Quyền dân sự và chính trị của công dân
Cuối năm 2013, Việt Nam trúng cử và trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc (nhiệm kỳ 2014 - 2016). Đây là sự kiện khẳng định uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền dân sự và chính trị của nhân dân. Điều này được thể hiện rõ trong Hiến pháp 2013.
Sáng 12.11 (giờ New York), với 184 phiếu thuận trên tổng số 192 phiếu, Việt Nam đã trúng cử trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc. Ảnh Internet |
Những năm qua, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng đổi mới hình thức, nội dung các kỳ họp theo hướng chất lượng, thực chất, dân chủ. Đặc biệt là, việc công khai các phiên chất vấn thành viên của Chính phủ, bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn,... đã góp phần xây dựng bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh, nhằm bảo đảm tốt hơn quyền dân sự và chính trị của nhân dân.
Trong lịch sử nhân loại, tư tưởng về quyền dân sự và chính trị có sự phát triển về nội hàm cùng với sự phát triển của xã hội. Theo Công ước Quốc tế năm 1966, quyền dân sự và chính trị của từng cá nhân được xác định, bao gồm: quyền sống, quyền tự do tôn giáo, tự do phát biểu, tự do hội họp, quyền bầu cử và quyền được xét xử bình đẳng, theo đúng trình tự pháp luật... Theo đó, quyền dân sự được hiểu là những quyền gắn liền với mỗi cá nhân và không thể chuyển giao cho người khác; quyền chính trị là những quyền tự do cơ bản của cá nhân. Điều đó đã được thể hiện đầy đủ trong Hiến pháp 2013. So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp 2013 đã bổ sung một số quyền mới, phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Trong đó, đã làm rõ hơn nội dung về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân, trách nhiệm của nhà nước và xã hội trong việc thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự và chính trị của công dân. Điều 24 Hiến pháp 2013 khẳng định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.
Hiến pháp 2013 đã bổ sung một số điều mới, như Điều 19: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”. Điều 41: “Mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa”. Điều 42: “Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp”. Điều 43: “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”... Đồng thời Hiến pháp 2013 cũng bổ sung nhiều vấn đề mới về quyền con người, như: quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội; quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, về chỗ ở; quyền sở hữu tư nhân; quyền đầu tư sản xuất, kinh doanh…, thể hiện rõ hơn các quyền dân sự và chính trị của công dân.
Để bảo đảm quyền dân sự và chính trị của nhân dân, Đảng và Nhà nước ta đang tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, tư pháp, xây dựng hệ thống chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh với đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” là vấn đề được quan tâm đặc biệt. Đảng đang đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng với mục tiêu: mang lại ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên, cơ quan, đơn vị, đoàn thể chính trị - xã hội tích cực tham gia tuyên truyền, phổ biến hiến pháp, pháp luật, cũng chính là góp phần bảo vệ và phát huy quyền con người, xây dựng ý thức “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” cho mỗi công dân.
HỎI - ĐÁP HIẾN PHÁP - Hỏi: Quyền con người, quyền công dân được quy định như thế nào? -Trả lời: Quyền con người, quyền công dân được quy định trong Hiến pháp đã kế thừa các bản Hiến pháp trước và được phải triển cơ bản như sau: 1. Các quyền về chính trị, dân sự bao gồm: Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định. Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm nào khác trên cơ thể người phải có sự đồng ý của người được thử nghiệm. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định. Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân. Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật. Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, công bằng, công khai. Trường hợp xét xử kín theo quy định của luật thì việc tuyên án phải được công khai. Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm. Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người vi phạm pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật. (Còn nữa) |
KIẾN TÂN (Tổng hợp)