết quả của việc đầu tư nghiêm túc và chỉn chu vào công tác GD-ĐT của Nông Sơn. Toàn huyện hiện có 9/13 trường đạt chuẩn chất lượng giáo dục.
Hiện nay có 2 trường đang đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục và đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu đến năm 2023 hoàn thành 13/13 trường. Bên cạnh đó, đội ngũ quản lý, giáo viên liên tục được đưa đi đào tạo, cập nhật phương thức dạy học mới nên luôn mang lại hiệu quả cao trong chất lượng.
Mười lăm năm là khoảng thời gian đủ để một địa phương trải qua nhiều chu kỳ, nay nhìn lại và ai cũng thấy những đổi thay rõ rệt. Những thành tựu đó là kết quả của tinh thần đoàn kết, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, sự cố gắng, nỗ lực bền bỉ không ngừng, là quyết tâm vượt lên mọi khó khăn, thử thách của Đảng bộ và nhân dân trong huyện.
Thành quả đó đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2013); nhiều năm liên tiếp, địa phương dẫn đầu phong trào thi đua cụm các huyện miền núi Quảng Nam, được Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh tặng cờ thi đua.
Nếu có “cánh cửa thời gian”, quay ngược về 15 năm trước, rồi bước ra lại thực tế bây giờ, chúng ta mới hình dung được những đổi thay toàn diện của Nông Sơn là lớn lao, khác biệt như thế nào!