Tiếp tục khẳng định vai trò người đại biểu
Ngày mai 14.6, HĐND tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021, tổ chức Kỳ họp lần thứ nhất. Nhìn nhận lại kết quả hoạt động của nhiệm kỳ vừa qua, hướng đến nhiệm kỳ mới, trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh khóa VIII - Võ Hồng chia sẻ:
Dấu ấn nổi bật trong hoạt động HĐND tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2011 - 2016 là đã ban hành những nghị quyết phù hợp và sát hơn với thực tiễn của Quảng Nam, đáp ứng được yêu cầu cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đi vào cuộc sống. Từ đó, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng, phát triển chung của tỉnh, cải thiện đáng kể chất lượng đời sống của nhân dân, nhất là ở các vùng nông thôn, vùng xa còn nhiều khó khăn. Có thể kể đến các quyết sách như phát triển giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, thủy lợi nhỏ, luân chuyển giáo viên, xây dựng nông thôn mới… không chỉ tạo động lực thúc đẩy kinh tế các địa phương phát triển mà còn mang tính nhân văn sâu sắc.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng trao bằng khen của UBND tỉnh tặng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác HĐND nhiệm kỳ 2011 - 2016. Ảnh: H.GIANG |
Dấu ấn của nhiệm kỳ 2011 - 2016 của HĐND tỉnh khóa VIII cũng thể hiện rõ qua việc tập trung tháo gỡ và giải quyết hiệu quả các vấn đề bức xúc, đáp ứng được mong mỏi của cử tri. Trong đó, đã tập trung tranh thủ các nguồn vốn của trung ương để đầu tư xây dựng hoàn thành nhiều dự án trọng điểm, như nâng cấp và mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn tỉnh; xây dựng cầu Cửa Đại, mở nút thắt giao thông và tạo động lực thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm phía đông của tỉnh phát triển trong thời gian tới.
Chương trình toàn khóa của HĐND có thể được kết cấu thành 4 phần lớn gồm: các kỳ họp HĐND; hoạt động của Thường trực HĐND; hoạt động của các ban HĐND và hoạt động của tổ đại biểu HĐND. Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cơ cấu Thường trực HĐND đã được mở rộng (Chủ tịch, hai Phó Chủ tịch và Trưởng các ban HĐND). Trên cơ sở nội dung các kỳ họp HĐND, Thường trực HĐND chủ động xây dựng kế hoạch, phân công, phân nhiệm rõ ràng trong việc triển khai giúp HĐND chuẩn bị nội dung chương trình kỳ họp. Tổ chức giám sát và điều hòa hoạt động giám sát; định kỳ mỗi tháng 2 lần thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân; phối hợp với Ban Thường trực UBMT tổ chức cho đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp; phối hợp với Ban Thường trực UBMT đánh giá chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND trong năm; chủ trì hội nghị giao ban theo từng chuyên đề cụ thể với Thường trực HĐND các xã, thị trấn để trao đổi kinh nghiệm hoạt động của HĐND; phối hợp xây dựng và đánh giá tình hình thực hiện quy chế phối hợp hoạt động giữa Thường trực HĐND với UBND và Ban Thường trực UBMT. Theo thẩm quyền mỗi cấp, Thường trực HĐND phối hợp tổ chức tập huấn kỹ năng làm nhiệm vụ cho đại biểu ngay từ đầu nhiệm kỳ. |
Dấu ấn thứ ba là HĐND tỉnh khóa VIII đã thực hiện được quyền lực của chính quyền địa phương thông qua việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo do HĐND bầu. Qua việc lấy phiếu tín nhiệm đã giúp cho thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tự soi rọi mình, phấn đấu rèn luyện, nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao, được cử tri đồng tình ủng hộ.
PV: Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực, thay cho Luật HĐND và UBND năm 2003. Vậy, quyền lực của cơ quan dân cử ở địa phương sẽ được thể hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Võ Hồng: Có thể khẳng định, đây là một bước ngoặt thể hiện rõ quyền lực của cơ quan nhà nước ở địa phương. Và Luật Tổ chức chính quyền địa phương phân định khá rõ nét về phân cấp quản lý, phân quyền cho chính quyền địa phương. Với vai trò là chính quyền địa phương, đại diện nhà nước quản lý và gắn với trách nhiệm rõ ràng, cụ thể hơn cho chính quyền ở từng cấp. Do đó, HĐND các cấp lần này có trách nhiệm tương đối minh bạch. Vai trò của người đại biểu dân cử ở mỗi cấp chính quyền cũng được thể hiện rõ trong việc thực hiện quyền của mình. Tiếng nói của người đại biểu là đại diện cho cử tri bầu ra mình và phải thể hiện đầy đủ, trung thực nguyện vọng của cử tri đến nghị trường. Như vậy, yêu cầu đặt ra là người đại biểu phải tham gia đông đủ, tích cực, có trách nhiệm để việc ban hành các chủ trương, chính sách được phù hợp với thực tiễn của địa phương và đáp ứng mong mỏi của cử tri.
