Dấu ấn Nông Sơn
Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển từ sau ngày thành lập huyện, Nông Sơn đã có sự đổi thay mạnh mẽ về nhiều mặt.
>> "Quả ngọt" từ những nỗ lực không ngừng nghỉ
>> Nông Sơn nỗ lực xóa nhà tạm
Chuyển biến toàn diện
Hồi mới thành lập, hầu hết cơ quan, đơn vị của huyện Nông Sơn trưng dụng trường học, nhà văn hóa và thuê nhà dân để làm trụ sở. Thời điểm đó, cơ sở hạ tầng của xã Quế Trung cũ (nay là thị trấn Trung Phước) và các xã khác đều yếu kém. Giờ đây, thị trấn Trung Phước khoác lên mình “tấm áo mới” với những gam màu tươi sáng. Trong khi đó, diện mạo nhiều làng quê cũng đổi thay đáng kể.
Ông Nguyễn Chí Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện cho hay, 15 năm qua, bình quân hằng năm Nông Sơn đầu tư 100 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn.
“Trừ xã Quế Trung đã lên thị trấn, huyện đã có 3 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là Quế Lộc, Sơn Viên, Phước Ninh. Mục tiêu năm 2023 này thêm xã Ninh Phước đạt chuẩn, năm 2024 xã Quế Lâm cũng về đích” - ông Tùng chia sẻ.
Năm 2008 thu nhập bình quân đầu người của huyện Nông Sơn chỉ đạt 8 triệu đồng thì năm 2022 tăng lên 47 triệu đồng và dự kiến năm 2025 đạt 53 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2008 chiếm 66,8%, nay giảm xuống còn 7,53%.
Trong phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, với điều kiện khó khăn đặc thù, ngoài 7 dự án công nghiệp đã đi vào hoạt động (trong tổng số 14 dự án với tổng vốn đăng ký gần 639 tỷ đồng), Nông Sơn quan tâm hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác, hộ cá thể phát triển ngành nghề nông thôn nhằm tạo “cú hích” cho tiểu thủ công nghiệp.
Toàn huyện có hơn 200 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động với đa dạng ngành nghề như may mặc, mộc dân dụng, hàng thủ công mỹ nghệ, cơ khí... giải quyết việc làm ổn định cho hơn 1.000 lao động.
Năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng của huyện đạt hơn 861 tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2021; riêng 5 tháng đầu năm 2023 đạt 392,5 tỷ đồng, đạt gần 42% kế hoạch cả năm.
Ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết, để tạo bước phát triển mới, thời gian tới huyện sẽ huy động nhiều kênh vốn đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh, nhất là hệ thống giao thông nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các cụm công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để thu hút doanh nghiệp vào địa bàn.
Tạo đột phá cho nông nghiệp
Chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế vườn của hộ ông Dương Văn Thương ở thôn Bình Yên (xã Phước Ninh). Ông Thương cho biết, cuối năm 2018 ông đầu tư 150 triệu đồng cải tạo khu vườn rộng gần 4.000m2 và tiến hành trồng 100 cây bưởi trụ, 50 cây bưởi da xanh. Mới đây, ông trồng xen thêm 60 cây ổi.
“Trong quá trình xây dựng mô hình, tôi được huyện hỗ trợ hơn 80 triệu đồng để cải tạo vườn, mua cây giống, đào giếng và lắp đặt hệ thống tưới nước tự động... Dự tính, từ năm 2024, bình quân hằng năm tôi sẽ có nguồn thu nhập không dưới 100 triệu đồng từ vườn cây này” - ông Thương chia sẻ.
Ông Đỗ Đình Long - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết, Nông Sơn hiện có khoảng 2.300 khu vườn có diện tích 500m2 trở lên. Thực hiện cơ chế hỗ trợ theo nghị quyết của HĐND tỉnh và HĐND huyện, trong 2 năm 2022 - 2023 địa phương chi gần 9 tỷ đồng hỗ trợ người dân xây dựng 112 mô hình kinh tế vườn có diện tích từ 1.000m2 trở lên.
Ngoài ưu tiên nguồn lực xây dựng hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất 1.020ha đất lúa và phát huy lợi thế đất lâm nghiệp để đầu tư trồng rừng nguyên liệu, những năm gần đây nông dân địa phương đầu tư phát triển mạnh mô hình nuôi gia súc, gia cầm theo phương thức sản xuất hàng hóa. Hiện nay toàn huyện có khoảng 100 gia trại nuôi heo hướng nạc, bò lai vỗ béo, gà thịt thương phẩm... quy mô vừa và lớn; bình quân mỗi mô hình cho thu nhập 50 - 300 triệu đồng/năm.
Nói về định hướng phát triển ngành nông nghiệp trong thời gian tới, ông Nguyễn Chí Tùng cho hay, Nông Sơn sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo phương thức sản xuất hàng hóa gắn với phát triển du lịch sinh thái.
Trong đó, tiếp tục ưu tiên nguồn lực hỗ trợ người dân phát triển mạnh mô hình kinh tế vườn với nhiều loại cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao, xem đây là hướng chủ lực.
Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, người dân đầu tư trồng rừng gỗ lớn để nâng cao sản lượng và giá trị sản phẩm; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân phát triển mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa tập trung và an toàn dịch bệnh.
Riêng chương trình OCOP, phát huy kết quả xây dựng thành công 2 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 12 sản phẩm hạng 3 sao, huyện khuyến khích thực hiện mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm; trước mắt năm 2023 tiếp tục hỗ trợ 400 - 600 triệu đồng để các chủ thể có điều kiện phát triển mới 5 sản phẩm...