Quy hoạch - Đầu tư

Động lực từ đô thị vùng Đông Quảng Nam - Bài 2: Định hình bản sắc đô thị

QUỐC TUẤN - THÀNH CÔNG 13/03/2024 09:00

Chuỗi đô thị ở vùng Đông đang dần định hình, được kỳ vọng sẽ mang nhiều sắc thái, chức năng khác nhau, tạo ra bản sắc cho bức tranh đô thị Quảng Nam.

dji_0349.jpeg
Hội An được xem là đô thị duy nhất của tỉnh cơ bản đã hình thành được chức năng đặc trưng là một đô thị văn hóa - du lịch. Ảnh: TUẤN CÔNG

Định vị chức năng đô thị đặc trưng

Đến nay, Hội An được xem là đô thị duy nhất của tỉnh cơ bản đã hình thành chức năng đặc trưng là một đô thị văn hóa - du lịch thay vì chỉ là trung tâm tổng hợp cấp địa phương, cấp tỉnh như toàn bộ hệ thống đô thị còn lại.

Do đó, chuỗi đô thị vùng Đông được định vị trong quy hoạch tỉnh được kỳ vọng sẽ “khoác áo mới” về chức năng cho từng đô thị theo nền tảng, lợi thế vốn có.

Với đô thị tỉnh lỵ Tam Kỳ, ngoài chức năng tổng hợp, chức năng đặc trưng được hoạch định mới như trung tâm hội thảo MICE của vùng Nam Trung Bộ, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trung tâm công nghiệp, cảng biển, logistics, trung tâm du lịch sinh thái...

Theo quy hoạch tỉnh, Hội An được định hướng trở thành đô thị mang tính chất chuyên ngành du lịch - văn hóa của tỉnh và quốc gia; trung tâm văn hóa - lễ hội mang tính dân tộc cấp quốc gia, đủ năng lực tổ chức các sự kiện quốc tế.

dji_0949.jpeg
Ngoài chức năng đô thị tổng hợp, theo quy hoạch tỉnh, Tam Kỳ sẽ trở thành trung tâm hội thảo MICE của vùng Nam Trung Bộ, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trung tâm công nghiệp, cảng biển, logistics, trung tâm du lịch sinh thái trong tương lai. Ảnh: TUẤN CÔNG

Ông Trần Ánh - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Hội An cho rằng, với các giá trị sẵn có và sự phát triển của địa phương, Hội An thực tế đã và đang trở thành một trung tâm văn hóa - du lịch lớn của cả nước.

Vướng mắc lớn của Hội An là rất cần tỉnh hỗ trợ để trở thành trung tâm đối ngoại của tỉnh, đủ tầm đón tiếp, tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế.

Thông tin từ Sở VH-TT&DL, sở đã nhiều lần cùng lãnh đạo Bộ VH-TT&DL khảo sát tại Hội An về việc tổ chức các sự kiện, hội chợ quốc tế tầm cỡ nhưng đều không đạt yêu cầu.

Về lâu dài, tỉnh cần nghiên cứu đầu tư một trung tâm đa chức năng để tổ chức các sự kiện cấp quốc tế, đón tiếp các nguyên thủ… tại Hội An thì thành phố mới đủ điều kiện để phát triển như kỳ vọng của quy hoạch.

Một số đô thị khác ở vùng Đông được quy hoạch tỉnh gắn các chức năng đặc trưng có thể kể đến như: đô thị mới Duy Hải - Duy Nghĩa hay đô thị mới Bình Minh có tính chất trung tâm hậu cần nghề cá; khu tái định cư cho vệt ven biển; cung cấp lao động và nguyên liệu cho hoạt động dịch vụ - du lịch…

Định hướng này xuất phát trên nền tảng sẵn có khá thuận lợi về hạ tầng - lao động mang tính chất đặc trưng thiên về ngư nghiệp của cư dân vùng bãi ngang. Tuy nhiên, về lâu dài vẫn còn rất nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.

Kết nối từ góc độ sông - biển

Bên cạnh việc nằm trải dọc theo bờ biển, ở góc độ tự nhiên, dễ dàng nhận thấy vệt đô thị vùng đông đều len lỏi hơi thở và xâu chuỗi để tìm tiếng nói chung với nhau từ yếu tố sông.

Ở phía bắc, sự đột phá của Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc và một phần đô thị Hội An gắn liền với “sinh mệnh” dòng sông Cổ Cò. Ở phía nam, sự phát triển của tỉnh lỵ Tam Kỳ và vùng đô thị phụ cận chịu ảnh hưởng lớn của sông Tam Kỳ, sông Bàn Thạch.

dji_0898.jpeg
Một góc đô thị vùng hạ du sông Thu Bồn. Ảnh: TUẤN CÔNG

Hai vùng đô thị trọng điểm ở phía bắc và phía nam của tỉnh lại được nối mạch thông qua sông Trường Giang. Nếu bản thân Tam Kỳ từ lâu đã gắn với định danh “thành phố ngã ba sông” thì Hội An cũng là “đô thị hội thủy” khi là trung điểm để đón nguồn nước Thu Bồn - Trường Giang - Cổ Cò nhập lại trước khi đổ ra biển.

Nhiều nhà quy hoạch nhìn nhận sự độc đáo của yếu tố sông vùng đô thị này đến từ việc có tới hai con sông là Cổ Cò và Trường Giang chảy dọc theo hướng bắc - nam mà không có thượng nguồn.