Lần này, Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng quy định hoạt động của các Tổ đại biểu HĐND là giúp cho HĐND phản ánh một cách đầy đủ ý kiến của các đại biểu, từng cá nhân đại biểu đến nghị trường. Luật cũng quy định, Thường trực HĐND là một tổ chức, hoạt động theo quy chế nhằm bàn bạc, tham mưu cho HĐND quyết định những nội dung trình cho các kỳ họp của HĐND. Thường trực HĐND trong các phiên họp định kỳ có quyền yêu cầu các thành viên UBND do HĐND bầu báo cáo, giải trình về các nội dung, việc thực thi nhiệm vụ do Thường trực HĐND và HĐND giao. Cơ quan HĐND có trách nhiệm bầu ra các thành viên là thủ trưởng cơ quan hành chính của nhà nước ở địa phương. Điều này thể hiện rõ tính đại diện cho cử tri của người đại biểu dân cử; đồng thời góp phần kiểm soát, giám sát được hoạt động, việc thực thi quyền lực của các cơ quan thừa hành công vụ. Ngoài ra, việc tổ chức bộ máy HĐND cũng được kiện toàn ở 3 cấp. Theo quy định, HĐND cấp xã cũng có các ban, có nhiệm vụ tham mưu cho HĐND xem xét, quyết định thông qua các chương trình, nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; qua đó góp phần thể hiện rõ vai trò là cơ quan quyền lực đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri ở cấp xã.
PV: Ông có thể chia sẻ đôi nét về định hướng hoạt động của HĐND tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021?
Ông Võ Hồng: Khi đời sống kinh tế - xã hội được cải thiện, công tác an sinh xã hội được chăm lo tốt hơn thì cử tri của tỉnh cũng hài lòng hơn đối với những đại biểu do chính mình bầu ra. Đồng thời hoạt động của các đại biểu ngày càng gắn bó mật thiết và sâu sát hơn với cơ sở, với đời sống nhân dân. Trong mối quan hệ biện chứng đó, vai trò của người đại biểu dân cử cũng được thể hiện rõ nét thông qua các hoạt động thuộc chuyên môn và chức trách được giao. Nói vậy để nhấn mạnh rằng, mục tiêu chung nhất được các đại biểu dân cử của tỉnh trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 xác định và kiên trì thực hiện là ra sức đóng góp tâm huyết, năng lực, trí tuệ để nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử; tham gia đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. HĐND tỉnh khóa IX sẽ luôn nêu cao tính chủ động trong việc ban hành các chương trình, nghị quyết trên cơ sở định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI. Đặc biệt là tập trung xây dựng và ban hành các nghị quyết chuyên đề để thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ đột phá của tỉnh. Cùng với đó là căn cứ vào dự báo, dự lường về tình hình trong nước nói chung và của tỉnh nói riêng để hoạch định xây dựng nghị quyết phù hợp và sát với thực tế điều kiện của tỉnh…
Quyết định những vấn đề quan trọng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, sự mong đợi của nhân dân Thường trực HĐND tỉnh khóa VIII cho biết, trong nhiệm kỳ 2011 - 2016, HĐND tỉnh đã ban hành 204 nghị quyết. Hầu hết dự thảo nghị quyết trình HĐND thông qua tại các kỳ họp đều được Thường trực HĐND phối hợp với UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh bàn bạc thống nhất tại những cuộc họp liên tịch để giao nhiệm vụ cho các ngành chức năng chuẩn bị khá chu đáo. Cũng theo Thường trực HĐND tỉnh khóa VIII, từ thực tiễn hoạt động của HĐND tỉnh trong nhiệm kỳ qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm: Việc đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của các cấp ủy đảng trong công tác tổ chức, cán bộ và hoạt động của HĐND là yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền hoạt động của HĐND tỉnh, tạo ra nhận thức đầy đủ và nhất quán trong cả hệ thống chính trị về vai trò, vị trí của HĐND - cơ quan đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Giải quyết tốt mối quan hệ hữu cơ giữa cơ cấu và chất lượng đại biểu để bầu ra được những đại biểu có năng lực, trình độ hoạt động, tâm huyết với nhiệm vụ và có điều kiện thực hiện nhiệm vụ. Coi trọng việc kiện toàn, củng cố cơ cấu tổ chức, bộ máy; nâng cao tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách và cơ quan tham mưu, giúp việc đủ mạnh để làm nòng cốt trong mọi hoạt động của HĐND. Thường xuyên duy trì mối quan hệ phối hợp công tác chặt chẽ giữa HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh - Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan trong việc thực hiện 2 chức năng cơ bản của HĐND là quyết định và giám sát; trong việc tiếp xúc thu thập và giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đồng thời cần có sự chủ động, sáng tạo của Thường trực, các Ban HĐND và đại biểu HĐND tỉnh trong việc đưa ra những cải tiến, đổi mới nội dung và phương thức để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND. |
HÀN GIANG