Công tác cứu hộ cứu nạn tuyến đường biển Cửa Đại - Cù Lao Chàm: Chưa chính quy, thiếu phương tiện
Từ cảng Cửa Đại đến Cù Lao Chàm chừng 15km đường biển. Tuyến này đưa khách du lịch ra vào tấp nập mỗi ngày nên công tác cứu hộ cứu nạn là nỗi lo thường trực của doanh nghiệp và các đơn vị quản lý.
Hoạt động du lịch trên tuyến đường biển Cửa Đại - Cù Lao Chàm tiềm ẩn nhiều rủi ro.Ảnh: VĨNH LỘC |
Theo quy chế phân công, phối hợp giữa các đơn vị hoạt động tại tuyến vận tải đường thủy giữa 2 đầu đất liền và đảo Cù Lao Chàm, đảm trách công tác cứu nạn cứu hộ hiện nay chủ yếu do Đồn Biên phòng Cửa Đại và Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm. Tuy nhiên, thời gian qua việc trang bị các phương tiện chuyên dụng cứu hộ cứu nạn khi có sự cố xảy ra vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Thiếu phương tiện chuyên dụng
Tại Đồn Biên phòng Cửa Đại hiện chỉ có ca nô nhỏ vỏ nhôm công suất 85CV nên rất khó cứu hộ, cứu nạn trong trường hợp biển có gió mạnh cấp 5 trở lên (đòi hỏi tàu phải từ 200 - 400CV). Đặc biệt, nơi đây vẫn chưa hình thành trung tâm điều phối cứu hộ cứu nạn du lịch thông qua hệ thống máy bộ đàm đối với các ca nô du lịch, chủ yếu qua điện thoại di động.
Ông Trần Hưng - Giám đốc Công ty Du lịch Sông Hội chia sẻ: “Chúng tôi đã chấp hành và hết sức nỗ lực trong công tác đảm bảo an toàn, tuy nhiên rủi ro không biết đâu mà lường. Bội đội Biên phòng Cửa Đại có giúp công tác tìm kiếm cứu nạn, tuy nhiên chưa được chính quy. Trong khi đó, lực lượng này là hết sức quan trọng để hỗ trợ cho doanh nghiệp và các hoạt động trên biển. Hải đội 2 chỉ đóng ở Hội An, ngoài Cù Lao Chàm thì thiếu lực lượng, Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm lại không có phương tiện để thực hiện, Đồn Biên phòng Cửa Đại thì phương tiện, thiết bị mong manh. Về thực chất, các lực lượng này đang kiêm nhiệm chứ không phải nhiệm vụ chính, không có đội ngũ y bác sĩ. Khi làm công tác cứu hộ, chẳng lẽ vớt người ta lên là xong mà không sơ cấp cứu?”. (QUỐC HẢI) |
Theo Thượng tá Trần Văn Ba - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa Đại, trong tình hình lưu lượng khách đến tham quan, du lịch tuyến thủy nội địa Cửa Đại - Cù Lao Chàm tăng nhanh như hiện nay (mỗi ngày có hàng nghìn khách), việc đảm bảo an toàn cho du khách luôn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, tuy vậy trước những hạn chế về phương tiện kỹ thuật và chưa có một quy chế phối hợp cụ thể với doanh nghiệp du lịch nên nỗi lo vẫn luôn thường trực. “Hai cái thiếu nhất hiện nay là tàu chuyên dụng và hệ thống điều phối, nên nếu có sự cố xảy ra thì thật tình rất lúng túng. Để chủ động, đến mùa mưa bão anh em đơn vị phải chuẩn bị phao tròn, dây thừng ngừa trong trường hợp có tàu thuyền mắc cạn hay gặp sự cố thì mình cột dây phao một đầu trong này, một đầu quăng ra đó để sóng cuốn ra biển bà con khều vào níu giữ nhằm đảm bảo an toàn. Nói thật, với tầm của đồn thì việc đề xuất tàu chuyên dụng rất khó, nhưng tôi cũng rất mong cấp trên quan tâm cho công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn vì không những tàu cá, hay tàu du lịch mà còn phục vụ cho nhân dân trên đảo, tàu chuyên chở hàng hóa ra vào” - Thượng tá Trần Văn Ba chia sẻ.