“Bám theo dọc sông Trường Giang, nơi quỹ đất ven sông còn rộng mở, cơ hội để Duy Xuyên và Thăng Bình thúc đẩy tiến trình phát triển đô thị là rất lớn. Thế nhưng, vẫn cần phải tổ chức không gian, cấu trúc đô thị phù hợp để vừa phát huy lợi thế vừa chống chịu được điều kiện khắc nghiệt của vùng ven biển cũng như thích ứng biến đổi khí hậu” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

Trở lực hiện nay nằm ở việc cả sông Cổ Cò và sông Trường Giang đều bị tắc nghẽn nhiều đoạn. Dự án thành phần nạo vét sông Cổ Cò thuộc Dự án phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP.Hội An triển khai từ năm 2020 đến nay vẫn chưa hẹn ngày hoàn thành.

Trong khi đó, việc nạo vét sông Trường Giang với chiều tuyến luồng khoảng 60km sẽ còn phụ thuộc vào sự chuyển động của Dự án phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam. “Thông mạch” được các tuyến sông này, Quảng Nam sẽ thiết lập một hành lang thủy độc đáo song song với đường ven biển 129 kết nối từ TP.Đà Nẵng vào đến Núi Thành.

Chờ chính sách, dự án đi kèm

Để các đô thị tiệm cận được chức năng đặc trưng đã được định vị, quan trọng nhất vẫn là các dự án liên quan được cụ thể hóa trên thực tế.

Theo UBND huyện Duy Xuyên, để cụ thể hóa chức năng đô thị được quy hoạch của Duy Hải - Duy Nghĩa, rất cần sớm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cảng cá Hồng Triều trong giai đoạn 2023 - 2025 để cảng này trở thành cảng cá loại II như quy hoạch.

Hiện dự án mở rộng khu neo đậu tàu thuyền, kết hợp xây dựng cảng cá Hồng Triều đang trong giai đoạn 2 (tổng mức đầu tư khoảng 50 tỷ đồng) với quy mô đáp ứng công suất tàu lớn nhất 350CV và đón khoảng 100 lượt tàu ra vào cảng hàng ngày. Bên cạnh đó, cũng cần sớm nâng cấp bến cá An Lương (Duy Xuyên) trở thành cảng cá loại III theo quy hoạch tỉnh.

dji_0291-2.jpeg
Việc hoàn thiện dự án mở rộng khu neo đậu tàu thuyền, kết hợp xây dựng cảng cá Hồng Triều trong tương lai sẽ giúp đô thị mới Duy Hải - Duy Nghĩa cụ thể hóa chức năng trung tâm hậu cần nghề cá. Ảnh: TUẤN CÔNG

Với một lượng lớn lao động được dự báo sẽ chuyển dịch ngành nghề do tác động của đô thị hóa tại vùng Đông Duy Xuyên - Thăng Bình, rất cần sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương để lực lượng lao động này đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng cũng như an cư, lạc nghiệp ngay tại quê nhà.

Về đô thị Hội An, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, là một địa phương đã tự chủ ngân sách, thành phố nhận thức được nguồn lực hỗ trợ lớn nhất đối với Hội An từ cấp trên chính là các cơ chế, chính sách.

Nếu sớm có nghị quyết chuyên đề để triển khai chính sách riêng theo Nghị quyết 31 của Tỉnh ủy cũng như đồ án quy hoạch chung thành phố và đề án bảo tồn, phát huy giá trị đô thị cổ Hội An - di sản văn hóa thế giới đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 sớm được phê duyệt thì Hội An sẽ rất thuận lợi trong việc cụ thể hóa việc phát triển đô thị như tinh thần quy hoạch tỉnh.

Trong khi đó, theo chương trình phát triển đô thị thị xã, giai đoạn 2026 - 2030 tổng mức đầu tư từ vốn đầu tư công và xã hội hóa để xây dựng đô thị Điện Bàn cơ bản đạt chuẩn đô thị loại III dự kiến lên đến hơn 13,8 nghìn tỷ đồng.

Một số nhóm dự án ưu tiên cho mục tiêu này như chợ hạng I, công viên Mẹ Thứ kết hợp thư viện thị xã, hệ thống trạm xử lý nước thải và đường ống thu gom tại đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc…

Cơ hội mới từ trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cấp quốc gia

Khẳng định hành trình của Quảng Nam sắp tới sẽ mang nhiều khát vọng, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chia sẻ, các đô thị vùng Đông của tỉnh sẽ có thêm lựa chọn khá mới mẻ: trở thành một trong những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cấp quốc gia.

“Các đô thị khu vực phía bắc sẽ phát triển đào tạo gắn với đổi mới sáng tạo và gắn với TP.Đà Nẵng. Các đô thị phía nam sẽ phát triển đào tạo theo mô hình đô thị đại học.

Quảng Nam sẽ thu hút các trường học, trường dạy nghề, trường đại học có chất lượng cao để tập trung xây dựng các cơ sở đào tạo theo mô hình đô thị đại học của các nước tiên tiến. Đây là nét mới mà Chính phủ đã mở ra cho Quảng Nam.

Ngoài ra, sẽ chú trọng phát triển các cơ sở y tế chuyên sâu, y tế chất lượng cao, chăm sóc chuyên biệt cho bà mẹ, trẻ em, người già đạt tiêu chuẩn cấp khu vực và quốc tế. Đây là điều Quảng Nam đang hướng tới và hoàn toàn có thể làm được” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Động lực từ đô thị vùng Đông Quảng Nam - Bài 2: Định hình bản sắc đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO