Quy hoạch - Đầu tư

Động lực từ đô thị vùng Đông Quảng Nam - Bài cuối: Điểm nhìn quá khứ, chọn lựa tương lai

QUỐC TUẤN - THÀNH CÔNG 15/03/2024 10:03

Khắc phục, tránh tối đa tái diễn các hạn chế của đô thị đi trước là yêu cầu tất yếu để phát triển nhanh và bền vững đô thị ở vùng Đông Quảng Nam.

dji_0237.jpeg
Phần lớn các dự án khu đô thị, dân cư, nhà ở thương mại ở đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc đầu tư chủ yếu là phân lô bán nền, thiếu các dự án đô thị kiểu mẫu. Ảnh: TUẤN CÔNG

Bài học từ các đô thị mới

Sau hơn 20 năm phát triển, có thể nói đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn) đã để lại nhiều bài học cho tiến trình phát triển đô thị Quảng Nam.

Sở Xây dựng cho biết, tại đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc có một số dự án được chấp thuận đầu tư hơn 10 năm nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Phần lớn các dự án khu đô thị, dân cư, nhà ở thương mại đầu tư chủ yếu là phân lô bán nền, thiếu các dự án đô thị kiểu mẫu. Tỷ lệ lấp đầy nhà ở trong các khu đô thị, khu dân cư khá thấp, gây lãng phí về nguồn lực xã hội, tài nguyên đất đai.

Sau 2 năm từ thời điểm Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Điện Bàn chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng tập trung rà soát, báo cáo đánh giá toàn diện các dự án tại đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, mọi thứ vẫn đang dang dở.

Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, thị xã vẫn đang trong quá trình phân loại. Hầu hết dự án được địa phương đánh giá nằm ở nhóm 2 (nhóm có khả năng giải phóng mặt bằng và được cộng đồng ủng hộ trong công tác giải phóng mặt bằng) hiện đã bị trễ tiến độ và không có trong kế hoạch sử dụng đất, để tháo gỡ vấn đề này phụ thuộc vào quyết định của tỉnh.

“Trong quy hoạch phát triển của các đô thị ven biển, nhất là đô thị mới ở Quảng Nam cần phải thực hiện đồng thời và tổng thể trên 3 khía cạnh: Khai thác không gian biển, thiên nhiên biển; khai thác vùng bờ biển, cảnh quan ven biển với phương thức thích hợp nhất; chú trọng các lĩnh vực “hậu cần, kết nối” và “thị trường” cho kinh tế biển. Như vậy mới tạo ra một vệt đô thị biển đúng nghĩa và đúng tầm vóc như kỳ vọng của quy hoạch”.

PGS-TS. Hoàng Mạnh Nguyên - Chủ tịch Viện Khoa học công nghệ đô thị xanh

Để giải quyết cơ bản hạn chế còn tồn tại ở đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc sẽ còn mất rất nhiều thời gian. Vấn đề quan trọng không kém là không để kịch bản này tái diễn ở các đô thị mới khác, nhất là khu vực vùng Đông.

Đô thị mới Duy Hải - Duy Nghĩa (Duy Xuyên), vài năm gần đây cũng xuất hiện nhiều vướng mắc, trong đó nổi lên việc nhiều hộ dân vùng dự án di dời không được, còn một số khu tái định cư xây mãi không xong.

do-thi-moi.jpg
Hầu hết khu tái định cư ở Duy Hải - Duy Nghĩa đều chưa đồng bộ về hạ tầng khung. Ảnh: TUẤN CÔNG

Thực trạng này phản ánh công tác tạo lập quỹ đất sạch, bố trí tái định cư ở nhiều địa phương vẫn còn bị động, chưa được xem là vấn đề đầu tiên phải thực hiện trong quá trình triển khai dự án, làm ảnh hưởng đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, lựa chọn, thu hút nhà đầu tư phát triển dự án đô thị.

Chưa nói, việc đầu tư xây dựng các khu tái định cư còn bất cập, hạ tầng thiếu đồng bộ, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân bố trí tái định cư.

Thời gian qua UBND tỉnh đã bàn giao nguyên trạng, đồng thời cấp kinh phí hỗ trợ cho huyện Duy Xuyên tiếp tục hoàn thiện 6 dự án khu tái định cư dang dở để phục vụ tiến trình phát triển đô thị mới Duy Hải - Duy Nghĩa.

Với tỷ lệ đô thị hóa còn khá thấp, việc các đô thị mới hình thành với tốc độ, quy mô lớn hơn trong giai đoạn đến là xu thế tất yếu, nhất là ở vùng Đông.

Bài học từ những vấp váp của các đô thị mới đi trước đã được rút ra để có giải pháp hữu hiệu hóa giải trục trặc trong đô thị hóa thời gian qua.