Thượng tá Lê Huy Bảy - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm cho hay, hiện đơn vị chỉ có một tàu cứu hộ công suất 200CV nhưng cũng đã quá cũ, sóng cấp 4 cấp 5 là không dám ra biển. “Ngày xưa có ca nô nhưng đã thu hồi về bộ chỉ huy hết rồi. Bây giờ ở ngoài này toàn vận động nhân dân tham gia cứu hộ. Ngoài ra, những thời điểm có gió lớn, tranh thủ tàu ngư dân Quảng Ngãi vào trú ẩn ở Cù Lao Chàm, mình vận động họ đi cứu hộ vì tàu họ lớn, có thể chịu sóng gió cấp 7 cấp 8. Riêng hệ thống ICOM có nhưng hiện đã xuống cấp, chúng tôi cũng đề xuất rồi nhưng vẫn chưa thấy đáp ứng nên những sự cố đơn giản thì huy động dân theo phương châm 4 tại chỗ, có cái chi là vận động cái đó, còn nghiêm trọng thì điện về Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh xin ứng cứu. Nói chung gió cấp 6 cấp 7 thì chịu” - Thượng tá Lê Huy Bảy cho biết.
Thực tế, từ năm 2014, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đã điều một biên đội tàu của Hải đội 2 gồm 4 chiếc (2 ca nô và 2 tàu chịu được sóng cấp 9, cấp 10) vừa làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, vừa trực góp phần tìm kiếm cứu hộ cứu nạn. Tuy nhiên, việc huy động biên đội tàu này cũng khó khăn do chưa có cơ chế phối hợp cụ thể. Vì 2 đơn vị độc lập ngang cấp, nên để điều động tàu Hải đội 2 các đồn biên phòng phải tham mưu đề xuất với bộ chỉ huy mới điều được, chưa kể nhiều khi tàu Hải đội 2 có lúc tại bến có lúc đi làm nhiệm vụ ở biển.
Giữ độ an toàn
Theo Thượng tá Trần Văn Ba, với tư cách là đơn vị thường trực tìm kiếm cứu nạn cứu hộ, đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn cho hành khách trước khi ra đảo, xử lý nghiêm các trường hợp như không mặc áo phao, chở quá tải cũng như chứng chỉ nghiệp vụ chuyên môn của lái tàu không tương ứng… “Chúng tôi luôn xác định công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, sẵn sàng đối phó với tình huống trên sông trên biển cũng là nhiệm vụ chiến đấu của đơn vị. Do vậy, việc duy trì thường trực quân số, trực phương tiện ca nô, đảm bảo được phương tiện, đảm bảo được quân số, khi có sự cố xảy ra là huy động lực lượng được ngay” - Thượng tá Trần Văn Ba nói.
Thực tế, việc kiểm soát hoạt động xuất bến của các phương tiện đường thủy luôn được các đơn vị nơi đây quản lý khá chặt theo trình tự ban quản lý bến làm thủ tục xuất bến, ban quản lý bảo tồn biển bán vé, đồn biên phòng kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn (tải trọng, số lượng khách, chất lượng tàu, mặc áo phao…) nên đã phần nào hạn chế thiếu sót khi phương tiện ra đảo. Ngoài ra, tùy tình hình thực tế như gió cấp 5, cấp 6, không khí lạnh hay áp thấp nhiệt đới thì cấm ca nô chở khách rời bến, đồng thời cảnh báo phương tiện tìm nơi trú ẩn an toàn. Ông Trần Tấn Dũng - Bí thư xã đảo Tân Hiệp cho rằng, dù phương tiện không hiện đại nhưng nếu làm tốt công tác quản lý và phối hợp phòng ngừa thì vẫn có thể hạn chế sự cố tai nạn trên biển. “Theo quy định, gió trên cấp 4 là khách du lịch không được ra vào đảo. Thứ hai, tất cả phương tiện ca nô đều cấm đi vào ban đêm, còn ban ngày do có nhiều ca nô hoạt động trên tuyến này nên nếu có tai nạn xảy ra thì tất cả ca nô sẽ phải tập trung lại cứu hộ. Thứ ba là việc kiểm tra áo phao và tải trọng được kiểm soát chặt mỗi khi xuất bến, vì vậy công tác cứu hộ chủ yếu giải quyết những sự cố nhanh nên nói xảy ra sự cố nghiêm trọng tôi cho là khó, tất nhiên mình vẫn phải luôn cảnh giác đề phòng” - ông Dũng phân tích.