Đông y phải theo kịp thời cuộc
Dù y học hiện đại đang ngày càng phát triển nhưng chưa bao giờ vai trò của y học cổ truyền (YHCT) bị phai nhạt. Ngược lại, YHCT đang từng bước khẳng định vai trò của mình trong việc chăm sóc sức khỏe người dân.
Việc phối hợp với y học hiện đại giúp y học cổ truyền ngày càng điều trị bệnh hiệu quả. Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG |
Đông - Tây y kết hợp
Với sự tiến bộ của y học hiện đại, vấn đề của YHCT là làm thế nào để dung hòa và bắt kịp với những thay đổi đó. “Trong lộ trình phát triển, việc học hỏi những tiến bộ khoa học là cần thiết. Không thể bảo thủ mà phải biết sàng lọc những cái gì có thể áp dụng trong khám chữa bệnh để học và áp dụng một cách tốt nhất. Quan trọng vẫn là để chữa bệnh cho người dân tốt hơn” - ông Nguyễn Tiến Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh chia sẻ.
Theo ông Sỹ, việc ứng dụng các kết quả cận lâm sàng từ y học hiện đại vào chẩn đoán, trị bệnh theo các phương pháp cổ truyền đã ngày càng hiệu quả, tạo nền tảng cho bước phát triển về sau này. Đây cũng chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Hội Đông y tỉnh đề ra trong nhiệm kỳ 2012 - 2017. Lợi thế của YHCT chính là điều trị hiệu quả những bệnh mạn tính kinh niên, một số bệnh xuất hiện theo mùa, bệnh của người già, như chấn thương về cơ gân, đau thần kinh tọa, phong tê thấp, dạ dày, di chứng sau các tai biến mạch máu não…
“Đông y có mặt mạnh trong việc chữa trị về nguồn gốc của căn bệnh hoặc những di chứng để lại của chứng tai biến mạch máu não. Nên nếu biết cách sử dụng nhuần nhuyễn kiến thức Đông y vào điều trị thì hiệu quả sẽ được nâng cao hơn” - ông Sỹ nói.
Trong nhiệm kỳ 2012 - 2017, Hội Đông y tỉnh đã tổ chức 132 buổi sinh hoạt theo hình thức tọa đàm, hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm... góp phần nâng cao chất lượng chẩn trị bệnh cho người dân. Đã có gần 1,5 triệu lượt người được chẩn trị theo phương pháp YHCT với hơn 4,2 triệu thang thuốc được bốc. Hội Đông y tỉnh cũng đã tiến hành khám chữa bệnh miễn phí theo các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc cho hơn 45 nghìn lượt người thuộc hộ chính sách, người nghèo... |
Bác sĩ Lê Thân - Phó Giám đốc Bệnh viện YHCT tỉnh cho biết, việc phối hợp giữa Đông - Tây y là hết sức cần thiết cho việc chẩn đoán, điều trị bệnh. Quan trọng là biết phát huy thế mạnh của mỗi bên để đạt được hiệu quả cao nhất. Như khi bị tai biến, cấp cứu ban đầu thì y học hiện đại là không thể thiếu; nhưng giai đoạn phục hồi thì YHCT có hiệu quả tốt hơn. Hay ứng dụng các kỹ thuật và kết quả cận lâm sàng để có chẩn đoán chính xác mà đề ra phương pháp điều trị hiệu quả, như dựa vào các hình ảnh CT-Scanner, X-quang, siêu âm, điện tim và các chỉ số về sinh hóa, huyết học… Thời gian qua, ở các bệnh viện trong tỉnh cũng đã thành lập khoa YHCT thu hút rất đông người đến điều trị, chủ yếu là điều trị ngoại trú.
Theo bác sĩ Lê Thân, nhiều cơ sở y tế trong nước đã thực hiện mô hình kết hợp Đông - Tây y, như ở Hà Nội có một trung tâm y tế chuyên về đột quỵ, tai biến. Bệnh nhân khi đưa đến cơ sở này sẽ được cấp cứu, điều trị bằng Tây y; đến giai đoạn phục hồi thì chuyển sang khu điều trị bằng YHCT. Nghĩa là bệnh nhân khi vào đó không cần phải đi đâu nữa vì đã có sự kết hợp điều trị Đông - Tây y.
Thầy tại chỗ, thuốc tại vườn
Bên cạnh phối hợp với y học hiện đại, việc khai thác, sử dụng các cây thuốc cũng được Hội Đông y tỉnh chú trọng, nhất là tích cực thực hiện đề án “Thuốc tại chỗ và thuốc thay thế” để tìm kiếm, nuôi trồng nhằm bảo tồn và gìn giữ nguồn dược liệu tại chỗ phục vụ cho hậu cần. Qua đó, đã có nhiều mô hình thuốc thay thế đã được phát triển ở một số địa phương, tạo sự phong phú cho nguồn dược liệu Đông y, phục vụ tốt hơn trong việc chữa trị cho người bệnh. Đặc biệt, trong hoạt động của mình, hội viên Hội Đông y tỉnh luôn thực hiện tốt phương châm “thầy tại chỗ, thuốc tại vườn”.
“Có những vị thuốc đơn giản nhưng hiệu quả cao, lại rất gần gũi trong cuộc sống, như lá bưởi, củ sả, lá ngải cứu, lá hẹ... cũng có những công dụng hữu hiệu để bồi bổ, chữa bệnh thường ngày. Trong 185 loài thảo dược được Bộ Y tế đưa vào danh mục cây thuốc thiết yếu thì tỉnh Quảng Nam đã có tới 94 loài, nhiều loài có trữ lượng rất lớn. Việc cần làm nhất hiện nay là phát triển và bảo tồn những loài dược liệu này ngay trong dân, trong các cấp chính quyền để làm nguồn thuốc thay thế, thuốc tại chỗ phục vụ cho việc chữa bệnh” - ông Nguyễn Tiến Sỹ nói.