Đơn cử, Dự án sắp xếp dân cư ven biển Điện Bàn đang triển khai được xem là đang đi đúng hướng, tránh được “vết xe đổ” để quy hoạch đô thị bài bản, hài hòa hơn. Theo ông Nguyễn Xuân Hà, ước tính có hơn 2,4 nghìn hộ với hơn 10,7 nghìn nhân khẩu nằm trong phạm vi hiện trạng dự án.

Dự án này sẽ giúp rà soát tổng thể khu vực nào có thể triển khai dự án du lịch - dịch vụ, khu vực nào sắp xếp, chỉnh trang dân cư... để hoàn thiện bộ mặt đô thị. Hiện phân khu đô thị ven biển (khu vực thực hiện dự án sắp xếp dân cư) cũng đang được Điện Bàn xác định là ưu tiên trong phát triển đô thị giai đoạn tới.

Thích ứng biến đổi khí hậu

Đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu là vấn đề của thời đại, đô thị vùng Đông Quảng Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này.

PGS-TS. Nguyễn Hồng Tiến - nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) nhận định, các đô thị ven biển Quảng Nam hứng chịu tác động của 4 tai biến chủ yếu liên quan đến biến đổi khí hậu.

Bao gồm: tai biến bão kèm theo mưa lớn tạo sóng lớn sẽ phá hủy bờ và các công trình gần bờ (kể cả giao thông); tai biến lũ và ngập lụt; tai biến do triều cường; tai biến sạt lở, bồi tụ bờ sông, bờ biển. Vì vậy, việc xây dựng, phát triển đô thị và hạ tầng đô thị nói chung, các khu vực ven biển phải lưu ý đến yếu tố đặc thù, các tai biến do biến đổi khí hậu kể trên.

dji_0256.jpeg
Tam Kỳ hiện dành nhiều nguồn lực cho vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu trong phát triển đô thị. Ảnh: TUẤN CÔNG

Theo báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch tỉnh Quảng Nam, dự báo mức tăng nhiệt độ trung bình năm vào giữa thế kỷ này ở Quảng Nam là 1,8 độ C. Lượng mưa trung bình năm có xu hướng gia tăng khoảng 18%. Số lượng bão mạnh và rất mạnh cũng có xu hướng gia tăng. Do đó tất yếu nhiều nhà cửa, cảng cá, cầu, tuyến đường, các khu du lịch biển ở vùng Đông nằm trong vùng chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu.

Ngoài định hướng phát triển đô thị xanh từ khá lâu, Tam Kỳ đã và đang dành nhiều sự quan tâm cho vấn đề thích ứng biến đổi khí hậu. TP.Tam Kỳ đang là một trong hai đô thị của Việt Nam được chọn triển khai thí điểm “Dự án thực hiện làm mát hiệu quả và thân thiện với khí hậu tại khu vực đô thị ở Việt Nam”.

Về ứng phó ngập úng, ông Trần Trung Hậu - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ thông tin: “Hiện đề án thoát nước khu vực nội thị đô thị đã được hoàn thành, làm cơ sở hoàn thiện hồ sơ các dự án phục vụ mục tiêu nâng cao năng lực thoát nước khu vực nội thị.

Đơn cử: Hệ thống thoát nước khu vực Đài Phát thanh - truyền hình tỉnh đến mương ADB, tuyến mương ngầm thoát nước dọc đường Trưng Nữ Vương, nâng cấp kênh từ cầu ngân hàng đến Bạch Đằng…. Ngoài ra, quy hoạch tỉnh cũng đã định hướng việc xây dựng đập ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Bàn Thạch phục vụ đa mục tiêu”.

Hội An cũng là đô thị được dự báo chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. UBND tỉnh mới đây đã yêu cầu Hội An phải cập nhật quy định quản lý cụ thể, chi tiết để làm cơ sở triển khai quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu vực nhạy cảm như phố cổ, khu vực ven sông Thu Bồn, cồn bãi trong lòng sông và ven sông, khu vực rừng dừa nước và khu vực ven biển vào đồ án quy hoạch chung thành phố trước khi trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Đối với các cồn bãi chưa đánh giá hiện trạng khai thác hoặc chưa khai thác phải ưu tiên hình thành công viên cây xanh, giảm tỷ lệ khai thác thương mại dịch vụ.

Theo UBND thị xã Điện Bàn, trong chương trình phát triển đô thị đến năm 2030 và năm 2045, địa phương cũng đã đề xuất mới 3 chương trình, đề án lớn liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu cho đô thị.

Bao gồm: Dự án hợp tác với các đối tác quốc tế về thích ứng biến đổi khí hậu tại thị xã Điện Bàn; Đề án xây dựng nhà ở an toàn với bão, lũ cho vùng trũng, thấp; Chương trình thích ứng với ngập lụt do mưa lớn, triều cường và nước biển dâng cho khu vực đô thị ven biển.

QUỐC TUẤN - THÀNH CÔNG