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND TP.Hội An: Cần thành lập đội phản ứng nhanh Hiện nay, ngoài các tàu cứu hộ của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cử về nằm trực chiến ở đây thì phía địa phương cũng đã trang bị cho UBND xã Tân Hiệp một số phương tiện cứu hộ, đặc biệt là đang đóng mới một tàu cứu hộ cho xã, giá khoảng 1,2 tỷ đồng, dự kiến tháng 10 này tàu sẽ về. Ngoài ra, cũng đã giải quyết được cho đội đảo yến một chiếc, vậy là Hội An có 2 chiếc, cộng với tàu của Hải đội 2 nữa nên khi có gió bão hay sự cố đột xuất thì có thể xử lý được. Còn nói về hệ thống bộ đàm thì xã Tân Hiệp và đảo yến đều có rồi nhưng chỉ dùng trong chuyên môn, còn dùng trong cứu hộ cứu nạn thì chưa, nhưng nếu cần thiết thì trang bị thôi. Đề xuất thì tôi tính ngay, nhưng tôi đang tính là có nên thành lập một đội cứu hộ chuyên nghiệp không, chứ bán chuyên trách như hiện nay là không ổn. Đội này sẽ có phương tiện cơ động và phải được tập luyện để sẵn sàng ứng cứu trong mọi tình huống thời tiết, kể cả gió cấp 7, cấp 8 điều này đòi hỏi phải có thời gian vì chúng tôi không biết cấp thành phố có được thành lập đội cứu nạn chuyên trách không, nên sẽ làm việc với cơ quan chức năng để xin ý kiến chỉ đạo. Dù hiện nay các cơ quan kiêm nhiệm thực hiện cũng tốt, chưa có sự cố lớn nào xảy ra nhưng cũng phải đề phòng vì tai nạn xảy ra đâu có thông báo trước. Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL: Phòng ngừa, cảnh báo cả hai đầu ra - vào Lâu nay ngành VH-TT&DL cũng đã có nhiều phiên họp bàn với ngành giao thông vận tải và UBND TP.Hội An về vấn đề này. Đồng thời thống nhất, trước tiên, phải kiểm soát chặt chẽ số lượng người trên thuyền, kiên quyết xử lý những trường hợp chở vượt số lượng quy định. Đặc biệt, không cho phép tàu quay đầu nhằm giới hạn số lượng khách ở mức nhất định. Cạnh đó, tăng cường kiểm tra đăng ký, đăng kiểm phương tiện vận chuyển. Hiện nay, việc cứu hộ cứu nạn thuộc lực lượng biên phòng và lực lượng này luôn trong tư thế sẵn sàng. Tuy nhiên, do phương tiện còn hạn chế, có lẽ chúng tôi phải kiến nghị UBND tỉnh nên tăng cường cho đồn biên phòng một thuyền cứu hộ để đủ thêm phương tiện thực hiện nhiệm vụ của mình. Nói chung phải phòng ngừa đầu ra và cảnh báo cả 2 đầu chứ mỗi ngày hàng nghìn khách ra đảo như vậy nếu có vấn đề xảy ra thì rất nguy hiểm. Về việc trang bị bộ đàm và thành lập trung tâm điều phối cứu nạn cứu hộ du lịch tại đây, vấn đề không phải thiếu tiền mà là điều hành quản lý nó như thế nào, đơn vị thống nhất điều phối là ai chứ không phải là mỗi người cầm một cái máy, do đó vấn đề điều hành mới quan trọng chứ không chỉ là cái máy bộ đàm. Trung úy Dương Văn Duy - Hải đội 2 (Bộ đội Biên phòng tỉnh): Quy chế phối hợp cần nhuần nhuyễn Nhiệm vụ chính của Hải đội 2 là tuần tra kiểm soát trên biển, còn nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn là nhiệm vụ thường xuyên. Thực tế, thời gian qua Hải đội 2 đã thực hiện cứu hộ cứu nạn thành công rất nhiều phương tiện. Tuy nhiên, đến nay các bên liên quan vẫn chưa đưa ra phương án phối hợp cụ thể đối với Hải đội 2. Trong khi Đồn Biên phòng Cửa Đại là lực lượng chính tìm kiếm cứu nạn cứu hộ nhưng lại không có phương tiện, không có tàu. Tại sao Ban vận động Hiệp hội Du lịch Cù Lao Chàm không đưa lực lượng Hải đội 2 vào? Nói thẳng ra là sự phối hợp giữa Hải đội 2 và các bên liên quan chưa chặt chẽ. Dù từ trước đến nay chúng ta vẫn ngầm hiểu công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ là nhiệm vụ thường xuyên của Hải đội 2 nhưng khi sự việc xảy ra, hiệp hội chỉ báo lên Đồn Biên phòng Cửa Đại và đồn biên phòng báo về Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, sau đó bộ chỉ huy mới phản hồi với Hải đội 2. Nếu như có sự phối hợp nhuần nhuyễn về công tác cứu hộ cứu nạn thì đồn biên phòng và Hải đội 2 sẽ triển khai nhiệm vụ kịp thời hơn. |
VĨNH LỘC