Ông Sỹ cũng cho rằng, hiện nay nguồn dược liệu tuy có nhưng chưa tập trung mà phân bố rải rác. Hơn nữa người dân cũng chưa hiểu hết tác dụng của những cây thuốc này nên không chú trọng phát triển. Chính vì vậy, Hội Đông y tỉnh đã có đề án phát triển các loại cây thuốc Nam, sử dụng thuốc tại chỗ và thuốc thay thế trên toàn tỉnh thông qua các chi hội ở địa phương. Việc này sẽ đem lại lợi ích không chỉ cho người bệnh mà cả cho thầy thuốc. Hơn thế, nó mở ra một cách tiếp cận mới về nuôi trồng, thu hái, buôn bán dược liệu... Nhờ thế, ngành đông y luôn chủ động nguồn hậu cần về thuốc YHCT có chất lượng mà giá thành lại thấp. Đó cũng chính là nhiệm vụ trọng tâm mà Hội Đông y tỉnh hướng tới trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, bên cạnh nhiệm vụ phát triển mạng lưới, tổ chức hoạt động của công tác hội, đào tạo nguồn nhân lực kế thừa.
PHÁT HUY TÍNH TOÀN DIỆN Phóng viên Báo Quảng Nam ghi nhận ý kiến đóng góp của một số lương y để ngành y học cổ truyền (YHCT) tỉnh ngày càng phát triển. Lương y Trần Trưng - Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh khóa VII, Chủ tịch Hội Đông y Điện Bàn: Phối hợp liên ngành trong hoạt động Để hoàn thành các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra trong việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, ngành đông y cần thực hiện lồng ghép với tất cả bệnh viện, trạm y tế địa phương để phát triển khoa Đông y, phòng Đông y và vườn cây thuốc Nam tại chỗ nhằm ứng dụng, hướng dẫn cho người bệnh. Như Hội Đông y thị xã Điện Bàn, hàng năm cùng tham gia phòng chống các dịch bệnh và tuyên truyền giáo dục sức khỏe, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như việc bảo vệ môi trường khu dân cư... qua đó, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn. Ví dụ, đối với Hội Người cao tuổi, Hội Đông y Điện Bàn luôn phối hợp tổ chức tập huấn, dưỡng sinh, hướng dẫn phòng bệnh cũng như tọa đàm, giải đáp nguyên nhân gây bệnh cho người già... giúp người cao tuổi có cách phòng chữa bệnh hữu hiệu. Lương y Trần Văn Thu - Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh, Chủ tịch Hội Đông y Tam Kỳ: Tận dụng triệt để nguồn dược liệu tại chỗ Chất lượng nguồn dược liệu nhập khẩu đang được các thầy thuốc đánh giá thấp, thậm chí ngại dùng vì sợ độc hại do chất bảo quản. Trong khi đó, Quảng Nam có đến 94 loài cây thuốc quý, có trữ lượng lớn lại không phát huy được hiệu quả. Chính vì vậy, đề án sử dụng thuốc tại chỗ và thuốc thay thế nếu triển khai sâu rộng sẽ đem lại lợi ích rất lớn. Hơn thế cũng mở ra cách tiếp cận mới về nghề nuôi trồng, thu hái, buôn bán dược liệu. Khi đó, chúng ta sẽ luôn chủ động được nguồn hậu cần về thuốc Đông y có chất lượng mà giá thành lại thấp. Do đó, cần khuyến khích người dân chuyển đổi mô hình, cơ cấu kinh tế từ vùng đất sản xuất nông nghiệp bấp bênh sang trồng và sản xuất dược liệu với hiệu quả cao kinh tế cao hơn nhiều. Lương y Trần Văn Quý - Chủ tịch Hội Đông y Nam Giang: Phát triển cây thuốc trong dân Hiện nay, có nhiều loại thuốc quý ở trong nhân dân, vì vậy việc phát triển những cây thuốc này để người dân chủ động trong phòng và chữa bệnh là rất cần thiết. Bên cạnh đó, lựa chọn những loại thuốc quý, cây phù hợp với thổ nhưỡng có tác dụng chữa bệnh cao để thu hái, chế biến và phát triển theo hướng hàng hóa. Như vậy vừa bảo tồn loại thảo dược bản địa vừa tăng thu nhập cho người trồng và các cấp Hội Đông y. Muốn làm được điều này phải có kế hoạch cụ thể và thực hiện quyết liệt. Như ở Nam Giang, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch phối hợp trồng các vườn thuốc Nam ở những nơi có điều kiện như trạm y tế xã, trường học, bệnh viện, thôn bản... Lương y Võ Ngọc Minh - Chủ tịch Hội Đông y Nông Sơn: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin Trong giai đoạn của thời đại công nghệ thì việc ứng dụng, nghiên cứu các tiến bộ này vào công tác khám chữa bệnh YHCT là rất cần thiết. Hiện nay, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của hội viên vẫn còn hạn chế nên cần phải có cách khắc phục. Nắm được công nghệ, hội viên có thể thông tin, chia sẻ tài liệu, học hỏi, tham khảo chuyên môn qua sách điện tử; hay muốn góp ý các văn bản hoặc tìm hiểu về cây thuốc, vị thuốc, bài thuốc nào đó về YHCT, chỉ cần thông qua internet là được đáp ứng ngay, rất thuận tiện. TUỆ LÂM (ghi) |
NGUYỄN DƯƠNG